Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 27/12/2024 22:15 (GMT +7)
Công tác định danh điện tử và sinh trắc học tại Vietcombank trong giai đoạn chuyển đổi số ngành ngân hàng
Thứ 3, 05/11/2024 | 20:15:00 [GMT +7] A A
Thời gian qua, các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài và các tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán phối hợp với các cơ quan liên quan như Cục công nghệ thông tin, Vụ thanh toán, Vụ truyền thông quốc gia… đẩy mạnh công tác cập nhật sinh trắc học để đảm bảo lưu trữ thông tin, định danh điện tử, nâng cao bảo mật, an ninh công nghệ số, đảm bảo quyền lợi cho chủ tài khoản trong sử dụng sản phẩm dịch vụ ngân hàng. Đồng thời, đã và đang tích cực truyền thông, khuyến khích khách hàng phối hợp thực hiện chuyển đổi số.
Chỉ đạo quyết liệt về chuyển đổi số ngành ngân hàng
Công tác chuyển đổi số được Đảng và Chính phủ đặc biệt chú trọng, đẩy mạnh thực hiện thông qua Quyết định số 749/QĐ-TTg ngày 30/06/2020 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt “Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”; Nghị quyết số 02-NQ/ĐUK về chuyển đổi số của Đảng ủy Khối DNTW…
Quan điểm của Đảng thông qua Nghị quyết 27-NQ/TW của Ban chấp hành TW Đảng khóa XIII ngày 09/11/2022 v/v tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội, chủ nghĩa trong giai đoạn mới đã nêu rất rõ những mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp trong công tác xây dựng và phát triển đất nước. Trong đó nhấn mạnh nhiệm vụ Tiếp tục đổi mới tổ chức, hoạt động của Chính phủ, chính quyền địa phương; xây dựng nền hành chính nhà nước phục vụ nhân dân, chuyên nghiệp, pháp quyền, hiện đại, hiệu lực, hiệu quả. Từ yêu cầu trên, các cấp, các cơ quan liên quan đã tìm các giải pháp để cải cách nền hành chính, trọng tâm là tổ chức bộ máy, hành chính điện tử và chuyển đổi số. Đơn giản hóa thủ tục hành chính, cắt bỏ thủ tục không cần thiết, gây phiền hà cho người dân và doanh nghiệp; xây dựng nền kinh tế số, chính phủ số, xã hội số. Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030 (gọi chung là Đề án 06).
Ngày 18/12/2023, Ngân hàng nhà nước Việt Nam đã ban hành Quyết định số 2345/QĐ-NHNN v/v triển khai các giải pháp an toàn bảo mật trong thanh toán trực tuyến và thanh toán thẻ ngân hàng. Quyết định này quy định về quản lý hệ thống nhận diện sinh trắc học, nhằm tăng cường bảo mật và hiệu quả trong việc xác thực danh tính, bao gồm việc áp dụng công nghệ mới, cải thiện quy trình thu thập và lưu trữ dữ liệu sinh trắc học, cũng như quy định về quyền riêng tư và bảo mật thông tin cá nhân.
Tập trung nguồn lực, triển khai đồng bộ trên toàn hệ thống Vietcombank
Ngay khi Quyết định số 2345 có hiệu lực (ngày 01/07/2024), Vietcombank đã tập trung mọi nguồn lực, triển khai đồng bộ toàn hệ thống một cách hiệu quả, kịp thời, đảm bảo tuân thủ quy định nhà nước trong công tác hướng dẫn, hỗ trợ và khuyến khích khách hàng của Vietcombank cập nhật sinh trắc học, đảm bảo định danh và giao dịch trên phương tiện điện tử cho khách hàng. Vietcombank cam kết bảo vệ dữ liệu sinh trắc học của khách hàng và tuân thủ nghiêm ngặt các quy định về bảo mật. Ngân hàng sử dụng các biện pháp mã hóa tiên tiến và lưu trữ dữ liệu theo chuẩn an toàn để đảm bảo thông tin cá nhân của khách hàng không bị xâm phạm.
Là Ngân hàng tiên phong đi đầu trong việc phối hợp với Bộ Công An kết hợp xác thực tài khoản định danh điện tử của khách hàng qua hệ thống VneID, điều này giúp khách hàng có thêm lựa chọn về hình thức cập nhật thông tin sinh trắc học bên cạnh giải pháp sử dụng căn cước công dân gắn chip và điện thoại kết nối NFC. Việc ứng dụng VneID trong xác thực điện tử giúp khai thác nguồn dữ liệu tin cậy từ cơ sở dữ liệu dân cư quốc gia, phục vụ công tác định danh khách hàng mới. Vì vậy, Vietcombank hiện là ngân hàng có số lượng khách hàng cập nhật sinh trắc học lớn nhất hệ thống ngân hàng. Lợi ích của việc cập nhật sinh trắc học tại Vietcombank được tuyên truyền đến mọi đối tượng khách hàng với các lợi ích cơ bản như:
Thứ nhất, Bảo mật cao hơn: Sinh trắc học giúp giảm thiểu rủi ro bị lộ thông tin tài khoản do đặc điểm sinh trắc học là duy nhất và khó bị sao chép.
