Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 22/12/2024 18:43 (GMT +7)
Chuyện về các y, bác sĩ vùng cao
Thứ 2, 01/04/2024 | 08:39:17 [GMT +7] A A
Đối với những y, bác sĩ vùng cao, công việc không chỉ đơn thuần là cứu chữa người bệnh, mà còn là góp phần làm thay đổi nhận thức của đồng bào dân tộc thiểu số về cách ăn ở hợp vệ sinh, phòng chống dịch bệnh... Vất vả là thế, nhưng họ luôn tìm được niềm vui trong công việc mỗi khi giúp đỡ, bảo vệ được sức khỏe cho nhân dân.
Không chỉ là bảo vệ sức khỏe cho người dân
Đi cùng các cán bộ y tế đến Trạm Y tế xã Dực Yên (huyện Đầm Hà), nơi được xác định là ổ dịch bệnh dại trong thời gian gần đây, chúng tôi mới thêm hiểu công tác phòng, chống dịch tại địa bàn miền núi gian nan như thế nào.
Các cán bộ y tế đến từng hộ dân, vừa để rà soát xem những trường hợp nào bị chó mèo cắn mà chưa tiêm phòng, vừa để tuyên truyền người dân tiêm vắc-xin phòng dại cho chó mèo một cách triệt để. Y sĩ Nguyễn Thanh Tùng, Phó trưởng Trạm Y tế xã Dực Yên, cho biết: Theo thống kê hiện trên địa bàn xã có 931 con chó, mèo. Tập quán nuôi động vật của bà con nơi đây thường là thả rông, nên việc tiêm vắc-xin phòng dại cho chó, mèo chưa triệt để. Khi có vụ việc 13 học sinh và 1 giáo viên bị chó dại cắn ngày 28/2/2024, thì hầu hết bà con đồng thuận tiêm vắc-xin phòng dại cho chó, mèo. Tuy nhiên trình độ dân trí của một bộ phận người dân của xã còn thấp, nên chưa đồng ý tiêm vắc-xin phòng dại cho vật nuôi. Một số người dân bị chó cắn còn ngần ngại đi tiêm vắc-xin phòng bệnh do chi phí tiêm cao. Đến thời điểm này, được cán bộ y tế thuyết phục, toàn bộ các trường hợp người dân bị chó cắn đã đi tiêm phòng đầy đủ.
Ngày hai buổi, sáng sớm và chiều muộn, trước khi bà con rời khỏi nhà đi làm và sau khi trở về nhà để chuẩn bị bữa cơm tối, hệ thống loa truyền thanh của xã lại vang lên những khuyến cáo về tình hình bệnh dại. Bà con ở xóm bản xa khu dân cư được nghe thông báo từ loa di động về tình hình bệnh dại và cách phòng chống. Công việc này được các cán bộ Trạm Y tế xã Dực Yên thực hiện nghiêm túc và đều đặn.
Ở đây người dân tộc Dao chiếm đa số, các dân tộc thiểu số khác như Sán Dìu, Sán Chỉ, Tày, Hoa, Thái… có thể giao tiếp cơ bản bằng tiếng Dao, nên mỗi nội dung thông báo đều được dịch từ tiếng phổ thông ra tiếng Dao, phát trên loa bằng cả hai tiếng, để bà con không biết tiếng phổ thông có thể hiểu được.
Đó là câu chuyện của các cán bộ y tế xã Dực Yên, những người đang rất vất vả, nỗ lực trong việc bảo vệ người dân khỏi căn bệnh do chó dại gây ra. Ở nhiều vùng cao khác, các y, bác sĩ cũng đang ngày ngày cố gắng chữa trị, cứu giúp người bệnh để giảm bớt gánh nặng chi phí khi phải chuyển tuyến.
Nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh
Năm 2023 nhờ sự nỗ lực của tập thể cán bộ y, bác sĩ Khoa phẫu thuật - Gây mê hồi sức - Cấp cứu và chống độc (Trung tâm Y tế huyện Hải Hà) đã triển khai thường quy được nhiều kỹ thuật cao, đặc biệt là kỹ thuật tiêu huyết khối, cứu sống kịp thời nhiều bệnh nhân tắc mạch máu não.
Một ca bệnh hy hữu vừa được cứu chữa tại Trung tâm Y tế huyện Hải Hải, khiến người dân trong và ngoài tỉnh vô cùng khâm phục. Đó là ca bệnh cấp cứu vào 18h20 ngày 20/3/2024, bệnh nhân nam (34 tuổi, quê Lộc Bình, Lạng Sơn) đang lao động tại địa phương, nhập viện trong tình trạng đau quặn bụng không rõ nguyên nhân. Qua siêu âm, chụp X-quang cho thấy có dị vật trong ống tiêu hóa, gây thủng ruột, có biến chứng viêm phúc mạc ruột. Trung tâm đã mổ cấp cứu thành công, lấy dị vật là con lươn sống dài 30cm trong ổ của bệnh nhân. Kíp trực đã chỉ định mổ lấy dị vật, cắt đoạn đại trực tràng hoại tử, làm hậu môn nhân tạo.
