Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 22/11/2024 05:14 (GMT +7)
Có nên nuối tiếc... quá khứ?
Chủ nhật, 24/04/2022 | 07:44:40 [GMT +7] A A
72 năm (1883-1955) là thời gian vùng than Quảng Ninh (xưa gọi chung là khu mỏ) nằm dưới sự xâm chiếm, đô hộ và vơ vét tài nguyên than của người Pháp. Đó cũng là quãng thời gian diễn ra rất nhiều dấu mốc quan trọng của lịch sử Quảng Ninh trong thế kỷ 20. Quảng Ninh 62 năm sau ngày tiếp quản khu mỏ đã phát triển không ngừng. Hạ Long đang trở thành thành phố du lịch, thông minh, hiện đại nhưng nghĩ lại, liệu có ai trong chúng ta tiếc nuối... quá khứ?
Tôi không kết bạn nhưng vẫn thường đọc những status của một anh chàng trẻ trên một diễn đàn mạng xã hội. Các bài viết của anh chủ yếu là những tư liệu về lịch sử, văn hoá của Quảng Ninh, nhất là thành phố Hạ Long. Hẳn là người rất yêu lịch sử và có kiến thức nên những bài viết của anh luôn đầy ắp tư liệu, hình ảnh, minh chứng nên được nhiều người, nhất là những người từng sinh ra, lớn lên ở Hòn Gai rất thích.
Trong câu chuyện mới nhất, anh kể rằng một người bạn vào thăm Bảo tàng tỉnh, đến thăm mô phỏng đường lò khai thác than ra thắc mắc công nhân chui lò như thế đâu có vất vả mà mọi người cứ kêu? Ừ nhỉ, vậy thì hình dung sao được với thực tế dưới đường lò. Từ câu chuyện của bạn đến Hạ Long chơi ở đâu, thăm gì để hiểu về lịch sử của Hòn Gai xưa - Hạ Long nay khiến chúng ta không khỏi suy ngẫm.
Chiến tranh đã phá hủy đi rất nhiều công trình mang ý nghĩa, giá trị lịch sử đối với vùng đất, con người Quảng Ninh như đã phá huỷ nhiều di sản văn hoá của nhân loại. Tuy nhiên, có những thứ do chính chúng ta đã để mất có thể do nhận thức, ý thức và đó là những điều vô cùng đáng tiếc. Chẳng nói đâu xa, nhiều người Hòn Gai vẫn tiếc nuối giá như khoảng năm 1995, người ta đừng phá dỡ sạch sẽ mấy cái cẩu (portique) bốc rót than xuống tàu ở cảng Hòn Gai từ thời Pháp mà giữ lại làm di tích. Cách đó không xa, năm 2004, khi kè cảng Hòn Gai (được bàn giao cho Vinashine), công nhân đã phát hiện 2 khẩu súng thần công. Thay vì chuyển 2 khẩu súng này về Bảo tàng tỉnh thì kê súng lên giá, để ngay vị trí cũ. Chỉ hai điểm ấy thôi hẳn những người trẻ và du khách sẽ rất thích thú và có dịp hiểu thêm rất nhiều về lịch sử vùng đất này.
Tương tự số phận những chiếc cẩu, nhà sàng Hòn Gai, Nhà máy Cơ khí Hòn Gai cũng bị phá bỏ nhường chỗ cho những công trình mới. Còn nhớ năm 2003, khi đến Nhà máy Cơ khí Hòn Gai tìm hiểu về tư liệu lịch sử, tôi vô cùng ngạc nhiên thấy nhiều chiếc máy khoan, máy tiện của người Pháp có ghi năm sản xuất là những năm 20 của thế kỷ trước. Hỏi những công nhân đứng máy, họ nói chúng vẫn đang hoạt động rất tốt. Dịp ấy, Tổng Công ty Than Việt Nam đang có dự án xây dựng Bảo tàng than. Anh Đ. Trưởng ban Cơ khí Tập đoàn khi ấy có nói với tôi sẽ chuyển số máy này về làm hiện vật của Bảo tàng than. Thế rồi dự án không thành, nhà máy cũng giải thể, chuyển đi. Tôi nhiều lần dò hỏi số phận những chiếc máy kia nhưng chưa tìm được.
Anh bạn trẻ đã viết những câu đáng để chúng ta suy ngẫm như thế này: Con người trưởng thành nhờ những bài học trong quá khứ chứ không phải tương lai. Quá khứ như một tủ sách cũ kỹ nhưng quý giá. So sánh quá khứ với hiện tại để biết ta đã thay đổi thế nào. Vì vậy, di tích lịch sử là cầu nối quá khứ với hiện tại và tương lai và khi trở thành sản phẩm du lịch văn hoá thì nó thúc đẩy sự phát triển của du lịch, kinh tế địa phương và mang lại nhiều giá trị, ý nghĩa thiết thực khác.
Chúng ta đều biết, lịch sử khai thác mỏ than gắn liền với lịch sử phát triển của Quảng Ninh trong thế kỷ XX. Có ý kiến cho rằng, nên chăng có những tour du lịch mạo hiểm dành cho du khách ưa loại hình du lịch này xuống lò khám phá để hiểu người thợ khai thác than vất vả như thế nào. Có thể đó cũng là một gợi mở hay chăng?
Đại Dương
Liên kết website
Ý kiến ()