Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 22/11/2024 15:31 (GMT +7)
Bộ trưởng Công thương: Cơ chế giá cho các dự án năng lượng tái tạo chuyển tiếp như hiện hành là phù hợp
Thứ 5, 01/06/2023 | 21:58:00 [GMT +7] A A
Bộ trưởng Công thương Nguyễn Hồng Diên khẳng định, cơ chế giá cho các dự án năng lượng tái tạo chuyển tiếp như khung giá hiện hành là phù hợp với giá thế giới và thực tiễn kinh tế-xã hội trong nước.
Chiều 1/6, trong phiên thảo luận ở hội trường về công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đã giải trình, làm rõ một số nội dung đại biểu Quốc hội nêu liên quan tình hình phát triển năng lượng tái tạo và nhập khẩu điện thời gian qua.
50 dự án đang được đề xuất giá phát điện tạm thời bằng 50% khung giá
Về cơ chế tính giá điện năng lượng tái tạo, Bộ trưởng cho biết, căn cứ vào Luật Điện lực, Luật Giá và các nghị định của Chính phủ, Bộ Công thương đã xây dựng khung giá được xác định trên cơ sở số liệu thống kê của 102 nhà máy điện mặt trời, 109 nhà máy điện gió đã ký hợp đồng mua bán điện.
Quá trình tính toán, thẩm định khung giá có so sánh số liệu của Cơ quan Năng lượng quốc tế (GIZ), đặc biệt là thực hiện đúng quy trình lấy ý kiến Bộ Tài chính, Ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, Hội đồng tư vấn về kết quả thẩm định khung giá.
Theo số liệu giám sát đầu tư của tổ chức quốc tế IRENA, suất đầu tư dự án điện mặt trời nối lưới giai đoạn 2018-2021 giảm 11%/năm, suất đầu tư điện gió trên bờ nối lưới giảm 6,3%/năm.
Đối với Việt Nam, giá FIT 2 điện mặt trời ban hành năm 2020 đã giảm 8% so với giá FIT 1 ban hành năm 2017. Khung giá phát điện theo Quyết định 21 của Bộ Công thương ban hành tháng 1/2023 giảm khoảng 7,3% so với giá FIT 2. Tỷ lệ giảm suất đầu tư của nhà máy điện mặt trời và điện gió đã được tính toán và lấy ý kiến của các chuyên gia thuộc Hội đồng tư vấn.
“Vì vậy, có thể khẳng định cơ chế giá cho các dự án năng lượng tái tạo chuyển tiếp như khung giá hiện hành là phù hợp với giá thế giới và thực tiễn kinh tế-xã hội trong nước”, Bộ trưởng nêu rõ.
Về vấn đề xử lý đối với dự án điện gió, điện mặt trời không đủ điều áp giá FIT, Bộ trưởng cho biết không thể phủ nhận lãng phí nếu hàng chục dự án điện mặt trời và điện gió được đầu tư mà chưa được khai thác, sử dụng.
Tuy nhiên, để không lãng phí nhưng đồng thời cũng không bị xem là hợp thức hóa cái sai, thậm chí là sai vi phạm quy định pháp luật hiện hành, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho rằng, cần phải có chủ trương của cấp có thẩm quyền, sự chấp nhận và nỗ lực của các chủ đầu tư, cùng sự vào cuộc đồng bộ của các ngành chức năng và chính quyền các địa phương thì mới tháo gỡ được.
Theo Bộ trưởng, hầu hết chủ đầu tư các dự án nêu trên đã chạy đua với thời gian để hưởng giá FIT nên bỏ qua hoặc bỏ sót các khâu, thủ tục theo quy định của pháp luật, thậm chí là vi phạm các quy định của pháp luật chuyên ngành.
“Chính sách giá FIT đã hết thời hiệu được thể hiện ngay trong quyết định của Thủ tướng chứ không phải dừng đột ngột thì đương nhiên không thể được áp giá FIT mà phải theo quy định của Luật Giá, Luật Điện lực và các nghị định có liên quan trên cơ sở đàm phán để chia sẻ rủi ro, hài hòa lợi ích giữa Nhà nước, người dân và doanh nghiệp”, Bộ trưởng làm rõ.
Thông tin thêm tới các đại biểu, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho biết, hiện cả nước có 85 nhà máy đã ký hợp đồng mua bán điện nhưng không đủ điều kiện giá FIT với tổng công suất là 4.736 MW.
Để có thể huy động công suất của các dự án này, tránh lãng phí, căn cứ Luật Giá, Luật Điện lực và các nghị định có liên quan, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Công thương ban hành Thông tư 15, Quyết định 21 quy định phương pháp xác định và khung giá áp dụng cho các dự án năng lượng tái tạo chuyển tiếp.
