Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 15/11/2024 20:22 (GMT +7)
Cuộc đình công của thợ mỏ năm 1936 qua lời kể của nhân chứng
Chủ nhật, 09/10/2016 | 14:01:58 [GMT +7] A A
Cụ Phạm Văn Doãn. |
Cuộc tổng bãi công ở Khu mỏ năm 1936 đã trôi qua 80 năm. Bởi thời gian đã lùi quá xa nên khi đi tìm nhân chứng sự kiện này, tôi đã không dám đặt nhiều hy vọng. Vậy mà may mắn cho tôi gặp được một nhân chứng có lẽ là duy nhất còn sống đến giờ. Và may mắn hơn là cụ Phạm Văn Doãn, phố Long Tiên, phường Bạch Đằng (TP Hạ Long), người mà tôi gặp, vẫn còn khá minh mẫn.
“Cánh áo nâu” vùng lên đấu tranh
Tôi hỏi ông Hoàng Tuấn Dương, nguyên Trưởng Ban Tuyên giáo Đảng uỷ Than Quảng Ninh, người đã nhiều năm lặn lội tìm kiếm các nhân chứng tham gia cuộc đình công năm 1936. Ông Dương bảo, 20 năm trước, ông đã tập hợp được 47 cụ. Bây giờ, chỉ còn duy nhất cụ Phạm Văn Doãn, nhà ở phố Long Tiên, phường Bạch Đằng (TP Hạ Long) còn sống. Nhưng chắc cụ đã yếu và lẫn rồi, sợ rằng cụ không nhớ được gì nữa. Nghe ông Dương nói như vậy, tôi hơi lo nhưng vẫn đánh liều đi tìm gặp cụ. Gọi cửa, mãi mới thấy một người xuống bảo cụ giờ ốm đau luôn. Cụ vừa mới nằm viện về.
Tiếp chuyện chúng tôi là một người đàn ông nhỏ nhắn, quắc thước. Tôi đoán, ngày xưa chắc cụ lao động rất vất vả. Cụ Doãn hơi nặng tai phải nói to mới nghe được. Khi tôi ngỏ ý muốn hỏi cụ về cuộc đình công năm 1936, cụ như trