Không chỉ là người chỉ huy mưu lược, quyết đoán, Trung tướng Nguyễn Bình còn nổi tiếng về chiến tranh du kích, nhất là những năm tháng làm Tư lệnh Chiến khu Đông Triều (Đệ tứ Chiến khu). Ông được xem là linh hồn của Đệ tứ Chiến khu.
Nguyễn Bình tên thật là Nguyễn Phương Thảo, sinh năm 1908 tại xã Giai Phạm, huyện Yên Mỹ, tỉnh Hưng Yên. Từ năm 1925, ông tham gia bãi khóa ở Hải Phòng, lãnh đạo phong trào học sinh Hải Phòng để tang cụ Phan Châu Trinh. Sau đó, ông đi Pháp và bị bắt ở Mác-xây. Thực dân Pháp kết án 5 năm tù và đày ông ra Côn Đảo. Trong thời gian ở Côn Đảo, ông được tiếp xúc với các đồng chí Nguyễn Văn Cừ, Phạm Văn Đồng, Lê Duẩn, Hoàng Quốc Việt... nên đã chuyển dần từ lập trường Quốc dân Đảng sang lập trường Cộng sản. Sau này, Quốc dân Đảng đã coi ông là kẻ phản bội mới chọc mù một mắt của Nguyễn Bình. Vì thế, nhân dân vẫn gọi ông là “Độc nhãn tướng quân”.
Năm 1935, Nguyễn Bình ra tù và quay lại hoạt động cách mạng. Từ năm 1943 trở đi, ông mở rộng cơ sở cách mạng tại Đồ Sơn, Kiến An, An Lão, Hải An và Thủy Nguyên (Hải Phòng). Năm 1944, đồng chí Nguyễn Văn Tuệ (sư Tuệ) đi gặp Nguyễn Bình, mời ông về Đông Triều lập chiến khu. Theo sách “Chiến khu Đông Triều” do Nhà xuất bản QĐND ấn hành năm 1993: Vào giữa tháng 4/1945, Nguyễn Bình cử 2 cán bộ của mình là Đỗ Duy Phúc và Nguyễn Hoàng Long sang chùa Bắc Mã nắm tình hình. Đỗ Duy Phúc ở lại hoạt động, còn Nguyễn Hoàng Long quay về Hải Phòng báo cáo kế hoạch ra Tiên Yên mua vũ khí.
Cuối tháng 4/1945, Nguyễn Bình đến nhà Nguyễn Văn Đài (một cựu tù Côn Đảo) ở Mạo Khê, bàn về việc thành lập chiến khu; lên chùa Bắc Mã gặp Hải Thanh và Trần Cung để thống nhất lực lượng cách mạng của cả ba đầu mối lớn. Ông còn xuống phố huyện Đông Triều vận động đồn trưởng Nguyễn Hiền làm nội ứng giao nộp toàn bộ vũ khí cho cách mạng. Sau đó, ông quay về Hải Phòng vận động những thủy thủ yêu nước của ta trên thuyền của Nhật ở sông Tam Bạc lấy vũ khí chuyển về Đạm Thủy. Còn 3 binh sĩ yêu nước theo về là Hà Phương Tiên, Lê Phú và Hoàng Vinh được Nguyễn Bình bố trí ở chùa Ngọc Thanh, trên sườn đồi thông sau làng Đạm Thủy. Nguyễn Bình còn tổ chức cho binh lính yêu nước trong trại lính bảo an ở Kiến An lấy vũ khí, đạn dược đưa xuống sông Cấm chở về Đông Triều.
Theo sách "Nguyễn Bình - Trung tướng đầu tiên của Quân đội nhân dân Việt Nam", do Nhà xuất bản QĐND ấn hành năm 2004: Vào đầu tháng 6/1945, khi đang tổ chức lớp huấn luyện cho 50 cán bộ Việt Minh ở chùa Bắc Mã, Nguyễn Bình đã bàn với Hải Thanh và Trần Cung quyết định sẽ phối hợp với quân phỉ của Lương Đại Bân đánh đồn Chí Linh vào đêm 7, rạng sáng 8/6. Nguyễn Bình còn dự định đánh các đồn Đông Triều, Tràng Bạch và tước vũ khí của bọn chủ mỏ Mạo Khê, mặc dù chưa có quyết định chính thức của Xứ ủy Bắc Kỳ và chưa nhận được cán bộ quân sự biệt phái tới. Ngay sau khi thống nhất kế hoạch, ông đi Hải Phòng chuẩn bị cờ, băng rôn, khẩu hiệu cho quân khởi nghĩa.