Thứ hai, Tiện lợi và nhanh chóng: Khách hàng không cần phải nhớ mật khẩu hay mã PIN, chỉ cần dấu vân tay hoặc nhận diện khuôn mặt là có thể thực hiện giao dịch.
Thứ ba, Trải nghiệm người dùng tốt hơn: Giúp giao dịch dễ dàng và thoải mái hơn, đặc biệt trong các trường hợp khẩn cấp hoặc cần giao dịch nhanh.
Nhờ vào công nghệ sinh trắc học, Vietcombank hy vọng sẽ mang đến cho khách hàng một hệ thống ngân hàng an toàn và hiện đại hơn.
Việc triển khai thành công thu thập và xác thực sinh trắc học cho khách hàng qua VneID của Vietcombank đánh dấu bước đầu thực hiện Kế hoạch triển khai nhiệm vụ tại Đề án 06 của Chính phủ giữa ngành Ngân hàng và Bộ Công An; thực hiên theo chỉ đạo của Ban lãnh đạo VCB thông qua Nghị quyết số 363/NQ-VCB-HĐQT ngày 07/07/2021 của Hội đồng quản trị VCB về việc phê duyệt Chương trình hành động chuyển đổi số đến năm 2025 của VCB và Nghị quyết số 608/NQ-VCB-HĐQT ngày 03/12/2021 của Hội đồng quản trị phê duyệt Kế hoạch hành động chuyển đổi số đến năm 2025 của VCB.
Sinh trắc học, nhiệm vụ cấp thiết và tất yếu …
Cùng thời điểm với Quyết định 2345 có hiệu lực, Ngân hàng Nhà nước đã ban hành 2 thông tư liên quan là Thông tư số 17/2024/TT-NHNN của Thống đốc NHNN Việt Nam v/v Quy định việc mở và sử dụng tài khoản thanh toán tại tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán và 18/2024/TT-NHNN của Thống đốc NHNN Việt Nam v/v Quy định hoạt động thẻ ngân hàng ngày 28/06/2024. Theo quy định này, từ ngày 01/01/2025, chủ tài khoản/chủ thẻ ngân hàng sẽ bị tạm dừng giao dịch trên tài khoản thanh toán/Thẻ nếu Giấy tờ tùy thân của Khách hàng hết hiệu lực và/hoặc khách hàng chưa cập nhật sinh trắc học. Quy định mới này sẽ có tác động lớn tới giao dịch của khách hàng nên đòi hỏi các tổ chức tín dụng, các chi nhánh ngân hàng nước ngoài, tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán cần có sự chuẩn bị kỹ lưỡng trong việc tuyên truyền, truyền thông, triển khai đồng bộ, hiệu quả để tránh tình trạng gián đoạn giao dịch của khách hàng, đồng thời vẫn đảm bảo yêu cầu tuân thủ của các cơ quan quản lý.
Bên cạnh việc truyền thông đến khách hàng về các quy định liên quan tại Thông tư 17 và 18 qua các kênh giao dịch tại quầy, qua tin nhắn/OTT/email, Vietcombank cũng đẩy mạnh tuyên truyền qua phương tiện báo chí, thông tin đại chúng, Hiệp hội ngân hàng/Chi hội thẻ để thúc đẩy sự quan tâm và phối hợp thực hiện của người dân, doanh nghiệp và xã hội.
Có thể thấy, công tác chuyển đổi số nói chung và công tác định danh điện tử qua hệ thống dữ liệu thông tin quốc gia, kết hợp với dấu hiệu nhận diện sinh trắc học là một yêu cầu bắt buộc, cấp thiết đối với mọi đối tượng tổ chức cung ứng dịch vụ tài khoản và khách hàng sử dụng dịch vụ thanh toán, với mục tiêu xây dựng môi trường hoạt động an toàn, hiệu quả và hiện đại, đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số được xem là mệnh lệnh chiến lược và giải pháp nâng cao năng lực cạnh tranh ngành ngân hàng trong kỷ nguyên công nghệ 4.0.
Đỗ Thị Cẩm Trang, Vietcombank Hạ Long
Liên kết website
Ý kiến ()