Tất cả chuyên mục

Trong câu chuyện trước, tôi đã đề cập đến lịch sử hình thành Trường Tiểu học Trà Cổ. Nhiều thế hệ cựu giáo viên, học sinh ở Trà Cổ biết đến công ơn của cụ Bùi Văn Chu đã khơi nguồn cho sự nghiệp giáo dục nơi mảnh đất địa đầu Tổ quốc này. Tuy nhiên, không phải ai cũng biết về cuộc đời cụ, đặc biệt là các con của cụ đều là những đảng viên cốt cán đầu tiên của Đảng bộ Móng Cái, một lòng theo Đảng, có người đã hy sinh vì Tổ quốc…
Anh trước, em sau…
Trong quá trình tiếp cận, tìm hiểu câu chuyện cụ Bùi Văn Chu xây trường tặng làng xã, ngoài ông Đoàn Vĩnh, ông Nguyễn Giao Tế, tôi có may mắn trò chuyện với bà Bùi Thị Bình, con gái út và cũng là người con duy nhất của cụ Chu còn sống và vợ chồng bà Bùi Thị Hoà, cháu gọi cụ Chu là ông nội.
![]() |
Bà Bùi Thị Bình (giữa) trong dịp cùng các bạn là đảng viên lão thành thăm Bảo tàng tỉnh Quảng Ninh đầu năm 2017. Ảnh: Gia đình cung cấp |
Theo bà Bình, cụ Bùi Văn Chu sinh ra và lớn lên ở Trà Cổ năm 1878, mất năm 1946, thọ 68 tuổi. Cụ Chu mồ côi cha từ nhỏ. Nhà đông anh em, nghèo khó nhưng nhờ tháo vát, thông minh, cụ Chu đã dần tạo lập được cơ nghiệp, xây dựng được đội tàu buôn. Cụ thường buôn bán đồng, cao su và nhiều mặt hàng khác vào tận Đà Nẵng, Sài Gòn hay sang Quảng Châu, Phúc Kiến (Trung Quốc), gia sản nhờ đó ngày càng vượng.
Năm 1922, trước mong mỏi có một ngôi trường để con em học tập của người dân Trà Cổ, cụ Chu đã đề nghị với các vị tiên chỉ làng được bỏ tiền xây dựng ngôi trường như một tấm lòng với quê hương. Trị giá ngôi trường khi khánh thành là 500 đồng bạc Đông Dương, tương đương khoảng 13 tấn gạo. Ngày ngôi trường khánh thành là một sự kiện lịch sử đối với người dân trong vùng.
Ghi nhận công lao của cụ, chính quyền địa phương nhà Nguyễn đã đặc ân cho ngôi trường được mang tên cụ là Trường Pháp Việt Bùi Văn Chu (chữ Hán là Bùi Văn Chu Pháp Việt học hiệu, chữ Pháp là Ecole Frangce Annamite de Bùi Văn Chu). Ngoài ra, cụ còn được ban tặng tước Hàn lâm học chiếu. Vì vậy, người ta còn gọi cụ là cụ Hàn Chu, được kính trọng là bậc tiên chỉ trong làng, xã.
Về đời tư, cụ Chu kết hôn cùng cụ Đoàn Thị Trạch (1884 – 1974) cũng là người ở Trà Cổ. Hai cụ sinh được 6 người con, không may 2 người con trai là Bùi Văn Nhị và Bùi Văn Hứa yểu mệnh mất sớm. Theo bà Bình, cả mấy anh em bà thuở nhỏ đều học Trường Pháp Việt Bùi Văn Chu.
Móng Cái- nhất là Trà Cổ những năm từ khi thành lập Đảng đến Cách mạng Tháng Tám năm 1945 là nơi qua lại, xuất dương của nhiều tiền bối cách mạng như Phan Bội Châu, Trần Phú cùng nhiều đảng viên, thanh niên ưu tú. Sinh ra trong gia đình có điều kiện kinh tế khá giả nhưng các con của cụ Chu đã sớm giác ngộ cách mạng. Ông Bùi Chương (1911- 1995), con trai lớn cùng với em trai là Bùi Lưu là một trong những người đầu tiên được Đào Phúc Lộc (đảng viên đầu tiên của Móng Cái, sau này là liệt sĩ, được truy tặng Anh hùng LLVT nhân dân) giác ngộ, dìu dắt vào Đảng Cộng sản Việt Nam. Tham gia kháng chiến, từng bị địch bắt tù đày, hoà bình lập lại, ông Bùi Chương là Tỉnh uỷ viên, Trưởng Ty Tài chính Móng Cái. Sau khi khu Hồng Quảng và tỉnh Hải Ninh hợp nhất thành tỉnh Quảng Ninh (1963), ông Bùi Chương là Giám đốc Xí nghiệp Đóng tàu Tiên Yên (nơi đóng những con tàu không số huyền thoại), cho đến lúc nghỉ hưu.
