Tất cả chuyên mục
Thứ Ba, 24/12/2024 01:21 (GMT +7)
Con trẻ trong vòng xoáy đại dịch COVID-19
Thứ 6, 13/08/2021 | 14:57:08 [GMT +7] A A
Đợt bùng phát dịch lần thứ 4 diễn ra trên địa bàn TPHCM đang để lại nhiều đau thương cho cả xã hội. Dịch bệnh đã tấn công mọi người ở mọi lứa tuổi, trong đó có trẻ em. Cộng đồng đang nỗ lực đến mức cao nhất. Nhưng những mất mát đau thương không tránh khỏi.
Một bệnh nhi được lấy mẫu để xét nghiệm COVID -19 tại TPHCM. Ảnh: Vân Sơn |
Bỗng nhiên mồ côi
Trung tuần tháng 7/2021, trong cơn mưa tầm tã, cậu bé tên Kem (9 tuổi, ngụ tại quận 8, TPHCM) được chuyển đến Bệnh viện Dã chiến số 4 do các bác sĩ Bệnh viện Nhi Đồng Thành phố trực tiếp quản lý và vận hành. Cháu khóc nức nở từ trên xe cứu thương cho đến lúc bước vào căn phòng cũ kỹ của khu tái định cư vừa được trưng dụng tạm để làm phòng bệnh. Cậu bé ngây thơ đang gánh chịu nỗi đau quá lớn bởi chỉ một ngày trước đó, cả gia đình cậu được phát hiện dương tính với SARS-CoV-2. Tình trạng bệnh diễn tiến nhanh khiến mẹ của Kem là một giáo viên vốn khỏe mạnh đã bị quật ngã. Chị trút hơi thở cuối cùng tại cổng bệnh viện địa phương trong sự bất lực của nhân viên y tế.
Trong lúc người cha gắng gượng để lo tang lễ và chăm sóc bà nội cũng trong cơn nguy kịch phải chuyển đến cấp cứu tại Bệnh viện Trưng Vương thì Kem phải chuyển đến Bệnh viện Dã chiến số 4 để được theo dõi, điều trị cùng người cậu ruột. Biết câu chuyện đau lòng vừa xảy đến với con, những ngày qua, bé Kem càng được các y bác sĩ tận tình chăm sóc, sức khỏe bình phục. Hiện cháu đã có kết quả xét nghiệm hai lần âm tính và chuẩn bị được rời bệnh viện trở về bên gia đình.
Đau đớn hơn bé Kem là tình cảnh bi thương của chị em bé Khánh Nhi (13 tuổi) và Lâm Hùng (7 tuổi). Bác sĩ Nguyễn Cát Phương Vũ, khoa Hồi sức Tích cực Chống độc, Bệnh viện Nhi đồng Thành phố bùi ngùi chia sẻ, các con đang có cuộc sống ấm êm, hạnh phúc thì thảm kịch xảy ra. Cả gia đình 5 người gồm với 3 thế hệ sống trong chung cư ở quận 10 được phát hiện dương tính với SARS-CoV-2. Ngày 23/7 người cha của các bé đã vĩnh viễn ra đi vì bệnh đột ngột diễn tiến nặng. Tưởng đau thương rồi sẽ qua nhưng 4 ngày sau, đến lượt mẹ và ông nội của các bé trút hơi thở cuối cùng, đẩy hai đứa trẻ vào cảnh mồ côi.
Sau khi lo hậu sự cho người quá cố, chính quyền địa phương đã phối hợp với lực lượng y tế đưa hai trẻ đang dương tính trong cảnh bơ vơ vào Bệnh viện Dã chiến số 4. Sau nỗ lực của các y bác sĩ, ngày 9/8 chị em bé Khánh Nhi được xuất viện. Do không còn cha mẹ và người thân ở TPHCM, bệnh viện đã phải liên hệ với ông bà ngoại của các bé từ Đồng Nai lên đón các cháu. Họ đã nuốt nước mắt vào trong nói lời cảm ơn các bác sĩ, rồi đưa hai đứa trẻ tội nghiệp lên chuyến xe 0 đồng về quê.
