Tất cả chuyên mục
Thứ Tư, 13/11/2024 19:24 (GMT +7)
Cơ hội cho con tôm của Quảng Ninh
Thứ 4, 15/05/2024 | 06:34:18 [GMT +7] A A
Những năm qua, tỉnh Quảng Ninh đã dành nhiều nguồn lực để phát triển ngành nuôi tôm, trên cơ sở tranh thủ lợi thế vùng biển tự nhiên và chủ động định hướng sản xuất phù hợp.
Quảng Ninh hiện đang phát triển 2 đối tượng nuôi chủ lực cấp quốc gia là tôm thẻ chân trắng và tôm sú, tập trung chủ yếu ở các địa phương Móng Cái, Tiên Yên, Đầm Hà và Quảng Yên. Đây là những địa phương có diện tích nuôi lớn, với các mô hình nuôi tôm công nghiệp theo hướng quảng canh cải tiến, thâm canh, siêu thâm canh, áp dụng công nghệ tiên tiến cho năng suất cao.
Nhờ điều chỉnh cơ cấu nuôi hợp lý, phát triển các vùng nuôi tôm tập trung ứng dụng công nghệ cao, công nghệ thân thiện với môi trường, sản lượng tôm đã tăng mạnh qua các năm. Năng suất trung bình đạt hơn 10 tấn/ha/vụ; thậm chí có những mô hình đạt năng suất nuôi 25-30 tấn/ha/vụ. Có thể nói, con tôm luôn là một trong những mặt hàng mang lại thu nhập cao, khá ổn định cho các hộ nuôi và doanh nghiệp đứng chân trên địa bàn tỉnh.
Cơ hội cho ngành tôm của Quảng Ninh đến từ việc chủ động được nguồn tôm giống chịu lạnh. Cụ thể, Công ty TNHH Việt Úc - Quảng Ninh là đơn vị tiên phong đầu tư dự án Khu phức hợp nuôi tôm công nghệ cao tại huyện Đầm Hà, cùng với các phòng xét nghiệm đạt chuẩn quốc tế, nhằm đáp ứng yêu cầu nghiêm ngặt về sản xuất con giống chất lượng cao. Từ năm 2019, công ty đã đưa vào hoạt động khu sản xuất tôm giống công suất 8 tỷ con/năm và khu nhà sản xuất tảo, phòng xét nghiệm đạt chuẩn quốc tế, hệ thống lọc nước tự động hiện đại... vào vận hành. Nhờ đó đáp ứng được yêu cầu nghiêm ngặt về sản xuất con giống chất lượng cao, phù hợp với nhu cầu sản xuất và đặc thù thổ nhưỡng, khí hậu của địa phương.
Bằng việc nghiên cứu, lai tạo, chọn lọc... Công ty TNHH Việt Úc - Quảng Ninh đã sản xuất thành công những lứa tôm bố mẹ (tôm giống) giữ được những tính trạng thích nghi tốt với khí hậu lạnh, phù hợp với thời tiết mùa đông của miền Bắc. Vì vậy hiện nay, các hộ nuôi tôm trên địa bàn tỉnh đã có điều kiện để duy trì hoạt động hiệu quả xuyên suốt cả năm thay vì phải “nghỉ đông”, tiết kiệm một phần chi phí đầu tư. Giá trị ngành hàng tôm của tỉnh cũng vì thế mà được nâng cao đáng kể.
Ngành tôm Quảng Ninh cũng có lợi thế từ các yếu tố như: Dịch vụ logistics phát triển; thuận tiện trong việc trung chuyển hàng hóa xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc bằng cả đường bộ, đường biển và đường hàng không; chủ trương chuyển đổi mô hình sản xuất đơn lẻ trở thành các mô hình sản xuất liên kết hợp tác, tổ chức cộng đồng hoặc HTX... nhằm tương trợ, giúp đỡ lẫn nhau trong sản xuất, cung ứng dịch vụ và tiêu thụ sản phẩm tôm nuôi. Đặc biệt phải kể đến định hướng sản xuất của tỉnh, nêu cụ thể tại Đề án phát triển chuỗi các sản phẩm nông sản chủ lực cấp tỉnh giai đoạn 2022-2025, định hướng đến năm 2030 (được UBND tỉnh phê duyệt tại Quyết định số 1038/QĐ-UBND ngày 22/4/2022).
