Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 22/11/2024 14:13 (GMT +7)
Cô giáo trẻ tận tụy, gắn bó với giáo dục vùng cao
Thứ 3, 03/01/2023 | 10:39:47 [GMT +7] A A
Cô giáo Lê Thị Liên, SN1992, dạy điểm trường Nà Nhái, Trường Mầm non Vô Ngại, huyện Bình Liêu được biết đến là người luôn nhiệt tình, tâm huyết với nghề nghiệp, luôn nỗ lực hết mình vì trẻ thơ vùng cao.
Kể cho chúng tôi nghe về cơ duyên gắn bó với vùng cao Bình Liêu, cô giáo Lê Thị Liên, chia sẻ: Tôi vốn xuất thân từ một cô gái miền trung nắng gió. Trước đây, địa danh Bình Liêu đối với tôi vô cùng xa lạ. Thế nhưng, năm 2015, sau khi lấy chồng là người Bình Liêu, tôi đã quyết định chuyển lên đây công tác tại Trường Mầm non Vô Ngại. Có lẽ khó diễn tả được cảm xúc của tôi khi từ miền xuôi lên miền ngược cắm bản. Bản thân phải học làm quen với không khí, đồi núi dốc, khó khăn trong việc đi lại. Dẫu vậy, tôi luôn cố gắng vượt qua vì tôi có tình yêu thương đặc biệt với trẻ em. Được đến trường, được chăm sóc, dạy dỗ những mầm non tương lai với tôi đó là một niềm hạnh phúc trân quý, một niềm vui to lớn mỗi ngày.
Suốt 7 năm qua, cô giáo Liên đều dạy ở 3 điểm trường khó khăn. 100% trẻ em ở các lớp cô Liên dạy đều là con em người dân tộc thiểu số, thiếu thốn về điều kiện sống và sinh hoạt. Hầu hết các em bị hạn chế trong việc nghe hiểu các câu từ Tiếng Việt. Những năm trước, đa số người dân vùng cao ở đây không có thói quen cho trẻ đi học mẫu giáo, nên tôi cùng các đồng nghiệp phải đi tuyên truyền, vận động, phụ huynh cho trẻ đến trường. Có những ngày, khi trời đã tối, tôi vẫn kiên trì, không bỏ cuộc, nán lại ở nhà dân để cố thuyết phục cho con em của họ đến lớp.
Để tạo hứng thú cho trẻ vùng cao khi đến trường, cô Liên còn dày công mày mò, tìm tòi, làm đủ loại đồ dùng học tập. Các cô tô vẽ lên những chai lọ, mảnh bìa để tạo hình con voi, đám mây, xe cộ… cho trẻ dễ hình dung. Tận dụng đồ phế liệu ở nhà chưa đủ, cô Liên còn tích cực “ngoại giao” để xin đồ phế liệu của các bậc phụ huynh và hàng xóm. Chính vì thế, không ít người tưởng lầm các cô giáo mầm non như cô Liên kiếm thêm bằng nghề... buôn phế liệu.
Cùng với việc chăm sóc, dỗ trẻ, cho trẻ ăn, học, ngủ, uống thuốc, cô giáo Liên còn phải dành thời gian cho các công việc không tên như: Làm sổ sách, soạn giáo án… Đôi khi cô Liên thấy bản thân giống như một diễn viên nhiều vai, vừa là mẹ, vừa là cô, là bác sĩ, mà vai trò nào cũng đòi hỏi sự hoàn hảo ở mức gần như tuyệt đối. "Nghề giáo viên mầm non đã cho tôi nhiều bài học, nhiều cảm xúc, cho tôi ý thức rằng mình phải luôn cố gắng phấn đấu, yêu thương và có trách nhiệm đối với từng trẻ để cho các em luôn cảm thấy mỗi ngày đến trường là một ngày vui." – cô Liên tâm sự.
Nhiều năm liên tục, cô Liên đạt danh hiệu giáo viên dạy giỏi cấp trường, cấp huyện. Cô còn đạt danh hiệu “Chiến sĩ thi đua cấp tỉnh” năm học 2021-2022 và Bằng khen của LĐLĐ tỉnh năm 2022 vì đã có thành tích xuất sắc trong tham gia chương trình 1 triệu sáng kiến, nỗ lực vượt khó, sáng tạo quyết tâm chiến thắng đại dịch Covid-19.
Lan Anh
Liên kết website
Ý kiến ()