Tất cả chuyên mục

Tên ông là Đỗ Tờ, nhưng khi vui người ta cứ gọi ông là “Đốc tờ”. Chẳng biết có phải vì phát âm hao hao giống nhau? Cũng có phần như thế, nhưng cái quan trọng hơn, cái lý do để người ta gọi chệch tên ông thành “Đốc tờ” là bởi ông như một “bác sĩ” giàu kinh nghiệm trong việc chữa trị cho... các loài thuỷ sản! Đầu tiên là cho tôm, sau đó là cho tu hài!
![]() |
Nguyên Chủ tịch Nước Trần Đức Lương đến thăm cơ sở nuôi tu hài của ông Tờ. Ảnh tư liệu của Công ty Đỗ Tờ |
Từ “Vua tôm” đến “Chúa đảo”...
Ở Bản Sen (huyện Vân Đồn), không ai là không biết ông Đỗ Hữu Tờ, Giám đốc Công ty TNHH Đỗ Tờ có trụ sở đóng tại đảo Bánh Sữa (thuộc xã Bản Sen). Đây là nơi ông Tờ lập nghiệp thôi, còn quê ông thì ở xã Liên Vị, TX Quảng Yên. Học hết phổ thông, ông nhập ngũ và được đơn vị giữ lại để đào tạo sĩ quan chuyên nghiệp. Lính thời bình kể cũng không mấy vất vả, gian lao, không những thế, phải nói là với ông nó đang rất rộng mở… Vậy mà chẳng ai hiểu vì sao ông lại đột ngột xin xuất ngũ, xách ba lô về quê, về với ruộng đồng, đầm bãi…
Về quê, anh bộ đội xuất ngũ Đỗ Hữu Tờ làm kế toán ngân sách xã, rồi Phó Chủ nhiệm hợp tác xã. Thấy bà con bán sản phẩm mình làm ra khó khăn, ông đầu tư tàu thu mua toàn bộ tôm, cá của bà con rồi bán lại cho các nhà máy chế biến thuỷ sản ở Quảng Ninh và Hải Phòng.
Cuối năm 1995, ông Tờ đấu thầu lại đầm nuôi trồng thuỷ sản của Xí nghiệp cá Tiền Phong. Trúng thầu rồi nhưng đứng trước vùng nước mênh mông, bờ bãi nham nhở này, lúc đầu ông Tờ cũng phát hoảng chưa biết nuôi con gì cho phù hợp. Tự trấn tĩnh, ông dồn tiền cải tạo đầm nuôi rồi khăn gói vào miền Trung học cách nuôi tôm sú theo hình thức quảng canh cải tiến. Thật bất ngờ, ngay vụ nuôi đầu tiên, ông đã thành công. Với trên 20 vạn con tôm giống, cuối vụ ông Tờ thu về trên 6 tấn tôm, lãi tới 800 triệu đồng. Nhưng đó chẳng phải là lộc trời tự dưng rơi xuống mà là kết quả của bao nhiêu mồ hôi, công sức, tiền của, bao nhiêu đêm thức trắng… Sau vụ tôm, ai ai cũng biết đến ông như là người đầu tiên đưa con tôm sú chỉ quen nuôi ở miền Trung ra nuôi quảng canh ở miền Bắc.
Ông Tờ không bị “ru ngủ” trong chiến thắng, cũng không bo bo giữ nghề mà ngay lập tức mời bà con đến tham gia hội nghị đầu bờ để chia sẻ về mô hình nuôi tôm sú quảng canh cải tiến. Không những giúp đỡ bà con về kỹ thuật, ông còn giúp về vốn, giống cho họ vay tiền đầu tư không lấy lãi. Nhờ thế, đến cuối năm 1996, toàn bộ các vùng đầm lầy bỏ hoang bỗng chốc được đưa ra đấu thầu để nuôi tôm sú. Ít ai ngờ rằng, từ đây, con tôm sú mang ra từ miền Trung xa xôi đã giúp bà con vùng đảo Hà Nam thoát nghèo, vươn lên làm giàu. Nhờ con tôm, nhiều người trở thành triệu phú, tỷ phú. Bộ mặt nông thôn xã Liên Vị cũng thay đổi từng ngày. Và ông được bà con thân mật gọi là “Vua tôm sú”! Nhưng thú vị là ông “Vua” tỷ phú này chẳng mấy khi ngồi trong “ngai vàng” mà chỉ thích xắn quần lội bùn, thích “buôn chuyện” với bà con nông dân hàng ngày. Ngay như bây giờ, ở Bản Sen mọi người hay gọi ông là “chúa đảo”, ông cười hì hì, bảo: “Vua chúa gì, mình chỉ là dân đi biển thôi!”. Quả thật như vậy, gặp ông, tôi thấy ông chẳng khác gì một lão ngư hiền lành dễ mến, với cái nét phong sương, đượm màu sóng gió từ nước da, mái tóc đến ánh mắt xa xôi…
![]() |
Ông Tờ cẩn trọng hướng dẫn công nhân kỹ thuật chuẩn bị lồng nuôi tu hài. |
Có một điều ở ông làm tôi ngạc nhiên là ngay từ lần đầu tiên gặp gỡ, đã thấy ông rất thích mặc trang phục màu trắng bắt mắt. Quần trắng, áo trắng, mũ phớt cũng trắng. Nhìn rất nhiều bức ảnh ông chụp trước đó cũng vẫn là trang phục đồng màu như vậy. Và chợt thấy thú vị khi liên tưởng cái màu áo ông đang mặc với áo blu của các bác sĩ… Hay người ta gọi ông là Đốc-tờ vì trông ông có nét giống bác sĩ chăng? Chẳng biết có phải không bởi khi “khám bệnh” cho tôm, cho tu hài v.v.. ông là “bác sĩ”; khi tiếp xúc với du khách, ông lại như một hướng dẫn viên du lịch; còn khi ra đầm chỉ đạo xây dựng thì ông chẳng khác gì một kỹ sư trên công trường…
Và niềm vui, nỗi buồn từ biển...