Người con thứ hai là Bùi Lưu (1921-2014) cùng với anh trai giác ngộ, sớm gia nhập Việt Minh và trở thành đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam. Sau năm 1945, ông Bùi Lưu vào quân đội được Đào Phúc Lộc tuyển chọn là cán bộ tình báo Liên khu IV. Cuối đời, ông Lưu định cư và mất tại Bình Thuận.
Người con thứ ba là Bùi Viên (1926-1948) cũng sớm giác ngộ cách mạng, là đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam. Năm 1943, ông Bùi Viên là Bí thư Đoàn xã Trà Cổ. Năm 1947, là cán bộ Văn phòng Tỉnh uỷ Hải Ninh. Năm 1948, được phân công là Trưởng Ban cán sự Đảng Hà Cối (lúc đó chưa có Bí thư Huyện uỷ). Không may, trên đường chèo thuyền đi nhận nhiệm vụ đến giữa vùng biển Móng Cái- Hà Cối thì lộ, bị giặc Pháp phát hiện bắn chết. Cho đến mấy ngày sau, 1 người đi cùng thuyền sống sót, trốn về thông báo tổ chức, gia đình mới biết. Ông Bùi Viên khi hy sinh vẫn chưa kịp lập gia đình (đã được Nhà nước công nhận là liệt sĩ năm 1960).
Người con gái út và cũng là người duy nhất đến nay còn sống là bà Bùi Thị Bình, sinh năm 1929, là đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam (tới nay đã 67 tuổi Đảng). Năm 1946, bà Bình từng là Bí thư Phụ nữ cứu quốc xã Trà Cổ. Sau đó tham gia Hội Phụ nữ huyện Móng Cái, là Huyện uỷ viên, Bí thư Đảng đoàn Hội Phụ nữ huyện Móng Cái. Sau khi tỉnh Quảng Ninh được thành lập, bà Bình chuyển về Lạng Sơn theo chồng, công tác tại Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh, rồi làm Giám đốc Xí nghiệp Dược phẩm Lạng Sơn cho đến khi nghỉ hưu. Chồng bà Bình từng là Chánh Văn phòng Tỉnh uỷ Hải Ninh, sau chuyển về Lạng Sơn làm Phó Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ, rồi Giám đốc Sở Văn hoá- Thông tin. Hiện nay bà Bình cư trú ở số nhà 25, phố Mai Toàn Xuân, đường Nhị Thanh, phường Tam Thanh, TP Lạng Sơn, tỉnh Lạng Sơn.
![]() |
Ông Nguyễn Giao Tế, Trưởng Ban liên lạc cựu giáo viên, học sinh Trường Tiểu học Trà Cổ là người nắm khá rõ lịch sử ngôi trường do cụ Bùi Văn Chu xây dựng mà ông đã từng học. |
Như vậy, các con cụ Bùi Văn Chu anh trước, em sau đều là đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam, có người bị giặc bắt tù đày, người hy sinh vì Tổ quốc. Trong cuốn “Lịch sử Đảng bộ thị xã Móng Cái” (1946-2006), Nhà Xuất bản Chính trị Quốc gia phát hành năm 2006, trang 58 viết: “Nhóm Việt Minh ở nhà tù Quảng Yên gồm các đồng chí Đào Phúc Lộc, Trần Đức Minh, Ngô Thế Tâm… khi trở về địa phương đều hoạt động tích cực… Trong quá trình hoạt động, các đồng chí đã bồi dưỡng được những thanh niên ưu tú, hăng hái nhất ở địa phương như Nguyễn Hải, Bùi Chương, Hoàng Minh Đường và thành lập Mặt trận Việt Minh Móng Cái vào cuối năm 1942”.