Khoảng 10 giờ đêm ngày 7/6, Nguyễn Bình tập hợp nghĩa quân, phổ biến kế hoạch tác chiến và biên chế đội ngũ theo từng nhiệm vụ chiến đấu. Rạng sáng 8/6, nghĩa quân bắt đầu xuất phát từ chùa Bắc Mã. Đi đầu là tốp cầm cờ, tiếp đến là 4 tiểu đội với 4 súng trường, 1 số ít lựu đạn, còn lại là dao, kiếm, mã tấu. Trên cánh tay trái mỗi người đeo một băng vải đỏ với 3 chữ thêu chỉ vàng “Việt Minh quân”. Riêng Nguyễn Bình cài trước ngực một phù hiệu bằng chỉ vàng có thêu 3 chữ viết tắt “TCH” (tổng chỉ huy). Đoàn quân kéo đến gần phố huyện thì trời mưa nặng hạt. Ai nấy ướt hết. Nhưng đồng bào thấy vậy cũng đổ ra đường hoan hô và tham gia rất đông.
Vào đến huyện lỵ, Nguyễn Bình cho bắn 4 phát súng vừa thị uy vừa làm hiệu lệnh tiến công chiếm đồn bảo an. Đồn trưởng Nguyễn Hiền xuống tận chân đồi đón nghĩa quân vào, hạ lệnh mở cổng giao nộp 50 súng trường, 40 binh sĩ trong đồn được tuyên truyền giác ngộ. Một số theo Nguyễn Bình đi làm cách mạng, một số ít vì hoàn cảnh gia đình khó khăn được cho về quê.
Nguyễn Bình hạ lệnh mở kho thóc ở huyện lỵ để cứu đói cho dân, rồi mang vũ khí tiến về phía đò Triều, thu giữ thêm 3 thuyền thóc của huyện trưởng. Ông tổ chức một cuộc mít tinh ở ngay ngã tư cổng huyện để tuyên bố giải tán chính quyền tay sai của Nhật, thành lập Đệ tứ Chiến khu và kêu gọi đồng bào hăng hái tham gia Mặt trận Việt Minh, gia nhập hàng ngũ Du kích cách mạng quân. Nguyễn Bình thành Tư lệnh của Chiến khu Đông Triều, trực tiếp phụ trách công tác quân sự, binh vận và trang bị vũ khí cho nghĩa quân. Nguyễn Bình đem tên huyện trưởng Đỗ Văn Cang ra xét xử công khai, nhưng nể tình nhân dân xin nên đã tha cho tên này vì tội lỗi của hắn chưa nhiều.
Nghĩa quân do Nguyễn Bình chỉ huy đã đánh chiếm các mục tiêu ở Đông Triều, Chí Linh, Mạo Khê, Tràng Bạch và sau đó đánh chiếm phủ lỵ Kinh Môn. Ngày 28/6, Nguyễn Bình và Hải Thanh quyết định lên kế hoạch đánh trại thanh niên Đại Việt ở Bí Chợ và đồn Uông Bí. Kế hoạch di chuyển bằng thuyền. Chiều 29/6, đội du kích do Nguyễn Quý Đôn chỉ huy xuôi dòng Đá Bạc qua Mạo Khê, qua cầu Đá Bạc đến cửa sông Uông Bí thì gặp thuyền của Nguyễn Bình. Thuyền cập bến, cả đội lên bờ đã có cơ sở cách mạng ra đón. Sáng 1/7, đội du kích đánh chiếm đồn lính khố đỏ, thu hơn 60 súng trường, ba súng máy, cùng nhiều đạn dược, thuốc men. Chiến thắng Bí Chợ, Uông Bí đã tiếp tục tạo thế và lực mới cho Chiến khu Trần Hưng Đạo mở hướng phát triển mới về Quảng Yên, Hòn Gai và Kiến An. Nhờ thu được thêm vũ khí nên Ủy ban quân sự cách mạng chiến khu đã quyết định phát triển thêm lực lượng lên hơn 400 người, được biên chế thành các trung đội tương đối hoàn chỉnh.
