Tất cả chuyên mục

LTS. Tại Bảo tàng Quân đội Việt Nam hiện vẫn còn trưng bày bức ảnh viên phi công E.An-vơ-rết, với dòng chú thích: “Giặc lái Mỹ đầu tiên bị bắt ở miền Bắc”. Tác giả bức ảnh này là Nhà báo Công Vượng, nguyên phóng viên Báo Quảng Ninh. Bức ảnh đã được đăng trên báo Quảng Ninh và báo Nhân Dân ngay sau ngày diễn ra Chiến thắng trận đầu 5-8-1964 và đã gây ấn tượng mạnh trên công luận.
49 năm đã trôi qua, mới đây Nhà báo Công Vượng (nay đã ngoài 80 tuổi, hiện cư trú tại phường Yết Kiêu, TP Hạ Long) đã gửi tới Báo Quảng Ninh bài viết kể nhiều điều thú vị về “nhân vật” trong bức ảnh này. QNCT xin trân trọng giới thiệu tới bạn đọc...
Kỷ niệm không quên
Trong đời làm báo của tôi, có lẽ đó là kỷ niệm không bao giờ quên. Tôi nhớ chiều 5-8 năm ấy (1964), trong lúc anh em Toà soạn Báo Quảng Ninh chúng tôi đang nghe phổ biến Chỉ thị của Trung ương về việc cần phải nâng cao cảnh giác, sẵn sàng chiến đấu, vì Mỹ nguỵ đang thua to ở miền Nam, rất có thể sẽ dùng không quân, hải quân đánh phá miền Bắc để cứu vãn tình hình, thì bỗng nghe có tiếng rít lớn như xé bầu trời... Có nhiều người hét to: “Máy bay Mỹ! Máy bay Mỹ…”. Cả thị xã Hòn Gai vang động tiếng gào rú của máy bay, tiếng súng cao xạ, đại liên, trung liên v.v. từ bốn phía bắn lên.
![]() |
Viên phi công Mỹ E.An-vơ-rết bị bắn rơi và bị bắt sống trong trận 5-8-1964. |
![]() |
Nhà báo Công Vượng bên bức ảnh chụp viên phi công Mỹ E.An-vơ-rết của mình. |
Không chỉ vợ mà cả mẹ và cô em gái của E.An-vơ-rết sau khi xem ảnh cũng… vừa thương vừa giận! Và từ đó, họ luôn có mặt trong các đoàn biểu tình đòi Chính phủ Mỹ phải rút quân về nước... |
Ban biên tập Báo triệu tập cuộc hội ý chớp nhoáng và phân công nhiệm vụ cho các cán bộ, phóng viên theo dõi tình hình chiến sự. Đến chiều, khi cuộc chiến đấu chấm dứt được khoảng mươi phút thì Đài Phát thanh thị xã đưa tin máy bay Mỹ đã bị bắn rơi, giặc lái nhảy dù rơi ngoài Vịnh... Tôi lập tức cầm máy ảnh cùng sổ công tác lao đi lấy tư liệu. Tuy nhiên, rất tiếc là khi ra tới nơi thì viên phi công đã bị bắt và được đưa đi rồi. Cho tới khoảng hơn 20 giờ cùng ngày, trong lúc đang bắt đầu ăn cơm thì tôi nhận được tin Toà soạn báo tên giặc lái nhảy dù hiện đang bị giam giữ tại Bãi Cháy. Thế là tôi buông bát, cầm nhanh máy ảnh lên đường...
Vừa tức tốc đạp xe, tôi vừa nghĩ: “Lâu nay, Đế quốc Mỹ vẫn huênh hoang về sức mạnh vô địch của Không lực Hoa Kỳ, thế nhưng kẻ mà mình sắp đối mặt lại chính là một tên giặc lái thất trận! Vậy phải cố chụp nó như thế nào cho đúng với tính chất ấy!”. Nghĩ vậy, trong lúc chờ qua phà Bãi Cháy, tôi đã lo chuẩn bị máy ảnh thật tốt…
Hơn 9 giờ tối, Bãi Cháy lúc này vắng tanh, còn phảng phất mùi khói đạn trong cuộc chiến hồi chiều. Tôi đến đơn vị Hải quân, thấy anh em chiến sĩ đang khẩn trương giải quyết hậu quả, chuẩn bị cho trận chiến đấu mới. Trong căn phòng rộng hơn 10m2, E.An-vơ-rết - viên phi công vừa bị bắt - đang ngồi trên một ghế đẩu giữa phòng trả lời thẩm vấn của một cán bộ chỉ huy đơn vị Hải quân. Theo đề nghị của tôi, cuộc hỏi cung tạm ngừng. Tôi xuất hiện trước E.An-vơ-rết cách chừng một mét. Khi thấy tôi giơ máy ảnh lên chụp, E.An-vơ-rết phản ứng rất nhanh, cố ý để không cho tôi ghi hình. Tôi hạ máy xuống, nhìn thẳng vào y, tỏ thái độ rất nghiêm khắc. Thấy vậy, E.An-vơ-rết cúi đầu xuống để tránh ánh mắt của tôi. Tôi liền giơ máy bấm liên tục 3 kiểu chưa đầy 1 phút...
