Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 22/11/2024 11:46 (GMT +7)
Cơ hội mở rộng thị trường từ các FTA mới
Thứ 6, 21/04/2023 | 14:01:33 [GMT +7] A A
Hiệp định thương mại tự do (FTA) Việt Nam-Israel và FTA Việt Nam-UAE được kỳ vọng sẽ mở rộng thị trường cho hàng hóa Việt Nam.
Kỳ vọng mới
Những khó khăn của thị trường thế giới đã và đang bắt đầu “ngấm” dần vào hoạt động xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam.
Theo tính toán sơ bộ của Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas), tổng kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may của Việt Nam 3 tháng đầu năm 2023 ước đạt 8,701 tỷ USD, giảm đến 18,63% so cùng kỳ năm 2022. Đây là mức giảm cao chưa từng có, kể cả trong giai đoạn gặp khó khăn do dịch bệnh.
“3 tháng đầu năm xuất khẩu của ngành dệt may rất khó khăn. Đơn hàng của doanh nghiệp giảm mạnh 30-40%. Các nhà nhập khẩu ở hầu hết các thị trường đều rất dè dặt khi đặt đơn hàng mới”, ông Phạm Xuân Hồng, Chủ tịch Hiệp hội Dệt May Thêu đan Thành phố Hồ Chí Minh nêu thực tế.
Khó khăn của ngành dệt may là khó khăn chung của hoạt động xuất khẩu thời gian qua. Sau 1 năm kể từ ngày Nga phát động chiến dịch quân sự tại Ukraine, tình hình xung đột vẫn chưa hạ nhiệt, thậm chí có dấu hiệu gia tăng căng thẳng.
Điều này đã kéo theo sự sụt giảm về tăng trưởng kinh tế thế giới, dẫn đến các chính sách thắt chặt tiền tệ, gây ra ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động của doanh nghiệp sản xuất và xuất khẩu. Chưa kể, các hàng rào phi thương mại được các quốc gia dựng lên khắp nơi, tạo nên những khó khăn rất lớn cho hoạt động xuất khẩu.
Trong bối cảnh đó, việc Bộ Công thương hoàn tất Hiệp định Thương mại tự do (FTA) Việt Nam-Israel và khởi động đàm phán FTA Việt Nam-UAE có ý nghĩa đặc biệt, giúp doanh nghiệp xuất khẩu có thêm cánh cửa để mở rộng thị trường.
Cho dù Israel hay UAE chưa phải là thị trường thực sự lớn, song trong bối cảnh khó khăn chung, việc mở ra được một thị trường có ý nghĩa đặc biệt với doanh nghiệp. Chưa kể, tiềm năng của các thị trường này khá lớn, thể hiện qua con số tăng trưởng hàng hoá sang các thị trường.
Đơn cử, với thị trường Israel, trao đổi thương mại hai chiều giữa Việt Nam và Israel không ngừng tăng nhanh từ 1,58 tỷ USD trong năm 2020 lên 1,89 tỷ USD trong năm 2021 và đạt 2,23 tỷ USD trong năm 2022, tăng 17,85% so năm trước đó.
Hiện tại, Israel là đối tác thương mại lớn thứ 5 và là thị trường xuất khẩu lớn thứ 3 của Việt Nam tại khu vực Trung Đông (sau UAE và Thổ Nhĩ Kỳ).
Với UAE, ông Trương Xuân Trung, Bí thư thứ nhất, Phụ trách Thương vụ Việt Nam tại UAE chia sẻ, năm 2006, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang UAE chỉ đạt 140 triệu USD, đến năm 2022 kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang UAE đã đạt 3,85 tỷ USD, trong đó, Việt Nam đã đạt mức thặng dư thương mại 3,27 tỷ USD.
Riêng trong 3 tháng đầu năm 2023, tổng kim ngạch thương mại song phương giữa Việt Nam và UAE ước đạt trên 1,12 tỷ USD, tăng mạnh 22,14% so cùng kỳ năm 2022.
Với các ngành hàng cụ thể, ông Trương Đình Hoè, Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam cho biết, các thống kê cho thấy, hàng năm, Israel thuộc trong top 22 thị trường hàng đầu trong số trên 100 thị trường xuất khẩu thủy sản của Việt Nam. Các mặt hàng xuất khẩu qua thị trường này gồm tôm, mực đông lạnh, cá ngừ đóng hộp, cá tra...
Trong đó, năm 2022 xuất khẩu cá ngừ sang Israel đạt 36,63 triệu USD và Israel đứng thứ 4 trong số 10 thị trường nhập khẩu cá ngừ lớn nhất của Việt Nam (sau Mỹ, Canada và Nhật Bản); xuất khẩu mực đông lạnh sang thị trường này đạt 23,22 triệu USD, chiếm tỷ trọng 1,7% xuất khẩu mặt hàng này của cả nước và Israel đứng thứ 8 trong số 10 thị trường nhập khẩu mực và bạch tuộc hàng đầu của Việt Nam; xuất khẩu tôm đông lạnh sang Israel đạt khoảng 21 triệu USD và Israel đứng thứ 20.
