Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 24/11/2024 05:18 (GMT +7)
COVID-19 tới 6 giờ ngày 10/8: Thế giới 4,3 triệu người tử vong; Chuyên gia khuyến cáo không phải tiêm nhắc vaccine trong 1 năm
Thứ 3, 10/08/2021 | 09:45:50 [GMT +7] A A
Trong 24 giờ qua, thế giới ghi nhận 475.037 trường hợp mắc COVID-19 và 7.096 ca tử vong. Tổng số ca mắc COVID-19 trên toàn cầu vượt 204 triệu ca bệnh, trong đó trên 4,3 triệu người không qua khỏi.
Theo số liệu thống kê của trang mạng worldometers.info, cập nhật đến 6 giờ sáng 10/8 (giờ Việt Nam), tổng số ca mắc bệnh viêm đường hô hấp cấp (COVID-19) trên toàn cầu là 204.015.005 ca, trong đó có 4.314.590 người tử vong.
Số ca mắc bệnh trong ngày sau một thời gian thuyên giảm nay đang có dấu hiệu tăng trở lại trên phạm vi toàn cầu, với những vùng dịch “nóng nhất” ở châu Á và châu Âu, trong khi số ca tử vong vẫn ở mức đáng quan ngại. Tiến trình tiêm vaccine trên thế giới có sự chênh lệch mạnh giữa các nước.
Một số nước Á-Âu tình hình đang leo thang trở lại với sự bùng phát của biến chủng virus Delta hết sức nguy hiểm. Đặc biệt, Anh, Indonesia và Brazil số ca mắc mới vẫn cao một cách báo động. Sau một thời gian, Mỹ lại quay lại vị trí quốc gia có số ca mắc mới trong ngày cao nhất thế giới.
Đại dịch sau gần 2 năm đến nay xuất hiện và lây lan ở 219 quốc gia và vùng lãnh thổ. Các nước cũng ghi nhận 183.201.964 bệnh nhân được điều trị khỏi, số ca đang điều trị tích cực là 16.498.451 ca và 99.042 ca hiện ở trong tình trạng nguy kịch. Ngày 9/8, thế giới có 142 quốc gia và vùng lãnh thổ ghi nhận ca COVID-19 mới; 97 quốc gia/vùng lãnh thổ có các ca tử vong vì đại dịch.
Châu Á là khu vực bị ảnh hưởng nhiều nhất, đã ghi nhận 64.392.299 ca nhiễm. Châu Âu đang có 52.552.508 ca nhiễm. Con số này ở Bắc Mỹ là 43.849.437 ca trong khi của Nam Mỹ là 35.811.850 ca. Tuy nhiên, nếu xét theo số ca tử vong, châu Âu ghi nhận nhiều nhất với 1.139.862 ca, tiếp đến là Nam Mỹ hiện đã hơn 1 triệu ca, sau đó là Bắc Mỹ với 946.849 ca và châu Á với 922.464 ca.
Mỹ tiếp tục là quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất với 633.116 ca tử vong trong số 36.543.338 ca mắc. Tiếp đến là Brazil với 563.470 ca tử vong trong số 20.165.672 ca mắc, Ấn Độ với 428.339 ca tử vong và 31.969.954 ca mắc.
Tại Canada, bắt đầu từ ngày 9/8, Canada đã mở lại đường biên giới với Mỹ, 17 tháng sau khi tất cả các hoạt động đi lại không thiết yếu bị tạm dừng nhằm kiểm soát sự lây lan của đại dịch COVID-19.
Chính phủ Canada quyết định dỡ bỏ các yêu cầu về kiểm dịch đối với công dân Mỹ và người thường trú tại Mỹ có bằng chứng đã tiêm phòng đầy đủ vaccine ngừa COVID-19.
Trước đó, cả Ottawa và Washington đã phải đối mặt với áp lực lớn từ các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực du lịch - lữ hành, mong muốn chính phủ hai nước nới lỏng những hạn chế đối với hoạt động đi lại và giảm bớt các rào cản ở khu vực biên giới.
Destination Canada, cơ quan xúc tiến du lịch của Canada, ước tính hơn nửa triệu việc làm trong ngành du lịch đã bị mất do đại dịch vào năm 2020.