Nói rõ hơn về việc này, trong cuốn “Chuyện chưa biết về người anh hùng”, Nhà xuất bản Công an nhân dân phát hành năm 2002, ở trang 36, trong phần hồi ức về cuộc đời Anh hùng, liệt sĩ Đào Phúc Lộc, ông Nguyễn Hải, nguyên Phó Bí thư Tỉnh uỷ Hải Ninh, Phó Bí thư Tỉnh uỷ Quảng Ninh đã viết: “Anh Lộc giao cho tôi ra xã Trà Cổ gặp anh Bùi Chương mới ở tù Quảng Yên ra và gặp anh Nguyễn Công Bồng- giáo viên, em trai ông Nguyễn Công Hoan, bàn với hai anh thành lập Ban Việt Minh xã này. Anh Chương và anh Bồng đã giác ngộ, tổng cộng được bảy người: Bùi Chương, Bùi Viên, Nguyễn Công Bồng, Vũ Hướng, Đoàn Tính, cụ Đoàn Thị Trạch (mẹ anh Chương), cụ Chánh Lợi (bố chị Kim Xuân), lập Ban Việt Minh xã do anh Bùi Viên làm Bí thư”. Như vậy, không chỉ hai anh em ông Bùi Chương, Bùi Viên mà cả cụ Đoàn Thị Trạch cũng đã tham gia Việt Minh.
Sau Cách mạng Tháng Tám 1945 cho đến nửa đầu 1946, tình hình Móng Cái, Trà Cổ rất phức tạp. Bọn Việt Cách thân Tàu Tưởng do Vũ Kim Thành chỉ huy thường xuyên tổ chức bắt cóc, tống tiền, trong đó có đối tượng chúng nhắm đến là nhà buôn, thương gia.
Trước tình hình trên, cụ Chu đã nhờ các bạn buôn thu xếp rồi chuyển về Hải Phòng sinh sống, còn gia đình vợ con thì chuyển lên Móng Cái. Tuy nhiên, về Hải Phòng không bao lâu thì cụ bị ốm nặng do mắc bệnh tiểu đường kèm các biến chứng. Là con gái út, các anh đi hoạt động cách mạng vắng nhà, bà Bình đã được mẹ phân công về Hải Phòng chăm sóc bố. Được một thời gian thì cụ Trạch cũng chuyển về Hải Phòng để chăm sóc chồng. Tháng 7-1946, cụ Chu mất.
Nên đổi lại tên Trường tiểu học Trà Cổ?
Năm 1952, gia đình đã cất bốc hài cốt cụ Bùi Văn Chu đưa về Trà Cổ an táng. Theo cụ Đoàn Trấn kể lại, cảm kích trước tấm lòng vì quê hương mở lớp, dựng trường của cụ khi xưa, dân làng Trà Cổ đã tham dự lễ rước, an táng cụ rất đông. Đến nay, bên cạnh mộ cụ Chu cùng vợ, gia đình đã quy tập cùng hai mộ của vợ chồng ông Bùi Chương, hai người con Bùi Văn Nhị, Bùi Văn Hứa và mộ gió liệt sĩ Bùi Viên. Việc trông coi, hương khói mộ phần do vợ chồng bà Bùi Thị Hoà (sinh năm 1954), trú tại khu Tràng Lộ, phường Trà Cổ là con gái ông Bùi Lưu đảm nhận.
![]() |
Ông Triệu Văn Kế bên mộ cụ Bùi Văn Chu và người thân bên vợ. |
Bên ấm trà nóng trong căn nhà của gia đình ngay bên đường xuống Sa Vĩ một chiều thu, tiếp chuyện tôi, ông Triệu Xuân Kế (sinh năm 1954)- chồng bà Hoà rưng rưng xúc động khi nhắc về cuộc đời, sự nghiệp của ông, cha bên vợ. Ông bảo rất tiếc vì chiến tranh loạn lạc, ly tán gia đình đã không còn giữ được tấm ảnh hay kỷ vật nào của cụ Chu nữa.
Trở lại câu chuyện cụ Bùi Văn Chu bỏ tiền dựng trường năm xưa, tiếp tôi tại đình Trà Cổ, ông Nguyễn Giao Tế cho biết, tháng 8-2011, trong dịp gặp mặt truyền thống các cựu giáo viên, học sinh Trường Tiểu học Trà Cổ giai đoạn 1949-1965, mọi người đã có chung nguyện vọng được phục chế lại tên trường năm 1922. Việc này không gì ngoài nhằm tri ân cụ Bùi Văn Chu đã có công tạo lập nền giáo dục, công thương, mở mang điền địa ở Trà Cổ.
Trong quá trình tìm hiểu tư liệu cho bài viết này, tôi đã ghi nhận một số ý kiến, nên chăng đổi lại tên Trường Tiểu học Trà Cổ là Trường Tiểu học Bùi Văn Chu. Đây là một việc làm ý nghĩa, nhân văn thể hiện sự tri ân một doanh nhân yêu nước, đồng thời góp phần giáo dục lòng yêu quê hương, đất nước cho các thế hệ học sinh trên mảnh đất thiêng liêng địa đầu Tổ quốc này.
Trần Minh
[links()]
Ý kiến ()