Tất cả chuyên mục
Thứ Năm, 31/10/2024 07:30 (GMT +7)
Công nghệ mới tạo đột phá cho giám định hài cốt liệt sĩ
Thứ 7, 27/07/2024 | 10:05:26 [GMT +7] A A
Với nguồn nhân lực chất lượng cao giàu kinh nghiệm, cơ sở vật chất được đầu tư hiện đại, Trung tâm Giám định ADN vừa được chọn làm đầu mối tiếp nhận, phát triển công nghệ tách chiết ADN và giải trình tự gen thế hệ mới tại Việt Nam để nâng cao hiệu quả giám định ADN hài cốt liệt sĩ.
Chúng tôi được cho phép vào phòng sạch tách ADN mẫu hài cốt liệt sĩ lúc gần 12 giờ trưa, cũng là khi các cán bộ của Trung tâm Giám định ADN vừa hoàn tất một ca tách ADN kéo dài từ 8 giờ sáng. Để tránh nhiễm bẩn, nhiễm chéo mẫu tách chiết, người vào phòng sạch phải tuân thủ nghiêm ngặt việc mặc quần áo, mũ, găng tay, giày chuyên dụng, mọi dụng cụ phân tích, đựng mẫu đều phải được khử khuẩn trước khi thực hiện…
Kỹ thuật viên Đỗ Hoàng Phong, cán bộ Trung tâm Giám định ADN giới thiệu một số máy móc, hóa chất mới phục vụ cho hoạt động tách chiết, giải trình tự gen và cho biết, mẫu hài cốt liệt sĩ có nồng độ ADN thấp nên khả năng bị nhiễm rất lớn, có thể bị nhiễm từ các mô của cơ thể người chẳng may rơi ra trong quá trình cầm nắm, thao tác, hay rơi vào hóa chất giám định.
Khi bị nhiễm, mẫu cho ra kết quả không chính xác, và phải làm lại rất tốn kém, mất thời gian. Ngoài việc tuân thủ nghiêm quy trình sạch, các cán bộ làm ở phòng này đều phải lưu thông tin ADN cá nhân để loại trừ khi có “sự cố” nhiễm mẫu xảy ra. Và khi đã khoác lên người bộ quần áo chuyên dụng, các cán bộ ở đây thường chờ hết 3-4 giờ thao tác mới ra khỏi phòng để tránh ảnh hưởng tới chức năng hoạt động của phòng sạch.
Kỹ thuật viên Đỗ Hoàng Phong là một trong 12 cán bộ được Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam cử làm việc tại Trung tâm Giám định ADN để thực hiện dự án ODA quan trọng: “Nâng cao năng lực giám định hài cốt trong chiến tranh thông qua hợp tác phát triển, chuyển giao công nghệ và tiếp nhận trang thiết bị, hóa chất, vật tư tiêu hao” do Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam phê duyệt vào tháng 3 vừa qua.
Theo dự án, các nhà khoa học tại Ủy ban Quốc tế về Tìm kiếm người mất tích (ICMP) và Trung tâm Giám định ADN sẽ triển khai các nghiên cứu nhằm tối ưu hóa công nghệ tách chiết ADN nhân đối với mẫu hài cốt liệt sĩ Việt Nam, phát triển các kỹ thuật phân tích đa hình, xây dựng cơ sở dữ liệu hướng tới xây dựng quy trình công nghệ hoàn chỉnh, giúp xác định danh tính của những người mất tích trong chiến tranh trên quy mô lớn.
Dự án có sự góp ý của 6 bộ liên quan, thời gian thực hiện đến năm 2026, với mục tiêu đặt ra là Trung tâm Giám định ADN tiếp cận được công nghệ, chứng minh được hiệu quả ứng dụng trong đối khớp thông tin hài cốt liệt sĩ và thân nhân liệt sĩ dựa trên ADN.
Được biết, trước khi dự án được phê duyệt, các cán bộ của Trung tâm Giám định ADN đã có một thời gian tiếp cận với công nghệ mới từ Ủy ban Quốc tế về Tìm kiếm người mất tích tại Hà Lan. Các cán bộ với tuổi đời còn rất trẻ, được đào tạo bài bản liên quan về ADN tại nước ngoài, có trình độ ngoại ngữ và kinh nghiệm làm công tác giám định hài cốt liệt sĩ nhiều năm đã tiếp cận tốt công nghệ từ đối tác nước ngoài.
Các cán bộ cũng trao đổi những điều kiện của Việt Nam để cùng đối tác hoàn thiện quy trình phù hợp nhất. Đến nay, các cán bộ của Trung tâm đã nhận chuyển giao công nghệ tách chiết ADN, và đang được đào tạo quy trình giải trình tự gen thế hệ mới.
Trao đổi về công nghệ mới, Tiến sĩ Trần Trung Thành, Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm Giám định ADN cho biết, đây là xu hướng công nghệ của các nước trên thế giới. Quy trình tách chiết ADN của Ủy ban Quốc tế về Tìm kiếm người mất tích sử dụng kỹ thuật khử khoáng toàn phần mẫu xương và sử dụng các màng đặc biệt giúp cô đặc ADN, tăng cường hàm lượng các đoạn ADN kích thước ngắn thu về trong dịch tách chiết.
Ðối với công nghệ giải trình tự mới, việc sử dụng SNP là một loại chỉ thị phân tử trong gen nhân cho phép kết luận nhận dạng xác định giữa mẫu giám định không chỉ với những người họ hàng gần mà còn với những người họ hàng xa, phù hợp với hoàn cảnh Việt Nam, khi bố, mẹ, anh, chị, em ruột của liệt sĩ đã lớn tuổi, nhiều người không còn nữa.
Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Phí Quyết Tiến, Phó Viện trưởng Viện Công nghệ sinh học, so với công nghệ giám định ADN dựa trên phân tích ADN ty thể áp dụng đối với giám định mẫu hài cốt liệt sĩ lâu nay thì công nghệ mới có nhiều ưu điểm như: Tách chiết được ADN từ các mẫu có chất lượng rất xấu, sử dụng lượng mẫu ít, độ chính xác cao, có thể thu mẫu đối chứng từ 2 dòng bố và mẹ; khả năng nhận dạng trong một số trường hợp có thể so sánh được với mẫu đối chứng là họ hàng cách xa 4-5 thế hệ.
Trong quá trình triển khai nghiên cứu cùng đối tác, Trung tâm Giám định ADN đã mang 100 bộ hài cốt sang Hà Lan để các nhà khoa học của Ủy ban Quốc tế về Tìm kiếm người mất tích ứng dụng phương pháp mới xác định ADN. “Với 100 mẫu hài cốt sau khi Ủy ban Quốc tế về Tìm kiếm người mất tích khảo sát 5 quy trình tách chiết thì họ đã chọn ra được hai quy trình có hiệu quả cao nhất, phù hợp với Việt Nam.
Trung tâm đã tiếp nhận hai quy trình đó và đang triển khai thực hiện đối với 100 mẫu hài cốt liệt sĩ ở tại Trung tâm Giám định ADN. Hiện nay, các cán bộ của Trung tâm tập trung tách chiết ADN các mẫu hài cốt liệt sĩ và khi thiết bị, hóa chất của dự án được cung cấp đầy đủ, các công đoạn như giải trình tự gen, đối khớp thông tin sẽ được tiến hành” - Tiến sĩ Trần Trung Thành cho biết thêm.
Mục tiêu của dự án là sau khi chứng minh hiệu quả giám định đối với các mẫu hài cốt liệt sĩ, công nghệ sẽ được chuyển giao cho các đơn vị khác để cùng thực hiện nhiệm vụ giám định hài cốt liệt sĩ. Tuy nhiên, theo các chuyên gia của Trung tâm Giám định ADN, để khẳng định công nghệ tốt thì cần có thời gian để chứng minh.
Vấn đề khó khăn nhất trong quá trình thực hiện dự án là làm sao thu thập đủ số lượng các mẫu hài cốt liệt sĩ và mẫu ADN của thân nhân liệt sĩ để đối khớp, từ đó mới có thể khẳng định công nghệ mới hiệu quả, có khả năng áp dụng đối với số lượng mẫu lớn.
Theo nhandan.vn
Liên kết website
Ý kiến ()