Thiết bị ứng dụng công nghệ CDI do TS Đỗ Hữu Quyết, giảng viên thỉnh giảng Đại học Sư phạm Kỹ thuật TP HCM phát triển có thể lọc nước mưa có thể uống an toàn.
Thiết bị được TS Quyết giới thiệu tại hội thảo về xử lý nước do Trung tâm thông tin, thống kê thuộc Sở Khoa học và Công nghệ TP HCM tổ chức, sáng 21/7. Ông cho biết, so với nước máy, nước mưa có độ tinh khiết, tuy nhiên chứa nhiều axit và các kim loại nặng. Nếu sử dụng các công nghệ thông thường như lọc màng, trao đổi ion, lọc RO để xử lý, hiệu quả không cao. Lý do, không lọc được các chất độc hòa tan như axit, kim loại nặng... Công nghệ RO phổ biến hiện nay có thể xử lý một số loại axit nhưng giá thành cao, hay hỏng màng, tốn năng lượng, lắp đặt cồng kềnh.
Từ thực tế này, TS Quyết phát triển thiết bị ứng dụng công nghệ CDI (Capactive Deionization) sử dụng điện cực siêu hấp thu tĩnh điện để xử lý nước mưa.
Nước mưa được hứng từ phễu trên mái nhà, đi qua đường ống vào các lõi điện cực âm và dương đặt song song với chiều di chuyển của nước. Khi nước đi vào, điện cực âm sẽ hút các chất axit tồn tại dưới dạng ion dương hòa tan trong nước. Các ion dương sẽ được điện cực âm hút theo nguyên lý hút trái chiều làm sạch nước. Tiếp đến, các ion âm và dương được xả bằng cách các điện cực đổi chiều cho nhau thành cùng chiều, tạo lực đẩy đưa các ion này ra ống dẫn chất thải.
Theo TS Quyết, ưu điểm của công nghệ CDI là giữ được các khoáng chất có trong nước, điều mà công nghệ truyền thống không làm được. Thiết bị có công suất lọc 200 - 300 lít mỗi ngày, tiêu thụ điện 30 - 50 W, tỷ lệ lọc đạt 90% tổng lượng nước vào, 10% còn lại là nước thải có thể được dùng xả thải bồn cầu. Vì tỷ lệ nước thải thấp nên hệ thống lõi lọc điện cực có độ bền cao gấp 2 - 3 lần các công nghệ truyền thống.
CDI là công nghệ được phát triển hàng chục năm trước trên thế giới. Tuy nhiên tại Việt Nam, "công nghệ này chưa được ứng dụng nhiều. Tôi mong muốn người tiêu dùng có thêm sự lựa chọn trong công nghệ xử lý nước uống", TS Quyết nói và cho biết, tiêu chuẩn nước đầu ra đạt 22 chỉ tiêu hóa lý, bao gồm cả các chất khó lọc như nitrat, nitrit theo chuẩn nước uống trực tiếp của Bộ Y tế. Sản phẩm hiện được lắp đặt tại hàng trăm hộ gia đình cả nước. Ngoài xử lý nước mưa, sản phẩm có thể xử lý nước máy, nước nhiễm phèn, nhiễm mặn... Hệ thống này cũng có thể phát triển ở quy mô công nghiệp giúp các nhà máy có thêm lựa chọn trong xử lý nước.
Đánh giá về sản phẩm, ông Trần Quốc Bình, chuyên gia công nghệ sinh học, Giám đốc công ty sinh học Việt Quốc Thịnh, cho biết CDI được coi là công nghệ hiện đại nhất về xử lý nước uống. Ưu điểm công nghệ này là điện phân trước khi lọc. Khi điện phân nước, có thể thu hồi được cả chất rắn hòa tan và chất rắn không hòa tan. Tuy nhiên công nghệ này "không lọc được các vi sinh vật", ông Bình nói và cho rằng, nếu có thể kết hợp thêm công nghệ ozone để lọc vi sinh sẽ xử lý triệt để hơn.
Ở khía cạnh khác, một số chuyên gia cho rằng công nghệ CDI chỉ phù hợp với nhà mặt đất khi có mái hứng nước mưa. Ở các chung cư sẽ khó đáp ứng do không có vị trí lắp đặt và hứng nước.
Ý kiến ()