Tất cả chuyên mục
Thứ Ba, 24/12/2024 02:49 (GMT +7)
Công nghiệp chế biến, chế tạo: Khơi thông thị trường, nỗ lực giảm tồn kho
Thứ 6, 19/04/2024 | 10:15:36 [GMT +7] A A
Công nghiệp chế biến, chế tạo quý I/2024 đã có chuyển biến tích cực, tuy nhiên cần có biện pháp kích thích tiêu dùng để giải phóng hàng tồn kho.
Chỉ số tồn kho ngành chế biến, chế tạo giảm ở một số địa phương
Theo Tổng cục Thống kê, chỉ số tiêu thụ toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tháng 3/2024 tăng 12,7% so với tháng trước và tăng 0,2% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung quý I/2024, chỉ số tiêu thụ toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 8,2% so với cùng kỳ năm 2023 (cùng kỳ năm 2023 giảm 2,9%).
Tuy nhiên, chỉ số tồn kho toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo ước tính tại thời điểm 31/3/2024 tăng 9,8% so với cùng thời điểm tháng trước và tăng 14,1% so với cùng thời điểm năm trước (cùng thời điểm năm trước tăng 19,8%). Tỷ lệ tồn kho toàn ngành chế biến, chế tạo bình quân quý I/2024 là 68,7% (bình quân quý I/2023 là 81,1%).
Đơn cử địa phương như Nam Định, chỉ số tồn kho toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo ước tính tại thời điểm 31/3/2024 giảm 2,38% so với cùng thời điểm năm trước. Một số ngành có chỉ số tồn kho giảm mạnh với cùng thời điểm năm trước: chế biến gỗ và sản xuất sản phẩm từ gỗ, tre, nứa (trừ giường, tủ, bàn, ghế), sản xuất sản phẩm từ rơm, rạ và vật liệu tết bện giảm 92,54%; sản xuất giấy và sản phẩm từ giấy giảm 51,09%; sản xuất phương tiện vận tải khác giảm 54,11%. Ở chiều ngược lại một số ngành có chỉ số tồn kho tăng: Sản xuất chế biến thực phẩm tăng 23,19%; sản xuất trang phục tăng 11,32%; sản xuất kim loại tăng 10,87%; sản xuất sản phẩm từ kim loại đúc sẵn (trừ máy móc, thiết bị) tăng 42%; sản xuất giường, tủ, bàn, ghế tăng 51,84%.
Tại Vĩnh Phúc, tháng 3/2024, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo có chỉ số tồn kho giảm 4,41% so với tháng trước và tăng 9,19% so với cùng kỳ. So với tháng trước, 7 ngành công nghiệp cấp 2 có chỉ số tồn kho tăng, 11 ngành có chỉ số tồn kho giảm. Các ngành có chỉ số tồn kho giảm đáng kể là ngành sản xuất chế biến thực phẩm giảm 33,67%; ngành sản xuất thuốc, hóa dược và dược liệu giảm 66,69%; ngành sản xuất sản phẩm từ cao su và plastic giảm 14,11%.
Mặc dù chỉ số tồn kho giảm, nhưng hiện tại sản lượng sản xuất của nhiều sản phẩm công nghiệp chủ lực trên địa bàn Vĩnh Phúc trong quý I/2024 cũng bị tác động như sản lượng ô tô ước đạt 6.735 nghìn xe, giảm 22,75% so với cùng kỳ.
Về lý do ngành sản xuất ô tô giảm mạnh do đây là ngành sản xuất chịu nhiều tác động của nền kinh tế trong và ngoài nước, thị trường tiêu thụ các sản phẩm ô tô trong quý I/2024 kém sôi động, nguyên nhân chủ yếu là do kinh tế khó khăn, thu nhập giảm sút nên người dân hạn chế mua sắm tài sản có giá trị lớn; cùng với chính sách hỗ trợ 50% lệ phí trước bạ của Chính phủ đã hết hiệu lực kể từ ngày 1/1/2024 cũng là nguyên nhân khiến người dân hạn chế mua xe ô tô trong thời gian này. Sức mua của thị trường ở mức thấp trong khi lượng xe tồn kho còn nhiều nên các doanh nghiệp trong ngành là Toyota, Honda đã phải giảm sản lượng để cân đối giữa sản xuất và nhu cầu của thị trường, khiến IIP tháng 3/2024 và quý I/2024 của ngành giảm khá sâu so với cùng kỳ.
