Tất cả chuyên mục
Thứ Ba, 19/11/2024 18:46 (GMT +7)
Tăng cường công tác kiểm tra, quản lý thị trường
Thứ 3, 19/11/2024 | 16:06:10 [GMT +7] A A
Dịp cuối năm nhu cầu tiêu dùng tăng cao, đây cũng là thời điểm hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại (BLGLTM), sản xuất, tiêu thụ hàng giả, kém chất lượng diễn biến phức tạp, nhất là dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025. Để bảo vệ quyền lợi và sức khỏe người tiêu dùng, Cục Quản lý Thị trường (QLTT) tỉnh đã chủ động triển khai đợt cao điểm kiểm tra, kiểm soát thị trường dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025 với nhiều giải pháp quyết liệt, phù hợp.
Nhiều kết quả tích cực
Thực hiện nhiệm vụ được giao, thời gian qua, Cục QLTT đã chủ động phối hợp với các ban ngành, địa phương triển khai đồng bộ các biện pháp đấu tranh ngăn chặn có hiệu quả tình trạng buôn bán hàng cấm, hàng nhập lậu, hàng giả, vi phạm sở hữu trí tuệ, không đảm bảo vệ sinh ATTP... diễn ra trên địa bàn.
Cụ thể, Cục đã chỉ đạo các Đội QLTT chủ động phối hợp với các ngành, địa phương, đơn vị làm tốt công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật; vận động các tổ chức, cá nhân kinh doanh trên địa bàn ký cam kết chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật trong kinh doanh thương mại, không buôn bán, vận chuyển, tiêu thụ hàng lậu, hàng cấm. Nội dung, hình thức cũng được triển khai đa dạng, phong phú, phù hợp với từng địa bàn, đối tượng như tổ chức tuyên truyền tập trung, trực tiếp, tuyên truyền thông qua các phương tiện thông tin đại chúng, xây dựng các chuyên mục, phóng sự, tin bài, tổ chức ký cam kết… Trong năm 2024, Cục QLTT tỉnh đã tổ chức tuyên truyền, phổ biến pháp luật đến 11.051 lượt tổ chức, cá nhân kinh doanh; vận động 1.517 lượt tổ chức, cá nhân kinh doanh ký cam kết chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật về kinh doanh thương mại... Qua công tác tuyên truyền, các doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh hiểu được quyền, trách nhiệm và nâng cao ý thức chấp hành pháp luật trong hoạt động kinh doanh thương mại, giúp người tiêu dùng tăng thêm sự hiểu biết và yên tâm khi mua sắm hàng hóa.
Song song với công tác tuyên truyền, lực lượng QLTT của tỉnh cũng đã tăng cường công tác quản lý địa bàn, nắm tình hình cung - cầu, giá cả các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu, kiểm soát, không để nảy sinh vấn đề phức tạp, nổi cộm, kịp thời báo cáo để có biện pháp, phương án, kế hoạch chỉ đạo kiểm tra, kiểm soát, xử lý có hiệu quả các hành vi, dấu hiệu vi phạm. Trong đó, chú trọng công tác kiểm tra chuyên đề như: Tổ chức kiểm tra chuyên đề theo kế hoạch về giá vàng, giá xăng dầu, và giá cả của các mặt hàng phục vụ xây dựng, sửa chữa nhà cửa sau cơn siêu bão Yagi… Với các giải pháp quyết liệt, phù hợp từ đầu năm 2024 đến nay, Cục QLTT tỉnh đã kiểm tra, phát hiện, xử lý 950 vụ với 965 đối tượng và 1.101 hành vi vi phạm với tổng số tiền phạt vi phạm hành chính, bán phát mại, tiêu hủy hàng hóa vi phạm 26,93 tỷ đồng.
Mặc dù đã có nhiều biện pháp đấu tranh, ngăn chặn nhưng tình hình BLGLTM, hàng giả trên địa bàn tỉnh thời gian qua vẫn diễn ra, nhất là trên không gian mạng. Lợi dụng đặc điểm của môi trường thương mại điện tử là kinh doanh không biên giới, các tổ chức, cá nhân có thể dễ dàng lập và sử dụng nhiều tài khoản khác nhau để thực hiện việc kinh doanh hàng hóa trên các nền tảng mạng xã hội, như: Zalo, facebook, tiktok...; đăng ký gian hàng trên website thương mại điện tử để kinh doanh tiềm ẩn nguy cơ buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, vi phạm sở hữu trí tuệ, hàng hóa không rõ nguồn gốc, xuất xứ, kém chất lượng, không đảm bảo ATTP.
