Tất cả chuyên mục
Thứ Bảy, 23/11/2024 07:44 (GMT +7)
Cơ hội 'được - mất' của thị trường tranh Việt
Thứ 5, 23/03/2023 | 16:35:15 [GMT +7] A A
Đến nay, hai nhà đấu giá lớn nhất thế giới, Sotheby’s và Christie’s, đều đã có động thái đặt chân vào Việt Nam, cho thấy tiềm năng phát triển của thị trường trong nước.
Thông tin về việc nhà đấu giá Christie’s đang tìm kiếm nhân sự chính thức tại Việt Nam hiện gây chú ý lớn trong giới mỹ thuật trong nước. Vậy là đến nay, hai nhà đấu giá lớn nhất thế giới, Sotheby’s và Christie’s, đều đã có động thái chính thức đặt chân vào Việt Nam, cho thấy tiềm năng phát triển ngày càng sáng rõ của thị trường mỹ thuật trong nước. Song, câu hỏi lớn về nguồn nhân sự chuyên nghiệp cho thị trường tỷ đô này đã và vẫn đang được đặt ra.
Những bước đi thận trọng
Tháng 7/2022, Sotheby’s đã chính thức hiện diện tại Việt Nam với sự kiện triển lãm giới thiệu 56 bức tranh thuộc thời kỳ Mỹ thuật Đông Dương của các nhà sưu tập trong nước, có tổng trị giá bảo hiểm lên đến hàng chục triệu USD. Chỉ trong ba ngày trưng bày, triển lãm thu hút hơn 3.000 lượt người xem với cảnh tượng xếp hàng dài đợi đăng ký và vào xem tranh, một hiện tượng chưa từng có.
Mô hình triển lãm này thực chất là dạng trưng bày "auction preview" (trước phiên đấu giá), dành cho đối tác và khách hàng thân thiết của nhà đấu giá, hoàn toàn mang mục đích thương mại. Tuy nhiên, khi đặt chân đến Việt Nam, Sotheby’s đã thực hiện một động tác ra mắt lịch thiệp: Tìm một đồng giám tuyển người địa phương, lựa chọn tranh trưng bày từ các sưu tập tại địa phương và nhấn mạnh yếu tố "phi thương mại" trong sự kiện này.
Tranh để trưng bày và không bán. Toàn bộ quy trình tuyển chọn, xác tín tranh thật-giả được tiến hành nghiêm túc. Đặc biệt, các quy trình vận chuyển, bảo quản, bảo vệ, trưng bày và bảo hiểm tranh được thực hiện theo thông lệ quốc tế. Công chúng được thưởng lãm hoàn toàn miễn phí, duy chỉ có điều phải đăng ký để kiểm soát số lượng người xem trong cùng một thời điểm, tránh rủi ro cho tác phẩm.
Để thực hiện được tất cả bước công việc nói trên, chi phí của nhà đấu giá là không hề nhỏ, nhất là trong hoàn cảnh ở Việt Nam, một sự kiện như vậy chưa có tiền lệ, đồng thời hầu hết yếu tố kỹ thuật, hậu cần và nhân sự liên quan đều thiếu và yếu.
Trước khi chính thức đặt chân vào Việt Nam, Sotheby’s đã có ít nhất 10 năm quan tâm tìm hiểu giới sưu tập và thị trường mỹ thuật mới nổi giàu tiềm năng này bằng cách đưa vào các phiên đấu giá của họ những dòng sản phẩm được giới sưu tập Việt Nam quan tâm.
Các phiên đấu giá tác phẩm, hiện vật đến từ Việt Nam, do người Việt Nam sáng tác và sở hữu được giới sưu tập người Việt trong nước hôm nay mua ngày càng nhiều.
Cho đến nay, bốn trong tổng số 10 bức tranh do người Việt Nam sáng tác có giá cao nhất tại các sàn đấu giá quốc tế thuộc về Sotheby’s, trong đó ba bức ở mức hàng đầu, với mức giá lần lượt 3,11 triệu USD, 2,29 triệu USD và 1,57 triệu USD (chưa tính thuế, phí).
Nhận thấy tiềm năng rất lớn từ thị trường này và tiếp tục mong muốn có thể khai thác lâu dài, Sotheby’s tìm thời điểm để cân nhắc bước thứ hai - chính thức hiện diện tại Việt Nam.