Báo cáo Bộ Công Thương cũng chỉ rõ, năng lực sản xuất công nghiệp chậm được cải thiện, đặc biệt là trong các ngành công nghiệp có tính nền tảng, then chốt dẫn đến việc tiếp tục nhập khẩu lớn máy móc thiết bị, phụ tùng và nguyên vật liệu cho sản xuất công nghiệp trong nước. “Mức độ liên kết và hợp tác kinh doanh giữa các doanh nghiệp trong cùng một ngành và giữa các ngành còn hạn chế; liên kết giữa các doanh nghiệp FDI với doanh nghiệp trong nước còn chậm nên chưa thúc đẩy phát triển kỹ năng quản trị, chuyển giao công nghệ, hình thành các chuỗi cung ứng vật tư, nguyên liệu và cụm liên kết ngành. Chưa có sự tham gia mạnh của các doanh nghiệp trong nước vào các chuỗi sản xuất, chuỗi cung ứng toàn cầu”- báo cáo nêu.
Hỗ trợ sản xuất công nghiệp, giảm tồn kho
Dự báo trong năm 2024 phục hồi sản xuất công nghiệp vẫn còn thách thức cần có nhiều biện pháp tích cực hỗ trợ sản xuất và các biện pháp kích thích tiêu dùng để giải phóng hàng tồn kho.
Theo đó, để lấy lại đà tăng trưởng cần sự hỗ trợ, tạo điều kiện của Chính phủ, các Bộ, ngành, hệ thống ngân hàng, các địa phương tiếp tục có các biện pháp tích cực hơn nữa hỗ trợ sản xuất công nghiệp, đặc biệt là đầu ra cho sản xuất thông qua các biện pháp kích cầu tiêu dùng trong nước, tăng cường xúc tiến thương mại để mở rộng đơn hàng xuất khẩu, khơi thông lượng hàng hóa tồn kho.
Trong bối cảnh đó, giai đoạn tiếp theo Bộ Công Thương sẽ tập trung các giải pháp trọng tâm triển khai hiệu quả các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp đã được Chính phủ thông qua nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp; đặc biệt trong các ngành xuất khẩu chủ lực như dệt may, da giày và các ngành nền tảng như ôtô, cơ khí, thép… Thúc đẩy đưa vào vận hành các dự án sản xuất công nghiệp mới nhằm phục vụ cho xuất khẩu và tiêu dùng trong nước, tăng năng lực phát triển sản xuất và nguồn hàng cho xuất khẩu.
Ông Phạm Tuấn Anh - Phó Cục trưởng Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương) cho hay, quan trọng các hiệp hội, ngành hàng cần tăng cường hoạt động kết nối doanh nghiệp, đẩy mạnh việc tiêu thụ sản phẩm của nhau. Doanh nghiệp tái cấu trúc, giảm chi phí và giá thành sản xuất để nâng cao năng lực cạnh tranh của sản phẩm, qua đó cải thiện hiệu quả và thích ứng linh hoạt với tình hình mới. Theo dõi sát tình hình thế giới, đặc biệt là tình hình của các thị trường xuất khẩu lớn, truyền thống của Việt Nam để kịp thời đề xuất các giải pháp tháo gỡ khó khăn với Chính phủ và các cơ quan nhà nước.
Bên cạnh đó, các địa phương cần khẩn trương có các chính sách, giải pháp hỗ trợ về tài chính với các doanh nghiệp công nghiệp để các doanh nghiệp có điều kiện sản xuất, kinh doanh ổn định. Xây dựng và triển khai hiệu quả các chương trình phát triển công nghiệp và công nghiệp hỗ trợ trên địa bàn, tập trung nâng cao năng lực các doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Trên cơ sở đó, các doanh nghiệp, hiệp hội ngành hàng cần tận dụng tối đa cơ hội từ các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới nhằm tìm kiếm các đơn hàng và khách hàng mới. Tích cực hơn trong việc phối hợp với các doanh nghiệp trong ngành, các hiệp hội và cơ quan nhà nước để tìm kiếm, mở rộng thêm thị trường xuất khẩu mới bên cạnh các thị trường truyền thống, giảm áp lực tồn kho.
Đưa ra thêm giải pháp cho phát triển công nghiệp trong thời gian tới, Bộ Công Thương khẳng định, tiếp tục đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu ngành công nghiệp theo hướng tăng tỷ trọng các ngành chế biến, chế tạo và giảm tỷ trọng gia công, lắp ráp đối với các sản phẩm công nghiệp được sản xuất ở Việt Nam; từng bước tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp để tăng khả năng cạnh tranh, xây dựng hàng rào kỹ thuật đối với sản phẩm nhập khẩu nhằm hỗ trợ sản phẩm trong nước, tăng tỷ lệ nội địa hóa...
Theo Báo Công Thương
Liên kết website
Ý kiến ()