Các hành động này gây khó khăn cho lực lượng QLTT trong công tác xác minh địa điểm, kho hàng... Mặt khác, chủ các gian hàng thường không có địa điểm kinh doanh cố định, có trường hợp hàng hóa không có tại điểm kinh doanh mà người bán chỉ đặt hàng từ địa chỉ mua bán khác khi người mua có yêu cầu. Một số đối tượng có địa điểm kinh doanh và kho hàng ngoài địa bàn tỉnh. Hàng hóa được phân tán, nhỏ lẻ, cất giấu ở nhiều nơi, thậm chí chỉ bán hàng qua cộng tác viên, trung gian. Điều này đang gây ra nhiều khó khăn, thách thức cho lực lượng chức năng trong công tác QLTT.
Tại Quảng Ninh, thời gian qua lực lượng quản lý thị trường đã liên tục phát hiện, đấu tranh, bắt giữ hàng loạt các trường hợp vi phạm. Nhiều vụ việc sử dụng mạng xã hội kinh doanh hàng nhập lậu, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ đã được chuyển hồ sơ cho cơ quan điều tra tiếp tục thẩm tra, xác minh và xử lý theo quy định của pháp luật. Đặc biệt, vào thời điểm cuối năm, khi mua sắm của người tiêu dùng vào giai đoạn cao điểm, lợi dụng nền tảng thương mại điện tử và dịch vụ chuyển phát nhanh, các đối tượng sẽ đẩy mạnh thực hiện các hành vi vi phạm về kinh doanh hàng giả, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ, hàng không rõ nguồn gốc, xuất xứ...
Tăng cường kiểm tra, kiểm soát
Hiện nay, các tổ chức, cá nhân đang chuẩn bị hàng với số lượng lớn phục vụ Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025. Theo kinh nghiệm của lực lượng QLTT, các năm trước thời điểm giáp Tết lưu thông hàng hóa chắc chắn sẽ tăng, cùng với đó những vi phạm hàng giả, hàng kém chất lượng được dự báo sẽ có những diễn biến phức tạp. Đặc biệt, do ảnh hưởng của cơn bão số 3 vừa qua, gây nhiều thiệt hại về cơ sở hạ tầng, nên nhu cầu mua vật liệu xây dựng để sửa chữa các công trình, nhà cửa của người dân tăng mạnh. Nhất là những tháng cuối năm này, khi nhu cầu mua vật liệu xây dựng để sửa chữa nhà cửa đón Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025 sẽ tăng, nên dự báo các mặt hàng này sẽ tiềm ẩn nguy cơ diễn biến phức tạp, nếu không được kiểm soát tốt.
Để giữ vững ổn định thị trường, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, các doanh nghiệp làm ăn chân chính, bám sát các văn bản chỉ đạo của Trung ương, của tỉnh, trọng tâm là Kế hoạch số 13/KH-TCQLTT ngày 22/10/2024 về cao điểm chống BLGLTM và hàng giả các tháng cuối năm 2024; dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán Ất Tỵ năm 2025 của Tổng cục QLTT, Cục QLTT tỉnh Quảng Ninh ban hành Kế hoạch số 1004/KH-QLTTQN về triển khai đợt cao điểm chống BLGLTM và hàng giả các tháng cuối năm 2024; dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán Ất Tỵ năm 2025. Trong đó, Cục đã chỉ đạo các Đội QLTT tăng cường công tác trinh sát, nắm bắt địa bàn, đối tượng, mặt hàng trọng điểm để xây dựng kế hoạch, phương án giữ bình ổn thị trường.
