Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 22/11/2024 21:01 (GMT +7)
Chuyện những người đã vượt lên số phận
Thứ 2, 31/05/2021 | 13:51:21 [GMT +7] A A
Họ là những người khuyết tật, từng đứng giữa ranh giới mong manh của sự sống và cái chết. Số phận không cho họ được một cơ thể trọn vẹn, một cuộc sống bình thường mà buộc họ phải chiến đấu với chính mình để tồn tại. Nhưng, trong rất nhiều hoàn cảnh kém may mắn đó, có những tấm gương đã vượt lên số phận, làm kinh tế giỏi, tự chủ cuộc sống và giúp đỡ người đồng cảnh ngộ. Họ truyền đi thông điệp, người khuyết tật không phải là gánh nặng xã hội mà vẫn có thể tạo ra những giá trị làm đẹp cho cuộc đời.
40 tuổi nhưng thân thể chỉ như cậu học sinh cấp II, cuộc đời anh Trần Mạnh Hà - một người khuyết tật vận động ở phường Đức Chính, TX Đông Triều, từng là những chuỗi ngày chìm sâu trong tuyệt vọng. Năm 13 tuổi, một trận cảm dẫn đến biến chứng đã cướp đi của anh đôi chân lành lặn và cả tương lai phía trước.
Tháng ngày sau đó là những cơn đau nối tiếp, dày vò cơ thể nhỏ bé của anh, khiến anh đã nhiều lần nghĩ đến cái chết. “Nhưng nếu chết thì ai sẽ là người báo hiếu bố mẹ, ai chăm sóc bố mẹ khi họ về già, họ đã quá vất vả vì tôi. Vì thế tôi phải sống và làm người có ích. Cuộc sống này do mình giành lấy, mình không buông xuôi số phận thì ông trời cũng sẽ không phụ lòng mình” - anh Hà trải lòng.
Vượt lên những cơn đau, anh Hà đi học nghề may từ một người bà con để có thể tự nuôi thân. Nhưng nghề may khi đó không kiếm được là bao, trong khi anh còn nghĩ đến chuyện lập gia đình, cần phải có kinh tế ổn định. Vượt lên mặc cảm, anh xin đi học công nghệ thông tin, học chỉnh sửa ảnh từ một người họ hàng tận Thái Nguyên. Một năm học nghề, biết bao đêm anh không ngủ để tự mày mò, tìm tòi thêm kiến thức và tự thực hành thuần thục những gì học được. Khi đã thạo nghề, anh trở về quê, vay vốn, mở cửa hiệu chụp ảnh, photo coppy. Từ một người tưởng chừng đã mất đi cả tương lai, nay anh Trần Mạnh Hà đã có vợ và hai con gái xinh xắn, một công việc cho thu nhập từ 6-7 triệu đồng/tháng.
May mắn hơn anh Hà, anh Nguyễn Bá Tâm - một người khuyết tật vận động ở phường Mạo Khê, TX Đông Triều, vẫn có thể đi lại được. Sau một tai nạn lao động nặng, anh Tâm mất đi một chân và cũng mất luôn sự nghiệp đầy triển vọng. Vốn là một người đàn ông năng động, anh Tâm không chịu đầu hàng số phận. Thông qua các tổ chức, đoàn thể, nhất là Hội Bảo trợ người khuyết tật và trẻ mồ côi Quảng Ninh, anh vay vốn, mở trang trại chăn nuôi, vừa là để tìm lại niềm vui cuộc sống, vừa có thêm kinh tế để lo chuyện ăn học cho con trai. Đến nay, ở tuổi 45, anh Nguyễn Bá Tâm sở hữu một trang trại quy mô lớn, thu nhập vài trăm triệu đồng mỗi năm. Không những vậy, anh còn tạo công ăn việc làm ổn định cho những người khuyết tật ở địa phương với mức thu nhập từ 8-10 triệu đồng/người/tháng.
Năm 2020, anh Nguyễn Bá Tâm là một trong những nông dân tiêu biểu, xuất sắc được Thủ tướng Chính phủ ghi nhận, trao tặng Bằng khen. Trước đó, từ năm 2010 đến 2016, anh Tâm liên tục được nhận bằng khen của Bộ LĐ-TB&XH, của tỉnh Quảng Ninh và TX Đông Triều về những đóng góp trong phong trào thi đua lao động sản xuất, phục vụ sự phát triển KT-XH của đất nước.
Những tấm gương vượt khó, vươn lên, chiến thắng số phận như anh Trần Mạnh Hà, Nguyễn Bá Tâm đã tiếp thêm động lực sống cho hàng vạn người khuyết tật trong toàn tỉnh.
Dù chưa thể tự chủ cuộc sống, nhưng Phạm Thị Hoài Thương, cô bé mắc căn bệnh xương thủy tinh ở phường Cao Xanh, TP Hạ Long, vẫn luôn tràn đầy sự lạc quan về tương lai. Thương sinh năm 1995, nhưng giờ đây em vẫn chỉ như một đứa trẻ 3 tuổi. Căn bệnh xương thủy tinh quái ác khiến cơ thể em không thể phát triển. Thế nhưng, điều đáng nể phục nhất ở cô gái này là tinh thần ham học. 12 năm học phổ thông, Thương đều đạt danh hiệu học sinh giỏi. Giờ đây, em đã trở thành sinh viên năm thứ 3 của Viện Đại học Mở Hà Nội - điều mà không phải người khuyết tật nào cũng có thể làm được. Hơn lúc nào hết, sự chung tay của cộng đồng xã hội giờ đây sẽ giúp cánh cửa tương lai rộng mở hơn với Hoài Thương.
Đã từng đi qua nhiều nỗi đau của cuộc đời, hơn ai hết, những người khuyết tật hiểu rõ giá trị của sự nỗ lực trong cuộc sống. Dù cuộc sống có nghiệt ngã đến đâu, chỉ cần có niềm tin, có nghị lực và điểm tựa, họ sẽ thấy xã hội vẫn còn muôn vàn điều tốt đẹp. Trái tim nhân ái và sự chung tay của những tấm lòng hảo tâm, những tổ chức thiện nguyện, trách nhiệm của chính quyền địa phương chính là cầu nối đưa họ đến với một cuộc đời mới.
Hoàng Yến
Liên kết website
Ý kiến ()