Chợt thấy thú vị khi liên tưởng cái màu áo ông đang mặc với áo blu của các bác sĩ… Hay người ta gọi ông là Đốc-tờ vì trông ông có nét giống bác sĩ chăng? |
“Ăn cơm mới nói chuyện cũ”, lại nhớ về cái thời ông Đỗ Hữu Tờ đưa con tôm sú từ miền Trung ra Quảng Ninh. Sau thành công của mấy vụ kiếm bộn tiền, ông nhận thấy phong trào nuôi tôm chẳng chóng thì chầy cũng sẽ bão hoà. Thêm nữa, chưa kể đến cái đận thấy lợi trước mắt người ta chia nhỏ, xé lẻ các đầm tôm ra để cho đấu thầu, đua nhau nuôi. Việc cả làng, cả xã nuôi tôm sẽ khiến hệ sinh thái mất cân bằng, gây ô nhiễm môi trường mặt nước. Lúc đó, người nuôi sẽ lãnh đủ hậu quả…
Nhưng chưa kịp thay đổi hướng đi mới thì ông đột ngột gặp chuyện không may. Năm 2005, một vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng đã khiến con nuôi ông mất, con trai ông bị thương nặng. Sau đó, ông còn mất cả đứa cháu đích tôn. Rồi “hoạ vô đơn chí”, cũng năm đó, không hiểu vì sao tôm nuôi mất trắng.
Khó khăn, hoạn nạn không làm Đỗ Hữu Tờ chùn bước. Ông vẫn nghiên cứu để tiếp tục nuôi trồng thể nghiệm mới. Nhưng lần này là ở một vùng đất khác. Qua báo đài, ông nhận thấy vùng biển Vân Đồn có tiềm năng thuỷ, hải sản vô cùng lớn nhưng chưa được đầu tư nuôi trồng. Và ông đã mạnh dạn ra Vân Đồn lập nghiệp. Ông dừng chân ở Bánh Sữa, một đảo nhỏ thuộc xã Bản Sen.
Ông Tờ kể: “Năm 2004, tôi ra đảo Bánh Sữa thấy ở đây còn rất hoang sơ, bà con ngư dân lại đi khai thác thuỷ sản theo lối tự nhiên. Tôi nghĩ, nếu cứ làm vậy lâu dần nguồn lợi sẽ cạn kiệt. Cần phải chọn loài hải sản có lợi nhất để nuôi trồng…”. Và việc đầu tư nuôi tu hài bắt đầu từ ý nghĩ đó.
Ông nhớ lại cái nguồn cơn đưa mình đến với tu hài là do một lần ông đi khảo sát trên biển thì bỗng nhiên thấy một cậu bé con một ngư dân đang đi bắt tu hài. Mỗi lần bắt được, cậu bé lại reo lên gọi bố: “Bố ơi, một con nữa này!”. Ông lại gần tìm hiểu cách cư trú của con tu hài. Đây là loài nhuyễn thể hai mảnh, sống trong môi trường biển ấm. Thức ăn của chúng là mùn bã hữu cơ, các loài tảo. Loài này ưa nước sạch nên phải quản lý tốt môi trường nước và chăm sóc cẩn thận.
Về nhà ông tập trung những người có kinh nghiệm, những bạn bè là kỹ sư thuỷ sản lại để cùng nghiên cứu cách nuôi. Và từ đó ông đặt mua những chiếc lồng bằng nhựa mang về đổ cát vào. Mỗi chiếc lồng có thể nuôi được khoảng 50 con tu hài. Ông bảo: “-Cát để trong lồng là vỏ trai, vỏ ốc, san hô đã được rửa sạch rồi bào vụn. Tu hài là giống nhuyễn thể rất sạch sẽ, chỉ cần nhiễm bẩn một chút là chúng chết ngay…”.
