Tất cả chuyên mục
Thứ Bảy, 23/11/2024 16:36 (GMT +7)
Điểm sáng Than Vàng Danh
Thứ 6, 17/05/2024 | 16:51:15 [GMT +7] A A
Công ty CP Than Vàng Danh - Vinacomin là đơn vị có sản lượng than hầm lò lớn nhất Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV). Thực hiện chỉ đạo của TKV, Than Vàng Danh luôn sản xuất với cường độ cao, hằng năm sản lượng than hầm lò đạt trên 3,5 triệu tấn, đào mới trên 30.000 mét lò. Để đáp ứng yêu cầu sản xuất, Than Vàng Danh đã đẩy mạnh nghiên cứu, áp dụng nhiều sáng kiến, đề tài KH&CN có tính ứng dụng rộng rãi và hiệu quả.
Hiện nay, ở cả 2 khu vực khai thác là giếng Cánh Gà và giếng Vàng Danh, công ty đã thực hiện việc chuyên chở lao động xuống hầm lò bằng phương tiện vận tải chuyên dụng như tời cáp treo, song loan. Các phương tiện này giúp người lao động tiết kiệm được thời gian, đặc biệt là giảm sức người trong quá trình di chuyển từ cửa lò vào vị trí sản xuất.
Đối với công tác vận chuyển vật tư, thiết bị phục vụ sản xuất, công ty chủ yếu sử dụng tàu điện các loại với tỷ lệ ngày càng lớn. Để đảm bảo vận tải bằng tàu điện hiệu quả, an toàn, hệ thống đường sắt được phải cải tạo, nâng cấp, đáp ứng năng lực vận chuyển phục vụ trong quá trình chuẩn bị diện sản xuất.
Theo Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Công ty CP Than Vàng Danh Phạm Văn Minh, trước đây trong quá trình vận hành tàu điện, khi đến vị trí ghi rẽ, công nhân phải xuống chuyển hướng ghi thủ công theo lộ trình vận chuyển. Những thao tác đó dẫn đến việc vận hành bị chậm hành trình, giảm năng suất và có thể gây mất an toàn cho người vận hành khi phải lên, xuống tàu nhiều lần trong ca làm việc. Từ năm 2020, Than Vàng Danh đã ứng dụng đề tài “Nghiên cứu, thiết kế, chế tạo và lắp đặt, đưa hệ thống điều khiển tự động đóng mở ghi đường sắt phòng nổ vào sử dụng trong hầm lò”. Sau 4 năm áp dụng, năng lực vận tải của Than Vàng Danh đã được nâng cao, phục vụ đắc lực cho sản xuất.
Điểm ưu việt của đề tài nói trên là nâng cấp hình thức vận tải từ thủ công lên bán tự động. Công nhân chỉ cần thao tác nhấn nút điều khiển để chuyển hướng cả đoàn tàu thay vì lên/xuống tàu để bẻ ghi bằng tay như trước. Đến nay, Than Vàng Danh đã thực hiện lắp đặt hệ thống tự động điều khiển đóng, mở ghi phòng nổ được 186/316 bộ và đang tiếp tục nghiên cứu, lắp đặt hệ thống điều khiển đóng, mở ghi phòng nổ ở các vị trí còn lại.
Nhờ tính hiệu quả ở cả khâu kỹ thuật và kinh tế, đề tài này của Công ty CP Than Vàng Danh đã giành giải Nhì tại Hội thi Sáng tạo kỹ thuật toàn quốc lần thứ 17 (2022-2023) vừa qua tại Hà Nội.
Một đề tài khác cũng đã được nghiên cứu và ứng dụng thành công trong sản xuất của Than Vàng Danh là "Nghiên cứu, thay đổi công nghệ khấu không để lại trụ bảo vệ cho các lò chợ ZRY".
Phó Giám đốc công ty, Chủ nhiệm đề tài Vương Minh Thu cho biết: Công nghệ khai thác than lò chợ xiên chéo, chống giữ bằng giàn mềm ZRY được Than Vàng Danh áp dụng từ năm 2017. Tuy nhiên, qua thời gian, loại hình công nghệ này bộc lộ hạn chế là phần than trụ bảo vệ lò phải để lại tương đối lớn và phải tiến hành khấu tận thu bằng công nghệ khấu buồng. Kỹ thuật khấu buồng là công nghệ cũ, gây tổn thất than, tiêu hao nhiều chi phí và đặc biệt tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn lao động. Điều này, đã làm hạn chế phạm vi áp dụng cũng như khả năng phát huy hiệu quả của dây chuyền công nghệ khai thác lò chợ xiên chéo sử dụng giàn mềm ZRY trong công ty. Giữa năm 2021, nhóm nghiên cứu của công ty đã xây dựng giải pháp áp dụng công nghệ khai thác lò chợ xiên chéo, chống giữ bằng giàn mềm ZRY khấu không để lại trụ bảo vệ, giúp tăng sản lượng khai thác than lò chợ và thu hồi triệt để tài nguyên.
Áp dụng đề tài nghiên cứu này, trữ lượng khai thác lò chợ ZRY của Than Vàng Danh đã tăng 16% (từ hơn 134.000 tấn lên hơn 160.000 tấn); tỷ lệ tổn thất tài nguyên giảm từ 21% xuống còn 17%. Về bản chất, quy trình khấu không để lại trụ bảo vệ giống với quy trình khấu để lại trụ bảo vệ trước đây, tuy nhiên, với giải pháp mới này, việc triển khai phải được thực hiện ngay từ bước chuẩn bị lò chợ. Theo đó, hai biện pháp kỹ thuật khấu không để lại trụ bảo vệ đã được xây dựng gồm đào lò thượng khai thác trực tiếp từ lò dọc vỉa vận tải và đào lò thượng bán xiên phía chân lò chợ kết nối với lò thượng khởi điểm.
Giải pháp khấu than không để lại trụ bảo vệ nhằm mở rộng phạm vi áp dụng công nghệ khai thác lò chợ xiên chéo, chống giữ bằng giàn chống mềm loại ZRY tại Than Vàng Danh là công trình nghiên cứu đầu tiên, có tính tiên phong tại TKV cũng như tại Việt Nam. Sau 3 năm áp dụng, đến nay giải pháp này vẫn khẳng định hiệu quả.
Với tính hiệu quả bền vững, giải pháp này sẽ được trao giải Nhì tại lễ tổng kết Hội thi Sáng tạo KH&CN Việt Nam diễn ra vào cuối tháng 5/2024.
Hoàng Yến
Liên kết website
Ý kiến ()