Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 15/11/2024 04:24 (GMT +7)
Công nghiệp chế biến, chế tạo - động lực dẫn dắt tăng trưởng
Thứ 6, 30/09/2022 | 07:43:16 [GMT +7] A A
Nghị quyết số 01-NQ/TU (ngày 16/11/2020) về “Phát triển nhanh, bền vững ngành công nghiệp chế biến, chế tạo giai đoạn 2020-2025, định hướng đến năm 2030” được tỉnh chỉ đạo thực hiện quyết liệt nhằm tạo động lực dẫn dắt tăng trưởng cho toàn ngành công nghiệp, đóng góp quan trọng phát triển KT-XH của tỉnh.
Hiện trên địa bàn tỉnh có 97 dự án công nghiệp chế biến, chế tạo, vốn đăng ký đầu tư xấp xỉ 89.000 tỷ đồng (63 dự án có vốn FDI, tổng vốn đầu tư 3,23 tỷ USD; 34 dự án có vốn đầu tư trong nước, với tổng vốn đăng ký đầu tư là 13.361 tỷ đồng). Tổng diện tích thực hiện các dự án công nghiệp chế biến, chế tạo là 649,5ha.
Đến nay, KCN Đông Mai (TX Quảng Yên) thu hút được 23 dự án thứ cấp (22 dự án FDI với vốn đầu tư đăng ký 563,78 triệu USD và 1 dự án đầu tư trong nước với vốn đầu tư đăng ký 200 tỷ đồng). Tỷ lệ lấp đầy đạt 81% với suất vốn đầu tư bình quân trên 8 triệu USD/ha; trên 9.400 lao động đang làm việc trong KCN. Kim ngạch XNK của các doanh nghiệp trong KCN 9 tháng năm 2022 đạt trên 1 tỷ USD.
Để góp phần thực hiện mục tiêu xây dựng KCN Đông Mai trở thành KCN điển hình của tỉnh, phát triển theo hướng KCN, khu đô thị - dịch vụ bền vững, tỉnh dành quỹ đất trên 9ha với hạ tầng kỹ thuật đồng bộ, hiện đại để triển khai Dự án khu nhà ở công nhân và chuyên gia KCN Đông Mai. Dự án hoàn thành đáp ứng nhu cầu về nhà ở cho khoảng 5.800 người với các thiết chế văn hóa - xã hội đồng bộ, hiện đại.
Theo thống kê, tỷ trọng ngành công nghiệp chế biến, chế tạo trong cơ cấu GRDP toàn tỉnh năm 2021 đạt 11,9% (tăng 2,1% so với năm 2020), 9 tháng năm 2022 ước đạt 12,3%, tăng 0,4% so với năm 2021 và tăng 2,5% so với năm 2020. Đến nay, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo đang dần tiến tới mục tiêu đã đề ra là đến năm 2025, công nghiệp chế biến, chế tạo chiếm 15% trong GRDP, tương đương mức tăng 1,04%/năm.
Tốc độ tăng trưởng ngành công nghiệp chế biến, chế tạo 9 tháng năm 2022 đạt 10,97%. Bình quân trong hai năm thực hiện Nghị quyết 01-NQ/TU, tốc độ tăng trưởng đạt xấp xỉ 19%, cao hơn gần 2% so với mức bình quân đã đề ra theo Nghị quyết là 17%/năm.
Đặc biệt, tỉnh đã thu hút 14 dự án mới và điều chỉnh tăng vốn cho 5 lượt dự án công nghiệp chế biến, chế tạo. Cụ thể, năm 2021 thu hút 10 dự án mới, điều chỉnh tăng vốn 4 lượt dự án; 9 tháng năm 2022 thu hút 4 dự án mới, điều chỉnh tăng vốn 1 lượt dự án; tổng thu hút vốn đầu tư 2 năm qua đạt 32.976 tỷ đồng.
Đến nay, lao động ngành công nghiệp chế biến, chế tạo trong tỉnh tăng lên khoảng 9.200 người (đạt 76,7% so với mục tiêu bình quân tăng thêm 6.000 lao động/năm). Lao động tăng thêm chưa đạt được kỳ vọng, chủ yếu các doanh nghiệp công nghiệp chế biến, chế tạo thu hút trên địa bàn tỉnh hiện đều là dự án có công nghệ cao, tỷ lệ cơ giới hóa, tự động hóa cao. Ngoài ra, sự phục hồi chậm của một số ngành dịch vụ, du lịch dẫn đến việc làm trong ngành công nghiệp nói chung và công nghiệp chế biến, chế tạo không hấp dẫn người lao động.
Để tiếp tục tạo đà cho ngành công nghiệp chế biến, chế tạo, tỉnh tập trung hoàn thiện Quy hoạch tỉnh Quảng Ninh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Trong đó, định hướng phát triển các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo có tiềm năng và có tính đột phá phù hợp với sự phát triển. Đồng thời, đẩy mạnh hoạt động xúc tiến đầu tư đối với các tập đoàn, doanh nghiệp có thế mạnh trong lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo tại các thị trường: Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Hồng Kông, Đài Loan... Cùng với đó, quan tâm xúc tiến đầu tư ngành chiến lược với tốc độ tăng trưởng cao về sản xuất ô tô và các thiết bị sản xuất điện gió, điện mặt trời; nâng chất lượng công tác thẩm định các dự án... Tỉnh tập trung nâng cao công tác thẩm định công nghệ, chuyển giao công nghệ, kiên quyết không chấp thuận những dự án có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường, sử dụng công nghệ cũ.
Minh Đức
Liên kết website
Ý kiến ()