Tất cả chuyên mục
Thứ Năm, 31/10/2024 07:30 (GMT +7)
Có thể vượt qua trầm cảm mà không dùng thuốc hay không?
Thứ 3, 23/07/2024 | 14:32:16 [GMT +7] A A
Nếu bỗng nhiên bạn gặp hiện tượng mất ngủ kéo dài không có nguyên nhân rõ ràng, táo bón, cảm thấy người luôn yếu ớt như không còn chút sinh lực, luôn uể oải không muốn làm việc gì, buổi sáng khó khăn mới có thể bước ra khỏi giường… thì rất có thể bạn đang mắc chứng trầm cảm.
PGS.TS Nguyễn Hoài Bắc (BV Đại học Y Hà Nội) kể rằng, khoa Nam Học và Y học giới tính của anh có tiếp nhận một bệnh nhân nam đã ngoài 80. Con cháu lo lắng vì ở độ tuổi đó mà cụ ông luôn bày tỏ sự ham muốn quá mức, trong khi bà vợ đã ngoài 70 luôn nơm nớp mỗi khi chồng… muốn. Vậy nhưng qua thăm khám, các bác sĩ phát hiện ra, cụ ông đang bị trầm cảm nặng. Một trong những biểu hiện của trầm cảm là con người khó kiểm soát hành vi của mình. Phác đồ điều trị trầm cảm sau đó đã dần khiến cụ vượt qua căn bệnh “nghiện yêu”.
Trò chuyện với bác sĩ Lê Công Thiện (Viện tâm thần TW), mới thấy bệnh trầm cảm có biểu hiện muôn hình muôn vẻ. Có thiếu nữ 15 tuổi đang học bình thường tại một trường chuyên bỗng đau bụng dữ dội không thể tới trường. Căn bệnh chỉ tạm lui khi cô gái ở nhà và vì thế việc học buộc phải đình lại. Bố mẹ đưa đi khám ở nhiều bệnh viện không ra bệnh, cuối cùng khi đến bệnh viện tâm thần thì bác sĩ kết luận đó là căn bệnh trầm cảm. Hoặc một cán bộ cấp Vụ gặp hiện tượng mất ngủ kéo dài, trong công việc không tập trung, những văn bản cần chữ ký của ông cứ ùn lại mấy chồng dày, trong khi trước đó mỗi ngày ông ký giải quyết hàng trăm giấy tờ các loại. Nhân viên trong cơ quan bảo nhau: Không hiểu sếp bị làm sao mà bỗng nhiên thay đổi cả phong cách làm việc và tính tình không còn vui vẻ như trước. Kết luận của bác sĩ sau đó rằng thủ trưởng bị trầm cảm vẫn khiến không ít người trong số họ cảm thấy ngỡ ngàng.
Trầm cảm, căn bệnh nguy hiểm nhưng nhiều người còn chưa hiểu rõ về nó
Nếu bỗng nhiên bạn gặp hiện tượng mất ngủ quá một tuần không có nguyên nhân rõ ràng, táo bón, cảm thấy người luôn yếu ớt như không còn chút sinh lực, luôn uể oải không muốn làm việc gì, buổi sáng khó khăn mới có thể bước ra khỏi giường… thì rất có thể bạn đang mắc chứng trầm cảm.
“Đi khám không ra bệnh”- đó cũng là một đặc trưng của người trầm cảm, nếu như bạn lại đi khám ở những chuyên khoa tiêu hóa hay tim mạch…
Một đặc trưng của gương mặt người bị trầm cảm là nét mặt buồn bã, thiếu sắc khí, giọng nói cũng đều đều, thiếu truyền cảm. Người trầm cảm thường sợ ánh sáng, sợ đám đông. Bản thân sự im lặng của họ giữa bè bạn, đồng nghiệp cũng khiến họ cảm thấy chán ghét bản thân mình.
Nhiều bệnh nhân trầm cảm tâm sự rằng, họ cảm thấy bất lực với bản thân mình, cảm thấy yếu đuối, cảm thấy vô dụng. Một công việc khi bình thường họ làm nhanh gọn thì khi lâm bệnh, họ hầu như không thể hoàn thành nổi. Nếu như không có một nghĩa vụ nào đó- chả hạn nấu ăn cho con, đưa con đi học- thì họ có thể nằm lì trên giường từ sáng đến tối, không ăn thậm chí không cả uống nước.