Bộ Công thương cũng đã có nhiều văn bản đôn đốc các chủ đầu tư hoàn thiện thủ tục, chỉ đạo, hướng dẫn EVN khẩn trương phối hợp nhà đầu tư thỏa thuận, thống nhất giá điện để sớm đưa các dự án này vào vận hành. Tuy nhiên, đến ngày 30/3, tức là sau 2 tháng quyết định khung giá có hiệu lực, chỉ có 1 nhà đầu tư đến nộp hồ sơ.
Qua nhiều nỗ lực của Bộ Công thương từ gặp gỡ, đối thoại với các chủ đầu tư, các bên liên quan và ban hành các văn bản chỉ đạo EVN, đến ngày 31/5, đã có 59/85 nhà máy có công suất 3.389 MW, chiếm 71,6% số dự án đã nộp hồ sơ tới EVN, trong đó có 50 dự án đang được đề xuất giá tạm thời bằng 50% khung giá để tiếp tục hoàn thiện các thủ tục.
Về 26 nhà máy còn lại vẫn chưa gửi hồ sơ tới EVN, Bộ trưởng cho biết các chủ đầu tư của những dự án này không muốn đàm phán với EVN trong khung giá mà Bộ Công Thương ban hành vì cho là thấp. Lý do thứ hai có thể là do chưa hoàn thiện các thủ tục pháp lý hoặc nhà máy ở vị trí khó khăn về truyền tải điện.
Bộ trưởng đề nghị Quốc hội, Chính phủ sớm cho chủ trương, cơ chế tháo gỡ để Bộ Công thương, các bộ, ngành và địa phương có cơ sở chỉ đạo giải quyết dứt điểm vấn đề trên, tránh lãng phí nguồn lực, bức xúc cho xã hội, bảo đảm hài hòa lợi ích nhưng các tổ chức và cá nhân thực thi nhiệm vụ này không bị xem là vi phạm pháp luật.
Tỷ lệ điện nhập khẩu rất nhỏ và chỉ dành cho khu vực biên giới
Về vấn đề nhập khẩu điện, Bộ trưởng nêu rõ, chủ trương mua bán điện của Việt Nam từ nước ngoài đã được quy định tại Luật Điện lực và các nghị định có liên quan. Việc nhập khẩu điện là chiến lược hạn dựa trên các mối quan hệ chính trị, quốc phòng, an ninh của Việt Nam đối với các nước láng giềng nhằm bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia trong mọi tình huống và được xác định trong Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia trong từng thời kỳ.
Từ năm 2015, Việt Nam là nước nhập khẩu năng lượng tịnh, đã nhập than, nhập dầu để phát điện và sắp tới sẽ nhập khí LNG. Việc nhập khẩu điện đã được thực hiện từ nhiều năm trước, với Trung Quốc từ năm 2010, với Lào từ năm 2016.
Việc nhập khẩu từ Lào cũng thể hiện thông qua Hiệp định phát triển hợp tác công trình năng lượng và mỏ, Biên bản ghi nhớ giữa Chính phủ 2 nước nhằm tăng cường quan hệ toàn diện với bạn. Nhập khẩu điện của Lào không chỉ là quan hệ kinh tế mà còn là quan hệ chính trị, ngoại giao và để bảo đảm mục tiêu quốc phòng, an ninh của đất nước.
Bộ trưởng khẳng định, nguồn điện thời gian qua luôn có trong cơ cấu nguồn điện của các quy hoạch phát triển điện lực quốc gia được duyệt. Tuy nhiên, tỷ lệ điện nhập khẩu còn rất nhỏ, mới chỉ có 572MW, bằng 0,73% công suất đặt hệ thống năm 2022, mà chỉ dành cho các khu vực biên giới. Đặc biệt, điện nhập khẩu từ nước ngoài là điện sạch, nếu có phát thải thì phát thải ở nơi sản xuất.
“Nhập khẩu điện thời gian qua chỉ để cung cấp cho khu vực biên giới nên rẻ hơn giá điện năng lượng tái tạo trong nước nếu phải cộng chi phí truyền tải, bởi hao hụt đường dây từ miền trung, miền nam ra bắc là rất cao”, Bộ trưởng nói. Thêm vào đó, hệ thống truyền tải điện từ các nhà máy điện ở Việt Nam ra biên giới hiện chưa đồng bộ, chưa thuận lợi bằng hệ thống điện của nước bạn đến biên giới hai nước.
Theo Bộ trưởng, nhập khẩu điện, kết nối lưới điện và trao đổi điện năng giữa các nước trong khu vực là cần thiết nhằm đa dạng hóa loại hình nguồn điện, nhất là điện nền để trong tương lai Việt Nam có thể khai thác, phát triển năng lượng tái tạo trong khi chưa có nguồn điện nền khác thay thế.
Theo Nhandan.vn
Liên kết website
Ý kiến ()