Tất cả chuyên mục
Thứ Năm, 31/10/2024 07:29 (GMT +7)
Chuyện về những người "đánh thức" giá trị của ký ức
Chủ nhật, 14/07/2024 | 10:51:45 [GMT +7] A A
Mỗi món đồ cổ mang vẻ đẹp nhuốm màu thời gian, thể hiện nét tinh tế trong kỹ thuật tạo tác và giá trị văn hóa. Bởi vậy, mỗi cổ vật tái hiện các giá trị lịch sử, kết nối sợi dây văn hóa giữa quá khứ và hiện tại, giúp người đương thời lắng nghe được tiếng vọng của thời gian.
Chúng tôi có mặt tại gia đình anh Phạm Đức Long, một nhà sưu tập cổ vật rất tâm huyết ở phường Bãi Cháy (TP Hạ Long). Hôm nay, anh Long tập hợp một số bạn hữu của mình để cùng nhau "thẩm" đồ. Thường thì trong mỗi cuộc giao lưu, mỗi người mang theo trên xe của mình một vài món đồ tâm đắc vừa mua được. Có người thích sưu tập đồ cung đình thì mang đến những miếng ngọc bội hay kim bài vua ban. Nhà sưu tập Đinh Quang Trung đến từ Hải Dương thì mang theo vài món đồ cổ thuộc dòng gốm Chu Đậu. Vì di chuyển đường xa, tránh sứt mẻ nên họ thường mang theo đồ có kích thước không lớn và dễ cuộn lại, xếp đặt vào thùng xốp.
Căn nhà của anh Long vốn đã chật ních đồ cổ vì thế hôm nay cũng đông đúc, xôm tụ hẳn lên so với mọi ngày bình thường khác. Anh Long bảo với tôi rằng, đồ cổ chứa đựng nhiều giá trị văn hoá, thú chơi đồ cổ cũng là một thú chơi rất văn hoá. Từ những món cổ vật mà họ xích lại gần nhau hơn, những khoảng cách của tuổi tác, địa vị, giàu nghèo cũng không còn nữa. Họ kết nối được nhiều anh em cùng một niềm đam mê sưu tập cổ vật.
Cả nhóm đi dạo quanh từng ngóc ngách của ngôi nhà, ngắm nghía từng cổ vật để "thẩm" giá trị của chúng. Ngoài sân, anh Long bày toàn đồ đá vì thứ này chịu được sự khắc nghiệt của thời tiết. Bước qua cửa vào căn nhà, tôi đã nhận ra thoang thoảng mùi hương trầm. Làn khói trầm đang bảng lảng bay lên phía trước một bức tượng Phật bằng ngà do anh đấu giá ở nước ngoài về. Nếu không thấy cửa kính, những bức tường gạch sơn trắng thì tôi đã ngỡ mình đang bước vào một ngôi chùa hoặc là một căn nhà cổ nào đó ở đồng bằng Bắc Bộ. Trên tường, anh Long treo nào là hoành phi, câu đối, đại tự, thậm chí là cả sắc phong do anh sưu tập được. Đến bàn ghế, đồ thờ tự, đồ trang trí cũng toàn là đồ cổ có niên đại vài trăm năm.
Có lúc tôi lại thấy như mình lạc vào căn nhà của một gia đình trí thức Tây học ở đầu thế kỷ trước. Bởi nhìn xung quanh thì thấy toàn tủ chè trang trí cổ kính, chạm khắc tinh xảo. Góc nhà trên tường là đồng hồ quả lắc. Đồng hồ gỗ, chiếc thì để đứng, chiếc lại treo. Trên trần nhà có treo 3 cái quạt xuất xứ châu Âu có từ đầu thế kỷ XX.
