Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 15/11/2024 11:19 (GMT +7)
CPTPP: “Đòn bẩy” cho hàng xuất khẩu Việt Nam
Chủ nhật, 07/08/2022 | 08:37:01 [GMT +7] A A
Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) có hiệu lực từ năm 2019. Sau 3 năm có hiệu lực, CPTPP đã trở thành đòn bẩy cho xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang nhiều thị trường mới.
Xuất khẩu khởi sắc nhờ CPTPP
Chất lượng tốt, tươi ngon, lại được trợ giúp nhờ mức thuế giảm sâu, tôm là một trong những mặt hàng được thị trường Canada ưa chuộng. Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), tính đến ngày 15/5/2022, xuất khẩu tôm sang Canada đã ghi nhận tốc độ tăng trưởng cao nhất so với các thị trường còn lại trong khối CPTPP. Hiện, Canada là thị trường nhập khẩu lớn thứ 3 của tôm Việt Nam trong khối CPTPP, chiếm 22% tổng xuất khẩu tôm Việt Nam vào khối thị trường này.
Sau khi Hiệp định CPTPP có hiệu lực từ năm 2019, xuất khẩu tôm Việt sang Canada liên tục tăng. Theo đó, năm 2020, kim ngạch xuất khẩu tôm sang Canada đạt 187 triệu USD, tăng 23% so với năm 2019; năm 2021 tăng 18% so với năm 2019, đạt 180 triệu USD. Tính tới nửa đầu tháng 5 năm nay, xuất khẩu tôm sang thị trường này cũng ghi nhận mức tăng trưởng 87% so cùng kỳ năm ngoái, đạt 100 triệu USD.
“Hiện có khoảng 80 doanh nghiệp xuất khẩu tôm sang Canada, trong đó có các doanh nghiệp xuất khẩu nhiều nhất như Công ty Minh Phu Seafood Corp , Minh Phu-Hau Giang, Stapimex, Vina Cleanfood, Cuu Long Seapro…”, ông Trương Đình Hòe - Tổng thư ký VASEP chia sẻ.
Cùng với sản phẩm tôm, nhiều mặt hàng khác của Việt Nam như: dệt may, da giày, nông sản… đã có tốc độ tăng trưởng xuất khẩu sang các nước trong khối CPTPP khá cao, đặc biệt là các thị trường mới như Canada, Mexico, Chile… Bà Võ Hồng Anh, Phó Vụ trưởng Vụ thị trường châu Âu, châu Mỹ (Bộ Công thương) chia sẻ, có 4 quốc gia châu Mỹ tham gia CPTPP là Canada, Mexico, Peru, Chile…, trong đó có 3 quốc gia lần đầu tiên chúng ta có quan hệ FTA là Canada, Mexico, Peru; riêng Chile chúng ta đã có FTA song phương.
“Kể từ khi Hiệp định CPTPP có hiệu lực đối với Việt Nam từ tháng 1/2019, ta đã chứng kiến tăng trưởng nhảy vọt của hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam sang các nước thành viên CPTPP, đặc biệt ở khu vực châu Mỹ đã tăng trưởng mạnh mẽ”, bà Võ Hồng Anh phân tích.
Cụ thể, xuất khẩu sang Canada năm 2021 đạt 5,3 tỷ USD, tăng 20,8% so với năm 2020 và tăng 75% so với thời điểm trước khi Hiệp định có hiệu lực. Hay như đối với Mexico, năm 2021, xuất khẩu sang thị trường này đã có bước nhảy vọt, đạt 4,6 tỷ USD, tăng trưởng trên 100% so với thời điểm trước khi Hiệp định có hiệu lực.
Như vậy có thể nói các doanh nghiệp Việt Nam hiện nay đang khai thác tương đối tốt các ưu đãi của Hiệp định CPTPP. Xét về cơ cấu mặt hàng xuất khẩu Việt Nam sang các thị trường thành viên CPTPP, nổi lên và dẫn đầu là điện thoại và linh kiện chiếm 20%; tiếp theo là máy vi tính, thiết bị, sản phẩm điện tử chiếm 16% và máy móc thiết bị phụ tùng 9%.
Bên cạnh đó, hàng dệt may chiếm 10% và da giày chiếm 7%. Riêng hai mặt hàng này, nhờ lợi thế từ Hiệp định CPTPP, các doanh nghiệp xuất khẩu đã có lợi thế về thuế quan từ 10-20% so với các đối thủ cạnh tranh trực tiếp. Vì thế, các doanh nghiệp nên tận dụng triệt để các lợi thế ưu đãi thuế quan này bởi trong bối cảnh cạnh tranh toàn cầu thì ưu đãi thuế quan là lợi thế rất lớn rõ rệt.
Mặt hàng thế mạnh xuất khẩu khác là thủy sản, hầu hết các thành viên CPTPP đều cam kết giảm thuế quan về mức 0% trong vòng 0-3 năm. Hiện, độ phủ sóng hàng thủy sản Việt Nam tại các thị trường đang ngày tăng cao rõ rệt. Như thị trường Canada, Việt Nam là nhà xuất khẩu tôm hàng đầu, chiếm 34% tổng giá trị nhập khẩu tôm của Canada; hay cá tra thì Mexico là thị trường tăng trưởng nóng của cá tra Việt Nam. Mexico là quốc gia nhập khẩu cá tra Việt Nam nhiều nhất trong các nước thành viên CPTPP.
