Tất cả chuyên mục
Thứ Ba, 24/12/2024 12:44 (GMT +7)
COVID-19 tới 6h sáng 24/3: Tổng ca mắc ở Hàn Quốc vượt 10 triệu; Ca mắc mới ở Lào cao kỷ lục
Thứ 5, 24/03/2022 | 07:44:37 [GMT +7] A A
Theo trang mạng worldometer.info, trong vòng 24 giờ qua, thế giới ghi nhận trên 1,6 triệu ca mắc COVID-19 và trên 4.100 ca tử vong. Tổng số ca mắc từ đầu dịch tới nay đã là 475,7 triệu ca, trong đó trên 6,12 triệu ca tử vong.
Ba quốc gia có số ca mắc trong 24 giờ qua cao nhất thế giới là Hàn Quốc (490.881 ca), Đức (301.544 ca) và Pháp (145.560 ca).
Ba quốc gia có số ca tử vong trong 24 giờ qua cao nhất thế giới là Mỹ (499 ca), Nga (429 ca) và Đức (331 ca).
Tính từ đầu đại dịch, Mỹ là quốc gia có tổng số ca mắc nhiều nhất thế giới với trên 81,4 triệu ca mắc COVID-19 và trên 1 triệu ca tử vong. Tiếp đó là Ấn Độ với trên 43 triệu ca mắc và trên 516.000 ca tử vong. Đứng thứ ba là Brazil với trên 29,7 triệu ca mắc và trên 657.000 ca tử vong.
Hàn Quốc ghi nhận số ca mắc COVID-19 vượt mốc 10 triệu
Tổng số ca mắc COVID-19 ở Hàn Quốc đã vượt mốc 10 triệu trong bối cảnh lo ngại tỷ lệ lây nhiễm hằng ngày tiếp tục tăng đột biến, do sự lây lan nhanh chóng của biến thể Omicron.
Ngày 23/3, Cơ quan Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Hàn Quốc (KDCA) thông báo nước này ghi nhận thêm 490.881 ca mắc COVID-19, đưa tổng số ca mắc lên 10.427.247 ca. Đây cũng là ngày có số ca mắc mới cao thứ hai so với mức cao kỷ lục 621.221 ca ghi nhận vào ngày 17/3 vừa qua. Hiện trung bình ở Hàn Quốc cứ 5 người thì có 1 người mắc COVID-19.
Số người tử vong do mắc COVID-19 tại Hàn Quốc cũng tăng 291 trường hợp so với ngày trước đó, đưa tổng số người không qua khỏi lên 13.432. Như vậy, tỷ lệ tử vong tại Hàn Quốc hiện là 0,13%. Số bệnh nhân mắc COVID-19 nặng hằng ngày vẫn duy trì trên ngưỡng 1.000 người trong hai tuần liên tiếp.
Tính đến ngày 22/3, đã có 32,42 triệu người, tương đương 63,2% dân số Hàn Quốc, được tiêm mũi tăng cường vaccine. Số người tiêm đủ liều cơ bản là 44,46 triệu người, chiếm 86,6%.
Cơ quan Y tế Hàn Quốc dự đoán số ca nhiễm tại nước này có thể lên đến đỉnh điểm khi khoảng 20% dân số có kết quả xét nghiệm dương tính với virus SARS-CoV-2. Tuy nhiên, hiện cũng rất khó dự đoán làn sóng lây nhiễm đạt đỉnh nếu chỉ dựa trên tỷ lệ phần trăm các trường hợp được xác nhận dương tính trên tổng số người dân vì còn một số yếu tố khác, trong đó có tỷ lệ miễn dịch tự nhiên và mức độ lây nhiễm được ngăn ngừa thông qua việc tiêm vaccine.