Bác sĩ CKI Phạm Mạnh Hùng, Trưởng Khoa Ngoại, Trung tâm Y tế huyện Hải Hà, cho biết: “Đây là ca bệnh hy hữu, vị trí trực tràng nhiều dịch phân dễ nhiễm khuẩn, nhưng được thực hiện an toàn, nên ca mổ không xảy ra vấn đề gì. Sau phẫu thuật, bệnh nhân đã tỉnh táo, đỡ đau bụng”.
Song song với công tác phòng bệnh, chất lượng khám, cấp cứu và điều trị cho bệnh nhân, nhất là bệnh nhân nặng, ngày càng được nâng lên. Xác định tầm quan trọng của việc cấp cứu kịp thời quyết định mạng sống của người bệnh, các trung tâm y tế tuyến huyện không ngừng phát triển các kỹ thuật cao trong cấp cứu và điều trị để có thể xử trí các tình huống cấp cứu tối khẩn mà không kịp chuyển tuyến trên. Trong đó phải kể đến sự nỗ lực cố gắng của các y, bác sĩ công tác tại các vùng cao, nơi còn có nhiều khó khăn, thiếu thốn.
Cũng với tinh thần hết lòng vì người bệnh, vừa qua các bác sĩ của Trung tâm Y tế huyện Tiên Yên đã phẫu thuật thành công ca chấn thương sọ não nguy hiểm đến tính mạng cho bệnh nhân LVQ (29 tuổi, xã Phong Dụ, huyện Tiên Yên).
Bệnh nhân bị tai nạn xe máy, được người nhà đưa đến Trung tâm. Các bác sĩ nhanh chóng thăm khám, xác định bệnh nhân tỉnh, suy nghĩ chậm, glasgow 14 điểm, hơi thở có mùi rượu, xây xước má trái, tay trái, đau đầu, vùng đỉnh đầu phải sưng nề, bầm tím, ấn đau; cẳng tay trái, cổ chân trái sưng nề, ấn đau, hạn chế vận động.
Ngay sau khi chụp chiếu xong, bệnh nhân lơ mơ, liệt nửa người (khoảng 20 phút từ lúc bệnh nhân vào viện). Nhận định đây là ca bệnh nặng, phức tạp, tình trạng người bệnh đang dần trở nên nguy kịch, kíp trực đã nhanh chóng mời lãnh đạo và các khoa liên quan hội chẩn, thống nhất đưa ra chẩn đoán: Chảy máu ngoài màng cứng bán cầu phải, vỡ xương đỉnh phải, đồng thời chỉ định phải mổ sớm lấy máu tụ nhằm tránh những biến chứng có thể xảy ra.
Bệnh nhân nhanh chóng được đẩy lên phòng mổ. Kíp phẫu thuật đã tiến hành mở sọ giải áp, đốt mạch cầm máu, lấy máu tụ, khâu treo màng cứng. Sau gần 2 giờ, ca mổ đã thành công, bệnh nhân tỉnh, không yếu liệt. Ngày hôm sau bệnh nhân đã ngồi dậy ăn uống được.
Bác sĩ CKI Lục Chiến Thắng, Trưởng Khoa Khám bệnh, Trung tâm Y tế huyện Tiên Yên, cho biết: Thời gian là cơ hội hết sức quý giá cho người bệnh chấn thương sọ não. Người bệnh cần được chẩn đoán xác định và mổ ngay khi có chỉ định phẫu thuật tại bệnh viện gần nhất, hay nói khác hơn là cướp lấy “thời gian vàng”. Hầu hết các trường hợp chấn thương sọ não nguy hiểm do tai nạn nếu không xử lý kịp thời sẽ dẫn đến tử vong hoặc để lại di chứng ảnh hưởng đến cuộc sống người bệnh và người nhà người bệnh. Nếu như bệnh nhân Q nhập viện muộn, sau 2-3 giờ nữa thì não sẽ bị tổn thương nhiều hơn, dù phẫu thuật cấp cứu thành công, sẽ để lại di chứng nặng nề, như yếu liệt nửa người, lơ mơ, động kinh, thời gian phục hồi lâu hơn.
Còn rất nhiều câu chuyện về sự nỗ lực, cố gắng và cần mẫn của các y, bác sĩ vùng cao. Từ tuyến huyện đến tuyến xã, các y, bác sĩ không quản ngại khó khăn, luôn sẵn sàng đồng hành cùng người bệnh. Với mong muốn “không ai bị bỏ lại phía sau”, ngày càng nhiều ca bệnh khó được cứu chữa kịp thời tại địa phương.
Trân trọng những đóng góp của các y, bác sĩ vùng cao, thời gian gần đây công tác y tế tại tuyến huyện, tuyến xã đã có rất nhiều sự quan tâm của các cấp, các ngành. Hầu hết các bệnh viện, trung tâm y tế tuyến huyện, các trạm y tế xã của tỉnh đã được đầu tư nâng cấp, xây dựng mới về cơ sở hạ tầng, trang thiết bị y tế hiện đại, thu hút và đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, tạo điều kiện tối đa cho y tế cơ sở. Qua đó chất lượng y tế chuyên sâu tại các địa phương có sự tiến bộ vượt bậc so với trước kia. Đó cũng là nguồn động viên, khích lệ lớn để các y, bác sĩ vùng khó yên tâm công tác, hết lòng vì bệnh nhân, ngày càng có những đóng góp nâng cao chất lượng cuộc sống cho nhân dân.
Hoài Minh
Liên kết website
Ý kiến ()