Khi Tổng thống Yoon Suk-yeol ban bố thiết quân luật, Lee, giáo viên 28 tuổi, còn ngỡ đây là tình huống tấu hài trên gameshow truyền hình.
"Tôi tưởng ông Yoon được mời làm trò chơi khăm này trên gameshow. Nhưng khi tin tức liên tục ập đến, tôi dần chuyển qua hoảng sợ", Lee, giáo viên ở Gyeonggi, kể lại thời điểm hay tin Tổng thống Yoon bất ngờ ban bố thiết quân luật từ 23h.
Đây là lần đầu tiên Tổng thống nước này ban bố thiết quân luật trong 44 năm qua. Mạng xã hội Hàn Quốc lập tức tràn ngập các bài đăng, bình luận bày tỏ lo lắng. Một số nền tảng lớn như Blind và Naver Cafe không thể truy cập trong một thời gian do quá tải.
"Đây là điều thực sự xảy ra trong năm 2024 sao? Tôi không thể tin nổi. Những gì phát trên TV giống những lần binh biến hàng chục năm trước", một người dùng mạng bình luận.
Tổng thống Yoon Suk-yeol cho biết ban bố thiết quân luật nhằm đối phó với thế lực "chống phá". Ông nhắc đến việc đảng Dân chủ, chiếm đa số trong quốc hội Hàn Quốc, tuần này luận tội một số công tố viên cấp cao và cắt giảm ngân sách. Sắc lệnh thiết quân luật được ban hành với các biện pháp như cấm quốc hội hoạt động, kiểm soát báo chí, cấm tụ tập biểu tình.
Ước tính 4.000 người tức giận đổ ra đường bất chấp thời tiết lạnh giá, bao quanh tòa quốc hội ở quận Yeouido, Seoul, khiến giao thông khu vực tắc nghẽn. Họ hô vang các khẩu hiệu "cứu nền dân chủ" và kêu gọi luận tội Tổng thống Yoon.
"Tôi phẫn nộ đến mức phải đến đây.", Kim, 50 tuổi, nói. "Đây là hành vi lạm quyền, vi phạm trực tiếp hiến pháp".
Hàn Quốc từng nhiều lần áp đặt thiết quân luật nhằm dẹp yên rối loạn chính trị. Nhưng biện pháp này từng bị lạm dụng khi đảng cầm quyền muốn duy trì quyền lực thông qua các sửa đổi hiến pháp. Sau khi chuyển từ chính quyền quân sự sang chế độ dân chủ vào cuối thập niên 1980, thiết quân luật được xem là tàn tích của quá khứ.
"Thật sai, quá sai. Tôi cứ nghĩ mình đang mơ khi Tổng thống ban bố thiết quân luật. Làm sao có thể hành động như vậy vào thời đại này", một phụ nữ khác đến từ Goyang, tỉnh Gyeonggi nói.
"Tôi thậm chí còn run rẩy khi đăng bình luận này", một người dùng mạng viết khi theo dõi tin tức.
Rạng sáng 4/12, quốc hội Hàn Quốc khai mạc phiên họp khẩn sau khi 190 nghị sĩ vào được bên trong cơ quan. Toàn bộ 190 nghị sĩ có mặt đều bỏ phiếu ủng hộ nghị quyết yêu cầu dỡ thiết quân luật. Sau khi Chủ tịch Woo gõ búa thông qua nghị quyết, người biểu tình ở bên ngoài reo hò vui mừng.
"Thật nhẹ nhõm. Tôi đến đây khi nghe thấy tiếng trực thăng vần vũ trên bầu trời thủ đô", một phụ nữ 43 tuổi sống tại Dangsan, phía tây Seoul, nói.
Binh sĩ Hàn Quốc sau đó rút khỏi tòa nhà quốc hội. Nhưng đám đông vẫn tụ tập đến 3h sáng, yêu cầu tổng thống chịu trách nhiệm pháp lý. Đến 4h30, ông Yoon thông báo chấp nhận gỡ bỏ thiết quân luật.
Binh sĩ Hàn Quốc rời khỏi tòa nhà quốc hội. Video: SBS
Nhiều người mất ngủ vì theo dõi tin tức, bày tỏ nỗi sốc, hoài nghi trên đường đi làm. "Tôi không thể ngủ được, dán mắt vào tin tức cả đêm. Cảm giác thật siêu thực, như một cơn ác mộng vậy", một nhân viên văn phòng 41 tuổi họ Choi cho biết.
"Giống như tôi đã du hành ngược thời gian 40 năm, thật vô lý. Ngay cả cậu con trai đang học cấp hai của tôi cũng không ngủ được và xem TV cùng tôi. Tim tôi vẫn đập thình thịch", Choi nói thêm.
Nhiều người kêu gọi Tổng thống Yoon từ chức. "Ông ấy dùng quân đội chống lại người bất đồng chính kiến. Đây không phải thời kỳ độc tài quân sự", Park, nhân viên văn phòng 51 tuổi ở Yeongdeungpo, bày tỏ.
Lee Ji-woo, 32 tuổi, cho biết cô thức trắng đêm tìm kiếm các nền tảng như Naver và X để cập nhật thông tin. "Tôi thậm chí còn tìm kiếm những bức ảnh thiết quân luật thời trước. Điều khiến tôi lo lắng nhất là hậu quả kinh tế", cô nói.
Hơn 40 nghị sĩ từ các đảng đối lập đã kêu gọi lập tức tiến hành luận tội ông Yoon với cáo buộc "chủ mưu hành động sai phạm trong quản lý nhà nước, có tính chất phản quốc". Đảng Dân chủ tuyên bố sẽ bắt đầu quá trình luận tội nếu Tổng thống Hàn Quốc không từ chức.
Các phụ huynh Hàn Quốc chia sẻ nỗi lo trên các hội nhóm, diễn đàn trực tuyến sau biến động đêm qua. Nhiều người hôm nay quyết định cho con ở nhà, không đi nhà trẻ hoặc mẫu giáo.
Cha mẹ của những người lính cũng sốt ruột. "Con trai tôi phục vụ trong quân đội, nhưng tôi không thể liên lạc với cháu kể từ hôm qua. Có những người lính bị hoãn xuất ngũ, hoặc đang nghỉ phép nhưng được lệnh quay lại. Tình hình trong quân đội chắc chắn sẽ khó khăn hơn".
Ý kiến ()