Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 22/11/2024 10:00 (GMT +7)
Cụ thể hóa nhiệm vụ phát triển bền vững các vùng miền
Thứ 6, 17/12/2021 | 08:22:11 [GMT +7] A A
Các giải pháp cụ thể, đồng bộ đang được Quảng Ninh triển khai để tiếp tục nâng cao chất lượng đời sống vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS), miền núi, biên giới, hải đảo, hướng tới thu hẹp khoảng cách chênh lệch vùng, miền.
Với Đề án 196 được triển khai trong giai đoạn 2017-2020, Quảng Ninh đã hoàn thành Chương trình 135 trước 1 năm so với lộ trình đề ra. Nhờ có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự tham gia tích cực của người dân, tỉnh đã huy động nguồn ngân sách và các nguồn lực xã hội gần 1.800 tỷ đồng để xây dựng gần 700 công trình hỗ trợ thực hiện các tiêu chí, điều kiện về hạ tầng kỹ thuật, văn hóa xã hội, phát triển sản xuất cho vùng miền núi, biên giới, hải đảo... Mức thu nhập bình quân đầu người tại các xã, thôn vùng đặc biệt khó khăn gấp hơn 2,5 lần so với năm 2015; các chính sách an sinh xã hội được thực hiện đầy đủ, kịp thời; an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được đảm bảo, chủ quyền an ninh biên giới được giữ vững...
Để tiếp tục cụ thể hoá các nghị quyết, chủ trương về giảm nghèo bền vững trong giai đoạn mới, ngày 17/5/2021, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh ban hành Nghị quyết số 06-NQ/TU “Về phát triển bền vững kinh tế - xã hội gắn với bảo đảm vững chắc quốc phòng - an ninh ở các xã, thôn, bản vùng đồng bào DTTS, miền núi, biên giới, hải đảo giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030”. Tại kỳ họp thứ 2, HĐND tỉnh khóa XIV đã thông qua Nghị quyết số 16/2021/NQ-HĐND “Phê duyệt Chương trình tổng thể phát triển bền vững kinh tế - xã hội gắn với bảo đảm vững chắc quốc phòng - an ninh ở các xã, thôn, bản vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, biên giới, hải đảo giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030”. Chủ trương đầu tư theo chương trình này cũng đã được HĐND tỉnh quyết định phê duyệt tại kỳ họp thứ 5 tổ chức ngày 13/11 vừa qua.
Ngay sau khi Nghị quyết số 06-NQ/TU và Nghị quyết số 16/2021/NQ-HĐND được ban hành, các địa phương trong tỉnh đã phổ biến, quán triệt, xây dựng chương trình hành động, kế hoạch, đề án, cân đối nguồn lực tổ chức thực hiện hiệu quả Nghị quyết. Trong đó, bám sát những nhiệm vụ trọng tâm thực hiện đến năm 2025 mà tỉnh đề ra, như: Phát triển, hoàn thiện kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ; nâng cao hiệu quả thu hút đầu tư và chuyển dịch cơ cấu kinh tế; phát triển các mô hình sản xuất, hợp tác xã, doanh nghiệp; phát triển giáo dục đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu lao động; phát triển du lịch cộng đồng bền vững và thương mại biên giới ở những nơi có điều kiện...
Tại huyện Bình Liêu, trên cơ sở nội dung Nghị quyết số 06-NQ/TU, Huyện ủy đã xây dựng Chương trình hành động với những chỉ tiêu cụ thể đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Đây là cơ sở để huyện tập trung lãnh đạo, chỉ đạo các tổ chức cơ sở đảng trực thuộc nhanh chóng triển khai ngay các nhiệm vụ trọng tâm ngắn hạn cũng như của cả nhiệm kỳ theo Nghị quyết đã đề ra. Theo ông Dương Ngọc Khoa, Trưởng Ban Tuyên giáo Huyện ủy, huyện xác định khâu đột phá là tập trung phát huy tiềm năng, thế mạnh về cảnh quan thiên nhiên biên giới, truyền thống văn hóa các dân tộc để phát triển du lịch cộng đồng; phát huy thế mạnh cặp Cửa khẩu Hoành Mô (Việt Nam) - Động Trung (Trung Quốc) để đẩy mạnh phát triển dịch vụ trên địa bàn...
Tại TP Móng Cái, qua các hội nghị học tập quán triệt nghị quyết, hội nghị Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố..., các đại biểu tích cực thảo luận, tham gia ý kiến về Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 06-NQ/TU của thành phố. Thành phố có 4 xã tuyến miền núi và biển đảo là Hải Sơn, Bắc Sơn, Vĩnh Trung, Vĩnh Thực. Trong năm 2021, các nhiệm vụ cụ thể về sản xuất phát triển kinh tế biển, kinh tế rừng gắn với bảo vệ vững chắc chủ quyền an ninh biên giới quốc gia, an ninh chính trị, trật tự vùng nông thôn, biển đảo... được 4 xã khẩn trương triển khai, cơ bản đạt chỉ tiêu đề ra cho cả năm. Đặc biệt là quan tâm chỉ đạo thực hiện đầy đủ, có hiệu quả nhất các chính sách dân tộc, góp phần quan trọng thực hiện thành công “mục tiêu kép” trong bối cảnh dịch Covid-19 còn diễn biến phức tạp.
Các địa phương miền núi, biên giới, hải đảo của tỉnh cũng đang nỗ lực, cụ thể hoá mục tiêu các nghị quyết của tỉnh, nhằm đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội địa phương, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân, góp phần thu hẹp khoảng cách các vùng, miền trong tỉnh.
Hoàng Giang
Liên kết website
Ý kiến ()