Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 22/11/2024 16:01 (GMT +7)
Có nên kiểm soát con từ phòng riêng đến mạng?
Thứ 4, 24/04/2024 | 15:28:09 [GMT +7] A A
Không ít cha mẹ kiểm soát con quá sâu sát bằng cách kiểm tra đột xuất phòng con, thậm chí lắp camera giám sát mà không quan tâm đến cảm xúc của con trẻ.
"Mẹ hôm nay lại tự ý vào phòng con. Tại sao phòng của con mẹ lại thích ra thì ra, thích vào thì vào tự do như một phòng khách vậy? Con rất không thoải mái khi mẹ kiểm soát con như vậy, con cũng cần không gian riêng của mình" - đó là lời tâm sự của một học sinh lớp 6 tại Hà Nội khiến nhiều người lớn phải suy ngẫm.
"Con biết mẹ sẽ xem máy tính của con nhưng mẹ sẽ không tìm thấy gì đâu"
Là một người mẹ đang có con học lớp 9, chị Loan (45 tuổi, Hà Nội) hiểu con mình đang trải qua giai đoạn "nổi loạn" của tuổi dậy thì.
Chị lo lắng từ việc con kết bạn với ai, con có đang giấu cha mẹ chuyện gì, con có người yêu chưa, con học tập ra sao?... Từ những lo lắng ấy, chị cố gắng kiểm soát con bằng mọi biện pháp.
Dù nhà gần trường nhưng lúc nào chị cũng dành thời gian đưa, đón con đi học. Chị thường mở máy tính riêng của con để kiểm tra các tài khoản mạng xã hội, hay đôi khi vào phòng riêng đột xuất để kiểm tra con học bài.
"Một ngày, tôi mở máy tính ra và phát hiện con đã để lại dòng tin nhắn: "Con biết mẹ sẽ xem nhưng chắc chắn mẹ không tìm thấy gì đâu. Con mong mẹ hãy tin tưởng ở con".
Lúc ấy, tôi mới biết hóa ra con đã biết việc mẹ lén xem máy tính. Tôi cũng nhận ra nếu mình kiểm soát con theo cách này sẽ không còn hiệu quả, thậm chí con sẽ có những cách để mẹ không phát hiện", chị Loan bộc bạch.
Chia sẻ về những câu chuyện này, bác sĩ tâm lý Nguyễn Hồng Bách - Trung tâm tâm lý lâm sàng DrMP, Hội Tâm lý học Việt Nam - cho rằng đây là thói quen của không ít cha mẹ tại Việt Nam.
Theo bác sĩ Bách, cha mẹ cần phải tôn trọng quyền tối thiểu của con đó là quyền riêng tư. Nhiều cha mẹ nghĩ rằng đó là muốn tốt cho con, là cách để kiểm soát con. Nhưng việc kiểm soát này có thể hoàn toàn phản tác dụng.
Vậy cha mẹ cần phải làm gì? Điều cha mẹ cần làm là nhận thức đúng quyền của người giám hộ và giới hạn của quyền ấy đến mức độ nào. Giáo dục cho trẻ "hành lang" mà con phải chấp hành trong thời gian bị giám hộ. Và hãy tôn trọng quyền riêng tư của trẻ.
"Điều chúng ta cần phải thay đổi là chính tư duy của cha mẹ. Một đứa trẻ không thể hư trong ngày một, ngày hai mà do cả quá trình lớn lên của trẻ.
Bởi vậy, mọi sự kiểm soát chỉ là về mặt thỏa mãn tâm lý của cha mẹ chứ không phải cách giáo dục. Thậm chí, việc kiểm soát có thể dẫn đến trẻ hình thành những nhân cách khác nhau. Trẻ tìm mọi cách để "thích nghi" với những sự kiểm soát này", bác sĩ Bách chia sẻ.
Còn theo phó giáo sư chuyên ngành tâm lý học lâm sàng trẻ em và vị thành niên Trần Thành Nam, khi con bước vào độ tuổi dậy thì cha mẹ cần học cách chấp nhận con đã bước sang một giai đoạn trưởng thành mới.
Lúc này, cha mẹ hãy tôn trọng quyền cá nhân, riêng tư của trẻ, thay vì kiểm soát trẻ thì hãy dạy cho trẻ những kỹ năng.
Thay vì kiểm soát, nên dạy trẻ kỹ năng
Theo ông Nam, sự lo lắng của cha mẹ không phải là vô cớ khi xã hội ngày càng nhiều vấn nạn. Trước kia, có thể chỉ cần biết con đang đến trường, con đang ở nhà, cha mẹ đã yên tâm. Thế nhưng bây giờ, con đang chính trong ngôi nhà cũng khiến cha mẹ lo lắng bởi áp lực học tập, hay liệu con có bị bắt nạt trên mạng xã hội hay không.
"Những lo lắng của cha mẹ chúng ta có thể cảm thông. Tuy nhiên, không phải vì vậy chúng ta kiểm soát một cách cực đoan.
Thay vào đó, cha mẹ nên dạy con những kỹ năng cần thiết để đối diện và xử lý các nguy cơ có thể gây hại cho trẻ. Ví dụ kỹ năng xử lý vấn đề, quản lý thời gian, giải tỏa cảm xúc, thiết lập mối quan hệ xã hội và kỹ năng đối phó với những nguy cơ tiềm ẩn.
Khi đứa trẻ đã có những kỹ năng này thì cha mẹ không còn cần quá dựa vào việc kiểm soát để đưa đứa trẻ đi về đúng hướng", PGS Nam chia sẻ.
Còn theo bác sĩ Bách, để giáo dục trẻ, cha mẹ phải luôn luôn, thường trực đặt mình vào độ tuổi của các con. Từ 3-6 tuổi các con phát triển tư duy ngôn ngữ. Từ 7-10 tuổi hình thành nhân cách. Từ 12-17 tuổi là quá trình thành lập nhân tố sống.
Khi con cái ở giai đoạn 12-17, cha mẹ cần lắng nghe, tôn trọng các con hơn và cố gắng không dùng mệnh lệnh thức với con.
"Tất nhiên, nhẹ nhàng, dịu dàng không có nghĩa là chiều chuộng. Mọi chuyện vẫn phải nằm trên một hành lang cho phép. Và hành lang ở đây là gì? Ngay từ khi đứa trẻ chào đời và quá trình lớn lên, cha mẹ nên hướng dẫn cho trẻ những điều đúng và sai, giáo dục thường xuyên liên tục và hướng cho trẻ đến những thói quen tốt.
Đặc biệt, cha mẹ không cãi vã, có những hành vi không tốt trước mặt trẻ. Cần đối thoại với trẻ, giúp trẻ thấy mình được lắng nghe, được bày tỏ. Chỉ khi trẻ đối thoại, cha mẹ mới nhận thấy có những suy nghĩ sai lệch để có thể định hướng cho trẻ đi đúng hướng trên nền tảng tôn trọng trẻ", bác sĩ Bách nói.
Theo tuoitre.vn
Liên kết website
Ý kiến ()