Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 22/11/2024 06:29 (GMT +7)
Có hay không sự rút lui dòng vốn FDI khỏi Việt Nam?
Thứ 7, 28/08/2021 | 17:51:37 [GMT +7] A A
Đầu tư nước ngoài là câu chuyện dài hạn, nghiên cứu thị trường chứ không phải ngày 1, ngày 2.
Theo Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tính đến ngày 20/8/2021, tổng vốn đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp của nhà đầu tư nước ngoài đạt hơn 19,12 tỷ USD, bằng gần 98% so với cùng kỳ năm 2020.
Dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, dẫn tới một số nhà máy bị ngưng hoặc giảm công suất, vốn thực hiện các dự án đầu tư nước ngoài (FDI) trong tháng 8/2021 giảm 12,2% so với tháng 8/2020 và giảm 14,3% so với tháng 7/2021.
Theo ông Trần Toàn Thắng - Trưởng ban Dự báo kinh tế ngành và doanh nghiệp, Trung tâm Thông tin và Dự báo Kinh tế xã hội Quốc gia (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), vốn FDI 7 tháng đầu năm giảm gần 11% so với cùng kỳ năm ngoái.
Trong đó giảm chủ yếu ở mảng vốn về các dự án điều chỉnh (giảm 3,7%), giảm ở mảng góp vốn mua cổ phẩn (giảm 55,8%)… Tuy nhiên vốn thực hiện thì vẫn tăng (tăng gần 4%), cùng với đó là quy mô trung bình của dự án tăng lên - trung bình 10 triệu USD/dự án (so với 5,8 triệu USD/dự án trong năm ngoái).
“Đánh giá chung xu hướng giảm sẽ tiếp tục giảm do tác động từ dịch bệnh. COVID-19 đã ảnh hưởng đến việc di chuyển của các nhà đầu tư trong quá trình tìm hiểu, phân tích về doanh nghiệp trước khi đưa ra các quyết định mua bán, sáp nhập, làm cho dòng vốn M&A giảm”, ông Trần Toàn Thắng nhận định về việc số lượng dự án FDI cấp mới và điều chỉnh góp vốn mua cổ phần ở Việt Nam đang có xu hướng giảm.
Cũng theo ông Thắng, nếu COVID-19 kéo dài hơn thì đương nhiên ảnh hưởng là dài hạn. Sức mua trong nước giảm, chuỗi cung ứng trong nước thay đổi, vấn đề mất lao động, tuyển dụng lại lao động… đều làm tăng chi phí đầu tư, từ đó làm giảm triển vọng của nhà đầu tư.
"Mô hình "3 tại chỗ" đã tỏ ra hữu ích như một cơ chế tạm thời nhưng không có tính bền vững để đảm bảo sức khoẻ an toàn, chi phí", bà Mary Tarnowka - Giám đốc điều hành AmCham Việt Nam cho biết.
Trong khi đó theo ông Mizushima Kozo - Chủ tịch hiệp hội Doanh nghiệp Nhật bản, rất nhiều thanh viên của Hiệp hội đã phải dừng hoạt động. Doanh nghiệp dù có duy trì sản xuất được thì với tình trạng hoạt động trên quy tắc 3 tại chỗ thì chỉ sản xuất được 10 - 50% công suất vốn.
Đầu tư FDI không phải là câu chuyện ngày 1, ngày 2
Theo ông Trần Toàn Thắng, cạnh tranh thu hút vốn FDI tại châu Á đang ở mức cao. Với đặc điểm dòng vốn đổ vào các lĩnh vực lắp ráp nhiều hơn, tận dụng lao động giá rẻ, ưu đãi tài chính, cũng như tận dụng kiểm soát môi trường kém… không phải là không có khả năng xảy ra việc dòng vốn FDI rời khỏi Việt Nam.
"Các doanh nghiệp FDI chỉ cần 6 tháng đến 1 năm là có thể xây dựng được nhà máy và vận hành. Cũng trong khoảng thời gian này họ có thể dịch chuyển ra", ông Thắng nhấn mạnh.
Tuy nhiên theo ông Thắng, hiện môi trường đầu tư kinh doanh ở Việt Nam trước mắt có một số tích cực giúp giữ chân được doanh nghiệp.
Thứ nhất các hiệp định FDI cho phép các đoàn nghiệp nhập khẩu được linh kiện rẻ hơn, tiếp cận thị trường xuất khẩu tốt hơn… Thứ hai lao động giá rẻ và năng xuất lao động đang được cải thiện.
Song về lâu dài yếu tố quyết định việc giữ chân doanh nghiệp FDI đấy là câu chuyện liên kết doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp FDI. Cũng như mạng lưới của doanh nghiệp FDI ở trong nước.
“Nếu Việt Nam xây dựng tốt mối ràng buộc giữa các nhà đầu tư với các doanh nghiệp FDI thì cơ hội thu hút và giữ chân doanh nghiệp sẽ tốt hơn”, ông Trần Toàn Thắng đánh giá.
Trong đầu tư kinh doanh, đặc biệt là đầu tư nước ngoài, đó là câu chuyện dài hạn, nghiên cứu thị trường chứ không phải ngày 1, ngày 2. Những thành quả chống dịch qua 3 đợt bùng phát, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh của Việt Nam… tiếp tục là điểm tựa cho nhà đầu tư. Thống kê 8 tháng, vốn FDI đăng ký mới đạt trên 11 tỷ USD, tăng hơn 16% so với cùng kỳ và vốn đăng ký tăng thêm đạt gần 5 tỷ USD, tăng 2,3%.
Theo Báo cáo vừa được công bố về Đầu tư thế giới năm 2021 của Hội nghị Liên hợp quốc về Thương mại và Phát triển, Việt Nam lọt top 20 nước thu hút FDI nhiều nhất thế giới. Điều này cho thấy điểm đến vững chắc để các nhà đầu tư tự tin với từng đồng vốn của mình.
Tuy nhiên cũng phải thẳng thắn rằng… COVID-19 ngày càng ảnh hưởng nặng nề tới sự dịch chuyển của dòng vốn đầu tư nước ngoài, nên đòi hỏi phải khẩn trương nắm bắt tình hình để có giải pháp thu hút và giữ vững dòng vốn đầu tư này. Việc hỗ trợ các nhà đầu tư nước ngoài là việc cần làm để cùng đồng hành vượt qua những khó khăn hiện nay cũng như về lâu dài.
Theo vtv.vn
Liên kết website
Ý kiến ()