Tất cả chuyên mục

Bây giờ thì cuộc sống của gia đình ông Vũ Viết Hùng (thợ sửa xe máy ở khu phố 2, thị trấn Mạo Khê, huyện Đông Triều) mặc dù chưa phải là giàu có nhưng cũng đã khấm khá hơn trước nhiều rồi.
Tất cả là nhờ các con cái ông, mỗi đứa một chút, vun vào giúp bố mẹ mà nên thôi! Chẳng thế mà bà con xóm phố vẫn bảo: ''-Gia đình ông có phúc, nhà nghèo sinh con thảo”...
Ông Vũ Viết Hùng đang sửa xe máy cho khách.
Chúng tôi quen biết gia đình ông Hùng cũng là tình cờ. Chuyện là hồi ấy, dễ đã gần 20 năm trước, tôi và một anh bạn qua đây, chẳng may xe máy bị trục trặc, đành phải đưa vào hiệu sửa xe cạnh đường để sửa. Chủ hiệu sửa xe máy ấy chính là ông Hùng. Đến khi sửa xong, cả hai lục túi lấy tiền, góp ''hết vốn'' vẫn chưa đủ để thanh toán tiền công... Ông Hùng cười: -Thôi mà, các chú nhỡ độ đường, cứ đi đi! Khi nào qua đây trả nốt cũng được!''. Mãi gần hai tháng sau, qua một người bạn làm ở Công an thị trấn Mạo Khê, chúng tôi mới gửi trả ông được số tiền còn thiếu... Thế rồi thành chỗ quen biết! Và vì là chỗ quen biết nên chúng tôi hiểu khá rõ gia cảnh nhà ông...
Ông Hùng sinh ra trong một gia đình có tới 6 anh chị em nhưng chỉ có người em thứ 5 và thứ 6 là được học đến hết PTTH. Và không biết có phải vì thế chăng, sau khi xây dựng gia đình, mặc dù điều kiện vô cùng khó khăn nhưng ông Hùng vẫn quyết tâm phải tìm mọi cách để con cái được học hành đầy đủ...
“- Tôi vào làm thợ mỏ Mạo Khê, sau khi lấy vợ, năm 1979 thì sinh thằng cả. Kế năm sau có ngay cô con gái thứ 2, rồi chỉ 2 năm sau nữa thì có đứa thứ 3 và 2 năm sau nữa lại có thêm thằng thứ tư. ''Cái thời ''quá độ'' mà, có biết KHHGĐ gì đâu...'' - Ông Hùng cười - ''Đã thế, cái số tôi lại vất vả, con bé thứ ba vừa sinh ra thì ông nội nó mất bởi một tai nạn giao thông. Tôi làm công nhân mỏ, hết ca về là lại cắm mặt vào sửa chữa xe đạp, xe máy để kiếm thêm thu nhập cho gia đình. Phải chắt chiu từng đồng để vừa phụ giúp cùng mẹ nuôi các em, lại vừa nuôi các con của mình...
Không những thế, tôi lại còn ''gặp hạn'' nữa chứ! Sau khi sinh đứa thứ tư thì bị tai nạn lao động, phải về mất sức lao động. Và cái nghề sửa xe ''gia truyền'' của ông cụ lại được phát huy; anh em bạn bè thợ mỏ cũ ở mỏ, rồi anh em bạn bè quanh thị trấn v.v... có gì cần sửa chữa đều mang đến... Cái chính là mọi người muốn giúp mình có việc làm, có thu nhập để nuôi con...
- Và trong hoàn cảnh ấy, vợ chồng ông vẫn lo cho các cháu học hành đến nơi đến chốn được? - Tôi hỏi.
- Thì vẫn phải cố chứ chú! Thế hệ mình chịu thiệt, không được học hành đầy đủ, lẽ nào để con cái lại ''theo vết bánh xe đổ''... Vợ chồng tôi cũng có cái may là tuy đông con nhưng đứa nào cũng chịu khó học hành. Tôi nhớ cái đận năm 1997, thằng con trai cả, thợ phụ sửa xe của tôi, đỗ cùng lúc hai trường đại học là Bách khoa Hà Nội và Đại học An ninh. Khi nhận được cả 2 giấy báo, cháu nó chọn Đại học Bách khoa, bảo là nó thích công việc của người thợ. Vợ chồng tôi tôn trọng quyết định của cháu. Thậm chí khi nó có giấy nhập trường, anh em hội sửa xe máy và các cô, chú trong nhà bảo tôi làm mấy mâm liên hoan cho vui vì cả họ giờ mới có thằng cháu đỗ đại học. Thằng con trai tôi hàng ngày lầm lì ít nói vậy mà nghe thế, nó bảo, để sau 5 năm học xong, ra trường đi làm thì bố liên hoan thế nào cũng được! Tôi nghe cũng phải. Rồi 3 năm sau thì cô con gái thứ 2 rất vất vả thi đến lần thứ 2 mới đỗ vào được Đại học Ngoại ngữ. Cũng năm đó, cô con gái thứ 3 cùng đỗ vào được Khoa Kinh tế mỏ của Đại học Mỏ - Địa chất. Nuôi 3 con học đại học cùng 1 lúc, cộng thêm thằng út đang theo học THPT khó khăn đủ đường...
Nhưng như tôi nói với anh đấy, tôi nhất quyết không để con tôi chịu dang dở chuyện học hành...
Ông Hùng còn kể với chúng tôi rất nhiều chuyện về những nhọc nhằn, vất vả mà hai vợ chồng ông đã trải qua trong những năm tháng nuôi con ăn học. Tôi thấy nể phục họ, một người thì đã nghỉ mất sức, thu nhập chỉ dựa vào cái hiệu chữa xe máy, một người cũng chỉ buôn bán lặt vặt ở chợ, vậy mà cả 4 người con đều đã học xong Đại học. Anh con cả giờ đã có bằng Thạc sỹ, các cô, cậu em đều đã ra trường và có nghề nghiệp ổn định...
- Trước năm mà thằng con út ra trường, nhà tôi được UBND huyện Đông Triều tặng giấy khen, rồi Hội Khuyến học huyện cũng cấp giấy công nhận gia đình hiếu học... Buồn cười nhất là khi Ban tổ chức hội nghị mời lên phát biểu, tôi cứ lóng nga lóng ngóng... Mặc dù rất tự hào, nhưng thú thật, mình là cái anh thợ, biết nói cái gì... - Ông Hùng cười, đôi mắt sáng lên niềm hạnh phúc...
Ý kiến (0)