Chiều 19/7, Nguyễn Bình hạ lệnh cho các đơn vị từ sông Đạm Thủy xuôi dòng xuống Quảng Yên. Chiều 20/7, tại một chiếc thuyền, ông triệu tập các đơn vị để giao nhiệm vụ đánh chiếm tỉnh lỵ Quảng Yên. Tối 20/7, trong khi các đơn vị chiếm lĩnh mục tiêu, cắt đứt thông tin liên lạc của Quảng Yên với Hòn Gai và Hải Phòng thì Nguyễn Bình vào đồn yêu cầu viên quan đồn trưởng hạ lệnh cho binh lính không được chống lại Việt Minh. Nhờ đó, nghĩa quân chiếm tỉnh lỵ, thu toàn bộ vũ khí đạn dược với 500 khẩu súng mà không gặp bất cứ kháng cự nào. Sáng 21/7, Nguyễn Bình cho quân chở toàn bộ chiến lợi phẩm về chiến khu, còn mình thì ở lại Quảng Yên ổn định tình hình, phát triển lực lượng cách mạng. Ngày 22/7, một cuộc mít tinh lớn được tổ chức ở tỉnh lỵ Quảng Yên, thu hút hàng nghìn người dân tham gia giương cao cờ đỏ sao vàng trong niềm vui chiến thắng. Lực lượng vũ trang của Chiến khu đã thể hiện nghệ thuật nắm thời cơ, chọn mục tiêu tiến công chính xác, táo bạo, đánh trúng và linh hoạt. Đây cũng là tỉnh lỵ đầu tiên trong cả nước giành được chính quyền trong thời kỳ tiền khởi nghĩa. Với chiến thắng này, Chiến khu Trần Hưng Đạo đã tạo điều kiện phát triển và đẩy phong trào cách mạng tiến lên giành thắng lợi cho Tổng khởi nghĩa Tháng Tám ở vùng duyên hải Đông Bắc.
Những ngày đầu Cách mạng Tháng Tám thành công, theo chỉ thị của Trung ương, Chiến khu Trần Hưng Đạo đổi tên thành Ủy ban Quân sự liên tỉnh miền duyên hải Đông Bắc gồm Hải Dương, Hải Phòng, Kiến An, Quảng Yên, Hòn Gai và Hải Ninh. Trong đó, Tư lệnh là Nguyễn Bình đã phát triển lực lượng của mình cơ động khắp các tỉnh này. Đến cuối tháng 10/1945, trên cơ sở này, Chiến khu ba đã được thành lập với phạm vi hoạt động rộng hơn, mở rộng ra cả tỉnh Hưng Yên và tỉnh Thái Bình. Tư lệnh Nguyễn Bình được cử vào miền Nam hoạt động.
Ngày 21/3/1949, Chủ tịch Hồ Chí Minh ra Sắc lệnh số 18-SL cử Nguyễn Bình làm Tư lệnh Bộ Tư lệnh miền Nam, lo việc thống nhất các lực lượng vũ trang. Dưới sự chỉ huy của Nguyễn Bình, các đơn vị bộ đội được biên chế thống nhất thành các chi đội Vệ quốc đoàn. Ông được phong quân hàm Trung tướng và là trung tướng đầu tiên của QĐND Việt Nam; được cử làm Tổng chỉ huy chiến trường Nam Bộ, Phó Chủ tịch Ủy ban Kháng chiến Nam Bộ. Tháng 9/1951, ông lên đường ra Bắc nhận nhiệm vụ mới, bị quân Pháp phục kích và hy sinh tại tỉnh Xtung Treng, Campuchia. Trung tướng Nguyễn Bình được truy tặng Huân chương Quân công hạng Nhất, Huân chương Hồ Chí Minh và danh hiệu Anh hùng LLVTND.
Đánh giá về Trung tướng Nguyễn Bình, Đại tướng Võ Nguyên Giáp viết: “Trung tướng Nguyễn Bình là một vị tướng có công lao lớn với quân đội và nhân dân, không những ở Chiến khu Đông Triều mà cả trong thời kỳ đảm nhiệm trọng trách ở Nam Bộ. Chính tôi, theo chỉ thị của Bác đã trực tiếp nói chuyện với đồng chí và chuyển lệnh nhận nhiệm vụ vào miền Nam. Đồng chí đã phấn khởi và đã khẩn trương lên đường vào miền Nam và đã có cống hiến quan trọng trong nhiệm vụ mới”.
Tiến sĩ Ellen Hammer, người Mỹ, trong cuốn sách "Nguyễn Bình - Trung tướng đầu tiên của Quân đội nhân dân Việt Nam", đánh giá: “Dưới sự lãnh đạo của Nguyễn Bình, các đơn vị bộ đội từ chỗ kém tổ chức, thiếu súng đạn, gặp nhiều khó khăn trở ngại đã dần dần trưởng thành, trở nên hữu hiệu và đáng sợ. Những ý đồ chia rẽ Việt Nam với sự ra đời của Nước Nam kỳ tự trị vào mùa thu năm 1946 của Pháp đã hoàn toàn thất bại trước sự tiến công của quân du kích dưới sự lãnh đạo của Nguyễn Bình”.
Huỳnh Đăng
Trình bày: Tất Đạt
Ý kiến ()