Trẻ có thể đối mặt với sang chấn tâm lý
Ngoài nhiệm vụ thu dung điều trị cho bệnh nhân COVID-19 là người lớn, Bệnh viện Dã chiến số 4 đang chịu trách nhiệm chính trong việc tiếp nhận điều trị cho các bệnh nhi mắc COVID-19 trên địa bàn TPHCM. Theo TS.BS Hồ Tấn Thanh Bình, Phó Giám đốc bệnh viện, cơ sở này đang được vận hành bởi 131 bác sĩ và nhân viên y tế, kỹ thuật viên đến từ Bệnh viện Nhi Đồng Thành phố. Bên cạnh đó còn có sự hỗ trợ, tiếp sức của lực lượng y tế quận Bình Tân (11 người), Viện Y học Cổ truyền (28 người) và ngành y tế tỉnh Phú Thọ (51 người). Ngoài ra tại đây còn có 232 quân nhân, dân quân do Bộ Tư lệnh TPHCM chi viện cùng tham gia thiết lập, vận hành.
Với chuyên môn điều trị nhi khoa, thời gian qua Bệnh viện Dã chiến số 4 thu dung, điều trị rất nhiều F0 là bệnh nhi. Hơn một tháng qua bệnh viện đã tiếp nhận khoảng 600 trẻ nhập viện. Trong số 2.130 ca mắc COVID-19 đang điều trị tại đây, có 201 bé dưới 6 tuổi, 365 trẻ từ 6 đến 16 tuổi. Đặc biệt, trường hợp nhỏ tuổi nhất được bệnh viện tiếp nhận là bé sơ sinh mới 10 ngày tuổi.
Người đang trực tiếp phụ trách các vấn đề chuyên môn tại Bệnh viện Dã chiến số 4 là Bác sĩ Chuyên khoa 2 Nguyễn Trần Nam, Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi Đồng Thành phố. Bác sĩ Trần Nam chia sẻ, đặc thù Bệnh viện Dã chiến 4 không chỉ nhận người lớn mà nhận cả các em bé mắc COVID-19 .
BS Trần Nam đặc biệt lưu ý tới vấn đề tâm lý ở trẻ khi nhiều bé đã vĩnh viễn mất đi người thân. Cú sốc quá lớn khi không còn cha mẹ sẽ khiến trẻ dễ rơi vào trầm cảm, lo âu, ảnh hưởng tới cả thể xác và tinh thần.
Ngoài những đặc thù về mặt chuyên môn BS Trần Nam cho biết, việc chăm sóc cho bệnh nhi đòi hỏi chế độ về dinh dưỡng phải đảm bảo để các bé có được sức khỏe, sức đề kháng tốt nhất. Việc sàng lọc các biến chứng nếu có dấu hiệu xuất hiện cần được thực hiện càng sớm càng tốt, do đó các bác sĩ phải liên tục theo dõi hỗ trợ vì bệnh nhi thường không nhận biết được các dấu hiệu của mình để báo cho y bác sĩ.
BS Trần Nam đặc biệt lưu ý tới vấn đề tâm lý ở trẻ khi nhiều bé đã vĩnh viễn mất đi người thân. Cú sốc quá lớn khi không còn cha mẹ sẽ khiến trẻ dễ rơi vào trầm cảm, lo âu, ảnh hưởng tới cả thể xác và tinh thần. Ngoài điều trị bệnh lý , chính các bác sĩ tại bệnh viện đã vào vai “mẹ hiền” của bệnh nhi để hỗ trợ nâng đỡ điều trị tâm lý giúp các bé vượt qua nỗi đau và nghịch cảnh của gia đình. Sau khi xuất viện, các bé cũng rất cần được người thân quan tâm chia sẻ để có được cuộc sống tốt nhất.
Theo tienphong.vn
Liên kết website
Ý kiến ()