Mỹ hiện đang đối mặt với nguy cơ lây lan của biến thể Lambda được phát hiện đầu tiên tại Peru vào cuối năm ngoái. Các kết quả phân tích gien cho thấy hơn 1.000 ca bệnh nhiễm biến thể Lambda đã được phát hiện trên toàn nước Mỹ. Dù sự xuất hiện của biến thể Delta vẫn đang là lo ngại chính lúc này tại Mỹ, nhưng giới chức cũng không ngừng theo dõi diễn biến lây lan biến thể Lambda.
Theo Tiến sĩ Preeti Malani, Giám đốc bộ phận các bệnh truyền nhiễm tại Đại học Michigan ở Ann Arbor, Lambda có những đột biến đang được quan tâm nhưng biến thể này vẫn khá hiếm ở Mỹ dù đã tồn tại được vài tháng. Chuyên gia của Hiệp hội Bệnh truyền nhiễm Mỹ này cũng nhận định dường như Lambda dễ lây truyền hơn virus SARS-CoV-2 ban đầu, đồng thời nhấn mạnh các loại vaccine hiện có vẫn có tác dụng bảo vệ.
Trong khi đó khu vực châu Á đang là điểm nóng của dịch COVID-19 trên thế giới do biến thể Delta hoành hành. Trong ngày 9/8, Iran đã ghi nhận số ca nhiễm mới theo ngày cao chưa từng thấy- 40.808 ca - cao nhất khu vực này. Các cơ quan y tế Iran đã cảnh báo về những kịch bản tồi tệ ở nước này trong làn sóng lây nhiễm thứ 5 nếu chính phủ không triển khai các biện pháp kiểm soát mới và tiến độ tiêm chủng không được đẩy nhanh.
Do dịch bệnh diễn biến nghiêm trọng, bang New South Wales (NSW) của Australia đã áp dụng lệnh phong tỏa đối với thị trấn Tamworth do lo ngại dịch bệnh COVID-19 có thể đã lây lan từ thành phố Sydney về vùng nông thôn này.
Bang NSW đã ghi nhận 283 ca mắc mới COVID-19 trong cộng đồng trong vòng 24 giờ qua, tăng so với 262 ca ghi nhận một ngày trước đó. Hiện bang này đang phải nỗ lực ngăn chặn tình trạng số ca mắc mới gia tăng do biến thể Delta có khả năng lây lan mạnh, mặc dù lệnh phong tỏa tại Sydney đã bước sang tuần thứ 7.
Nhằm đẩy nhanh chương trình tiêm chủng, Thủ tướng Australia Scott Morrison thông báo cơ quan quản lý dược phẩm của nước này đã cấp phép tạm thời sử dụng đối với vaccine ngừa COVID-19 của hãng Moderna (Mỹ). Tháng 5 vừa qua, Australia đã đạt được thỏa thuận mua 25 triệu liều vaccine của Moderna. Thủ tướng Morrison cho biết nước này dự kiến tiếp nhận lô vaccine đầu tiên gồm 1 triệu liều vào tháng 9 tới.
Tại châu Âu, Nga đang là điểm nóng dịch bệnh tại châu lục này với số ca nhiễm mới ghi nhận trong ngày 9/8 là 22.160 ca. Ngoài Anh, nhiều nước châu Âu thận trọng trong việc xem xét gỡ bỏ các biện pháp hạn chế nhằm khôi phục trạng thái bình thường mới, trong bối cảnh biến thể Delta đang tiếp tục lây lan tại một số nước châu Âu bất kể tỷ lệ tiêm chủng đã đạt mức cao.
Trong khi đó, châu Phi đã ghi nhận tổng số ca mắc vượt 7 triệu ca, lên 7.078.484 ca mắc COVID-19 và hơn 177.000 ca tử vong. Hiện châu Phi đang phải vật lộn với đợt bùng phát dịch bệnh thứ 3, khiến châu lục này ghi nhận thêm khoảng 1 triệu trường hợp chỉ trong 3 tuần qua, kể từ ngày 14/7 đến nay.
