Tất cả chuyên mục
Thứ Hai, 23/12/2024 18:41 (GMT +7)
Cùng doanh nghiệp vượt khó trong cuộc chiến chống Covid-19
Thứ 2, 09/08/2021 | 09:16:19 [GMT +7] A A
Tại Hội nghị trực tuyến của Chính phủ với các doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp ngày 8/8, đại diện các hiệp hội và doanh nghiệp đã kiến nghị Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương nhiều chính sách nhằm tháo gỡ vướng mắc hiện nay. Trong đó, đặc biệt nhấn mạnh việc duy trì ổn định chuỗi cung ứng, không để bị “đứt gãy” và hỗ trợ trực tiếp cho người lao động để có nguồn nhân lực bước vào giai đoạn phục hồi sản xuất ngay sau khi dịch Covid-19 được kiểm soát.
Khó khăn chồng chất
Theo đại diện Bộ Kế hoạch và Ðầu tư, đợt dịch Covid-19 bùng phát lần thứ tư, nhất là từ tháng 7, các doanh nghiệp đã bị tổn thương lại càng khó khăn hơn bao giờ hết. Nguồn lực dự trữ cạn dần trong khi thị trường chưa có dấu hiệu phục hồi hoặc phục hồi rất chậm. Kết quả khảo sát cho thấy sức chống chịu của khu vực doanh nghiệp tiếp tục suy giảm, số thành lập mới trong tháng 7 giảm 34% so cùng kỳ năm trước; bảy tháng đầu năm nay, doanh nghiệp đăng ký thành lập mới chỉ tăng 0,8% so cùng kỳ, là mức thấp nhất trong giai đoạn 2016-2020 (trung bình 8,1%).
Dòng tiền bị thiếu hụt nghiêm trọng khiến doanh nghiệp rất khó khăn để trang trải các khoản chi phí nhằm duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh. Tình trạng thiếu nghiêm trọng công-ten-nơ rỗng, giá thuê công-ten-nơ tăng 5 - 10 lần, chi phí vận chuyển logistics tăng 2 - 4 lần, có thời điểm lên đến 5 lần so với trước khi có dịch, khiến doanh nghiệp kiệt sức. Nhiều khoản chi phí mới phát sinh liên quan công tác phòng, chống dịch như: xét nghiệm; đầu tư trang thiết bị đáp ứng điều kiện về kiểm soát an toàn dịch bệnh. Chuỗi cung ứng sản xuất, tiêu dùng và xuất khẩu bị gián đoạn, đình trệ cục bộ, nhiều doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu bị ảnh hưởng phải trì hoãn hoặc hủy đơn hàng, nếu dịch kéo dài có thể bị mất thị trường do bạn hàng thay đổi chuỗi cung ứng,...
Theo Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS) Vũ Ðức Giang, ngành dệt may gặp phải khó khăn lớn do khách hàng đang chuyển đơn hàng khỏi Việt Nam vì giãn cách xã hội, thậm chí mất đơn hàng lên đến hàng trăm triệu USD.
Phó Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) Nguyễn Hoài Nam cho hay, TP Hồ Chí Minh và các tỉnh phía nam chiếm 70% sản lượng thủy sản của toàn ngành. Ðến vụ thủy sản tới, do cá, tôm... quá lứa hiện nay, dự kiến sản xuất của bà con sẽ gặp nhiều khó khăn. VASEP đang hết sức lo lắng vì chi phí tiền điện quá lớn, doanh nghiệp mong mỏi được hỗ trợ về tiền và nguồn điện ổn định để phục vụ cấp đông.
Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) J.Caldagues bày tỏ, các doanh nghiệp thuộc hiệp hội đang gặp khó khăn trong vận chuyển hàng hóa từ TP Hồ Chí Minh ra miền bắc và xuất khẩu; mong muốn Chính phủ tạo điều kiện thuận lợi hơn cho các chuyên gia nước ngoài nhập cảnh vào Việt Nam; thúc đẩy mạnh mẽ chiến lược vắc-xin, cũng như tạo điều kiện cho doanh nghiệp chủ động trong việc tìm kiếm nguồn và tiêm vắc-xin. Hầu hết các doanh nghiệp đều lo lắng về lực lượng lao động, nguồn nhân lực có nguy cơ “đứt gãy” do vừa qua người lao động về quê tránh dịch.
Nhất trí ý kiến của các doanh nghiệp về tầm quan trọng của lực lượng lao động, Bộ trưởng Lao động - Thương binh và Xã hội Ðào Ngọc Dung cho rằng, doanh nghiệp và người lao động là tế bào quan trọng trong phát triển nền kinh tế đất nước, vì thế quan tâm đến lực lượng lao động là vấn đề sống còn hiện nay. Chúng ta đang bị “đứt gãy” chuỗi cung ứng, khủng hoảng việc làm. Các doanh nghiệp đang đối mặt với vấn đề duy trì cung ứng hàng hóa và bảo đảm lực lượng lao động. Nếu để “đứt gãy” về nguồn nhân lực, lao động, sẽ khiến doanh nghiệp phải mất tới 27 tháng mới có thể phục hồi.
Ðồng hành cùng doanh nghiệp
Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Vũ Tiến Lộc khẳng định, gói hỗ trợ mà cộng đồng doanh nghiệp đang trông chờ nhất từ Chính phủ chính là tăng cường cải cách thể chế. Ðây là nền tảng giúp doanh nghiệp vượt qua khó khăn, tạo điều kiện bứt phá sau này, còn có ý nghĩa hơn cả việc giảm thuế và giảm lãi suất ngân hàng. Cộng đồng doanh nghiệp rất hoan nghênh việc Chính phủ thành lập Tổ công tác rà soát vướng mắc về thể chế và Tổ công tác tháo gỡ các dự án.
Ðề xuất hỗ trợ ngành du lịch vượt qua khó khăn, Chủ tịch Hội đồng Tư vấn du lịch (TAB) Trần Trọng Kiên kiến nghị Chính phủ tạo sự thông thoáng, mở cửa biên giới; trước tiên là mở cửa du lịch trong nước, tạo “vùng xanh”, liên kết các “vùng xanh” với nhau, áp dụng kết nối công nghệ giữa Việt Nam với nước ngoài, giúp ngành du lịch phục hồi. Chính phủ nên xem xét thí điểm mở cửa biên giới ở địa phương nhỏ dưới 50 nghìn khách trong vòng ba tháng như ở Vân Ðồn, Phú Quốc,... Ngành du lịch cam kết đồng hành cùng Chính phủ trong tiến trình này.
Bộ trưởng Công thương Nguyễn Hồng Diên chia sẻ, dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp làm nảy sinh tư tưởng cực đoan trong phòng, chống dịch ở một vài nơi, là “khắc tinh” cho phục hồi sản xuất. Nếu không phòng, chống được dịch thì không làm ăn được, nhưng cực đoan sẽ khiến mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội không thực hiện được. Không giao thương thì mất đơn hàng, mất thị trường. Tổng cầu thế giới đang lên, kinh tế thế giới phục hồi trở lại, do đó cần chớp cơ hội để nhanh chóng ổn định và phát triển sản xuất.
Bộ Công thương đề nghị các địa phương thực hiện đúng chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, không tự áp đặt quy định riêng. Hàng hóa gì cũng là thiết yếu, trừ hàng cấm, còn doanh nghiệp cần tuân thủ quy định của Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương, không sản xuất bằng mọi giá. Chính phủ cần hỗ trợ các doanh nghiệp thu mua tạm trữ lương thực, khôi phục trở lại các nhà máy chế biến nông, thủy sản thì mới tiêu thụ hết.
Bộ Công thương sẽ bàn với Tập đoàn Ðiện lực Việt Nam xem xét, ưu tiên giảm tiền điện đối với nhóm bảo quản chế biến nông, thủy, hải sản. Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội nhất trí ý kiến của các doanh nghiệp tư nhân lớn như TH True Milk, Masan,... và nhiều doanh nghiệp khác, đề nghị Chính phủ ưu tiên tiêm vắc-xin cho lực lượng lao động những khu vực tăng trưởng, công nhân các khu công nghiệp, khu công nghệ cao,... để duy trì chuỗi sản xuất và cung ứng.
Ðồng tình việc tháo gỡ khó khăn về lãi suất, trả lương, bảo đảm mục tiêu bảo đảm an sinh xã hội cũng như hỗ trợ tiền điện, lãi suất cho các doanh nghiệp gặp khó khăn để dự trữ hàng hóa, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành nhấn mạnh, cần tập trung cao độ tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy dự án đầu tư công, đầu tư xây dựng cơ bản, đưa các dự án, nhà máy đi vào hoạt động để tạo tăng trưởng. Chúng ta xác định lưu thông hàng hóa là quyết định, cần chấn chỉnh việc một số địa phương thực hiện cứng nhắc về phòng, chống dịch, gây ách tắc trong lưu thông. Tinh thần chung là các địa phương nên kiểm tra điểm đầu và điểm cuối, ứng dụng công nghệ để kiểm soát hành trình, không kiểm tra dọc đường đối với xe vận chuyển hàng hóa.
Ðánh giá rất cao các ý kiến tâm huyết của cộng đồng doanh nghiệp, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã có nhiều chỉ đạo quan trọng và kịp thời. Thủ tướng khẳng định, Ðảng, Nhà nước thấu hiểu và chia sẻ khó khăn với cộng đồng doanh nghiệp. Chính phủ sẽ thành lập Tổ công tác đặc biệt để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp. Bối cảnh hiện nay đặt ra yêu cầu và nhiệm vụ nặng nề cho Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương. Chúng ta cần có các biện pháp chống dịch quyết liệt, kịp thời và hiệu quả, trước hết để bảo vệ sức khỏe, tính mạng và ổn định đời sống của nhân dân. Ðồng thời, giữ vững và phục hồi hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, nỗ lực cao nhất để không đứt gãy chuỗi sản xuất, cung ứng.
“Chính phủ sẽ tiếp nhận các ý kiến, đề xuất của doanh nghiệp qua Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam và các hiệp hội để có chính sách, giải pháp phù hợp. Trong thời gian tới, Chính phủ sẽ bố trí gặp doanh nghiệp theo từng lĩnh vực, từng nhóm ngành nghề để bàn sâu hơn, có giải pháp phù hợp và sát thực hơn. Chính phủ luôn đồng hành, quan tâm, hỗ trợ và giúp đỡ doanh nghiệp lúc khó khăn, trên tinh thần lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ”, Thủ tướng nhấn mạnh.
Theo nhandan.vn
Liên kết website
Ý kiến ()