Và lần đầu tiên khi mang ương tu hài giống vào những chiếc lồng rồi thả xuống biển, ông cùng các cộng sự đặt tất cả niềm hy vọng vào đó. Không ngờ, đến lúc vớt lồng lên thì… thất bại thảm hại, chẳng có một con tu hài nào sống sót. Nguyên nhân là hồi đó, trong nước chưa có giống nên ông đã nhập tu hài của Trung Quốc về thả. Nhưng cái giống nhập ngoại chẳng quen với môi trường nên 3 tháng sau đã chết sạch, để lại những cái lồng trống trơn...
Sau đó, nghe tin Viện Nghiên cứu nuôi trồng thuỷ sản nhân giống thành công tu hài, một lần nữa ông khăn gói đi học tập. Lần này ông tìm ra cách nuôi mới là lồng đặt sát bãi, thả giống đúng mật độ với lớp cát phù hợp, nâng tỷ lệ sống lên tới 95%. Một năm rưỡi sau khi thả giống, con tu hài lớn nhanh, chỉ 10 con đã được 1 cân. Ông Tờ tiếp tục phát triển nghề này. Suốt trong khoảng những năm từ 2005 đến 2011 ông thu lãi cả nghìn tỷ đồng từ việc nuôi tu hài. Không dừng lại ở đó, ông Tờ trăn trở tìm cách tự nhân giống tu hài, mỗi năm sản xuất khoảng 5 triệu con giống...
Không giấu nghề, ông chuyển giao kỹ thuật nuôi tu hài cho bà con ngư dân trong huyện Vân Đồn. Và phong trào nuôi tu hài phát triển rộ ở Vân Đồn những năm ấy. Một số huyện khác trong tỉnh và cả ở Cát Bà (Hải Phòng) cũng bắt đầu nuôi tu hài. Nhưng cũng chính vì phong trào phát triển nhanh quá như vậy mà dịch bệnh bùng phát rất khó kiểm soát, nó lây lan khắp vùng làm nhiều bà con thiệt hại nghiêm trọng. Năm 2012 dịch bệnh làm chính ông, người tiên phong nuôi tu hài, cũng phải điêu đứng.
![]() |
Đảo Bánh Sữa được ông Tờ xây dựng như một khu nghỉ dưỡng. |
Hỏi ông, có ân hận gì về việc chuyển giao công nghệ cho bà con sớm quá trong khi bà con lại chưa làm đến nơi đến chốn hay không, ông chỉ cười bảo: “- Lúc đó thấy bà con vất vả mình cũng muốn giúp vì không đành lòng nhìn bà con mình nghèo mãi…”.
Dịch bệnh ở tu hài không làm ông nản chí, ông vẫn tiếp tục nghiên cứu thể nghiệm những giống tu hài mới sao cho phù hợp với môi trường hơn và có khả năng chống chịu cao với dịch bệnh. Thế rồi, hệt như một bác sĩ lão luyện cả đời chẩn bệnh cho bệnh nhân, ông Tờ kể bệnh của tu hài. Là người ngoại đạo, tôi nghe câu được câu chăng, nhưng cũng đủ thấy sự say mê của con người này đến mức nào. Ông Tờ bảo làm cái nghề nuôi thuỷ sản này chỉ cần lơ là một chút là hàng tỷ đồng trong tích tắc sẽ “trôi tuột xuống biển” mà không có cách nào cứu vãn được.
Ông Đốc-tờ “bắt bệnh” cho thuỷ sản này còn tham vọng làm “bác sĩ” chữa bệnh cho người! Ông bảo tu hài là loài hải sản quý có thể chữa bệnh “yếu sinh lý” cho đàn ông. Ông đưa ra ý định nghiên cứu sản xuất thực phẩm chức năng hỗ trợ sức khoẻ cho đàn ông từ tu hài nhằm thay thế cho thuốc cường dương Viagra đang được bán trên thị trường. Tuy nhiên, ý định đó đến nay vẫn chưa thực hiện được…
Công ty Đỗ Tờ còn mong muốn được bắt tay với các nhà khoa học để nghiên cứu thể nghiệm ứng dụng nuôi những đối tượng mới trên vùng biển Vân Đồn. Theo ông Tờ, tiềm năng của vùng biển này còn rất lớn, những gì đã và đang khai thác chẳng đáng là bao. Người đàn ông nhiều tham vọng này còn nung nấu quyết tâm xây dựng đảo Bánh Sữa thành khu du lịch sinh thái nghỉ dưỡng hấp dẫn…
Thay lời kết
Lúc chia tay, tôi dè dặt hỏi, liệu cứ một mình biền biệt như Robinson trên đảo thế này, vợ con thì ở mãi Quảng Yên, ông có nhớ nhà không. Ông cười, cái cười hiền như một “nông dân chính hiệu”, và bảo: Ông đã lo cho vợ con ổn thoả, gia đình trong ấm ngoài êm. Con cái học hành phương trưởng cả rồi. Ông yêu biển có thể ở cả năm ở biển mà không về nhà cũng không sao. Sự gắn bó với biển đảo của ông khiến người ta quên cả cái tên Bánh Sữa mà chỉ nhớ đến ông nên mới gọi đảo này là đảo “Ông Tờ”
Huỳnh Đăng
Ý kiến ()