Một chuyên gia hàng đầu của Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh (CDC) Trung Quốc vừa cho biết, những người đã tiêm vaccine ngừa COVID-19 không cần phải tiêm mũi tiêm tăng cường trong vòng một năm. Phát biểu này được đưa ra trong bối cảnh công chúng lo ngại đại dịch COVID-19 bùng phát trở lại kể từ giữa tháng 7, đặc biệt là mối đe dọa do biến thể Delta rất dễ lây lan.
Trả lời phỏng vấn với Đài Truyền hình Trung ương Trung Quốc (CCTV) hôm 8/8, ông Thiều Nhất Minh, bác sĩ hàng đầu và là chuyên gia miễn dịch học của CDC Trung Quốc, cho biết nồng độ kháng thể trong cơ thể người giảm dần theo thời gian sau khi được tiêm vaccnie phòng bệnh. Tuy nhiên, kháng thể vẫn có thể kích thích phản ứng trí nhớ mạnh mẽ để nâng cao mức độ kháng thể trong một khoảng thời gian ngắn.
Theo chuyên gia Thiều Nhất Minh, các nhà khoa học trên khắp thế giới đang nghiên cứu cách tăng cường miễn dịch. Không có đủ bằng chứng cho thấy rằng nên tiêm liều vaccine thứ ba cho toàn bộ mọi người. Dựa trên quan sát ban đầu, hầu hết những người đã được tiêm hai liều trong vòng một năm không cần phải tiêm mũi tăng cường.
Theo thống kê của trang worldometers.info, tính tới 23 giờ 59 phút ngày 9/8, các nước thuộc Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) ghi nhận thêm trên 80.200 ca mắc bệnh COVID-19 so với 1 ngày trước, trong khi tổng số ca tử vong tăng lên trên 172.000 người.
Trong 24 giờ qua, hiệp hội ASEAN có 7 quốc gia thành viên ghi nhận các ca tử vong mới vì COVID-19 là Indonesia, Thái Lan, Malaysia, Campuchia, Myanmar, Philippines và Timor Leste. Đông Nam Á đang là điểm dịch nóng nhất châu Á.
Ổ dịch nghiệm trọng nhất Đông Nam Á vẫn là Indonesia, tình hình dịch bệnh tại “quốc gia vạn đảo” ngày càng nghiêm trọng, số ca mắc mới và ca tử vong tiếp tục tăng mạnh trong nhiều ngày liên tiếp. Trong 1 ngày qua, Indonesia là nước có số ca tử vong và mắc mới cao nhất châu Á. Số ca tử vong trong ngày tại Indonesia chiếm tới trên 50% số người chết của châu Á.
Trong khi đó, diễn biến dịch vẫn nghiêm trọng ở Philippines mấy ngày gần đây. Tuy nhiên, Philippines đang chứng kiến số ca tử vong và ca mắc thấp hơn khá nhiều các nước thành viên khác, báo hiệu dịch có dấu hiệu chững lại ở quốc gia này. Trong 1 ngày qua, nước này chỉ ghi nhận 6 ca tử vong, giảm rõ rệt so với mấy ngày trước.
Malaysia tình hình tiếp tục xấu hơn. Nước này hiện cũng là điểm dịch nóng thứ hai của khu vực sau Indonesia, khi làn sóng dịch mới đã kéo dài và chưa có dấu hiệu hạ nhiệt. Malaysia đang chứng kiến xu thế dịch leo thang do số ca mắc mới/ngày tăng nhanh và mạnh suốt mấy tuần vừa qua, trong khi số người chết vì COVID-19 cũng ở mức báo động.
Ngày 9/8, Malaysia ghi nhận số ca bệnh mới cao thứ ba Đông Nam Á, đồng thời số ca tử vong cũng ở mức đáng ngại với 160 trường hợp không qua khỏi (đứng thứ tư trong khối ASEAN). Trước làn sóng dịch nguy hiểm mới, Chính phủ Malaysia đã quyết định gia hạn phong tỏa toàn quốc với hy vọng đảo chiều đồ thị dịch bệnh.
Theo trang web worldometers.info, Myanmar trong 24 giờ qua công bố số liệu ca mới và tử vong vì dịch COVID-19 tiếp tục tăng mạnh, sau nhiều ngày không công bố số liệu dịch bệnh. Myanmar có tới 3.611 ca bệnh mới và 238 ca tử vong.
