Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 22/11/2024 20:08 (GMT +7)
Vì một Cô Tô xanh
Thứ 2, 28/02/2022 | 14:48:50 [GMT +7] A A
Những năm qua, cùng với sự tăng trưởng kinh tế, lượng chất thải, nhất là rác thải nhựa từ hoạt động sản xuất kinh doanh và đời sống phát sinh trên địa bàn huyện Cô Tô ngày càng tăng. Với nhiều cố gắng, công tác bảo vệ môi trường của huyện có những chuyển biến tích cực.
Theo thống kê, vào mùa hè, lượng rác thải sinh hoạt phát sinh trên địa bàn huyện từ 23-26 tấn/ngày, các tháng còn lại từ 16-17 tấn/ngày. Từ năm 2019, Công ty CP Môi trường đô thị Cô Tô được giao nhiệm vụ thu gom, xử lý rác thải trên địa bàn huyện. Công ty hoạt động thu gom rác với tần suất 1-2 lần/ngày, tổ chức thu gom, vận chuyển, xử lý rác thải tự phát trong khu dân cư, khu vực công cộng, luôn đảm bảo môi truờng xanh, sạch, đẹp.
Năm 2019-2020, Công ty phối hợp với đơn vị tư vấn và Sở TN&MT thực hiện thí điểm Đề án phân loại rác thải nguồn, kết quả khoảng 70% lượng rác thải trong dân được phân loại. Trước đây trên địa bàn huyện đã xây dựng khu xử lý rác thải tập trung tại thôn Trường Xuân (xã Đồng Tiến), diện tích 4,42ha, phương pháp xử lý chủ yếu là chôn lấp. Từ tháng 7/2020, huyện đầu tư nâng cấp, đưa vào vận hành lò đốt rác với công nghệ áp suất âm, công suất 750kg/giờ, góp phần giảm diện tích chôn lấp, giảm ô nhiễm ra môi trường, tỷ lệ rác được đốt khoảng 65%.
Ông Lê Bảo Đức, Giám đốc Công ty Môi trường đô thị Cô Tô, cho biết: Công ty đã lập kế hoạch lâu dài để tiếp tục thực hiện phân loại rác thải tại nguồn và cải tạo, nâng cấp hạ tầng, các hạng mục khu xử lý rác thải tập trung, báo cáo với các cấp chính quyền, tăng cường công tác chỉnh trang, sửa chữa, hoàn thiện khu xử lý rác thải tập trung, đáp ứng công tác xử lý rác thải trong thời gian tới. Công ty cũng đề xuất thêm một số giải pháp, trong đó các cấp chính quyền cùng các tổ chức đoàn thể vào cuộc với đơn vị, lập hương ước với thôn, khu để nhắc nhở, xử lý, xử phạt các đối tượng không tuân thủ phương án phân loại rác thải, tiến tới giai đoạn 2023-2025 Cô Tô hoàn toàn phân loại rác thải tại nguồn.
Với những giải pháp đồng bộ, trên địa bàn huyện hiện không còn các tụ điểm phức tạp về môi trường, rác thải được thu gom, xử lý đạt trên 98%. Nhiều người dân, doanh nghiệp đã chủ động vào cuộc, giữ cho môi trường của Cô Tô ngày càng xanh, sạch, đẹp.
Ông Nguyễn Đăng Lương (khu 1, thị trấn Cô Tô) chia sẻ: Nhằm hạn chế rác thải nhựa, từ năm 2019 cơ sở sản xuất nước mắm của ông đã sử dụng chai thủy tinh để đựng, dễ dàng tái sử dụng, bao bì carton để đóng gói sản phẩm. Phương án này không chỉ giúp cơ sở của ông nâng cao chất lượng mẫu mã sản phẩm, mà còn góp phần tích cực vào việc bảo vệ môi trường và phát triển bền vững. Hiện nhiều khách hàng rất ưa chuộng sản phẩm nước mắm do cơ sở của ông sản xuất.
Bên cạnh những kết quả đã đạt được, công tác xử lý rác thải trên địa bàn huyện vẫn còn một số tồn tại, hạn chế, như: Ý thức chấp hành của một số hộ dân chưa tốt, cá biệt vẫn còn tình trạng vứt rác bừa bãi ở các vị trí không đúng quy định; kinh phí môi trường còn hạn chế so với nhu cầu thực tiễn, nhiệm vụ.
Ông Vũ Văn Hiển, Phó Chủ tịch UBND huyện Cô Tô, cho biết: Huyện đang thực hiện 3 đề án bảo vệ môi trường là: Cô Tô nói không với rác thải nhựa; hạn chế sử dụng túi nilon, sản phẩm nhựa sử dụng một lần; phân loại rác thải tại nguồn. Cả hệ thống chính trị vào cuộc; trong đó nòng cốt là MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội, tuyên truyền phổ biến đến từng người dân thôn, khu thành lập những nhóm hộ tự quản bảo vệ môi trường, những đoạn đường ngõ xóm xanh, sạch, đẹp; duy trì hằng tuần tổ chức ra quân tình nguyện dọn bãi biển, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giữ Cô Tô là địa phương có môi trường tốt trên địa bàn tỉnh.
Nguyễn Hưng
Liên kết website
Ý kiến ()