Mặc dù trước đó đã có nhiều dự đoán cho rằng làn sóng lây nhiễm hiện tại có thể lên đến đỉnh điểm vào ngày 23/3 và các chỉ số chính (chẳng hạn như tỷ lệ tử vong hoặc tỷ lệ bệnh nhân COVID-19 trong tình trạng nguy kịch) sẽ đạt đỉnh trong vòng từ 2 đến 3 tuần tới, song Cơ quan Y tế Hàn Quốc dự báo khả năng đợt bùng phát lây nhiễm hiện nay sẽ còn tiếp tục do sự lây lan nhanh chóng của dòng phụ BA.2 của biến thể Omicron, được cho là có tốc độ lây lan cao hơn 30% so với biến thể Omicron ban đầu.
Trong nỗ lực giảm ca bệnh nặng và tử vong do COVID-19, cơ quan an toàn dược phẩm của Hàn Quốc ngày 23/3 đã cấp phép khẩn cấp thuốc molnupiravir của hãng Merck & Co Inc để điều trị cho người trưởng thành mắc COVID-19. Đây là loại thuốc uống dạng viên trị COVID-19 thứ hai được cấp phép tại Hàn Quốc sau thuốc Paxlovid của hãng Pfizer.
Số ca mắc mới tại Lào tăng lên mức cao nhất từ trước đến nay
Ngày 23/3, Bộ Y tế Lào cho biết trong 24 giờ qua, nước này ghi nhận tới 2.625 ca mắc mới COVID-19. Đây là mức cao nhất mà Lào từng ghi nhận kể từ đầu dịch, theo đó nâng tổng số ca mắc lên 159.047 ca, trong đó có 652 ca tử vong.
Sự xuất hiện của biến thể Omicron khiến số ca mắc COVID-19 tại Lào trong những ngày gần đây gia tăng nhanh chóng, buộc một số cơ quan công sở phải tái triển khai các biện pháp làm việc tại nhà.
Trước tình hình đó, Chính phủ Lào vừa yêu cầu các bộ, ngành liên quan nỗ lực hơn nữa để kiểm soát dịch bệnh. Trong khi đó, Bộ Y tế nước này kêu gọi người dân tiếp tục thực hiện nghiêm biện pháp phòng ngừa lây nhiễm COVID-19 và đi tiêm vaccine, không nên coi đây là căn bệnh không nghiêm trọng và có thể điều trị dễ dàng, dẫn đến việc lơ là trong các biện pháp phòng ngừa lây nhiễm.
Theo Bộ Y tế Lào, đây là nhận thức rất sai lầm bởi biến thể Omicron dù không gây hại như chủng Delta, nhưng vẫn gây nguy hiểm cho người trên 60 tuổi và những người có bệnh nền. Chưa kể các di chứng hậu COVID-19 mà người bệnh sau khi mắc có thể kéo dài, gây ảnh hưởng xấu tới sức khỏe, tốn chi phí điều trị cũng như ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống sau này.
Philippines nới lỏng thủ tục nhập cảnh đối với người nước ngoài
Theo sắc lệnh hành pháp được công bố ngày 23/3, Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte đã chỉ thị nới lỏng thủ tục nhập cảnh cho du khách nước ngoài đến nước này nhằm thúc đẩy hoạt động du lịch quốc tế, tăng vốn đầu tư nước ngoài và khôi phục việc làm trong ngành du lịch.
Sắc lệnh được Tổng thống Duterte ký 2 ngày trước, trong đó yêu cầu chính phủ tiếp tục nới lỏng các quy định đối với du lịch quốc tế, bao gồm việc miễn cách ly cho người nước ngoài đã tiêm vaccine ngừa COVID-19 muốn nhập cảnh Philippines. Ông Duterte cũng chỉ thị giảm các biện pháp hạn chế du lịch nội địa nhằm thúc đẩy ngành du lịch trong nước.
Tổng thống Duterte nhấn mạnh cần điều chỉnh các chương trình và biện pháp của chính phủ nhằm phục hồi kinh tế khỏi đại dịch COVID-19. Những biện pháp này cũng bao gồm tăng cường năng lực của ngành y tế trên cả nước, thúc đẩy và mở rộng chương trình tiêm vaccine, tiếp tục mở lại nền kinh tế và nâng cao năng lực vận tải công cộng, mở lại trường học và đẩy mạnh chuyển đổi kỹ thuật số.
