Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 22/11/2024 17:24 (GMT +7)
Chuyện người nông dân hiện đại gắn với cây nấm sạch
Chủ nhật, 17/09/2023 | 16:55:40 [GMT +7] A A
Nấm ăn sản xuất tại Công ty TNHH Long Hải (CCN Kim Sơn, TX Đông Triều) với 4 loại chính, nấm kim châm, sò tím, trà tân và đùi gà là sản phẩm độc quyền mang thương hiệu “Nấm Việt”, trước đó đã được đăng ký nhãn hiệu hàng hoá, mã số, mã vạch và bản quyền tại Bộ KH&CN. Hiện mỗi năm, Long Hải đưa ra thị trường khoảng 600 tấn nấm thông qua các kênh thương mại uy tín, đáp ứng khoảng 20% nhu cầu nấm ăn toàn quốc. Đường đi của cây nấm Việt Long Hải gắn với vị giám đốc công ty này, ông Phạm Quang Nhuệ.
Cuối những năm 2000, ông Phạm Quang Nhuệ bắt đầu chú ý tới cây nấm ăn, chỉ bởi nguyên liệu sản xuất sản phẩm này từ phụ phẩm nông nghiệp là rơm rạ, bã mía, vỏ trấu, bông phế… vốn có rất sẵn ở đất Đông Triều. Ông lại có dịp tham quan một số mô hình sản xuất nấm ăn tại Trung Quốc và tìm hiểu, phân tích dưỡng tính của cây nấm cũng như nhu cầu sử dụng nấm ăn của người tiêu dùng.
Ông Nhuệ cho biết: Nhiều loại nấm ăn có tính hàn, bổ âm, có hàm lượng dinh dưỡng như protein, vitamin, khoáng chất rất cao và có nhiều tác dụng dược lý, khi ăn có mùi vị thơm ngon. Ngay tại thời điểm năm 2000, nấm ăn được sử dụng rộng rãi trong các món ăn và rất được ưa chuộng tại thị trường Trung Quốc, Hàn Quốc, Đài Loan, Nhật Bản… Ông nghĩ tại Việt Nam chắc chắn cũng sẽ sử dụng phổ biến loại thực phẩm này.
Năm 2003, ông Phạm Quang Nhuệ quyết định đầu tư nhà xưởng, thiết bị và thuê chuyên gia Trung Quốc phụ trách kỹ thuật để sản xuất nấm ăn. Gần chục năm sau đó là quá trình Long Hải chấp nhận bỏ ra chi phí đầu tư cao để hoàn thiện quy trình chuyển nuôi giống nấm từ thể đặc sang thể lỏng, từ sản xuất thủ công sang tự động hoá; làm chủ công nghệ thay vì phụ thuộc vào chuyên gia. Cách làm của ông có sự chắc chắn, bền vững khi giữ mối liên doanh với Viện Di truyền Nông nghiệp - Bộ NN&PTNT theo phương châm kết hợp “ba nhà” (nhà nước, nhà khoa học và nhà sản xuất). Nguyên liệu sản xuất nấm của Long Hải được nhập trực tiếp từ Viện Di truyền nông nghiệp Việt Nam.
Năm 2015, Long Hải xây dựng nhà xưởng sản xuất quy mô công nghiệp, năm 2018 đầu tư công nghệ tự động hoá, năm 2020 đưa vào vận hành dây chuyền tự động sản xuất nấm theo công nghệ sinh học trong nhà lạnh của Nhật Bản, trở thành doanh nghiệp tiên phong của Quảng Ninh làm chủ công nghệ sinh học trong sản xuất nấm ăn.
Với công nghệ sinh học trong nhà lạnh, yêu cầu môi trường sản xuất, như phòng thí nghiệm, phòng khử trùng bằng tia cực tím, phòng máy tạo ozôn (O3), hệ thống phòng nuôi sợi nấm, phòng thúc mầm, phòng hãm và phòng phát triển nuôi cấy nấm (phòng quả thể)… đảm bảo chống được tạp khuẩn và các bệnh hại do sinh lý của thân, mầm nấm gây ra. Hệ thống các phòng lạnh đảm bảo quy trình kỹ thuật… Ưu điểm của công nghệ sản xuất này là mọi yếu tố từ nhiệt độ, độ ẩm đến ánh sáng đều được kiểm soát chặt chẽ theo tiêu chuẩn quốc tế, đảm bảo tính vô trùng, giúp cây nấm phát triển tốt, VSATTP, giữ được hàm lượng vi chất cao.
Cây nấm kim châm đòi hỏi quy trình sản xuất áp dụng hoàn toàn bằng công nghệ, máy móc hiện đại. Các nguyên liệu để sản xuất giá thể trồng nấm sẽ được đảo trộn bằng máy theo một tỷ lệ phối liệu trong thời gian quy định, sau đó chuyển qua giai đoạn đóng chai và đưa vào lò hơi cao áp để khử trùng. Môi trường nuôi nấm được duy trì trong các phòng chuyên dụng với nhiệt độ ổn định từ 2-10 độ, tùy thuộc giai đoạn phát triển của cây nấm. Sau 60 ngày nuôi trồng bằng công nghệ, nấm kim châm đã có thể thu hoạch. Hiện nấm kim châm là sản phẩm chủ lực của Long Hải, sản lượng tiêu thụ mỗi năm đạt đến trên 200 tấn.
Có thể thấy, bước đường thành công của ông chủ “nấm Việt” Phạm Quang Nhuệ chính là từ tình yêu với nông nghiệp, từ óc sáng tạo, nhạy bén và cách thức triển khai, vận dụng và phát huy sức mạnh của khoa học công nghệ. Ông Nhuệ khẳng định: Việc nuôi trồng nấm theo công nghệ sinh học đòi hỏi khoa học và công nghệ phải là nền tảng then chốt, xác định có thành công hay không là nhờ khoa học và công nghệ”.
Được biết, tới đây Long Hải sẽ tiếp tục đầu tư công nghệ, nghiên cứu lựa chọn các giống nấm tốt nhất để phù hợp với các giá thể của nguyên liệu phụ phẩm sau thu hoạch cũng như điều kiện khí hậu của Việt Nam và cũng như sản phẩm mà thị trường Việt Nam ưa chuộng nhất. Mục tiêu phấn đấu đưa năng suất các loại giống nấm mới được lựa chọn tăng lên năng suất từ 15-20% so với hiện tại.
Việt Hoa
Liên kết website
Ý kiến ()