Về tới Toà soạn là 12 giờ đêm, tôi và anh Hoàng Chí (cùng là phóng viên Báo Quảng Ninh thời ấy) vào ngay buồng tối để tráng phim, rửa ảnh. Xem đi xem lại 3 kiểu ảnh, chúng tôi thấy ưng ý nhất là kiểu thứ hai, viên phi công E.An-vơ-rết cúi đầu, đôi mắt nửa như ngạc nhiên, lấm lét, nửa như sợ hãi, khuất phục… Chúng tôi in bức ảnh này và đem đi báo cáo đồng chí Nguyễn Thọ Chân, lúc ấy là Bí thư Tỉnh uỷ Quảng Ninh. Và ngay sáng hôm sau, hình ảnh tên giặc lái Mỹ thất trận đầu tiên bị bắt ở miền Bắc đã được in cạnh những dòng tin chiến thắng oanh liệt của quân dân miền Bắc nói chung, Quảng Ninh nói riêng, trong trận đầu chiến thắng giặc Mỹ trên báo Đảng...
Và chuyện bây giờ mới kể...
Những năm sau này, khi đã nghỉ hưu, cứ đến dịp đầu tháng 8, cánh “cựu binh” trong làng Báo Quảng Ninh chúng tôi thường ngồi với nhau để hồi tưởng về những ngày làm báo thời ấy. Có lần, anh Lý Biên Cương bảo tôi: “Bức ảnh ông chụp viên phi công E.An-vơ-rết đã “gây sóng gió” cho gia đình của y ở tận bên Mỹ đấy!”. Lý Biên Cương còn tiết lộ cho tôi một số chi tiết mà ông đã đưa vào trong một tác phẩm văn học với nhan đề “E.An-vơ-rết về Mỹ” (xuất bản vào đầu năm 1984). Trong tác phẩm này, qua sưu tầm tư liệu sách báo trong, ngoài nước, Lý Biên Cương cho biết gia đình E.An-vơ-rết trước kia sống ở thị trấn San-ta-cơ-la-na, thuộc Man-hi-cô, sau đó sang Mỹ làm ăn ở bang Ca-li-phóc-ni-a. Vợ của E.An-vơ-rết là bạn cùng học có tên là Phan-di, sống cùng mẹ già và cô em gái của y tên Đan-ni-a. Khi được tin chồng mình đã bị bắt vào “khách sạn Hin-tơn” Hà Nội và nhất là sau khi xem bức ảnh của tôi in trên báo Nhân Dân được một số tờ báo Mỹ đăng lại, chị đã làm đơn ly hôn, đi lấy người chồng khác. Không lâu sau tạp chí “Sao và Gạch” của quân đội Mỹ có bài chỉ trích Phan-di, cho là chị đã bội bạc với chồng... Phan-di đã cực lực phản đối và nói trên báo chí rằng: “Tôi bỏ E.An-vơ-rết bởi anh ta đã vào lính đi xâm lược nước khác... Tôi đã bị E.An-vơ-rết lừa dối...”. Không chỉ vợ mà cả mẹ và cô em gái của E.An-vơ-rết sau khi xem ảnh cũng… vừa thương vừa giận! Và từ đó, họ luôn có mặt trong các đoàn biểu tình đòi Chính phủ Mỹ phải rút quân về nước...
