Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 22/11/2024 08:14 (GMT +7)
Chuyện về những chú cá voi, cá heo ở vùng biển Cô Tô
Chủ nhật, 28/01/2024 | 09:08:00 [GMT +7] A A
Khoảng hơn một năm trở lại đây, ở vùng biển Cô Tô xuất hiện nhiều loài cá voi, cá heo, rùa biển được ngư dân, bộ đội biên phòng… ghi hình lại và đưa lên các phương tiện truyền thông đại chúng, mạng xã hội. Đây đều là các loài động vật biển quý hiếm, nằm trong danh sách được bảo vệ, cấm săn bắt trong tự nhiên hiện nay nhưng ngược lại cũng là những loài vật hiền lành, thân thiện với con người. Vậy nên cũng là điều dễ hiểu khi sự xuất hiện của chúng thu hút sự quan tâm rất lớn của du khách, người dân…
Gõ tìm kiếm trên mạng, chúng tôi ghi nhận được khá nhiều thông tin về cá voi, cá heo, rùa biển được phát hiện tại vùng biển Cô Tô: Tháng 11/2022, ngư dân phát hiện đàn cá heo bơi trong nhiều giờ gần cầu cảng (thị trấn Cô Tô). Gần nhất là ngày 20/1 vừa qua, anh Tuấn Anh trong lúc đi câu mực ở cồn Phải, cách bờ biển thị trấn Cô Tô khoảng 2-3km, đã ghi lại được cảnh đàn cá heo khoảng 30 con nổi lên mặt nước biển.
Đối với cá voi: Tháng 7/2023, một đàn cá voi từ 4 - 5 con xuất hiện tại khu vực Hạ Mai đến Đầu Trâu. Cuối tháng 9/2023, người dân Cô Tô tiếp tục ghi lại được hình ảnh đàn cá voi gồm 3 con dài khoảng 20m trồi lên khỏi mặt nước. Giữa tháng 12/2023, các chiến sỹ Đồn Biên phòng Cô Tô ghi lại đoạn clip đàn cá voi xuất hiện ở phía Đông Nam đảo Cô Tô, cách bờ khoảng 6 hải lý.
Còn về rùa, vào tháng 8/2023, anh Ngô Gia Mạnh (ở xã Đồng Tiến, Cô Tô) đã phát hiện một con rùa biển nổi trên mặt nước khi cùng nhóm bạn đi thuyền ra bãi biển Đông, thuộc đảo Cô Tô con. Đây là lần đầu tiên rùa biển xuất hiện trở lại sau hơn 10 năm huyện đảo Cô Tô thả một con rùa có trọng lượng 125kg về biển…
Chia sẻ thú vị từ góc nhìn chuyên gia
Không chỉ người dân, du khách, giới nghiên cứu khoa học cũng rất xem trọng điều này. Thạc sĩ Phạm Văn Chiến, chuyên gia nghiên cứu về thú biển của Viện Tài nguyên và Môi trường Biển (Viện Hàn lâm KHCN Việt Nam), thành viên Hội Động vật hoang dã Việt Nam, cho hay: Chúng tôi thấy trên mạng xã hội đưa rất nhiều về việc cá voi nổi liên tục, thậm chí nổi cả đợt nhiều ngày liền, theo đàn từ 2-3 con. Vì vậy, tôi từ Hải Phòng đã ra vùng biển Cô Tô, tìm kiếm tận 2 ngày ở nơi bà con thường hay gặp cá voi để xem xét, tiếc là không phát hiện được con cá voi nào nổi lên cả, có thể là chúng đã di chuyển đi nơi khác rồi.
Tuy nhiên, điều đấy cũng là bình thường thôi vì thời điểm ấy thì phù du, sinh vật nhỏ (ruốc, tép…) là nguồn thức ăn của cá voi, nổi dày đặc ở khu vực này. Vậy nên, cá voi phát hiện nguồn thức ăn có sẵn sẽ quanh quẩn tại khu vực đó kiếm ăn nhiều ngày, bà con ngư dân có thể ngày nào cũng thấy cá voi tại khu vực này là vì thế. Chúng có thể chỉ dời đi khi nguồn thức ăn đã cạn kiệt…
Cá heo thì hơi khác là vì chúng đi theo đàn để kiếm ăn và thường di chuyển nhanh qua nhiều nơi, vì thế mà việc bắt gặp cá heo sẽ ít hơn so với cá voi, ngư dân chỉ có thể tình cờ bắt gặp. Thức ăn của chúng là cá con, tôm, cua, mực…, tập tính của chúng thường hay săn mồi theo đàn, cũng dễ thấy là khi chúng săn mồi theo đàn đông sẽ cho hiệu quả cao hơn. Ở Cô Tô, bà con thấy đàn cá heo khoảng 3 chục con nhưng thực tế cũng chưa phải đàn đông nhất, có những đàn cá heo ở vùng biển Trường Sa, Khánh Hoà có thể lên tới hàng trăm con.