Căn nhà anh Long hội tụ đồ cổ khắp ba miền nhưng mọi người ấn tượng nhất là những đồ cổ có xuất xứ ở Quảng Ninh. Theo đánh giá của các nhà sưu tập, Quảng Ninh là vùng đất cổ đã để lại kho tàng di vật cổ vật phong phú, đa dạng và có nhiều giá trị về văn hoá, lịch sử. Nhiều nhất vẫn là đồ gốm. Bên hiện vật bảo tàng, các nhà sưu tập của Quảng Ninh như anh Long hiện nay đang lưu giữ hàng trăm cổ vật là những sản phẩm gốm, sứ, đồng, gỗ cổ, đồ thờ tự, sắc phong có niên đại từ thời Hán, Đông Sơn, Lý, Trần, Lê…
Tại Quảng Ninh đã tìm thấy một số dòng gốm sứ, đồ đồng, đồ đá, điển hình như vùng Hoàng Tân Quảng Yên tìm thấy bình gốm Đầu Rằm, vùng Đông Triều đã khai quật được nhiều mộ Hán Việt, đồ làm đất nung không men, có niên đại trên dưới 2.000 năm. Vùng Yên Tử đã phát hiện nhiều gốm tráng men và có họa tiết, đồ đồng có họa tiết văn hoa, đồ đá đục họa tiết, các đồ đều có niên đại thời Lý, Trần…
Đặc biệt, Quảng Ninh có dòng gốm Vạn Ninh với tính chất của dòng gốm nặng lửa, tuy ra đời khá muộn, mãi đến giữa thế kỷ XIX mới xuất hiện và chỉ sản xuất đến cuối những năm 70 của thế kỷ XX thì ngưng. Dân gian vẫn truyền khẩu câu “Sứ Móng Cái, vại Hương Canh” như một minh chứng cho sự phát triển vàng son của dòng sứ này. Theo các nhà sưu tập, sở dĩ đạt được sự ghi nhận, đánh giá cao đó vì dòng sứ Vạn Ninh có những đặc điểm nổi trội so với các dòng sứ khác, đặc trưng nhất là mỹ thuật tạo hình. Hoa văn trang trí mang tích truyện, điển tích, điển cố quen thuộc của Đạo giáo, Nho giáo, Phật giáo, mang hàm ý tươi vui, chúc phúc. Hoa văn chuyển tải các tích truyện, nhân vật có thật hoặc hư cấu, cho thấy sự hòa hợp giữa các tôn giáo để hướng đến cái Chân - Thiện - Mỹ.
Các dòng gốm nói chung đã góp phần quảng bá những giá trị văn hóa, lịch sử của vùng đất này, đồng thời tạo ra một không gian văn hóa, đưa cổ vật trở thành sản phẩm văn hóa du lịch cho du khách khi đến với Quảng Ninh. Cũng vì thế mà các nhà sưu tầm cổ vật nhiều tỉnh, thành thường xuyên hội tụ tại Quảng Ninh bởi cùng một niềm đam mê.
Anh Đinh Quang Trung, Chủ nhiệm CLB Cổ vật Xứ Đông, tặc lưỡi bảo với tôi rằng, Quảng Ninh còn nhiều tiềm năng nữa, nhất là tiềm năng quảng bá du lịch nhưng lại là "vùng trũng" về số lượng các nhà sưu tập cổ vật. Nếu như Hà Nội, Huế mỗi nơi có hàng ngàn người, các tỉnh thành khác thì con số lên đến hàng trăm, nhưng ở Quảng Ninh thì số lượng nhà sưu tập chỉ đếm trên đầu ngón tay. Vì thế, những người như anh Long giống như "của hiếm" vậy.
Anh Long đưa các bạn của mình và chúng tôi sang Bảo tàng Quảng Ninh để tham quan bộ sưu tập những Bảo vật Quốc gia được phát lộ tại địa phương. Ai nấy đều tấm tắc khi đứng trước hộp vàng Ngoạ Vân, bình gốm Hoàng Tân hay thống sứ thời Trần... Chỉ vào nhóm bạn đang say sưa ngắm nghía, nhà sưu tập Lê Văn Toản, Trưởng Ban liên lạc Hội Cổ vật ba miền toàn quốc, như muốn chứng minh cho tôi thấy, họ cùng một niềm đam mê mãnh liệt nên bỏ qua khoảng cách để đến với nhau tìm đến với những giá trị tinh thần, giá trị văn hoá.
Tôi biết, họ đã tìm thấy niềm vui khi gìn giữ những giá trị lịch sử, thấu hiểu những gì cha ông ta đã để lại. Ông Vũ Văn Hoà, Chủ nhiệm Hội Cổ vật liên kết Xứ Đông, cũng như nhiều người trầm trồ vì đã gặp ở Quảng Ninh những món đồ quý hiếm mà nhiều thứ chưa thấy ở đâu có. Đặc biệt là dòng gốm Vạn Ninh, đã tiếp thu được tinh hoa gốm sứ Trung Hoa.
