Tất cả chuyên mục
Thứ Hai, 23/12/2024 16:48 (GMT +7)
"Cú hích" từ đổi mới hoạt động ở Bảo tàng Quảng Ninh
Chủ nhật, 19/03/2023 | 09:09:51 [GMT +7] A A
Đổi mới không gian trưng bày, ứng dụng công nghệ số, đa dạng hóa các trải nghiệm... là những điểm mới, đang được kỳ vọng tạo ra sức bật thu hút khách tới Bảo tàng Quảng Ninh.
Thời gian gần đây, Bảo tàng Quảng Ninh những ngày cuối tuần, lượng khách đã đông trở lại. Du khách trẻ là thanh thiếu niên, học sinh các đoàn tỉnh ngoài thích thú với không gian trưng bày đại dương đẹp mắt. Học sinh tiểu học lại thích tham quan, tìm hiểu về lịch sử, bị hút vào khu trưng bày bảo vật. Nhiều đoàn lại thích thú cảnh quan bên ngoài với chụp ảnh check-in...
Theo các cán bộ trực soát vé của Bảo tàng, ngày thường Bảo tàng đón khoảng 300 - 400 khách, dịp cuối tuần tới hơn 1.000 khách. Những thay đổi gần đây đã thu hút lượng khách tới bảo tàng đông hơn.
“Bảo tàng Quảng Ninh được đầu tư quy mô, hiện đại và có không gian đẹp. Tuy nhiên, qua 10 năm trưng bày cũng đặt ra những yêu cầu cần phải đổi mới. Chúng tôi chú trọng gia tăng trải nghiệm để gây ấn tượng với khách nhiều hơn” - ông Đỗ Quyết Tiến, Giám đốc Bảo tàng chia sẻ.
Theo ông Tiến, Bảo tàng Quảng Ninh đang lưu giữ khoảng 65.000 hiện vật, trong đó có khoảng 3.000 hiện vật được trưng bày theo các chủ đề, ở các không gian khác nhau. Trong đó, có 12 bảo vật Quốc gia. Thay vì trưng bày ở một không gian, nay 4 trong số 12 bảo vật được đưa vào không gian trưng bày theo lịch đại, hành trình lịch sử. Chẳng hạn như hộp vàng Ngọa Vân được phát hiện ở Đông Triều, sẽ đưa vào không gian trưng bày nhà Trần, coi là điểm nhấn, hiện vật “đinh”. Điều tương tự được áp dụng cho các bảo vật: Trống đồng Quảng Chính, Bình gốm Hoàng Tân…
Cùng với đổi mới trưng bày, Bảo tàng Quảng Ninh cũng xây dựng lại các bài thuyết minh, sưu tầm những câu chuyện thú vị xung quanh các bảo vật. Phần trưng bày về biển được bổ sung hàng trăm mẫu vật thuỷ sản... Bảo tàng cũng dự kiến bố trí khu trưng bày sinh động về chim ở tầng 1, dựng lên không gian thiên nhiên, tạo nét mới và cũng để giảm tải cho không gian trưng bày khác.
Hòa cùng xu hướng chuyển đổi số, việc quan tâm triển khai bảo tàng 4.0 cũng đang được định hình. Đó là việc ứng dụng công nghệ 3D tạo hình ảnh, âm thanh sinh động cho hoạt động khai thác than trong lò hoặc việc trang bị màn chiếu ở khu sa bàn trình chiếu clip ngắn giới thiệu về lịch sử ngành than...
Tương tự ở khu trưng bày bác Hồ với Quảng Ninh, tạo hình 3D bác Hồ sinh động được thiết kế gắn với các hoạt động của người ở Quảng Ninh. Các hình ảnh 3D trên đều sẽ được thiết kế theo dạng cảm ứng, tự động theo bước chân tới tham quan của du khách. Điều này hứa hẹn tạo ra sức hấp dẫn, sự mới mẻ cho Bảo tàng.
Bắt kịp xu hướng chuyển đổi số, Bảo tàng Quảng Ninh rất quan tâm tới hệ thống thuyết minh tự động, thiết lập bảo tàng ảo, hệ thống kiểm soát vé thông qua mã QR nhanh chóng tạo thuận lợi cho hơn 1.000 khách tham quan dịp cao điểm. Có thể thấy những định hướng đầu tư công nghệ này sẽ giúp du khách gia tăng trải nghiệm, tăng sức hút cho chuyến tham quan.
Ngoài ra, đón đầu khách tham quan mùa du lịch hè, Bảo tàng Quảng Ninh sẽ tái khởi động các chương trình trải nghiệm hè cho học sinh. Ngoài các trò chơi, không gian giải trí đã có, Bảo tàng dự kiến sẽ thiết kế các hoạt động trải nghiệm nặn gốm, trải nghiệm lịch sử gắn với các bảo vật, các chương trình "học mà chơi" cho học sinh.
Có thể thấy, những cách làm mới hoạt động Bảo tàng đã và đang tạo nên những tác động tích cực để Bảo tàng ngày càng hấp dẫn hơn
Hà Phong
Liên kết website
Ý kiến ()