“Các mặt hàng thủy sản của Việt Nam tại Israel hiện đã có chỗ đứng ổn định và được người tiêu dùng quốc gia này ưa chuộng, đánh giá cao”, ông Hòe thông tin.
Hoặc với thị trường UAE, với thị trường UAE, ông Nguyễn Hữu Trí, Giám đốc Công ty trách nhiệm hữu hạn Sản xuất-Thương mại Nông sản thực phẩm Trí Việt chia sẻ, UAE là thị trường lớn, tương đương thị trường Mỹ.
UAE có khoảng 12 nước với dân số khoảng 700 triệu dân. Đây là “vùng trắng” về nông sản nên lệ thuộc về nông nghiệp ở các nước, các khu vực khác. Đồng thời, đây cũng là thị trường có sức mua lớn, năng lực tài chính cao. Trong định hướng phát triển của công ty, UAE là 1 trong 3 thị trường chủ lực.
Cơ hội chỉ dành cho những doanh nghiệp có sự chuẩn bị kỹ
Cơ hội là có, song cơ hội chỉ dành cho những doanh nghiệp đã có sự chuẩn bị kỹ càng.
Bà Nguyễn Thị Diễm Hằng, Phó Chủ tịch Hội đồng Doanh nghiệp nông nghiệp Việt Nam (VCAC), Phó Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc Công ty CP Thực phẩm dinh dưỡng hữu cơ Việt Nam cho biết, với tiêu chuẩn thị trường không quá khắt khe như Mỹ, EU... các FTA mới như FTA Việt Nam-Israel, FTA Việt Nam-UAE khi được ký kết sẽ là cơ hội đưa hàng hóa nông sản của Việt Nam nói chung, mặt hàng gia vị của Việt Nam nói riêng thâm nhập vào thị trường Trung Đông nói chung.
Bà Hằng nhấn mạnh: "Dù vậy, thị trường nào cũng có những quy định riêng. Các doanh nghiệp cũng cần xác định phải đáp ứng được tiêu chuẩn của nhà mua. Việt Nam xác định là công xưởng của thế giới, do đó, các doanh nghiệp cũng cần chuẩn bị tâm thế sẵn sàng, sản phẩm cần đáp ứng các tiêu chuẩn FDA, HACCP, ISO... tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm của Việt Nam và của các thị trường mà chúng ta hướng tới. Tránh tư tưởng nơi nào tiêu chuẩn thấp thì chúng ta bán hàng vào. Bởi lẽ, việc đáp ứng tiêu chuẩn sẽ đi liền với giá bán sản phẩm".
Các FTA sẽ mang lại cơ hội cho tất cả các doanh nghiệp. Theo đó, cơ hội sẽ dành cho các doanh nghiệp đã xây dựng được hệ thống tiêu chuẩn đáp ứng thị trường khó tính như UAE, đồng thời dành cho các doanh nghiệp chưa đạt được nhiều tiêu chuẩn, họ có thể đi vào các thị trường ngách dễ tính hơn như Bangladesh, Pakistan...
Với tiêu chuẩn thị trường không quá khắt khe như Mỹ, EU... các FTA mới như FTA Việt Nam-Israel, FTA Việt Nam-UAE khi được ký kết sẽ là cơ hội đưa hàng hóa nông sản của Việt Nam nói chung, mặt hàng gia vị của Việt Nam nói riêng thâm nhập vào thị trường Trung Đông nói chung.
|
Ông Trương Xuân Trung khẳng định thêm, để có thể thúc đẩy hơn nữa xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam vào UAE, thì các doanh nghiệp Việt Nam cần phải áp dụng khoa học, công nghệ tiên tiến trong sản xuất, thay đổi phương thức quản lý, giảm thiểu các chi phí trung gian, nhằm giảm giá thành sản phẩm, tăng tính cạnh tranh của các sản phẩm Việt Nam.
Ngoài ra, do UAE là quốc gia Hồi giáo, do đó, các doanh nghiệp Việt Nam cũng cần phải tìm hiểu về văn hóa và nhu cầu tiêu dùng của người Hồi giáo, xây dựng hệ thống chứng nhận tiêu chuẩn Halal cho các sản phẩm thực phẩm, đồ uống, mỹ phẩm, thời trang Hồi giáo... khi xuất khẩu vào UAE.
“Khi FTA Việt Nam-UAE (CEPA) được ký kết, mối quan hệ thương mại và đầu tư giữa hai nước được kỳ vọng sẽ tiếp tục phát triển mạnh mẽ hơn nữa. UAE được coi là trung tâm tài chính, thương mại của Trung Đông, là cửa ngõ quan trọng để đưa hàng hóa Việt Nam vào Trung Đông, châu Phi và châu Âu.
Ngoài ra, UAE có vị trí địa lý chiến lược, có hệ thống logistics hiện đại sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho hàng hóa của Việt Nam tiếp cận và mở rộng ra thị trường toàn cầu”, ông Trương Xuân Trung khẳng định.
Theo nhandan.vn
Liên kết website
Ý kiến ()