Tất cả chuyên mục
Thứ Hai, 23/12/2024 12:33 (GMT +7)
Cục Hải quan tỉnh và TX Quảng Yên dẫn đầu DDCI Quảng Ninh 2021
Thứ 5, 20/01/2022 | 14:53:40 [GMT +7] A A
Ngày 20/1, UBND tỉnh tổ chức hội nghị công bố kết quả DDCI Quảng Ninh năm 2021. Đây là năm thứ 7 sự kiện thường niên được tỉnh tổ chức để đánh giá, xếp hạng năng lực cạnh tranh của 13 địa phương và 22 sở, ngành trên địa bàn tỉnh.
Dự hội nghị, về phía Trung ương có ông Phạm Tấn Công, Bí thư Đảng đoàn, Chủ tịch VCCI; đại diện lãnh đạo Viện Nghiên cứu quản lý Kinh tế Trương ương (Bộ Kế hoạch và Đầu tư); lãnh đạo Cục Cải cách hành chính (Văn phòng Chính phủ); các chuyên gia về PCI Việt Nam; VCCI khu vực Đồng bằng sông Hồng; các cơ quan Trung ương theo ngành dọc.
Về phía tỉnh Quảng Ninh có các đồng chí: Nguyễn Xuân Ký, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Nguyễn Tường Văn, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; Bùi Văn Khắng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Tổ trưởng Tổ PCI Quảng Ninh; các đồng chí lãnh đạo Tỉnh ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ và các đoàn thể tỉnh; đại diện lãnh đạo các sở, ban, ngành; lãnh đạo các huyện, thị xã, thành phố và đại diện các hiệp hội, tổ chức doanh nghiệp, các nhà đầu tư trên địa bàn tỉnh.
Phát biểu khai mạc hội nghị, đồng chí Nguyễn Xuân Ký, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, khẳng định: Đại dịch Covid-19 diễn biến hết sức phức tạp đã gây ra nhiều tác động tiêu cực tới Quảng Ninh. Tuy nhiên, nhờ bám sát sự chỉ đạo của Trung ương và thực tiễn địa phương, tỉnh đã sáng tạo, chủ động, linh hoạt thích ứng an toàn, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19 theo phương châm “3 trước, 4 tại chỗ”, với tinh thần tích cực, chủ động, từ xa, từ sớm, từ cơ sở. Tỉnh cũng đã triển khai chiến lược vắc-xin chủ động, thần tốc, đi trước, làm trước, tuyệt đối an toàn, đạt tỷ lệ bao phủ cao và sớm nhất trong cả nước.
Nhờ đó, Quảng Ninh đã thực hiện thắng lợi “mục tiêu kép” năm 2021, vừa chăm lo bảo vệ sức khỏe nhân dân, vừa giữ vững sự ổn định KT-XH và đà tăng trưởng hai con số trong 6 năm liên tiếp (2016-2021), thu ngân sách nội địa trên 42.000 tỷ đồng, đứng ở tốp đầu cả nước, hoàn thành toàn diện các mục tiêu, chỉ tiêu năm 2021.
Tổng vốn thu hút đầu tư ngoài ngân sách đạt 360.774 tỷ đồng, trong đó thu hút FDI thế hệ mới có bước đột phá, đạt trên 1 tỷ USD, gấp 2,67 lần so với cùng kỳ. Tổng vốn đầu tư toàn xã hội đạt 93.938 tỷ đồng, tăng trên 10% so với cùng kỳ năm 2020. Năng suất lao động xã hội bình quân đạt khoảng 320 triệu đồng/người/năm, tăng 9,6% so với cùng kỳ. Có 2.055 đơn vị, doanh nghiệp đăng ký thành lập mới, tăng 2% so với cùng kỳ; lũy kế toàn tỉnh có 16.800 doanh nghiệp. GRDP bình quân đầu người năm 2021 đạt trên 7.600 USD. Tỷ lệ hộ nghèo theo tiêu chí đa chiều chỉ còn 0,1%...
Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh cũng nhấn mạnh, những kết quả, dấu ấn đậm nét Quảng Ninh đạt được chính là kết tinh từ truyền thống cách mạng, văn hóa, từ sự năng động, tự lực, tự cường và khát vọng đổi mới, sáng tạo, sức mạnh của sự đoàn kết, thống nhất, chung sức, đồng lòng của Đảng bộ, hệ thống chính trị, các tầng lớp nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp toàn tỉnh. Đây cũng là sự khẳng định chủ trương đúng đắn trong việc kiên trì thực hiện mục tiêu giữ vững vị trí nhóm đầu về các chỉ số PCI, PAR Index, SIPAS và PAPI đã được xác định tại Nghị quyết Đại hội XV của Đảng bộ tỉnh và năm đầu thực hiện Nghị quyết số 05-NQ/TU ngày 09/4/2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về “đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030”.
Nhấn mạnh về quan điểm của tỉnh Quảng Ninh: “Cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, cải cách hành chính, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh chỉ có điểm bắt đầu, không có điểm kết thúc”, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh gợi mở, chỉ đạo một số vấn đề. Trước hết là nguồn lực và động lực cho thúc đẩy phục hồi và phát triển trong chiến lược thích ứng an toàn. Trong đó nhấn mạnh ý nghĩa kiến tạo phát triển, vai trò quyết định khơi thông của nguồn lực nhân văn, nhân tạo như thể chế, con người, văn hóa, khoa học - công nghệ. Đồng thời gợi mở một số phương hướng để DDCI Quảng Ninh thực sự có ý nghĩa thúc đẩy nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản trị phát triển bền vững địa phương trong tình hình mới. Đặc biệt là việc đổi mới cách tiếp cận, tư duy cải cách phù hợp với xu hướng phát triển và bối cảnh mới để có thể tiếp cận được với các chuẩn mực cao hơn nhằm xây dựng nền hành chính quản lý - quản trị - kiến tạo phát triển, liêm chính, phục vụ người dân, doanh nghiệp và xã hội, tạo lập môi trường kinh doanh công khai, minh bạch, nhất là trước sự phát triển của chính phủ số, nền kinh tế số, xã hội số, công dân số.
Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh cũng lưu ý một số vấn đề, như: Tiếp tục đẩy mạnh thực hiện 3 đột phá chiến lược theo Nghị quyết Đại hội XV của Đảng bộ tỉnh; gắn kết chặt chẽ giữa các mục tiêu tăng trưởng kinh tế với đảm bảo an sinh, phúc lợi, tiến bộ và công bằng xã hội, hài hòa giữa đời sống vật chất và đời sống văn hóa tinh thần theo các tiêu chí của “hạnh phúc”; đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị; khuyến khích tinh thần đổi mới, sáng tạo, “6 dám”: Dám nghĩ, dám nói, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám đổi mới, sáng tạo, dám đương đầu với khó khăn, thử thách, quyết liệt trong hành động vì lợi ích chung; nâng cao đạo đức, trách nhiệm thực thi công vụ của cán bộ, công chức, viên chức, nhất là người đứng đầu trong giải quyết thủ tục hành chính cho người dân và và doanh nghiệp; rèn luyện và thực hành phong cách làm việc khoa học, dân chủ, gần dân, trọng dân, vì dân, bám sát thực tiễn, nói đi đôi với làm, làm quyết liệt, đến cùng và có kết quả, hiệu quả đo lường được với tinh thần “5 thật”: Nghĩ thật, nói thật, làm thật, hiệu quả thật, nhân dân và doanh nghiệp được thụ hưởng thật. Tuyệt đối không được chủ quan, tự mãn với những kết quả đã đạt được và đặc biệt tuyệt đối không được lơ là, chủ quan, mất cảnh giác với dịch Covid-19.