Cũng qua anh Lý Biên Cương mà tôi biết chuyện E.An-vơ-rết sau khi Hiệp định Pa ri ký kết, y cùng với nhiều phi công Mỹ khác được Việt Nam trao trả. Khi về thăm gia đình với lon trung tá lấp lánh trên vai (thay cho cái lon trung uý ngày y bị bắt), E.An-vơ-rết quan sát quanh nhà và rất đỗi ngạc nhiên thấy tấm hình khá to của mình mặc quân phục ngồi cúi đầu buồn bã nhìn xuống đất được treo giữa nhà. Mẹ E.An-vơ-rết nhìn thẳng vào con trai mình, nói: “-Con là người có tội, chứ không phải là người anh hùng như người ta ngợi ca đâu!”.
Mười ba năm sau (3-1993), là một thành viên trong đoàn làm bộ phim của Mỹ với nhan đề “Tết hoà giải”, E.An-vơ-rết lại có dịp trở lại Việt Nam. Trong lần thăm Bảo tàng Quân đội Nhân dân Việt Nam, khi đứng trước tấm hình của mình treo ở vị trí trên bức ảnh xác máy bay Scai-hốc (Chim ưng nhà trời), E.An-vơ-rết đã khóc… Trong cuốn nhật ký có nhan đề “Đại bàng bị xích” của mình, E.An-vơ-rết kể lại: “Tất cả 10 chiếc Scai-hốc có nhiệm vụ tấn công Hòn Gai gặp nhau ở độ cao 20.000 bộ trước khi tăng lên 30.000 bộ trong chuyến bay 70 phút tấn công mục tiêu phía tây bắc... Tôi bay yểm hộ trung tá Bốp Nốt-tinh-hâm, chỉ huy phi đội... Viên chỉ huy và tôi đều nhìn thấy phía bên trái có 4 chiếc tàu phóng ngư lôi đứng cạnh một chiếc tàu tuần tiễu lớn. “-Tốt rồi, bắn!” - Nốt-tinh-hâm hét lên trong bộ đàm khi anh ta bay qua, nhưng quá muộn để khai hoả. Tôi đang bay trong đội hình giãn ra, khoảng 70 độ sau anh ta. Tôi chúc mũi máy bay và bóp cò, tôi cũng chẳng kịp nhìn xem rốc két của tôi bắn trúng hay không? Khi tôi vòng lên phía bên phải vẫn ở trong Vịnh, tôi hét vào mi-cờ-rô gọi những chiếc A4 khác: “Chúng đang ở trong Vịnh, bờ phía tây, 4 chiếc phóng lôi và một tàu tuần tiễu!”... Tôi bay qua những luồng đạn phòng không bắn lên từ tàu Hải quân và các trận địa pháo cao xạ. Hoả lực đó mạnh hơn nhiều so với chúng tôi dự đoán và họ nổ súng nhanh... rõ ràng là họ đã được báo động. Chúng tôi bay qua phía nam thành phố, tiến tới một mỏm đồi nhìn ra biển. Bỗng tôi nghe thấy một tiếng “bùng” cùng tia lửa xanh lớn ở cửa kính bên trái buồng lái. Chiếc máy bay lắc mạnh, kêu lách cách như có ai đó đổ một thùng bu-lông vào động cơ. Tất cả đều báo cháy... Khói tràn đầy buồng lái. Tôi như chìm trong ảo giác, khó cử động. Tôi cố nói: “411 gọi 409... Tôi bị bắn trúng rồi!”... “-Cậu đang ở đâu” - Nốt-tinh-hâm hỏi...
Tôi bị treo gần như lộn ngược. Nếu chậm tôi bị tan xác cùng với chiếc máy bay. Lúc đó tôi cố nhìn mặt đất khoảng gần 500 bộ. Tôi nắm lấy chiếc dù phía sau giật mạnh, lập tức ghế và dù bật tung khỏi máy bay. Tôi lao cắm đầu xuống choáng váng gần như ngất đi... trong giây lát tôi đã rơi xuống nước...”.
Vậy là cuộc chiến đã lùi vào quá khứ, thấm thoắt gần 50 năm trôi qua. Giờ đây nhiều điều đã thay đổi, nhưng câu chuyện về viên phi công Mỹ đầu tiên bị bắt trên Vịnh Hạ Long năm ấy (5-8-1964) vẫn luôn hiện hữu trong tôi. Nghĩ về nó, tôi thấy mình thật may mắn được trải qua những năm tháng ấy và đã góp một phần nhỏ bé vào trang sử vàng oanh liệt của dân tộc.
Công Vượng
(Nguyên Trưởng Ban Bạn đọc - Báo Quảng Ninh)
Ý kiến (0)