Tất cả chuyên mục
Thứ Tư, 20/11/2024 08:24 (GMT +7)
Cuộc chiến ủy nhiệm tại Ukraine và lời cảnh báo về Thế chiến thứ III
Thứ 3, 17/01/2023 | 11:04:15 [GMT +7] A A
Từ lâu, Nga đã coi xung đột ở Ukraine là một cuộc chiến ủy nhiệm mà trong đó các nước phương Tây sử dụng Ukraine để chống Nga.
Cuộc chiến ủy nhiệm
Theo đài RT, Tổng thống Croatia Zoran Milanovic đã nhận định rằng Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) đang tiến hành một cuộc chiến ủy nhiệm chống Nga ở Ukraine. Phát biểu với các phóng viên Croatia tại thành phố Vukovar ngày 15/1, ông Milanovic nói: “Mỹ và NATO đang tiến hành một cuộc chiến tranh ủy nhiệm chống Nga thông qua Ukraine”.
Ông tiếp tục nói: “Không thể có kế hoạch loại bỏ Tổng thống Putin. Không thể có kế hoạch về các biện pháp trừng phạt”. Theo ông, các biện pháp trừng phạt như vậy là vô nghĩa và phương Tây sẽ không đạt được điều gì.
Tổng thống Milanovic cho rằng Mỹ đã đi từ cuộc chiến này tới cuộc chiến khác, đồng thời bày tỏ sự thất vọng với các chính sách của NATO, chỉ trích nhận xét liên quan Ukraine của Thủ tướng Croatia là ông Andrej Plenkovic.
Trước đó, phát biểu với kênh tin tức France 24, ông Plenkovic cho rằng các nhà lập pháp Croatia đã không đứng về phía lẽ phải của lịch sử sau khi họ đã không ủng hộ chương trình của Liên minh châu Âu (EU) về đào tạo binh sĩ Ukraine tại các quốc gia thành viên.
Về sứ mệnh của EU, Tổng thống Croatia cảnh báo điều đó có nghĩa là lần đầu tiên trong lịch sử, EU đang tham gia một cuộc chiến, đi ngược lại Hiệp ước về Chức năng của EU.
Vào tháng 12/2022, ông Milanovic cho rằng việc để binh sĩ Ukraine huấn luyện trên đất Croatia sẽ gây chiến tranh cho nước này. Vào thời điểm đó, ông cũng nhấn mạnh rằng Ukraine không phải là đồng minh và chỉ trích quyết định của EU về việc trao tư cách ứng cử viên cho Ukraine.
Bình luận về cuộc chiến ủy nhiệm được đưa ra trong bối cảnh Mỹ và các đồng minh đã rót viện trợ quân sự trị giá hàng chục tỷ USD, huấn luyện hàng chục nghìn binh sĩ và cung cấp thông tin tình báo cũng như hỗ trợ lập kế hoạch tác chiến cho Ukraine.
Các chuyên gia nhận định hỗ trợ quân sự của NATO để kéo dài xung đột sẽ không giúp Ukraine hướng gần đến hòa bình hơn, gây ra cuộc chiến ủy nhiệm không hồi kết.
Theo Thiếu tướng Shashi Asthana, nhà phân tích chiến lược của Ấn Độ, trong cuộc cạnh tranh và đối đầu ở Ukraine, nhu cầu toàn cầu là cuộc xung đột này nên kết thúc, nhưng triển vọng đàm phán hòa bình vẫn xa vời, vì Nga vẫn chưa đạt được các mục tiêu chiến lược trên thực tế - điều cần thiết để thuyết phục phương Tây dỡ bỏ các lệnh trừng phạt. Mặt khác, phương Tây do Mỹ dẫn đầu không có bất kỳ đòn bẩy nào để đàm phán với Moskva, vì vậy họ nhận thấy việc làm suy yếu Nga thông qua cuộc chiến ủy nhiệm đang diễn ra ở Ukraine là lựa chọn hợp lý nhất.
Nguy cơ Thế chiến III
Khi mà cuộc xung đột ở Ukraine chưa có hồi kết, ngày 16/1, Thủ tướng Ba Lan Mateusz Morawiecki cho rằng thất bại của Ukraine có thể dẫn đến Chiến tranh Thế giới thứ ba, nghĩa là Đức và các nước NATO khác phải tăng cường và gửi thêm vũ khí cho Ukraine.
Phát biểu tại Berlin trong lễ kỷ niệm 50 năm sự nghiệp của chính trị gia Đức Wolfgang Schauble, ông Morawiecki nhấn mạnh rằng Đức phải cho phép chuyển giao xe tăng Leopard 2 cho Ukraine. Ba Lan và Phần Lan đã hứa viện trợ xe tăng cho Ukraine, nhưng cần Đức đồng ý mới có thể bàn giao.
Ông Morawiecki nhấn mạnh: “Tôi kêu gọi Chính phủ Đức hành động dứt khoát và cung cấp tất cả các loại vũ khí cho Ukraine… Thất bại của Ukraine có thể trở thành khúc dạo đầu cho Thế chiến III, vì vậy ngày nay không có lý do gì để ngăn chặn ủng hộ dành cho Kiev và trì hoãn các vấn đề vô thời hạn”.
Tuần trước, Bộ trưởng Quốc phòng Ukraine Aleksey Reznikov cho biết trong một cuộc phỏng vấn rằng Ukraine đang đổ máu để thực hiện sứ mệnh của NATO, vì vậy khối NATO do Mỹ đứng đầu phải cung cấp vũ khí cho nước này.
Giám đốc điều hành Rheinmetall, ông Armin Papperger cho biết Đức có khoảng 110 xe tăng Leopard có khả năng bàn giao cho Ukraine. 88 trong số đó là những chiếc Leopard 1 cũ và sẽ tiêu tốn hàng trăm triệu euro và mất khoảng một năm mới có thể đưa được số xe tăng cũ này vào hoạt động.
Trong khi đó, Nga đã nhiều lần cảnh báo phương Tây rằng việc gửi vũ khí tới Ukraine sẽ kéo dài cuộc xung đột nhưng sẽ không thay đổi được kết cục. Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov cho biết xe tăng Đức sẽ bị đốt cháy như những vũ khí phương Tây khác.
Theo baotintuc.vn
Liên kết website
Ý kiến ()