Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 22/11/2024 07:10 (GMT +7)
Cơ hội mới cho các xã vùng cao ở Hạ Long
Thứ 4, 07/02/2024 | 09:03:01 [GMT +7] A A
Diện tích rộng lớn, tài nguyên phong phú, nhưng đến nay sản xuất và đời sống của người dân các xã vùng cao ở TP Hạ Long vẫn còn gặp nhiều khó khăn, trở ngại. Để tháo gỡ, thành phố đã nghiên cứu, hoàn thiện đề án tập trung ưu tiên nguồn lực, khai thác tiềm năng, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của các xã, qua đó từng bước giải quyết những điểm nghẽn về phân bổ nguồn lực, chênh lệch vùng miền, mâu thuẫn giữa phát triển kinh tế với bảo vệ môi trường...
Vẫn còn nhiều trở ngại
Ngay sau khi sáp nhập huyện Hoành Bồ vào TP Hạ Long, với sự chủ động tích cực của cấp uỷ, chính quyền thành phố trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo và sự vào cuộc chung tay góp sức của nhân dân, toàn thành phố nói chung và các xã vùng cao đặc biệt khó khăn nói riêng đã có diện mạo khởi sắc. TP Hạ Long đã hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM năm 2021; đến hết năm 2022 không còn hộ nghèo, hộ cận nghèo; thu nhập bình quân khu vực nông thôn năm 2022 đạt 68,5 triệu đồng/người (cao hơn 14,1 triệu đồng so với ước mức bình quân chung của tỉnh); đã huy động được nhiều nguồn lực đầu tư cơ sở hạ tầng để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội...
Mặc dù đã đạt được những kết quả bước đầu, nhưng nhìn một cách tổng thể tốc độ phát triển kinh tế - xã hội ở các xã vùng cao của TP Hạ Long vẫn chưa có nhiều bứt phá. Đơn cử như ở lĩnh vực nông nghiệp, việc chuyển đổi mô hình sản xuất từ nhỏ lẻ sang sản xuất tập trung, ứng dụng công nghệ cao vẫn chưa thực sự hiệu quả, diện tích manh mún, nguồn cung sản phẩm chưa ổn định, lực lượng lao động có trình độ quản lý và tay nghề cao không nhiều.
Trong chăn nuôi, người dân phải nhập con giống từ nơi khác về, nên chi phí vận chuyển tăng, không xây dựng được chuỗi liên kết tiêu thụ sản phẩm chặt chẽ từ khâu sản xuất đến khâu tiêu thụ. Các xã chưa quy hoạch được khu giết mổ tập trung, tình hình dịch bệnh còn diễn biến phức tạp, tốc độ phát triển và giá trị ngành chăn nuôi còn thấp.
Đối với sản xuất lâm nghiệp, diện tích có rừng hiện nay của các xã trên địa bàn thành phố là hơn 76.000ha, là một trong những địa phương có diện tích rừng lớn nhất tỉnh và có điều kiện thổ nhưỡng rất thích hợp để phát triển các cây gỗ lớn. Tuy nhiên, người dân vẫn chủ yếu áp dụng phương thức trồng, kinh doanh gỗ nhỏ với chu kỳ 5-7 năm theo hình thức quảng canh để làm nguyên liệu giấy và dăm gỗ, chưa chú trọng đến việc kinh doanh cây gỗ lớn, chưa kết hợp được lợi ích kinh tế của việc trồng rừng với mục tiêu bảo vệ môi trường sinh thái, đặc biệt là bảo vệ rừng đầu nguồn nhằm điều tiết nguồn nước, đảm bảo cung cấp nước trong mùa khô và hạn chế lũ lụt và mùa mưa; chưa kết hợp giữa kinh doanh rừng trồng với trồng cây dược liệu dưới tán rừng.
Hạ tầng phục vụ sản xuất cũng chưa đáp ứng đủ yêu cầu sản xuất và đời sống, nhiều vùng nông thôn bị ô nhiễm môi trường, không những ảnh hưởng đến đời sống người dân, mà còn ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp. Cùng với đó, diện tích đất nông nghiệp sẽ giảm mạnh do các quy hoạch về đô thị, công nghiệp, hạ tầng giao thông, xây dựng được triển khai. Tính toán của thành phố cho thấy, quỹ đất nông nghiệp sẽ giảm gần 3.000ha (từ 71.330ha năm 2022 xuống còn 68.330,75ha năm 2030). Hiện nay, trung bình mỗi năm có 2-3% lao động chuyển dịch từ nông nghiệp sang hoạt động phi nông nghiệp và sẽ tiếp tục tăng trong giai đoạn tiếp theo.