Đề án nêu rõ, tỉnh tập trung phát triển chuỗi tôm thẻ chân trắng tại các địa phương gồm Móng Cái, Hải Hà, Tiên Yên, Quảng Yên, Đầm Hà. Mục tiêu tỉnh đặt ra đến năm 2025 sẽ có diện tích liên kết chuỗi đạt 500ha, sản lượng ước đạt 2.100 tấn và đến năm 2030, diện tích nuôi là 4.848ha, sản lượng liên kết chuỗi đạt 25.650 tấn.
Theo lãnh đạo Chi cục Thủy sản, đơn vị đã tham mưu cho Sở NN&PTNT để liên tục rà soát, từng bước chuyển đổi, hoặc xây dựng mới các vùng nuôi tôm nước lợ thâm canh tập trung tại các địa phương đáp ứng đủ điều kiện sản xuất, nhằm phấn đấu hoàn thành 100% chỉ tiêu đã đặt ra của đề án. Cùng với đó, các vùng được quy hoạch cũng quan tâm đẩy mạnh công tác nâng cấp hệ thống cơ sở hạ tầng thiết yếu đáp ứng hoạt động nuôi thâm canh.
Trong thời gian qua, hoạt động bảo vệ, tái tạo và phát triển nguồn lợi thủy sản của tỉnh cũng đạt được nhiều kết quả khích lệ. Mỗi năm, để khôi phục nguồn nuôi, các địa phương trong toàn tỉnh thả hơn 7 triệu con giống ra thủy vực tự nhiên. Đơn cử như cuối tháng 3/2024, nhân kỷ niệm 65 năm Ngày Truyền thống Thuỷ sản, Bộ NN&PTNT phối hợp với tỉnh Quảng Ninh tổ chức lễ thả con giống tái tạo nguồn lợi thủy sản tại huyện Vân Đồn. Trong khuôn khổ chương trình, các đại biểu và nhân dân địa phương đã cùng thả 5 triệu con giống, gồm 4,9 triệu con tôm sú và các loại cá giống khác... Qua đó cũng nhằm khẳng định cam kết của các ngành chức năng, tổ chức, đoàn thể các cấp trong việc bảo tồn, gìn giữ, cân bằng hệ sinh thái biển trong quá trình phát triển kinh tế, đảm bảo hài hòa sinh kế của người dân.
Quảng Ninh là một trong những tỉnh đi đầu cả nước về nuôi tôm thẻ chân trắng công nghiệp. Để phát triển nuôi tôm thẻ chân trắng đảm bảo an toàn thực phẩm, ngành Nông nghiệp đã định hướng người dân nuôi theo quy trình 3 giai đoạn nhằm giải quyết vấn đề về quản lý môi trường ao nuôi, giảm chi phí thức ăn, chế phẩm vi sinh và dịch bệnh cho tôm.
Sở NN&PTNT đã xây dựng, ban hành lịch thời vụ, giới thiệu các cơ sở giống uy tín, chất lượng trong và ngoài tỉnh để phục vụ nhu cầu của người nuôi. Đồng thời, hướng dẫn các biện pháp phòng ngừa, xử lý khi có dịch bệnh tôm xảy ra nên đã hạn chế được các rủi ro do thiên tai, dịch bệnh. Công tác kiểm dịch giống được tăng cường, mạng lưới dịch vụ cung cấp giống, thức ăn, thuốc phòng trị bệnh, các hoá chất và chế phẩm sinh học tiếp tục được phát triển rộng trên toàn địa bàn tỉnh. Người nuôi tôm cũng thường xuyên được cung cấp thông tin, tập huấn kỹ thuật nâng cao trình độ, kinh nghiệm...
|
Văn Bá
Liên kết website
Ý kiến ()