Việc kiểm tra, kiểm soát sẽ tập trung ở các địa bàn có sức tiêu thụ lớn: TP Hạ Long, Cẩm Phả, Móng Cái… Trong đó, lực lượng QLTT sẽ tập trung kiểm tra việc chấp hành các quy định của pháp luật về quản lý chất lượng hàng hóa, tiêu chuẩn chất lượng, quy chuẩn kỹ thuật đối với các mặt hàng thực phẩm, phân bón, xăng dầu, đồ điện gia dụng, hàng tiêu dùng. Cùng với đó, tập trung kiểm tra, kiểm soát thị trường và xử lý nghiêm vi phạm hành chính đối với những mặt hàng có nhu cầu tiêu dùng cao trong dịp cuối năm và Tết Nguyên đán như pháo nổ, pháo hoa các loại, thuốc lá, xăng dầu, khí dầu mỏ hóa lỏng, rượu, bia, nước giải khát, thực phẩm, hàng điện tử, điện lạnh, quần áo, giầy dép, gia súc, gia cầm, các sản phẩm gia súc, gia cầm...
Cục QLTT tỉnh cũng sẽ tăng cường phối hợp, kiểm soát hàng hóa kinh doanh trên môi trường online như sàn thương mại điện tử, website, các mạng xã hội như Facebook, TikTok, Zalo; kiểm tra chất lượng, nguồn gốc, xuất xứ hàng hóa, việc chấp hành các quy định của pháp luật về tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia và công bố tiêu chuẩn chất lượng hàng hóa, an toàn thực phẩm... Qua đó, kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.
Đơn vị cũng sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các ngành, lực lượng chức năng như: Công an, Hải quan, Bộ đội Biên phòng... thường xuyên rà soát, kiểm tra trên khâu lưu thông, nhất là hàng hóa vận chuyển từ biên giới vào nội địa (cả trên tuyến đường bộ và đường biển), các kho hàng, bến bãi, điểm tập kết hàng hóa, trung tâm thương mại, siêu thị, chợ đầu mối, các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm; kiên quyết xử lý nghiêm đối với những cơ sở kinh doanh đã ký cam kết vi phạm... Cục QLTT tỉnh cũng sẽ tăng cường phối hợp với các cơ quan thông tấn, báo chí, truyền thông đưa tin về hoạt động kiểm tra, xử lý vi phạm trong đợt cao điểm.
Theo lãnh đạo Cục QLTT tỉnh để giữ vững ổn định thị trường dịp cuối năm, xây dựng văn minh thương mại trên địa bàn tỉnh, bên cạnh sự vào cuộc của các cấp, các ngành chức năng, thì trách nhiệm của người dân cũng rất quan trọng. Do đó, mỗi người nên hình thành thói quen mua sắm, tiêu dùng hàng hóa từ những cơ sở kinh doanh rõ địa chỉ, có uy tín trên thị trường, chỉ mua hàng hóa sản phẩm có đầy đủ nhãn mác, còn thời hạn sử dụng; không nên mua hàng hóa trôi nổi, không có nhãn mác, nguồn gốc xuất xứ, nhất là những mặt hàng thực phẩm có nhu cầu tiêu thụ cao trong dịp Tết. Bên cạnh đó, cần quan tâm phản ánh đầy đủ, chính xác đến cơ quan QLTT và các cơ quan chức năng về những doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh có những sai phạm để kịp thời kiểm tra, xử lý nghiêm.
Cục QLTT hiện có trên 150 CBCC thuộc 11 đội QLTT và phòng chuyên môn. Để thực hiện tốt nhiệm vụ được giao, thời gian qua, Cục QLTT tỉnh đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp, trong đó có việc tăng cường đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao năng lực chuyên môn trong phòng chống và xử lý vi phạm, nhất là vi phạm trên môi trường mạng cho đội ngũ cán bộ của đơn vị.
Đối tượng tập huấn, đào tạo, bồi dưỡng là những kiểm soát viên trẻ, lực lượng nòng cốt trong triển khai thực hiện nhiệm vụ liên quan tới lĩnh vực thương mại điện tử. Nội dung tập trung vào việc truyền đạt, chia sẻ kinh nghiệm thực tế xử lý những vụ việc vi phạm điển hình; bàn các giải pháp chuyên sâu để triển khai có hiệu quả công tác kiểm tra, xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực thương mại điện tử.
|
Nguyễn Chiến
Liên kết website
Ý kiến ()