“Trống ngực tôi đổ liên hồi, trong lúc nấu ăn- hoạt động trước kia với tôi là sự thư giãn- tôi cảm thấy tay chân luýnh quýnh, run rẩy. Tôi ngại nấu ăn và luôn rủ các con đi ăn ngoài hàng”, một nữ ca sĩ kể lại.
Trầm cảm có chữa được không? Điều trị trầm cảm không dùng thuốc thế nào?
Thực tế có những bệnh nhân trầm cảm nhưng ý thức được mình đang bị trầm cảm và có cả những người không ý thức được mình đang mắc căn bệnh này.
Biểu hiện bệnh của cả hai loại bệnh nhân này tương đối giống nhau, nhưng bệnh nhân trầm cảm ý thức được về căn bệnh thì có nhiều cơ hội thoát khỏi căn bệnh quái ác này mà không cần dùng thuốc điều trị tuy vẫn cần sự theo dõi của bác sĩ. Bệnh nhân còn lại thì nhất thiết phải có sự theo dõi chặt chẽ và uống thuốc theo chỉ định của bác sĩ.
Bên cạnh sự điều trị của y tế, người bị bệnh trầm cảm sẽ có cơ may khỏi bệnh nhanh hơn khi họ được một người từng bị trầm cảm chia sẻ với họ phương cách vượt qua những tháng ngày tối tăm này. Bởi vì chỉ có những người đã từng bị hành hạ bởi trầm cảm mới thực sự hiểu người bệnh trầm cảm mong muốn điều gì, sự an ủi từ họ vì thế mới trúng đích. Họ sẽ bảo người trầm cảm rằng, mọi cảm xúc tiêu cực mà họ đang cảm thấy chẳng qua đã bị bóp méo do căn bệnh, rằng cuộc đời này thật đáng để trân trọng và sống vui từng chút một. Họ cũng kích hoạt vào trách nhiệm của người bệnh, chả hạn, một đứa con bé đang rất cần sự chăm sóc của người mẹ khỏe mạnh. Bên cạnh đó, người từng bị trầm cảm cũng hiểu bệnh nhân cần được chăm sóc bởi những suất ăn bổ dưỡng nhẹ nhàng như cháo/súp nóng, hoa quả tươi, các loại vitamin tăng cường sinh lực… Không nên ép người trầm cảm- vốn đang mất vị giác- ăn thật nhiều. Hãy để họ ăn từng ít một, chú ý ăn nóng và các thức tươi ngon là thích hợp nhất.
Kích hoạt bệnh nhân trầm cảm cơ bản nhất là phải “lôi” được họ ra khỏi giường. Các hoạt động như đi bộ, chạy bộ nhẹ nhàng, tập Yoga và đặc biệt là tập thiền đều có ích với bệnh nhân trầm cảm. Đặc biệt, bệnh nhân trầm cảm cần phải lao động, cần được đổ mồ hôi mỗi ngày… Rất nhiều bệnh nhân trầm cảm đã phải xin nghỉ phép, nghỉ không lương bởi họ không thể hoàn thành được công việc bình thường. Lúc này, động viên họ mỗi ngày cầm bút viết ra một trang giấy như kiểu viết nhật ký cũng là một hoạt động có ích.
Người bệnh trầm cảm khó tập trung để đọc xong một cuốn sách, vì vậy muốn cho tâm trí của họ bận rộn hơn - để tránh dần những ý nghĩ tiêu cực - thì nghe những bản nhạc vui, xem phim hài hoặc đi chơi xa cùng bạn bè cũng là những phương án tốt.
Nhiều bệnh nhân huyết áp cao, tim mạch, K tuyến giáp… có xuất phát điểm là bệnh nhân stress, trầm cảm nhưng không được điều trị kịp thời và đúng cách.
Chính vì thế, lời khuyên của bác sĩ là chúng ta đừng để u uất kéo dài vì chúng có thể dẫn tới nhiều căn bệnh nặng.
Theo tienphong.vn
Liên kết website
Ý kiến ()