Tất cả chuyên mục
Thứ Hai, 23/12/2024 16:19 (GMT +7)
Công ty CP Xi măng và Xây dựng Quảng Ninh: Quan tâm công tác bảo vệ môi trường
Thứ 3, 18/04/2023 | 11:54:39 [GMT +7] A A
Hiện sản xuất xi măng đang đứng thứ ba trong số 10 nguồn gây ô nhiễm công nghiệp lớn nhất. Do đó, cùng với các giải pháp thúc đẩy sản xuất kinh doanh, thời gian qua, Công ty CP Xi măng và Xây dựng Quảng Ninh đã, đang có nhiều cách làm sáng tạo và dành nhiều nguồn lực cho công tác bảo vệ môi trường (BVMT).
Nhận thấy tiềm năng từ tái chế nguồn nguyên liệu rác thải nhựa ở nhiều nước trên thế giới, tháng 4/2022, Công ty CP Xi măng và Xây dựng Quảng Ninh đã thí điểm đưa mô hình “Ngân hàng rác - Gửi rác, rút tiền” vào hoạt động. Đây là mô hình “ATM rác" đầu tiên được thực hiện tại một nhà máy sản xuất xi măng ở Việt Nam. Mỗi kg rác thải tương đương 1 điểm quy đổi, thành tiền từ 3.000-11.000 đồng tùy loại rác thải. Mỗi người khi đến gửi rác sẽ được Công ty mở một tài khoản để quản lý toàn bộ dữ liệu hoạt động gửi rác. Khi tài khoản đạt đến 300 điểm tích lũy mà chủ tài khoản chưa rút tiền sẽ được Công ty cộng trả lãi suất 1%/năm, cao gấp đôi lãi suất không kỳ hạn của hệ thống ngân hàng thương mại Việt Nam. Để thu hút được nhiều người tham gia “ATM rác", Công ty đã có nhiều chương trình hấp dẫn, như hỗ trợ xe vận chuyển tận nhà, thu mua với giá cao hơn 10-15% so với giá thị trường, hỗ trợ lãi suất đối với những tài khoản tích lũy lâu dài…
Đến nay, sau một năm đưa mô hình này vào hoạt động, Công ty đã mở trên 1.300 tài khoản chi trả đổi rác lấy tiền với sự tham gia của người dân 6/10 phường và 28 cơ sở giáo dục trên địa bàn TP Uông Bí. Thông qua việc người dân đến gửi rác, Công ty đã thu gom gần 120.000 tấn rác thải tái chế các loại (tương ứng với số tiền chi trả gần 500 triệu đồng).
Ông Nguyễn Như Hạnh, Trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường (Sở TN&MT) cho biết: Chúng tôi đánh giá rất cao tính sáng tạo của Công ty đối với việc triển khai mô hình “ATM rác”. Lợi ích lớn nhất mô hình này mang lại chính là nâng cao nhận thức, khuyến khích nhân dân trên địa bàn quan tâm và chung tay bảo vệ môi trường thông qua việc phân loại rác, tái chế, biến rác thải thành tài nguyên. Qua đó, vừa làm sạch môi trường, tạo công ăn việc làm, vừa có thêm thu nhập, góp phần cải thiện môi trường sống cho người dân trên địa bàn thành phố.
Cùng với sáng kiến nói trên, từ tháng 7/2022 đến nay, Công ty CP Xi măng và Xây dựng Quảng Ninh đã đầu tư kinh phí trên 150 tỷ đồng cho việc thực hiện cải tạo, nâng cấp công nghệ thiết bị sản xuất đối với dây chuyền của lò nung số 1 và số 2, riêng đầu tư cho thiết bị lọc bụi là 30 tỷ/lò.
Ông Vũ Trọng Hiệt, Phó Tổng Giám đốc Công ty, cho biết: Hiện nay tiêu chuẩn về phát thải ngày càng nghiêm ngặt hơn, yêu cầu giảm nồng độ bụi phát thải ra môi trường dưới tiêu chuẩn cho phép là điều kiện bắt buộc với các nhà máy sản xuất. Tại Quyết định số 1266/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ban hành (ngày 18/8/2020) về việc Phê duyệt chiến lược phát triển vật liệu xây dựng Việt Nam thời kỳ 2021-2030, định hướng đến năm 2030, có yêu cầu đến năm 2025, 100% các dây chuyền sản xuất xi măng có công suất từ 2.500 tấn clinker/ngày trở lên phải đạt nồng độ bụi đầu ra nhỏ hơn 30mg/Nm3. Đồng thời hiện nay Chính phủ đang dự thảo Nghị định thu phí BVMT đối với khí thải, doanh nghiệp phải trả phí cao nếu nồng độ các chất phát thải cao. Vì vậy phải thực hiện giảm nồng độ khí phát thải dưới mức tiêu chuẩn cho phép và càng thấp càng tốt.
