Tất cả chuyên mục
Thứ Ba, 05/11/2024 19:19 (GMT +7)
Cơ sở dữ liệu - trái tim của chuyển đổi số
Thứ 3, 16/08/2022 | 14:19:20 [GMT +7] A A
Để mục tiêu chuyển đổi số được triển khai thành công, bên cạnh các yếu tố về nhân lực, hạ tầng cơ sở, thì dữ liệu cũng là một trong những yếu tố then chốt trong quá trình chuyển đổi số. Hiện Quảng Ninh cũng đang tập trung xây dựng, hoàn thiện và đưa vào sử dụng kho dữ liệu dùng chung, phục vụ yêu cầu về chuyển đổi số.
Cơ sở dữ liệu là một tập hợp các dữ liệu có tổ chức, thường được lưu trữ và truy cập điện tử từ hệ thống máy tính. Cơ sở dữ liệu chính là “trái tim” của chuyển đổi số. Chính phủ hay chính quyền số đều lấy cơ sở dữ liệu làm trung tâm. Vì thiếu cơ sở dữ liệu, các hoạt động của chuyển đổi số đều không có giá trị, không thể phát triển; các ứng dụng, dịch vụ, nền tảng số sẽ “đóng băng” hoặc không được sinh ra.
Nhận thức rõ điều này, song song với việc thực hiện các mục tiêu của chuyển đổi số, Quảng Ninh cũng quan tâm xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu phục vụ cho tiến trình chuyển đổi số. Hiện, tỉnh cũng đang hợp tác với các doanh nghiệp viễn thông hàng đầu để xây dựng, phát triển hạ tầng công nghệ thông tin, viễn thông phục vụ mục tiêu chuyển đổi số toàn diện. Trong đó, có việc hợp tác xây dựng cơ sở dữ liệu chuyên ngành dùng chung của tỉnh theo dạng dữ liệu mở cho người dân, doanh nghiệp, có tích hợp hệ thống báo cáo thống kê, phân tích dữ liệu phục vụ công tác chỉ đạo điều hành của tỉnh và kết nối với Hệ thống thông tin báo cáo của Chính phủ.
Các sở, ngành của tỉnh cũng đang triển khai một số dự án đảm bảo nền tảng hạ tầng triển khai chuyển đổi số như: Dự án xây dựng hệ thống thông tin, dữ liệu về đất đai; dự án nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu cấp tỉnh; nâng cao năng lực phục vụ phần mềm quản lý văn bản và thay mới hệ thống sao lực dữ liệu; số hóa, cập nhật dữ liệu hộ tịch lịch sử từ các sổ hộ tịch cũ tại các địa phương.
Bên cạnh đó, việc triển khai kho dữ liệu và cổng dữ liệu mở cũng đang được Sở TT&TT tỉnh nghiên cứu, áp dụng. Trong thời gian tới, khi kho dữ liệu số hóa của tỉnh thu thập, tổng hợp được nhiều dữ liệu thì việc kết nối, chia sẻ, liên thông, truy xuất, khai thác dữ liệu giữa các cơ quan nhà nước cũng sẽ diễn ra nhanh chóng, chính xác. Hiện, một số đơn vị, địa phương như: Ban quản lý Khu kinh tế, IPA, Hải quan, huyện Cô Tô… đã chủ động số hóa hồ sơ, tài liệu, văn bản để khai thác sử dụng và sẵn sàng cung cấp cho kho dữ liệu dùng chung của tỉnh.
Cũng từ tháng 5/2022, hệ thống chính quyền điện tử của tỉnh đã chính thức kết nối liên thông, chia sẻ dữ liệu với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và khai thác được 3 dịch vụ, được bộ Công an cung cấp từ cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Hiện nay, hệ thống chính quyền điện tử của tỉnh đã và đang kết nối, liên thông với 6 hệ thống cơ sở dữ liệu các bộ, ngành.
Trong việc xây dựng và ứng dụng cơ sở dữ liệu dùng chung, từ năm 2022, Quảng Ninh cũng bắt đầu triển khai việc xác thực định danh điện tử công dân qua hệ thống Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư khi giải quyết TTHC các cấp. Tỉnh đặt mục tiêu phấn đấu hết năm 2023, sẽ hoàn thành 8 cơ sở dữ liệu nền tảng quan trọng, gồm: Đất đai; cán bộ, công chức, viên chức; y tế; giáo dục; quy hoạch; du lịch; đầu tư công; giao thông.
Yến Vy
Liên kết website
Ý kiến ()