Ông Vũ Văn Hoà say sưa ngắm chiếc hộp vàng Ngoạ Vân và bộ sưu tập đồ gốm Vạn Ninh. Theo ông Hoà, Bảo tàng Quảng Ninh đã sưu tập được những hiện vật gốm quý giá của đất nước. Đi với ông Hoà và các bạn của ông, tôi thấu hiểu thêm những tri thức về cổ vật, cùng giao lưu chia sẻ, kết nối với nhau qua giá trị văn hoá. Ông Hoà phân tích cho tôi thấy những cổ vật thể hiện độ tinh xảo, chứng tỏ những nghệ nhân xưa có tay nghề rất cao và từng sử dụng cho những nơi rất là quyền quý.
Có những cổ vật chỉ Quảng Ninh, chỉ Bảo tàng mới giữ được. Cổ vật "quý hồ tinh bất quý hồ đa" cũng vì như thế. Hơn nữa, nhiều khi vật quý đi tìm người vì một chữ duyên chứ chưa chắc người cố công mà đã tìm được vật. Bởi thế, những gì phát lộ ở Quảng Ninh hay đang nằm trong tay các nhà sưu tập Quảng Ninh là đã có mối lương duyên với đất và người nơi đây.
Với tâm huyết của mình, những người yêu thích cổ vật đã góp phần hạn chế nạn "chảy máu cổ vật". Thông qua những cuộc đấu giá, những nhà sưu tầm đã giúp rút ngắn con đường hồi hương cổ vật. Cổ vật về với Việt Nam qua đấu giá, về với Quảng Ninh để sống mãi trong lòng đất mỏ. Trong đó, nhờ tâm sức của các nhà sưu tập mà không ít hiện vật gốm lưu lạc đã có con đường trở về bớt gian nan hơn. Anh Phạm Đức Long chia sẻ: Thị trường cổ vật trong nước giờ rất ít nên thời gian tới, chúng tôi sẽ kết hợp với các bảo tàng quốc tế để đấu giá hồi hương những món cổ vật chủ yếu thuộc các giai đoạn Lý, Trần, Lê và cả thời Nguyễn.
Bảo tàng thì có tủ kính cường lực bảo vệ, có camera an ninh giám sát, có bảo vệ. Ở nhà anh Long thì cửa làm thêm mấy lớp, có cả camera an ninh, lại có thêm tủ kiên cố. Sau cánh tủ là những món đồ cổ mà anh nâng niu như người bạn tri kỷ của mình. Đồ cổ chỉ có giá trị, chỉ biết lên tiếng với những ai trân quý nó là vì như thế.
Hiện nay, nhiều người không giữ khư khư những bộ sưu tập cổ vật sau cánh cửa nhà mình mà mang đi trưng bày, giới thiệu, đem đến nhiều sắc màu cho người thưởng lãm. Điều này càng có ý nghĩa khi nhiều cổ vật có giá trị nằm trong các sưu tập tư nhân, bảo tàng nhà nước còn thiếu vắng. Anh Nguyễn Đức Phương, Trưởng Phòng Trưng bày - Giáo dục - Truyền thông, Bảo tàng Quảng Ninh, cho biết: Việc phát huy giá trị các di vật, cổ vật tại Bảo tàng hiện nay vẫn cần nhiều hơn nữa sự chung tay của các nhà sưu tập đang sở hữu những cổ vật quý. Chúng tôi đã và sẽ tiếp tục phối hợp với các nhà sưu tập để tổ chức các cuộc trưng bày quy mô hơn, không chỉ là các cổ vật phát lộ tại Quảng Ninh mà còn cả cổ vật của các địa phương liên quan.
Thiết nghĩ, nếu làm được như thế thì đồ cổ sẽ được trưng bày luân chuyển để phục vụ du khách đến Quảng Ninh, tìm hiểu về các giá trị văn hoá của Quảng Ninh cũng như các vùng miền khác. Chia tay nhóm sưu tập cổ vật, tôi chúc cho các anh sớm thành công với những ý tưởng rất nhân văn của mình.
Phạm Học
Liên kết website
Ý kiến ()