Phát biểu chào mừng tại hội nghị, ông Phạm Tấn Công, Bí thư Đảng đoàn, Chủ tịch VCCI, khẳng định: Tuy phải cùng cả nước trải qua vô vàn khó khăn do đại dịch nhưng Quảng Ninh vẫn là một trong những địa phương đi đầu cả nước về thành tích phát triển kinh tế rất ấn tượng. Quảng Ninh cũng là địa phương có 4 năm liên tiếp dẫn đầu về PCI, đi đầu trong xây dựng và thực hiện bộ chỉ số DDCI; là một dẫn chứng thuyết phục cho sự thành công đến từ việc nỗ lực xây dựng môi trường kinh doanh tốt, không ngừng cải cách, cải thiện để thu hút đầu tư và phát triển.
Chủ tịch VCCI cũng bày tỏ, với kết quả PCI và DDCI của Quảng Ninh thời gian vừa qua, tỉnh chắc chắn sẽ thành công trong tạo dựng được môi trường kinh doanh chuyên nghiệp hơn, thuận lợi hơn.
Theo kết quả được công bố tại hội nghị, ở khối sở, ban, ngành, Cục Hải quan quay trở lại vị trí Quán quân với điểm số 78,48. Có 4/5 đơn vị ở tốp đầu năm 2020 tiếp tục nằm trong nhóm có điểm số “Rất tốt” năm nay. Sở Kế hoạch và Đầu tư quay trở lại nhóm “Rất tốt” thay vị trí của Ngân hàng nhà nước - Chi nhánh Quảng Ninh. Các đơn vị: Ban Quản lý Khu kinh tế, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Du lịch và Sở Thông tin và Truyền thông nằm trong top 5 và thuộc nhóm điểm “Rất tốt”.
Ở khối các huyện, thị xã, thành phố, TX Quảng Yên lấy lại vị trí dẫn đầu với 79,83 điểm; tiếp sau là TX Đông Triều với 73 điểm. Các địa phương: Uông Bí, Bình Liêu, Cẩm Phả lần lượt đứng ở các vị trí tiếp theo và nằm trong nhóm điểm “Rất tốt”. Nhóm 5 địa phương dẫn đầu đã có sự xáo trộn nhất định so với năm ngoái. Huyện Cô Tô và huyện Tiên Yên bị rơi ra khỏi nhóm “Rất tốt”, nhường chỗ cho TX Đông Triều và TP Uông Bí.
Theo báo cáo tổng kết DDCI Quảng Ninh năm 2021, điểm trung vị của cả hai khối năm 2021 đều được cải thiện so với năm 2020. Trong đó khối địa phương đạt 66,72 điểm, tăng gần 3 điểm % so với năm 2020; khối sở, ban, ngành đạt 63,46 điểm, tăng mạnh so với mức 55,2 điểm của năm 2020. Điểm đáng chú ý trong xếp hạng DDCI Quảng Ninh năm nay là chênh lệch điểm số giữa đơn vị đứng đầu và đứng cuối không lớn như những năm trước; các chỉ số thành phần có xu hướng hội tụ điểm về các mức cao hơn.
DDCI Quảng Ninh năm 2021 dựa trên sự tổng hợp ý kiến của khoảng 2.000 doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh cá thể từ danh sách 6.500 doanh nghiệp với 12.500 phiếu gửi đi. Tỷ lệ hồi đáp khối địa phương đạt 34,9% và khối sở, ban, ngành đạt 36,2%.
Năm 2021, DDCI Quảng Ninh chính thức áp dụng triển khai sử dụng platform khảo sát trực tuyến chuyên dụng trên diện rộng, đảm bảo tính định danh và xác thực đối với doanh nghiệp tham gia khảo sát. Phiếu khảo sát năm nay cũng có thêm phần khảo sát ý kiến của doanh nghiệp về những TTHC cụ thể mà các sở, ban, ngành tương tác nhiều với doanh nghiệp và thực trạng phát triển dịch vụ logistics của Quảng Ninh. Khảo sát DDCI Quảng Ninh 2021 cũng tiếp tục sử dụng câu hỏi mở để tiếp thu ý kiến đóng góp, hiến kế của doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh cá thể, từ đó đề xuất, kiến nghị các giải pháp về cơ chế, chính sách của tỉnh, cải thiện quy trình giải quyết TTHC và tinh thần, thái độ của các cấp chính quyền thuộc tỉnh.