Ngoài ra, nhờ ưu đãi thuế quan, hiện tại, Việt Nam đã trở thành 1 trong 5 nhà xuất khẩu đồ gỗ nội thất lớn nhất tại thị trường Canada. Với Mexico và Chile, thị phần của đồ gỗ Việt Nam còn tương đối nhỏ, mới chỉ khoảng trên dưới 1% nên dư địa phát triển mặt hàng này còn lớn. Ta cũng đang có thế mạnh trong xuất khẩu các mặt hàng túi xách, va-li, ô dù và các hàng nông sản như chè, hạt điều, cà-phê, hạt tiêu…
Lợi thế không chỉ từ xuất khẩu
Bên cạnh những thuận lợi, nhiều khó khăn cũng xuất hiện với các doanh nghiệp khi xuất khẩu sang khu vực thị trường này.
Đơn cử, với mặt hàng xi-măng, PGS, TS Lương Đức Long, Phó Chủ tịch, Tổng thư ký Hiệp hội Xi-măng Việt Nam chia sẻ, hiện nay, thị trường hứa hẹn phát triển trong CPTPP là Chile, Mexico và Peru nhưng khó khăn đối với những thị trường này là vấn đề vận tải, do vị trí ở rất xa. Tuy nhiên, không phải cả 10 quốc gia đều có nhu cầu lớn về xi-măng. Bên cạnh đó, nhiều quốc gia đang gặp khó khăn do khoảng cách xa, đặc biệt, giá tàu biển lên cao trong 2 năm vừa qua cũng là một trong những trở ngại với sản phẩm của Việt Nam.
TS Lê Duy Bình, Giám đốc điều hành Economica Việt Nam chia sẻ thêm, rào cản lớn nhất khiến doanh nghiệp khó tận dụng được các lợi thế của Hiệp định
CPTPP chính là quy định về xuất xứ hàng hóa. Điều này đòi hỏi doanh nghiệp phải có quá trình sản xuất, mua nguyên liệu, canh tác… theo tiêu chuẩn; cũng như đòi hỏi doanh nghiệp sẽ phải tập hợp các hồ sơ chứng từ chứng minh nguồn gốc hàng hóa, chỉ dẫn hàng hóa, C/O...
Ngoài ra, còn có một số vấn đề khác chính là năng lực cạnh tranh, nguồn lực của doanh nghiệp. Như để xuất khẩu gạo đáp ứng các yêu cầu về ưu đãi thuế quan đòi hòi doanh nghiệp phải đáp ứng được yêu cầu về vốn, công nghệ… hay như dệt may, để đạt tiêu chí về nguyên liệu trong khối cũng là không thể dễ dàng… Yêu cầu về đặc thù hàng hóa, phải sản xuất lại về hàm lượng nội vùng cần thời gian nhất định.
“Bên cạnh đó, hạn chế hiện nay chính là thông tin về CPTPP, để đạt ưu đãi thuế quan… còn khá thiếu vắng đối với doanh nghiệp. Một phần do cách thức cung cấp thông tin từ phía cơ quan quản lý cũng như doanh nghiệp còn chưa chủ động hoặc bận rộn để tiếp cận các nội dụng về hiệp định”, TS Lê Duy Bình chia sẻ.
Hiệp định CPTPP được thiết kế để làm gia tăng hoạt động thương mại giữa các nước thành viên. Trong thời gian qua, mối quan tâm xuất khẩu của chúng ta đó là tiếp cận, mở rộng tới thị trường đối tác của CPTPP, nhất là các thị trường mà trước đây chúng ta chưa có FTA. Chúng ta đã đạt được kết quả rất tích cực và rất đáng khích lệ.
Tuy nhiên, theo các chuyên gia, ta không nên chỉ tận dụng cơ hội để gia tăng xuất khẩu vào thị trường đó, mà chúng ta cần phải có cách nhìn rộng hơn. Bởi, khi chúng ta chăm chú xuất khẩu vào thị trường này, thì cũng có thể dễ dàng nhận thấy hàng hóa từ các thị trường này đang xâm nhập vào Việt Nam rất mạnh. Điều này đặt ra vấn đề chúng ta phải quan tâm, đó là doanh nghiệp phải nâng cao năng lực cạnh tranh, không chỉ nâng cao kim ngạch xuất khẩu vào thị trường Bắc Mỹ, các thị trường CPTPP, mà cần chuẩn bị cho một sự cạnh tranh khốc liệt hơn từ các thị trường CPTPP và các quốc gia thành viên của các Hiệp định khác tại thị trường nội địa.
Ta cũng nên coi đây là một cơ hội để đổi mới, nâng cấp năng lực cho doanh nghiệp Việt Nam nhất là về quy trình sản xuất, đáp ứng các tiêu chí bền vững, lao động, đổi mới sáng tạo, nâng cao năng suất… Đây chính là lợi thế chúng ta thu được trước áp lực của hội nhập, qua đó để có sức cạnh tranh mạnh mẽ hơn trên thị trường nội địa và có khả năng thâm nhập các thị trường khác ngoài CPTPP.
“Bên cạnh đó, thương mại đi trước và đầu tư đi theo. CPTPP đang tạo nhiều cơ hội thu hút nguồn đầu tư chất lượng cao hơn từ các thành viên CPTPP. Nếu tận dụng được thì chất lượng đầu tư vào Việt Nam sẽ tăng lên. Ngược lại, trong tương lai, doanh nghiệp có thể đầu tư sang quốc gia CPTPP chứ không chỉ tập trung tăng trưởng xuất nhập khẩu”, TS Lê Duy Bình chỉ rõ.
Theo nhandan.vn
Liên kết website
Ý kiến ()