Đại dịch COVID-19 bùng phát năm 2020 tác động mạnh đến nền kinh tế thế giới, trong đó có Philippines. Tổng sản phẩm quốc nội của Philippines giảm 9,6% vào năm 2020, đánh dấu lần suy thoái kinh tế đầu tiên của nước này kể từ cuộc khủng hoảng tài chính châu Á 1997-1998. Trong năm 2021, nền kinh tế Philippines ghi nhận phục hồi, khi tăng trưởng 5,6% trong năm 2021.
Đến nay, quốc gia Đông Nam Á này có hơn 3,67 triệu ca mắc COVID-19, trong đó có 58.281 ca tử vong. Hơn 65,2 triệu người, tức 72,49% dân số, đã được tiêm đủ liều cơ bản vaccine ngừa COVID-19 kể từ khi chương trình được triển khai từ tháng 3/2021.
Australia thúc đẩy chương trình tiêm mũi vaccine thứ 4
Tại Australia, người dân nước này có thể chuẩn bị tiêm mũi vaccine thứ 4 trong bối cảnh biến thể phụ của Omicron đang làm tăng nhanh số ca nhiễm mới trong những ngày gần đây và việc bỏ các quy định cách ly đối với gia đình có người nhiễm có thể khiến dịch bùng phát trong thời gian tới.
Các quan chức y tế Australia và lãnh đạo chính quyền các bang tại Australia ngày 23/3 đã thảo luận về các quy định cách ly tại cuộc họp Ban Bảo vệ sức Khỏe của Australia. Các quan chức y tế bang New South Wale (NSW) và Victoria trước đó đã khuyến nghị bỏ quy định yêu cầu cách ly toàn bộ gia đình nếu một thành viên có xét nghiệm dương tính với virus SARS-CoV-2. Tuy nhiên, những thay đổi về quy định cách ly có thể được xem xét lại trong bối cảnh các dự báo biến thể phụ BA.2 lây lan nhanh. Bên cạnh đó, các nhà chức trách Australia cũng thúc đẩy chiến dịch tiêm mũi thứ 4 cho người dân trước khi mùa Đông bắt đầu. Nhóm Cố vấn kỹ thuật về tiêm chủng (ATAGI) của Australia có thể thông qua kế hoạch tiêm liều bổ sung, dự kiến bắt đầu từ ngày 23/3.
Chuyên gia về các bệnh truyền nhiễm, Giáo sư Robert Booy, cho biết biến thể mới của Omicron gây ra nguy cơ sức khỏe nghiêm trọng cho người cao tuổi và những người có bệnh nền, bị suy giảm miễn dịch. Ông Booy tuyên bố khoảng hơn 500.000 người Australia sẽ lập tức được tiêm mũi thứ 4. Trong khi đó, ATAGI đưa ra lời khuyên mọi người nên tiêm mũi thứ 4 trong vòng 3 - 5 tháng sau khi tiêm mũi thứ ba.
Các ca nhiễm mới đang tăng nhanh ở 2 bang đông dân nhất của Australia là New South Wales và Victoria khi học sinh đi học trở lại. Tình hình này khiến một số chuyên gia y tế lo ngại do hiện mới chỉ có 43% trẻ 5-11 tuổi ở nước này được tiêm chủng đủ liều cơ bản.
Tây Ban Nha nới lỏng các hạn chế phòng dịch
Tây Ban Nha thông báo nới lỏng một số hạn chế phòng chống dịch COVID-19 trong bối cảnh tình hình dịch bệnh tại hai quốc gia ở châu Âu này đang có tiến triển tích cực.
Tại Tây Ban Nha, những người mắc COVID-19 không có biểu hiện triệu chứng hoặc chỉ có triệu chứng nhẹ sẽ không còn phải cách ly 7 ngày. Việc xét nghiệm chẩn đoán cũng sẽ không còn bắt buộc đối với những người có thể mắc COVID-19, mà sẽ chỉ được yêu cầu thực hiện đối với những người có nguy cơ lây nhiễm cao như những người trên 60 tuổi, thai phụ hoặc những người mắc bệnh suy giảm miễn dịch.
