Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 22/11/2024 02:42 (GMT +7)
Cung ứng xăng dầu sẽ tốt hơn trong thời gian tới
Thứ 5, 17/02/2022 | 08:33:22 [GMT +7] A A
Theo Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương), tại thời điểm này, việc thiếu hụt xăng dầu cục bộ chưa hoàn toàn được khắc phục. Tuy nhiên, tình hình vài ngày tới sẽ tốt hơn khi hàng nhập khẩu về nhiều, áp lực cho các doanh nghiệp giảm xuống.
Hài hòa lợi ích của doanh nghiệp, người dân
Trao đổi với một số cơ quan báo chí ngày 15/2, ông Trần Duy Đông - Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) cho biết, ngày 28/1, Bộ Công Thương có văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ phân tích tình hình thế giới và trong nước, nêu các vấn đề và đưa kiến nghị bao gồm việc cho phép bộ lựa chọn điều hành giá xăng dầu trong kỳ ngày 1/2/2022 được linh hoạt, phù hợp. Tuy vậy, do thời điểm ngày 1/2/2022 trùng với Tết Nguyên đán, yêu cầu bình ổn giá đặt lên hàng đầu nên Chính phủ và Liên Bộ đã cân nhắc chuyển thời điểm điều hành xuống ngày 11/2/2022.
Theo lãnh đạo Vụ thị trường trong nước, với chu kỳ điều chỉnh 10 ngày/lần, Liên Bộ Công Thương - Tài chính đã tính toán phù hợp với tập quán kinh doanh của các doanh nghiệp, chu kỳ để tính Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) và đủ thời gian để cơ quan quản lý Nhà nước cập nhật dữ liệu. "Chính phủ, cơ quan điều hành cũng mong doanh nghiệp thông cảm, chia sẻ bởi khi điều hành giá phải cân nhắc rất nhiều yếu tố từ lợi ích của doanh nghiệp, người dân, mục tiêu quản lý CPI và mục tiêu vĩ mô của Nhà nước", ông Trần Duy Đông nêu cụ thể.
Hiện Bộ Công Thương vẫn đang theo dõi rất sát tình hình, đề xuất phương án phù hợp và hài hòa nhất. Trong đó có phương án đề xuất Thủ tướng Chính phủ cho phép Bộ Công Thương lựa chọn thời điểm điều hành giá phù hợp theo quy định của Nghị định 95/2021/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 83/2014/NĐ-CP ngày 3/9/2014 về kinh doanh xăng dầu là có điều khoản đặc biệt về thời điểm điều hành, nhằm đảm bảo giá sát hơn, tạo nguồn và đỡ gây áp lực cho doanh nghiệp.
Xử lý nghiêm nếu có hành vi “găm hàng”
Theo lãnh đạo Vụ thị trường trong nước, quan điểm của Bộ Công Thương là xử lý rất nghiêm các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu ở tất cả các khâu như thương nhân đầu mối, thương nhân phân phối, đại lý bán lẻ nếu có hành vi "găm hàng" không muốn bán ra, chờ tăng giá ảnh hưởng đến nguồn cung phục vụ cho nhu cầu sản xuất, tiêu dùng của người dân.
Bộ Công Thương đã chỉ đạo rất quyết liệt tất cả các tuyến, ở cấp Trung ương, Bộ trưởng Bộ Công Thương đã ký thành lập 3 đoàn kiểm tra để xuống các địa phương kiểm tra.
Đối với các địa phương, Bộ trưởng cũng vừa ký công văn gửi Ủy ban Nhân dân các tỉnh về tăng cường kiểm tra, giám sát; chỉ đạo lực lượng quản lý thị trường tại các địa phương này làm tốt công tác này, đồng thời phối hợp với các lực lượng như công an, hải quan, Ban chỉ đạo 389 địa phương làm tốt công tác kiểm tra, giám sát.
Ở góc độ doanh nghiệp, ngay sau khi nhận được chỉ đạo của Bộ Công Thương, các doanh nghiệp đã đẩy mạnh nhập khẩu, điển hình như Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) đã liên tục ký kết hợp đồng và tàu về liên tục thời gian gần đây.
Để đảm bảo nguồn cung ngày 14/2, Vụ Thị trường trong nước ký 2 văn bản gửi các đơn vị liên quan yêu cầu cập nhật thông tin dữ liệu mới nhất của đầu mối và sản xuất. Bao gồm với thương nhân sản xuất yêu cầu cung cấp hợp đồng đã ký, từng chủng loại xăng dầu tới từng thương nhân, từ đó đối chiếu lại với doanh nghiệp đầu mối để kiểm tra giám sát tốt hơn. “Chúng tôi cũng yêu cầu thông tin về thực tế tỉ trọng giao hàng, trên cơ sở đó giao tổng nguồn, hạn mức nhập khẩu tối thiểu, đảm bảo tổng nguồn. Thêm nữa là công tác kiểm tra giám sát thị trường sẽ làm nghiêm hơn, đây cũng là cơ hội "thanh lọc" thị trường” - ông Trần Duy Đông nói.
Vụ Thị trường trong nước nhìn nhận, hiện nay tình hình cung ứng xăng dầu có tốt hơn so với cách đây khoảng 1 tuần. Tuy nhiên, việc thiếu hụt xăng dầu cục bộ chưa hoàn toàn được khắc phục. Cụ thể, Nhà máy Lọc hoá dầu Nghi Sơn mới vận hành được 55% công suất, chưa bổ sung kịp thời nên một số cửa hàng, thương nhân có thể thiếu hàng cục bộ. “Tuy nhiên tình hình vài ngày tới sẽ tốt hơn khi hàng nhập khẩu về nhiều, áp lực cho các doanh nghiệp giảm xuống” - lãnh đạo Vụ thị trường trong nước cho biết.
Liên quan đến việc sử dụng Quỹ bình ổn giá (BOG), Bộ Công Thương đã tính các phương án, hài hòa sử dụng Quỹ BOG. Tính tổng thể Quỹ BOG có doanh nghiệp âm, có doanh nghiệp dương. Trong thời gian tới, nếu diễn biến giá quá cao, quá phức tạp, giả sử giá dầu thô vượt ngưỡng 100 USD/thùng không chỉ ảnh hưởng đến kinh tế Việt Nam mà còn ảnh hưởng tới cả kinh tế thế giới thì chắc chắn phải đề xuất sử dụng các công cụ khác là thuế, phí.
Theo congthuong.vn
Liên kết website
Ý kiến ()