Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 08/11/2024 14:29 (GMT +7)
Chuyên gia Việt lưu ý về biến thể mới của SARS-CoV-2
Thứ 7, 12/08/2023 | 14:38:44 [GMT +7] A A
Một biến thể mới của virus SARS-CoV-2 đang lan rộng ở Anh và Mỹ, có khả năng lây lan nhanh chóng làm gia tăng các ca nhiễm COVID-19 trên toàn thế giới.
Vậy biến chủng mới này có nguy hiểm, Việt Nam cần ứng phó ra sao?
Ngày 9-8, tổng giám đốc Tổ chức Y tế thế giới (WHO) ông Tedros Adhanom Ghebreyesus cho biết tổ chức này đang theo dõi một số biến thể SARS-CoV-2 mới. Biến thể này là EG.5, đang lan rộng ở Mỹ và Vương quốc Anh, được nhận định là một dòng phụ của Omicron.
"Dù EG.5 khiến tỉ lệ mắc bệnh cao hơn, lợi thế tăng trưởng và các đặc tính trốn tránh miễn dịch của nó cũng tăng, đến nay vẫn chưa có báo cáo cho thấy mức độ nghiêm trọng của bệnh thay đổi", đại diện WHO nói.
Theo ông Trần Đắc Phu, nguyên cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), WHO công bố đang theo dõi một số biến thể mới của virus SARS-CoV-2 đang lan rộng ở Mỹ và Vương quốc Anh.
Tuy nhiên, WHO chưa có cảnh báo cụ thể đối với các nước về độc tính, khả năng lây lan của biến thể mới này.
Trong bối cảnh hiện nay, Việt Nam cần tiếp tục theo dõi sát các thông tin của WHO về tính lây lan và độc lực của các biến thể mới.
Bên cạnh đó, người dân cần tiếp tục thực hiện các biện pháp dự phòng như đeo khẩu trang ở khu vực nguy cơ, khi tiếp xúc với người có triệu chứng nghi ngờ, khử khuẩn tay thường xuyên và tiêm vắc xin phòng bệnh. Đặc biệt với nhóm người nguy cơ cao, có bệnh lý nền, người có hệ suy giảm miễn dịch…
Trước đó, vào tháng 5 khi WHO chính thức tuyên bố đại dịch COVID-19 không còn là tình trạng khẩn cấp y tế toàn cầu, WHO vẫn nhấn mạnh về việc dịch bệnh vẫn chưa kết thúc.
Đồng thời khuyến nghị các quốc gia theo dõi sát sao về sự lây lan của virus trong cả nước, chuyển từ ứng phó dịch khẩn cấp sang quản lý, kiểm soát và phòng ngừa dịch COVID-19 bền vững lâu dài.
Bộ Y tế vẫn duy trì giám sát ca bệnh
Theo chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Y tế đang thực hiện hoàn thiện hồ sơ đưa COVID-19 từ bệnh truyền nhiễm nhóm A sang nhóm B. Hiện Việt Nam vẫn duy trì giám sát ca bệnh và công bố hằng ngày số mắc mới, chuyển nặng và tử vong, tiếp tục tiêm chủng vắc xin phòng bệnh.
Theo báo cáo của Bộ Y tế từ đầu tháng 8 đến nay số ca mắc COVID-19 chỉ dao động từ vài chục ca mỗi ngày.
Song song với việc ca mắc COVID-19 giảm thì số mũi tiêm vắc xin phòng COVID-19 cũng giảm. Theo báo cáo của Bộ Y tế, từ ngày 20-7 đến nay không có mũi vắc xin phòng COVID-19 nào được tiêm. Trước đó ngày 19-7 có 26 liều tiêm, tổng số liều vắc xin tính đến nay là 266.532.582 liều.
WHO: biến thể EG.5 không đáng lo ngại
Tối 9-8, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) phân loại chủng coronavirus EG.5 xuất hiện tại Mỹ và Trung Quốc là “biến thể cần quan tâm”. Tuy nhiên, tổ chức này cũng thông tin rằng biến thể mới này của COVID-19 không gây ra mối quan ngại cho sức khỏe cộng đồng hơn các biến thể khác trước đây.
EG.5 là chủng lây lan nhanh và đang phổ biến tại Mỹ, là nguyên nhân khiến số ca mắc COVID-19 tại nước này tăng, chiếm 17% trong tổng số ca. Chủng mới này cũng được tìm thấy tại Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Canada, cùng một số quốc gia khác.
“Nhìn chung, các bằng chứng hiện tại không cho thấy EG.5 gây nguy cơ cho sức khỏe cộng đồng hơn các chủng Omicron đang lây lan gần đây”, Hãng tin Reuters dẫn đánh giá của WHO.
Theo Tuổi trẻ
Liên kết website
Ý kiến ()