Một số chỉ tiêu, tiêu chí trong thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới chưa thật sự bền vững, cần bổ sung, duy trì và nâng cao chất lượng, như: Tiêu chí về hợp tác xã, phát triển sản xuất, vệ sinh môi trường. Thành phố đã có nhiều phương án để vận động, khuyến khích các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân tham gia xã hội hóa vào đầu tư xây dựng các thiết chế văn hóa, thể thao, nhưng chưa đạt yêu cầu như mong muốn. Ý thức bảo tồn văn hóa dân tộc của một bộ phận người dân (đặc biệt là lớp trẻ) còn hạn chế.
Xác định nông nghiệp, nông thôn có vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội của các xã. Giai đoạn 2020-2023, riêng tổng vốn chi đầu tư ngân sách thành phố cho khu vực các xã là 1.999 tỷ đồng (chiếm 38% tổng vốn chi đầu tư toàn thành phố). Thế nhưng, phần lớn là đầu tư cho phát triển hạ tầng, đầu tư cho phát triển sản xuất còn hạn chế do vướng mắc trong triển khai thực hiện chính sách. Do đó, phát triển nông nghiệp, nông thôn không theo kịp các lĩnh vực phi nông nghiệp và khu vực đô thị. Công nghiệp và dịch vụ vẫn chưa hỗ trợ tích cực cho nông nghiệp để tạo ra những đột phá về các ngành sản xuất, thương hiệu sản phẩm và công nghệ sản xuất...
Gỡ những điểm nghẽn
Với quan điểm ưu tiên hợp lý nguồn lực tập trung đầu tư, đẩy nhanh tốc độ phát triển và hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, bảo đảm liên thông, tổng thể, kết nối các xã với khu vực đô thị, lấy công nghiệp, dịch vụ thúc đẩy nông nghiệp, lấy đô thị dẫn dắt nông thôn để tạo ra sự chuyển dịch mạnh mẽ cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động, phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập, chất lượng cuộc sống của nhân dân vùng nông thôn, TP Hạ Long đã xây dựng đề án “Tập trung ưu tiên nguồn lực, khai thác tiềm năng, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội các xã trên địa bàn TP Hạ Long đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”.
Đề án đặt ra mục tiêu cụ thể đến năm 2025 là thực hiện có hiệu quả đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp, trong đó tập trung các sản phẩm có lợi thế như cây lâm nghiệp, cây dược liệu, cây ăn quả; mở rộng thêm 290ha cây ăn quả, hằng năm duy trì đàn gia cầm trên 300.000 con; mỗi xã có ít nhất 1 mô hình phát triển sản xuất tập trung, hoặc mô hình liên kết trong sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm, hay mô hình du lịch cộng đồng, du lịch trải nghiệm văn hóa, du lịch trải nghiệm nông nghiệp, nông thôn, bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa của đồng bào dân tộc thiểu số. Trước mắt sẽ tập trung xây dựng tuyến du lịch Dân Chủ - Quảng La - Bằng Cả - Tân Dân; kêu gọi đầu tư xây dựng cụm sản xuất nông nghiệp hữu cơ tại xã Vũ Oai (nuôi bò sữa, dê sữa…); dần hình thành khu chế biến dược liệu 20ha tại xã Quảng La, khu sản xuất dược liệu công nghệ cao tại xã Dân Chủ; duy trì và nâng cao chất lượng các tiêu chí xã nông thôn mới, tiêu chí xã nông thôn mới nâng cao; thu nhập bình quân đầu người vùng nông thôn đạt trên 100 triệu đồng/năm...