Theo thiết kế ban đầu Nhà máy sử dụng lọc bụi tĩnh điện, sau thời gian sử dụng bộc lộ nhiều bất cập, nhất là lưới điện không ổn định hoặc mất điện hiệu quả hoạt động giảm. Công ty đã thực hiện chuyển đổi từ lọc bụi điện sang lọc bụi túi thế hệ mới nhất. Từ sau khi cải tạo thì nồng độ bụi đạt đến mức 20mg/Nm3 và luôn duy trì ổn định dù có sự cố.
Việc thực hiện cải tạo và chuyển đổi hệ thống xử lý bụi và khí thải của lò nung từ lọc bụi tĩnh điện sang thành lọc bụi túi của dây chuyền sản xuất số 1 đã mang lại hiệu quả cao trong công tác BVMT của Công ty. Do đó, mặc dù quá trình tiêu thụ sản phẩm của Công ty hiện còn gặp nhiều khó khăn, sụt giảm 50% sản lượng so với năm 2022 nhưng trong tháng 4 này, Công ty tiếp tục đầu tư trên 30 tỷ đồng để lắp đặt các hệ thống lọc bụi túi khác trong dây chuyền sản xuất.
Điều đáng ghi nhận là để đảm bảo xử lý kịp thời các kiến nghị của người dân liên quan đến công tác BVMT, Công ty cũng đã thành lập Tổ giám sát môi trường với 15 thành viên, bao gồm lãnh đạo Công ty, lãnh đạo UBND phường Phương Nam và các hộ dân ở khu vực lân cận Nhà máy. Tổ giám sát có trách nhiệm theo dõi, giám sát thường xuyên 24/24h trong việc thực hiện BVMT của Nhà máy Xi măng Lam Thạch 2; lập bảng theo dõi sự cố môi trường đối với hoạt động sản xuất của Nhà máy Xi măng Lam Thạch 2 và hoạt động khai thác đá của Công ty.
Khi phát hiện hoặc nhận được thông tin của nhân dân phản ánh về việc Nhà máy có phát tán bụi, gây ô nhiễm môi trường, Tổ sẽ tiến hành xác minh nguyên nhân, lập biên bản và yêu cầu Nhà máy nhanh chóng khắc phục sự cố. Thống kê trong năm 2022, Tổ giám sát đã yêu cầu Công ty khắc phục 3 sự cố.
Mới đây nhất, tháng 3/2023 một số hộ dân khu Hợp Thành (phường Phương Nam) đã kiến nghị về việc Công ty nổ mìn khai thác đá gây ô nhiễm môi trường. Mặc dù, toàn bộ khu vực đất của người dân có liên quan đến nội dung kiến nghị là đất nông nghiệp chưa được nhà nước cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, chủ yếu do các hộ dân khai hoang và hiện đang NTTS, cấy lúa, trồng hoa màu. Trong đó, có một số hộ gia đình đã xây công trình tạm phục vụ trông coi ao nuôi trồng thủy sản, vườn cây ăn quả trên diện tích đất nông nghiệp.
Chị Trần Thị Phượng (tổ 2, khu Hợp Thành, phường Phương Nam, TP Uông Bí) cho biết: Ngay sau khi nhận được kiến nghị, Công ty đã triển khai hỗ trợ sửa chữa, nâng cấp đoạn đường gần 1,5km từ đường nhựa đến Núi Rùa (đổ cấp phối rải đá bây, lu lèn chặt) nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho việc đi lại sản xuất nông nghiệp của các hộ dân. Công ty cũng đã thực hiện quây tôn phía giáp đường; lắp máy phun sương tại khu vực kho than ngoài trời; phối hợp với UBND phường Phương Nam khảo sát hiện trường để xác định mức độ ảnh hưởng về khói bụi, môi trường từ hoạt động khai thác đá đến khu vực đất canh tác của hộ dân xung quanh và đã chi trả 850 triệu đồng đền bù và hỗ trợ cho các hộ dân có phần đất canh tác bị ảnh hưởng về môi trường, khói bụi tại các vị trí khai thác của Công ty. Điều này khiến cho người dân chúng tôi thấy sự chia sẻ, đồng hành rất lớn của Công ty, giúp người dân yên tâm sản xuất.
Những giải pháp tích cực trong công tác BVMT chính là nền tảng vững chắc để Công ty CP Xi măng và Xây dựng Quảng Ninh tận dụng mọi điều kiện thuận lợi và khắc phục khó khăn để phát triển sản xuất kinh doanh, giữ vững uy tín trên thị trường. Đồng thời góp phần quan trọng trong việc chung tay xây dựng, phát triển Quảng Ninh bền vững theo mô hình tăng trưởng xanh, thích ứng với biến đổi khí hậu.
Hoàng Nga
Liên kết website
Ý kiến ()