Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 15/11/2024 18:14 (GMT +7)
Coi trọng phát triển văn hóa, con người Quảng Ninh
Thứ 6, 13/10/2023 | 12:24:29 [GMT +7] A A
Ngày 9/3/2018, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Quảng Ninh ban hành Nghị quyết 11-NQ/TU “Về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Quảng Ninh đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững”. Các cấp, ngành, đơn vị, địa phương trong tỉnh đã nỗ lực thực hiện mục tiêu: Gìn giữ và phát huy bền vững bản sắc văn hóa; các giá trị di sản thiên nhiên, văn hóa, sức mạnh đại đoàn kết dân tộc; xây dựng con người Quảng Ninh với các đặc trưng “Năng động - sáng tạo - hào sảng - lành mạnh - văn minh - thân thiện"...
Ngay khi Nghị quyết số 11 ban hành, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Kế hoạch 193-KH/TU (ngày 1/6/2018) triển khai Nghị quyết; HĐND tỉnh đã ban hành 8 Nghị quyết liên quan đến cơ chế, chính sách để xây dựng và phát triển văn hóa, con người Quảng Ninh. Cùng với đó, 80 văn bản chỉ đạo của UBND tỉnh triển khai Nghị quyết 11 cũng được thực hiện quyết liệt. Tỉnh cũng cụ thể hóa mục tiêu Nghị quyết thành các quy hoạch, đề án, chuyên đề về văn hóa, thể thao mang tính chiến lược, như: Đề án bảo tồn tôn tạo và phát huy giá trị hệ thống di tích lịch sử văn hóa và danh lam thắng cảnh tỉnh Quảng Ninh giai đoạn 2021-2030; Dự án số hóa di sản văn hóa trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh (ngày 15/5/2020, tỉnh Quảng Ninh giới thiệu đến công chúng website di sản, đây là website đầu tiên của cả nước về di sản); Đề án tổ chức, quản lý lễ hội trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh; Đề án “Quy hoạch, phát triển văn học nghệ thuật Quảng Ninh giai đoạn 2011-2015 và định hướng đến năm 2030". Cùng với đó, các hoạt động phục dựng các lễ hội truyền thống, bảo tồn lễ hội đồng bào các dân tộc, các trò chơi dân gian, hoạt động văn hóa văn nghệ trong lễ hội được quan tâm tổ chức...
Đến nay, trên địa bàn tỉnh có 613 di tích lịch sử văn hóa, 361 di sản văn hóa phi vật thể, 6 lễ hội nằm trong danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia... Giai đoạn 2018-2022, trên địa bàn có 23 di tích được xếp hạng, trong đó Khu lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh trên đảo Cô Tô là di tích quốc gia đặc biệt, 6 di tích cấp quốc gia, 16 di tích cấp tỉnh. Thủ tướng Chính phủ công nhận 13 bảo vật quốc gia và 8 di sản văn hóa phi vật thể đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
Việc xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, văn minh cũng được tỉnh quyết liệt chỉ đạo triển khai, nhất là trong xây dựng môi trường văn hóa trong cơ quan, tổ chức và xây dựng môi trường văn hóa trong gia đình đến cộng đồng dân cư. Qua đó, nhiều thiết chế, bộ quy tắc ứng xử đã nhanh chóng đi vào đời sống cán bộ, đảng viên, nhân dân trong tỉnh, như: Bộ “Quy tắc ứng xử trong cộng đồng” trên cơ sở kế thừa và phát triển bộ quy tắc ứng xử “Nụ cười Hạ Long”; phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” gắn với xây dựng NTM, đô thị văn minh; xây dựng nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội, cơ sở thờ tự tôn giáo, cơ sở tín ngưỡng...
Bên cạnh đó, tỉnh quan tâm dành nguồn lực đầu tư các thiết chế văn hóa, thể thao quy mô hiện đại mang đặc sắc kiến trúc riêng, trở thành sản phẩm du lịch hấp dẫn, thu hút nhiều sự kiện lớn mang tầm quốc tế và khu vực. Điển hình: Cụm công trình Bảo tàng, Thư viện tỉnh, Cung Quy hoạch, Hội chợ và Triển lãm, Công viên hoa Hạ Long, Quảng trường 30/10, Nhà thi đấu Thể dục thể thao tỉnh, Cung Văn hóa Thanh thiếu nhi, Trung tâm VHTT các dân tộc vùng Đông Bắc... Ở cấp huyện, thiết chế văn hóa, thể thao được quan tâm xây mới và sửa chữa, cải tạo nâng cấp. Qua đó, những phong trào văn hóa, văn nghệ ở các địa phương những năm gần đây đã phát triển mạnh mẽ, phục vụ hiệu quả các sự kiện chính trị của địa phương cũng như của tỉnh. Qua đây cũng góp phần định hướng tư tưởng, thẩm mỹ, nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần của nhân dân trong tỉnh.
Cùng với các hoạt động văn hóa, thể thao duy trì thường niên, Quảng Ninh đã tổ chức nhiều hội thảo quan trọng và những sự kiện hấp dẫn, tạo nên những sản phẩm văn hóa, thể thao đặc sắc, riêng có; góp phần quảng bá văn hóa, con người, hình ảnh Quảng Ninh đến với bạn bè quốc tế. Điển hình là các hoạt động: Carnaval Hạ Long - Quảng Ninh, Liên hoan xiếc thế giới, Festival âm nhạc, Tiếng hát Asean +3, Gala xiếc ba miền, Ngày hội Yoga quốc tế, Giải chạy marathon quốc tế Hạ Long, Giải bóng chuyền bãi biển quốc tế Tuần Châu; SEA Games 31; Đại hội Thể thao toàn quốc lần thứ IX...