Ông Jasmine Prasetio - Giám đốc điều hành Sotheby’s khu vực Đông Nam Á - xác nhận Việt Nam có "một cộng đồng nhà sưu tập đang tăng trưởng mạnh mẽ" và theo ông, nhà đấu giá sẽ tiếp tục "chia sẻ chuyên môn, kinh nghiệm và thông tin một cách minh bạch nhất cho cộng đồng nhà sưu tập, cả kỳ cựu lẫn tiềm năng" này.
Bài toán nhân sự nan giải
Trong cuộc trao đổi gần đây với chúng tôi, người tiền trạm tìm chọn và tiến cử nhân sự chuyên môn cao làm đại diện cho nhà đấu giá Christie’s cho hay "khá đau đầu" để tìm được người phù hợp.
Tiêu chí đầu tiên là phải có ngoại ngữ, ít nhất là tiếng Anh, thật sự thông thạo cả về nói và viết. Đồng thời, nhân sự bắt buộc phải có hiểu biết ngay ngắn và sâu rộng về thị trường mỹ thuật trong nước, đặc biệt là mạng lưới quan hệ với giới sưu tập/sở hữu mỹ thuật phù hợp sở nguyện trước mắt của nhà đấu giá: Mỹ thuật thời kỳ Đông Dương.
Hai yêu cầu này, có thể nói, lại chính là hai điểm yếu nhất của nguồn nhân lực tiềm năng- đội ngũ các nhà nghiên cứu, lý luận phê bình mỹ thuật ở Việt Nam nhiều năm nay.
Phải nói thêm rằng hàng chục năm qua, một số trường đào tạo chuyên môn mỹ thuật Việt Nam, đầu tàu là Trường đại học Mỹ thuật Việt Nam (tiền thân là Trường cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương, nơi đào tạo được nhiều thế hệ họa sĩ mà nay, tác phẩm của họ là "mỏ vàng" của giới sưu tập, đầu tư mỹ thuật trong nước), vẫn đều đặn mở ngành học về lý luận, lịch sử và phê bình mỹ thuật.
Tuy nhiên, đây là ngành học "teo tóp" nhất, số lượng sinh viên đầu vào chỉ đếm trên đầu ngón tay, có năm không thể tuyển sinh, có năm chỉ còn duy nhất một sinh viên tốt nghiệp vì số còn lại hoặc bỏ học hoặc chuyển ngành học khác.
Viện nghiên cứu Mỹ thuật trực thuộc Trường đại học Mỹ thuật Việt Nam, sau 60 năm thành lập, từ một đơn vị hùng hậu về nhân sự, tạo nền tảng cho việc ra đời của Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, đến nay, số lượng nghiên cứu viên không còn đủ tối thiểu bảy người, đứng trước nguy cơ hiện hữu là sáp nhập vào một đơn vị cấp phòng của nhà trường...
Những câu chuyện ồn ào về tranh giả Việt Nam trên thị trường đấu giá trong và ngoài nước cho đến nay vẫn chưa hề thuyên giảm, phần vì đội ngũ chuyên gia thẩm định tranh hầu hết đều là người nước ngoài, không thể có đủ điều kiện để thẩm tra lai lịch tác phẩm cùng các thông tin lịch sử liên quan.
Chính vì vậy, khi chính thức đặt chân vào Việt Nam, hai nhà đấu giá lớn nhất thế giới nói trên đều thể hiện cố gắng đầu tiên là tìm nhân sự địa phương. Bản thân họ cũng đã vướng nhiều ồn ào tranh thật-giả Việt Nam trong không ít phiên đấu giá và họ không muốn lặp lại điều này.
Vậy là một lần nữa, thực tế phát triển tiếp tục đặt ra bài toán nhân sự chuyên môn cho thị trường mỹ thuật Việt Nam. Nhưng câu trả lời là không dễ. Và cũng bởi vậy, chúng ta dễ mất thêm cơ hội có thể góp phần quảng bá văn hóa, đồng thời dễ mất cả cơ hội thu lại lợi ích thương mại không nhỏ từ chính sự phát triển này.
Theo Zing
Liên kết website
Ý kiến ()