Thái Lan cũng đối mặt với tình hình đáng quan ngại khi số ca lây nhiễm cộng đồng tăng vọt trong vài tuần gần đây, buộc nước này phải quyết định siết chặt các biện pháp phòng dịch, lùi ngày mở cửa du lịch. “Xứ sở chùa Phật Ngọc” trong ngày 9/8 ghi nhận thêm 19.603 ca bệnh mới (nhiều thứ 2 khu vực và cao nhất tại nước này kể từ đầu dịch), trong khi số ca tử vong là 149 người.
So với 1 tuần trước, số ca mắc mới tại Thái Lan đang chứng kiến đà tăng mạnh, số ca tử vong cũng ở mức cao một cách đáng ngại. Thủ đô Bangkok tiếp tục bị áp lệnh giới nghiêm.
Campuchia dịch bệnh cũng nghiêm trọng và đáng ngại khi nước này có 508 bệnh nhân mới và 23 ca tử vong trong một ngày qua. Campuchia trải qua giai đoạn dịch bệnh nghiêm trọng nhất kể từ đầu dịch, buộc nước này phải áp đặt lệnh phong tỏa tại nhiều khu vực, tỉnh thành. Thủ đô Phnom Penh vẫn là điểm dịch nặng nhất của Campuchia.
Cụ thể, virus SARS-CoV-2 tới nay đã cướp đi sinh mạng của tổng cộng 172.090 người dân ở khu vực Đông Nam Á, tăng 2.104 ca so với 1 ngày trước. Trong khi số ca mắc bệnh tăng lên 8.131.949 ca. Bên cạnh đó, khu vực ASEAN cũng chứng kiến số bệnh nhân được điều trị thành công là 6.762.548 trường hợp.
Toàn khối vẫn chứng kiến những diễn biến dịch bệnh đáng quan ngại, phức tạp khi chủng mới Delta đang làm bùng phát các dịch đợt mới ở nhiều nước thành viên. Trong 24 giờ qua, tất cả các nước thành viên còn lại trong ASEAN đều ghi nhận các ca COVID-19 mới.
Một chuyên gia hàng đầu của Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh (CDC) Trung Quốc vừa cho biết, những người đã tiêm vaccine ngừa COVID-19 không cần phải tiêm mũi tiêm tăng cường trong vòng một năm. Phát biểu này được đưa ra trong bối cảnh công chúng lo ngại đại dịch COVID-19 bùng phát trở lại kể từ giữa tháng 7, đặc biệt là mối đe dọa do biến thể Delta rất dễ lây lan.
Trả lời phỏng vấn với Đài Truyền hình Trung ương Trung Quốc (CCTV) hôm 8/8, ông Thiều Nhất Minh, bác sĩ hàng đầu và là chuyên gia miễn dịch học của CDC Trung Quốc, cho biết nồng độ kháng thể trong cơ thể người giảm dần theo thời gian sau khi được tiêm vaccnie phòng bệnh. Tuy nhiên, kháng thể vẫn có thể kích thích phản ứng trí nhớ mạnh mẽ để nâng cao mức độ kháng thể trong một khoảng thời gian ngắn.
Theo chuyên gia Thiều Nhất Minh, các nhà khoa học trên khắp thế giới đang nghiên cứu cách tăng cường miễn dịch. Không có đủ bằng chứng cho thấy rằng nên tiêm liều vaccine thứ ba cho toàn bộ mọi người. Dựa trên quan sát ban đầu, hầu hết những người đã được tiêm hai liều trong vòng một năm không cần phải tiêm mũi tăng cường.
Tuy nhiên, ông Thiều Nhất Minh cũng cho biết Trung Quốc đang nghiên cứu xem có cần thiết phải thực hiện tiêm nhắc lại cho người già có hệ miễn dịch kém và bệnh nhân mắc các bệnh nền đã hoàn thành tiêm chủng hơn 6-12 tháng cũng như những người làm việc trong khu vực rủi ro cao hay không. Thời gian chính xác để tiến hành tiêm mũi tăng cường cũng đang được nghiên cứu.
Theo baotintuc.vn
Liên kết website
Ý kiến ()