Trò chuyện thêm, anh Chiến khẳng định: Cá voi, cá heo có kích thước cơ thể lớn nên thường chỉ sống ở các vùng biển sâu. Chúng là loài động vật toàn cầu, hầu như ở vùng biển nào của thế giới cũng có, chỉ có điều lúc gặp nhiều, lúc gặp ít vì bản chất chúng là loài phân bố rộng, di chuyển kiếm ăn, sinh sản ở khắp các vùng biển và đại dương. Cũng một đàn cá đó, nay có thể chúng xuất hiện ở Quảng Ninh nhưng vài hôm sau có thế chúng đã di chuyển tới tận Nha Trang, Cà Mau, thậm chí ở các quốc gia khác.
Cũng có ngoại lệ, một số loài cá heo có phạm vi phân bố tương đối hẹp, chúng ít di cư đi xa, đơn cử như loài cá heo không vây ở Quảng Ninh và Hải Phòng, ít khi di chuyển đến các vùng biển khác. Tuy nhiên, đàn cá heo lớn mà ngư dân phát hiện vừa qua ở vùng biển Cô Tô thì không thuộc loài cá heo này mà thuộc loài di chuyển rộng.
Riêng với rùa biển, anh Chiến cho hay, ở Việt Nam trước đây thì nhiều hơn nhưng hiện nay ít khi phát hiện thấy chúng ở vùng biển khu vực phía Bắc, trong đó Rùa da và Quản Đồng (tên một loại rùa) rất hiếm gặp, Vích và Đồi mồi gặp nhiều hơn. Ở Quảng Ninh cũng vậy, từng phát hiện có những bãi đẻ của rùa ở khu vực Thượng Mai, Hạ Mai (Vân Đồn) và ở Cô Tô nhưng hiện cũng hiếm khi thấy chúng ngoài tự nhiên. Cá thể rùa mà ngư dân phát hiện ở Cô Tô vào tháng 8/2023, qua ảnh anh nhận định khả năng cao là Vích trưởng thành.
Cần sự chung tay bảo vệ tốt hơn
Qua tìm hiểu được biết, ở Việt Nam có khoảng 29 loài cá voi, cá heo. Cá voi, cá heo, rùa biển đều là những loài quý hiếm, ở Việt Nam chúng đều được đưa vào Sách Đỏ hoặc danh lục bảo vệ CITES, cấm đánh bắt, buôn bán dưới mọi hình thức. Anh Chiến cho hay, vào khoảng thập kỷ 80 của thế kỷ XX trở về trước thì số lượng các loài thú biển này trong tự nhiên lớn hơn hiện nay rất nhiều, người đi biển gặp rất thường xuyên. Hiện nay, do điện thoại thông minh phổ biến, phương tiện truyền thông nhiều nên việc xuất hiện của chúng mặc dù ít hơn trước đây nhưng thông tin dễ được lan toả rộng rãi hơn.
Cá voi, cá heo, rùa biển là những loài vật linh, thậm chí ở miền Trung cá voi còn được tôn thờ, thường được ngư dân bảo vệ, ít săn bắt, vì vậy việc suy giảm quần thể thường do nguyên nhân gián tiếp từ môi trường và hoạt động kinh tế, xã hội của con người. Trước đây, số lượng chúng nhiều hơn vì môi trường trong sạch hơn, các hoạt động kinh tế, xã hội nói chung, đánh bắt thuỷ sản nói riêng của con người không chỉ ít hơn mà cũng thô sơ, đơn giản, ít tác động tới môi trường tự nhiên hơn, nguồn thức ăn của chúng cũng nhiều hơn bây giờ.
Anh Chiến nhận xét: Các loài cá voi, cá heo ưa những vùng biển sạch nên vùng biển nào có sự xuất hiện của chúng là còn tương đối trong sạch. Vùng biển nào bị ô nhiễm, nhiều hoạt động xây dựng, chất thải nhiều có thể chúng sẽ bỏ đi nhưng khi được bảo vệ tốt, môi trường trong sạch, nguồn thức ăn dồi dào trở lại thì chúng lại có thể quay lại. Khi chúng tôi ra Cô Tô, nhiều ngư dân cũng bảo hàng năm vẫn gặp chúng chứ không phải chỉ năm nay. Tuy nhiên, để bảo vệ được chúng tốt hơn, thu hút chúng thường xuyên về kiếm ăn thì cần tiếp tục làm tốt công tác bảo vệ môi trường, giữ lại nguồn thức ăn ở vùng biển Cô Tô cho chúng tốt hơn, với cá voi là ruốc, tép, với cá heo là cá đù vùng cửa sông...
Cá voi, cá heo đa số là những loài vật hiền lành, thân thiện với con người. Chính vì vậy, ở trên thế giới đã phát triển nhiều tour du lịch ngắm cá voi, cá heo dựa theo tập tính kiếm ăn, sinh sống của từng loài. Du khách trải nghiệm dịch vụ này không chỉ ngắm cá từ trên thuyền mà còn có thể lặn, bơi cùng chúng. Ở Việt Nam cho tới giờ chưa có dịch vụ này nhưng với sự phân bố, xuất hiện của chúng ở Cô Tô, thiết nghĩ cũng là cơ hội cho quần đảo du lịch này nghiên cứu để phát triển dịch vụ ngắm cá voi, cá heo trong tương lai, hứa hẹn sự độc đáo và sức hút không nhỏ với du khách.
Phan Hằng
Liên kết website
Ý kiến ()