Phát biểu tại hội nghị, đồng chí Nguyễn Tường Văn, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, nhấn mạnh: Với nỗ lực và quyết tâm cao, năm 2021, tỉnh Quảng Ninh đã hoàn thành “mục tiêu kép”, vừa phòng chống dịch, vừa phát triển KT-XH và đã đạt được kết quả quan trọng, toàn diện trên các lĩnh vực. Có được những kết quả quan trọng và vui mừng như vậy là nhờ có quyết tâm chính trị cao, sự nỗ lực không ngừng nghỉ và sự đồng thuận phối hợp của cả hệ thống chính trị trên địa bàn tỉnh; sự vào cuộc đầy trách nhiệm của cộng đồng doanh nghiệp, sự tin tưởng, ghi nhận và đánh giá khách quan của cộng đồng doanh nghiệp tỉnh.
Định hướng nhiệm vụ tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao các chỉ số PCI, DDCI trong năm 2022 và giai đoạn tiếp theo, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu các sở, ban, ngành, địa phương tiếp tục chủ động thực hiện hiệu quả công tác phòng chống dịch Covid-19 với quan điểm chỉ đạo “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả Covid-19” để tiếp tục hoàn thành thắng lợi “mục tiêu kép”; chỉ đạo và triển khai thực hiện có hiệu quả Kế hoạch triển khai Nghị quyết số 02 của Chính phủ, Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 05-NQ/TU của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, trong đó gắn trách nhiệm của người đứng đầu trong triển khai thực hiện nhiệm vụ của cơ quan, đơn vị, địa phương. Đồng thời cần tiếp tục đẩy mạnh thực hiện ba đột phá chiến lược, trong đó cải cách mạnh mẽ TTHC; cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh đi vào thực chất và hiệu quả; nâng cao hiệu quả công tác phối hợp liên thông, đơn giản hóa quy trình, thủ tục, nhất là lĩnh vực đầu tư, đất đai, quy hoạch, xây dựng, bảo vệ môi trường... theo phương châm “làm đúng, làm nhanh, làm tốt” phục vụ người dân và doanh nghiệp.
Đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh cũng lưu ý việc phải tiếp tục nâng cao hiệu quả các mô hình tổ công tác hỗ trợ đầu tư, hỗ trợ doanh nghiệp như Tổ Investor Care, Tổ công tác đặc biệt... nhằm tạo sự chuyển biến có chiều sâu về văn hóa thực thi, chất lượng, cam kết của chính quyền; xây dựng văn hóa đồng hành của chính quyền tỉnh với cộng đồng doanh nghiệp. Đồng thời tiếp tục phát huy tinh thần cải cách, tập trung nghiên cứu nghiêm túc báo cáo kết quả khảo sát DDCI 2021, đặc biệt là 7 nội dung khuyến nghị đã được đơn vị tư vấn chỉ ra tại hội nghị để sớm cụ thể hóa bằng các giải pháp, hành động cụ thể.
Đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác xúc tiến đầu tư, thúc đẩy kêu gọi các nhà đầu tư “chim mồi”, “sếu đầu đàn”, tạo động lực dẫn dắt, hình thành, hỗ trợ và thúc đẩy sự phát triển của các doanh nghiệp của tỉnh. Cùng với đó, bộ chỉ số DDCI tỉnh Quảng Ninh cũng cần thường xuyên rà soát, cập nhật và điều chỉnh đảm bảo bám sát với các vấn đề mà cộng đồng doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh quan tâm để kịp thời phát hiện và tháo gỡ những vướng mắc, khó khăn của doanh nghiệp, nâng cao hiệu quả công tác điều hành, quản lý của chính quyền các cấp.
Ngay sau lễ công bố kết quả DDCI Quảng Ninh 2021, UBND tỉnh Quảng Ninh và Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam đã ký kết Bản ghi nhớ về hợp tác triển khai cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh; hỗ trợ doanh nghiệp giai đoạn 2022-2025.
Minh Hà
Liên kết website
Ý kiến ()