Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 22/11/2024 06:09 (GMT +7)
Có thể phát hiện ung thư phổi bằng 1 con chip chứa đầy... giun
Thứ 4, 06/04/2022 | 15:01:52 [GMT +7] A A
Chắc chắn bạn đã từng nghe những câu chuyện về loài chó có thể đánh hơi được bệnh ung thư ở người, nhưng giun thì sao? Sự thật này có thể khiến bạn ngạc nhiên, những con giun nhỏ bé dài chỉ khoảng 1 milimet sẽ bị thu hút bởi mùi do tế bào ung thư tạo ra. Chính điều này đã truyền cảm hứng cho các nhà khoa học tạo ra loại thiết bị phát hiện ung thư phổi độc đáo: một con chip chứa đầy những sinh vật nhỏ này theo đúng nghĩa đen.
Nghe có vẻ hơi ghê sợ nhưng khái niệm nay đã chứng minh nó phát huy hiệu quả đến 70% trong việc phát hiện tế bào ung thư phổi, mở ra cơ hội đầy tiềm năng cho việc phát hiện ung thư sớm so với phương pháp sinh thiết truyền thống và công nghệ hình ảnh. Phát hiện sớm ung thư chính là chìa khóa quan trọng nhất để cải thiện tỷ lệ sống sót của bệnh nhân ung thư.
Các nhà khoa học gọi ý tưởng này là "worm-on-a-chip". Chúng có thể cải thiện độ chính xác phát hiện ung thư bằng cách sử dụng tuyến trùng đã được hướng dẫn nhận dạng đánh hơi tế bào ung thư.
Những con giun chọn tế bào ung thư thay vì những tế bào khỏe mạnh
"Worm-on-a-chip" là một khái niệm khá đơn giản: thiết bị, được làm từ chất đàn hồi silicone, có một buồng nhỏ ở trung tâm với hai kênh dẫn đến hai hố sâu, một ở mỗi đầu của chip. Loại giun C.elegans được đặt trong buồng trung tâm, trong khi một giọt tế bào phổi khỏe mạnh được đặt vào một hố và một giọt tế bào ung thư phổi được đặt trong hố còn lại.
Giun C.elegans được mô tả là có khứu giác mạnh và ưa thích mùi do các tế bào ung thư tạo ra, sẽ di chuyển xuống một trong hai kênh về phía hố mà chúng lựa chọn - với việc di chuyển nhiều hơn đến các tế bào ung thư phổi được nuôi cấy. Chỉ mất khoảng 1 giờ đồng hồ để những con giun này tìm đường đến nơi nuôi cấy tế bào ung thư. Các nhà nghiên cứu nhận thấy thiết bị của họ cuối cùng có độ chính xác khoảng 70% trong việc phát hiện mẫu ung thư phổi.
Một điều đáng mừng nữa là những con giun này có thể dễ dàng phát triển trong phòng thí nghiệm, được nuôi để phục vụ mục đích chẩn đoán.
Công việc chỉ mới bắt đầu
Các nhà khoa học cho biết rằng họ có thể làm cho xét nghiệm nhạy hơn và cải thiện độ chính xác của nó bằng cách sử dụng những con giun đã quen với mùi của tế bào ung thư. Những mẫu tế bào ung thư nuôi cấy này chỉ là bước khởi đầu, vì nhóm còn lên kế hoạch cho các xét nghiệm bổ sung bằng cách sử dụng các chất khác từ bệnh nhân ung thư, bao gồm mẫu hơi thở, nước tiểu và nước bọt. Ngoài ra, khái niệm worm-on-chip có thể hữu ích trong việc phát hiện một số loại ung thư khác, nhưng cần có những kiểm tra thêm để kết luận.
Tiến sĩ Shin Sik Choi - người đứng đầu nghiên cứu nói "Chúng tôi sẽ hợp tác với các bác sĩ y tế để tìm hiểu xem liệu phương pháp của chúng tôi có thể phát hiện ung thư phổi ở bệnh nhân ở giai đoạn đầu hay không."
Theo Vnreview
Liên kết website
Ý kiến ()