Cuối tháng 9 vừa qua, tại Khu di tích Quốc gia đặc biệt Yên Tử, Tỉnh ủy Quảng Ninh phối hợp với Bộ Biên tập Tạp chí Cộng sản tổ chức Hội thảo khoa học "Quảng Ninh nhận diện và phát huy các giá trị văn hóa, con người, tạo nguồn lực cho phát triển nhanh, bền vững". Hội thảo đã làm sáng tỏ những vấn đề lý luận về nhận diện, khơi dậy và phát huy các giá trị văn hóa, con người, làm nền tảng tạo động lực và nguồn lực quan trọng cho phát triển nhanh, bền vững trong bối cảnh hiện nay ở nước ta, đặc biệt đối với Quảng Ninh. Hội thảo cũng xác định rõ quan điểm “Văn hóa, con người là nền tảng tinh thần vững chắc của xã hội, là nguồn lực, sức mạnh nội sinh cho sự phát triển”. Đồng thời, đánh giá những lợi thế, tiềm năng của Quảng Ninh trong khai thác, phát huy giá trị văn hóa, con người, tạo động lực và nguồn lực quan trọng cho phát triển kinh tế nhanh, bền vững. Sự kiện này có ý nghĩa quan trọng trong việc tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy đối với công tác xây dựng và phát triển văn hóa, con người Quảng Ninh theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và Nghị quyết Đại hội XV của Đảng bộ tỉnh.
Bên cạnh đó, tỉnh tập trung bồi dưỡng tinh thần yêu nước, lòng tự hào dân tộc; ý thức tuân thủ pháp luật, xây dựng con người Quảng Ninh "Năng động - Sáng tạo - Hào sảng - Lành mạnh - Văn minh - Thân thiện"; xây dựng con người Quảng Ninh phát triển về thể chất, cải thiện tầm vóc thể trạng, chất lượng cuộc sống của người dân. Đến nay, hệ thống y tế toàn tỉnh được rà soát, sắp xếp theo hướng tinh gọn, hiệu quả; cơ sở vật chất, trang thiết bị được đầu tư đồng bộ, hiện đại; năng lực hệ thống y tế dự phòng của Quảng Ninh được xếp vào nhóm đầu cả nước...
Với những giải pháp cụ thể, 11 mục tiêu Nghị quyết được triển khai, trong đó 10/11 mục tiêu hoàn thành và cơ bản hoàn thành. Đây là động lực để Quảng Ninh tiếp tục nỗ lực duy trì và có những quyết sách mới với yêu cầu cao hơn.
Đại hội XIII của Đảng xác định xây dựng văn hóa, con người trở nên cấp thiết, giữ vai trò cơ bản, quan trọng trong phát triển đất nước. Nghị quyết Đại hội XV của Đảng bộ tỉnh cũng xác định: “Xây dựng nền văn hóa giàu bản sắc Quảng Ninh gắn với thu hẹp khoảng cách giàu nghèo và chênh lệch vùng miền trong tỉnh” là một trong 3 khâu đột phá chiến lược, “Kết hợp chặt chẽ giữa phát triển kinh tế nhanh, bền vững với phát triển văn hóa, con người, xây dựng nền văn hóa giàu bản sắc Quảng Ninh” là những nhiệm vụ trọng tâm.
Bởi vậy, trên chặng đường tiếp theo, tỉnh xác định xây dựng, phát huy các giá trị văn hoá, sức mạnh con người Quảng Ninh là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên, liên tục của toàn Đảng bộ, của các cơ quan, tổ chức trong hệ thống chính trị, được đặt trong mối quan hệ gắn bó chặt chẽ với các nhiệm vụ về xây dựng Đảng, phát triển KT-XH, bảo đảm QP-AN và hợp tác và hội nhập quốc tế. Đồng thời, quan tâm xây dựng hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hoá, con người mới được xác định rõ trong văn kiện Đại hội XIII của Đảng; bổ sung, hoàn thiện hệ giá trị tỉnh, hệ giá trị văn hoá, con người Quảng Ninh trên cơ sở kế thừa, phát triển những đặc trưng về văn hoá, con người Quảng Ninh đã được nhận diện trong Nghị quyết số 11-NQ/TU của Tỉnh uỷ, Nghị quyết Đại hội XV của Đảng bộ tỉnh.
Đặc biệt, tỉnh kiên trì thực hiện quan điểm: “Lấy phát triển con người, bảo đảm và cải thiện dân sinh làm mục đích; lấy phát triển văn hóa, xây dựng văn minh sinh thái, tiết kiệm tài nguyên và bảo vệ môi trường làm trọng điểm”; chuyển đổi phương thức phát triển từ “nâu” sang “xanh” theo hướng bền vững dựa vào 3 trụ cột: Thiên nhiên, con người, văn hóa; kết hợp với xu thế hòa bình, hợp tác, hội nhập, và cơ hội của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư.
Nguyễn Huế
Liên kết website
Ý kiến ()