Tất cả chuyên mục
Thứ Hai, 23/12/2024 10:05 (GMT +7)
Cặp VĐV "vàng" của thể thao Quảng Ninh
Thứ 7, 10/12/2022 | 08:14:52 [GMT +7] A A
Nhảy cầu là một trong những môn thi đấu sớm nhất Đại hội Thể thao toàn quốc lần thứ IX năm 2022. HCV nội dung đôi nam nữ cầu mềm 3m thuộc về cặp VĐV Phương Thế Anh và Nguyễn Phương Anh của Quảng Ninh. Chính vì vậy, không bất ngờ khi cả Thế Anh và Phương Anh được chọn là những VĐV tiêu biểu của Quảng Ninh tham gia lễ rước đuốc khai mạc đại hội.
Môn nhảy cầu khởi tranh tại Nhà thi đấu thể thao dưới nước (Khu liên hợp thể thao Quảng Ninh) ngày 28/11/2022, với sự tham gia của các đoàn mạnh như: Hà Nội, Hải Phòng, TP Hồ Chí Minh... Ngày 30/11, Phương Thế Anh và Nguyễn Phương Anh thi đấu chung kết nội dung đôi nam nữ cầu mềm 3m đã xuất sắc giành HCV với tổng điểm 211,86, đứng trên 2 cặp VĐV của TP Hồ Chí Minh và Hải Phòng. Đây là HCV thứ hai mà các VĐV nhảy cầu của đoàn thể thao Quảng Ninh đoạt được tại kỳ đại hội lần này.
Để có thành quả này, thể thao Quảng Ninh đã phải đi trước một quãng đường dài và có sự chuẩn bị chu đáo. Để bắt kịp với các trung tâm lớn là Hà Nội, Hải Phòng... Quảng Ninh tập trung tuyển chọn đào tạo VĐV từ nhỏ ở các trung tâm, theo diện tuyển mộ nhân tài. Phương Thế Anh và Nguyễn Phương Anh được tuyển chọn theo diện này.
Cả 2 đều là tài năng thể thao ở Hà Nội, được phát hiện, tuyển mộ, đào tạo và thi đấu cho Quảng Ninh từ nhỏ. Với Phương Thế Anh (SN 2001) đã được người hâm mộ Quảng Ninh phần nào biết tới sau tấm HCB "mở hàng" cho đoàn thể thao Quảng Ninh tại SEA Games 31. Còn Nguyễn Phương Anh (SN 1999) có lẽ là cái tên còn rất xa lạ. Cũng từ tài năng trẻ môn nhảy cầu của Hà Nội, Phương Anh đã có trên 15 năm tập luyện và thi đấu.
Điểm chung của 2 VĐV này là có năng khiếu, được rèn giũa và được Quảng Ninh theo dõi từ sớm, bồi dưỡng thành tài. Cả 2 chính thức thi đấu cho Quảng Ninh 3-4 năm nay.
“Có 2 VĐV tài năng là điều đáng mừng, nhưng kết hợp thành một cặp VĐV giỏi là điều không đơn giản, đòi hỏi cả quá trình" - HLV môn nhảy cầu Ngô Văn Báo (Trung tâm Huấn luyện và Thi đấu thể dục thể thao tỉnh) chia sẻ. Theo ông Báo, sự khác biệt giữa kỹ thuật, thể lực của các VĐV nam và nữ là bài toán khó cho việc kết hợp cùng nhau. Trong khi VĐV nam thường có lực, đà giậm nhảy mạnh, bật cao hơn để xoay vòng rồi tiếp nước, thì VĐV nữ lại có xu hướng giậm nhảy nhẹ hơn, phù hợp với thể lực để tiếp nước.
“Ở môn nhảy cầu, thi đấu đôi cần sự đồng bộ, đồng điệu cao giữa 2 VĐV. Đặc thù triển khai kỹ thuật và biểu diễn khi thi đấu của nam và nữ đã khác nhau rồi, với em, khi thi đấu thường không bật cao hơn được như nam. Bởi nếu em nỗ lực bật cao lên tới tầm của các VĐV nam như Thế Anh, cố dùng sức quá sẽ khựng chân, dễ bị chấn thương” - VĐV Nguyễn Phương Anh chia sẻ.
Các VĐV phải cùng thích nghi, điều chỉnh trong từng động tác tập luyện là yếu tố quan trọng để cả 2 phối hợp từng động tác. “Việc được Ban huấn luyện đội tuyển quốc gia tuyển chọn, đánh giá cao về thể hình và khả năng phối hợp vận động, đồng thời cho đi tập huấn ở nước ngoài đã giúp cho khả năng, kỹ năng phối hợp của em được cải thiện rất nhiều” - VĐV Thế Anh cho biết. Theo chia sẻ của cặp VĐV, họ đã phải tập một động tác phối hợp hàng trăm, thậm chí hàng nghìn lần để thành thạo.
Vượt qua khó khăn, tài năng và sự chuyên cần chính là yếu tố làm nên thành tích của Phương Thế Anh và Nguyễn Phương Anh tại kỳ Đại hội Thể thao toàn quốc lần thứ IX năm 2022.
Hà Phong
Liên kết website
Ý kiến ()