Đến năm 2030, tiếp tục tập trung hoàn thành các tuyến giao thông chiến lược, tạo động lực thúc đẩy liên kết nội vùng, liên kết vùng; phát triển đồng bộ không gian phát triển của các xã; đẩy mạnh hợp tác, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ nông sản theo hướng bền vững; 100% xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao và ít nhất 30% số xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu; hoàn thành việc thu hút và triển khai xây dựng nhà máy xử lý rác thải tại xã Sơn Dương; xây dựng lộ trình, kế hoạch nhằm khai thác, phát huy tiềm năng, lợi thế, quy hoạch kiến trúc độc đáo, khác biệt, đặc sắc riêng có với định hướng phát triển xã Kỳ Thượng trở thành điểm đến du lịch hấp dẫn.
Hướng đến những mục tiêu trên, TP Hạ Long đã xây dựng cụ thể các giải pháp, nhiệm vụ thực hiện và cơ chế cho từng giai đoạn, từng lĩnh vực. Trong đó, yêu cầu các xã xác định rõ vị trí, quy mô diện tích đất để phục vụ sản xuất cho các lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản; xây dựng cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm và bảo quản chế biến nông sản. Đối với những diện tích lúa và diện tích đất nông nghiệp cho năng suất, chất lượng cao cần phải bảo vệ nghiêm ngặt thì phải được quản lý bằng bản đồ số (GPS).
Thành phố cũng sẽ có ưu đãi và hỗ trợ đặc biệt để thu hút doanh nghiệp thuê đất lâu dài của hộ nông dân phát triển sản xuất nông nghiệp; đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động ứng dụng KHCN, nhất là công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp. Đồng thời, rà soát chi tiết, xác định cụ thể để đề xuất đầu tư, phát triển, hoàn thiện kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, đặc biệt là hạ tầng sản xuất, hạ tầng giao thông huyết mạch, kết nối khu vực trung tâm thành phố với các xã nhằm tăng cường mở rộng liên kết, khai thác lợi thế kinh tế, thúc đẩy khu vực nông thôn phát triển nhanh; nghiên cứu quy hoạch, lập dự án tu bổ, tôn tạo đền thờ vua Lê (xã Lê Lợi), căn cứ cách mạng xã Sơn Dương, Bằng Cả... gắn với định hướng phát triển du lịch tại địa phương.
Đối với giải pháp về nguồn lực, thành phố sẽ huy động mọi nguồn lực từ cộng đồng, người dân, doanh nghiệp và tranh thủ nguồn kinh phí từ các chương trình, dự án, đề án có cùng mục tiêu khác của Trung ương, của tỉnh. Đồng thời ưu tiên vốn ngân sách thành phố hằng năm dành cho phát triển kinh tế nông nghiệp, nông thôn để đảm bảo thực hiện nhiệm vụ giám sát, phòng ngừa và kiểm soát dịch bệnh cây trồng, vật nuôi, thủy sản; công tác chuyển giao tiến bộ kỹ thuật, khuyến nông, khuyến lâm, khuyến ngư, xây dựng và nhân rộng các mô hình mới được thực hiện hiệu quả; thực hiện các chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất nông nghiệp, xây dựng thương hiệu sản phẩm và hỗ trợ xúc tiến thương mại và cơ sở hạ tầng nông thôn.
Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Tiến Dũng khẳng định: Trong mô hình tổ chức không gian phát triển của tỉnh, TP Hạ Long được xác định là trung tâm trong vùng động lực đại đô thị Hạ Long mở rộng và được quy hoạch gồm 5 vùng. Trong đó, khu vực các xã được quy hoạch thành 2 vùng với cấu trúc là vùng đô thị mới, phát triển du lịch sinh thái, văn hóa, vui chơi giải trí, công nghiệp công nghệ cao và khu vực nông thôn, đồi núi gắn với các chức năng bảo tồn sinh thái, sản xuất nông, lâm nghiệp, du lịch sinh thái cộng đồng. Do vậy, việc xây dựng đề án “Tập trung ưu tiên nguồn lực, khai thác tiềm năng, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội các xã trên địa bàn TP Hạ Long đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” là rất cần thiết, phù hợp với yêu cầu thực tiễn phát triển của địa phương và Quy hoạch chung TP Hạ Long đến năm 2040. Qua đó xác định được mục tiêu, định hướng, nội dung, lộ trình thực hiện, nguồn lực, vai trò và trách nhiệm của các đơn vị, người dân, doanh nghiệp trong phát triển kinh tế đối với các xã trên địa bàn thành phố.
Hoàng Nga
Liên kết website
Ý kiến ()