Quyến định trên được đưa ra trong cuộc họp của Ủy ban Y tế công cộng Tây Ban Nha, với sự tham gia của lãnh đạo Bộ Y tế và đại diện của 17 cộng đồng tự trị ở nước này. Quyết định trên bắt đầu có hiệu lực từ ngày 28/3.
Bộ Y tế Tây Ban Nha khuyến nghị những người mắc COVID-19 có các triệu chứng nhẹ nên tiếp tục đeo khẩu trang và duy trì giãn cách xã hội.
Cố vấn y tế Nhà Trắng nhận định số ca mắc COVID-19 sẽ không tăng nghiêm trọng
Ngày 22/3, cố vấn y tế Nhà Trắng và là chuyên gia dịch tễ hàng đầu của Mỹ, Tiến sĩ Anthony Fauci cho biết ông không ngạc nhiên khi số ca mắc COVID-19 gia tăng ở nước này, song cho rằng số ca mắc sẽ không tăng nghiêm trọng.
Phát biểu tại một sự kiện do tờ Washington Post tổ chức, ông Fauci nêu rõ: "Tôi sẽ không ngạc nhiên chút nào nếu chúng ta chứng kiến số ca mắc gia tăng. Tôi thực sự không thấy sẽ có sự gia tăng nghiêm trọng, trừ phi có thay đổi bất ngờ nào đó".
Ông Fauci dự báo số ca mắc mới COVID-19 gia tăng tại Mỹ sẽ do dòng phụ BA.2 của biến thể Omicron - còn gọi là "Omicron tàng hình" - gây ra cũng như việc nới lỏng các quy định đeo khẩu trang và khả năng miễn dịch của người dân suy giảm.
Cùng ngày, dữ liệu của Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Mỹ (CDC) cho thấy số ca mắc mới COVID-19 ở nước này nhìn chung đang trên đà giảm từ mức đỉnh hồi tháng 1 vừa qua. Hiện tại cứ 3 ca mắc mới tại Mỹ có 1 ca do biến thể "Omicron tàng hình" gây ra.
Theo dữ liệu của CDC, tại miền Đông Bắc nước Mỹ, trong đó có các bang New Jersey, New York và Massachusetts, biến thể "Omicron tàng hình" gây ra hơn một nửa số ca mắc mới. Biến thể này chiếm gần 35% số ca mắc mới tại Mỹ trong tuần kết thúc vào ngày 19/3, so với 22,3% trong tuần kết thúc vào ngày 12/3.
Cùng ngày, người phát ngôn của Chính phủ Mỹ, bà Jen Psaki thông báo có kết quả xét nghiệm dương tính với virus SARS-CoV-2 và do vậy không thể tháp tùng Tổng thống Joe Biden đi châu Âu từ ngày 23-25/3 như kế hoạch ban đầu. Đây là lần thứ hai bà Psaki mắc COVID-19 sau lần mắc đầu tiên vào tháng 10/2021.
Trong khi đó, ngày 22/3, Hiệp hội Du lịch Mỹ đã kêu gọi Nhà Trắng dỡ bỏ các biện pháp hạn chế đi lại cũng như quy định bắt buộc đeo khẩu trang khi đi máy bay và các phương tiện vận tải quá cảnh khác vào ngày 18/4.
Cùng ngày, Thị trưởng thành phố New York Eric Adam cho biết chính quyền thành phố sẽ dỡ bỏ quy định bắt buộc đeo khẩu trang tại trường học và trung tâm chăm sóc trẻ em cho trẻ dưới 5 tuổi vào ngày 4/4 nếu tỷ lệ lây nhiễm ở mức thấp như hiện nay tiếp tục được duy trì.
Theo Baotintuc.vn
Liên kết website
Ý kiến ()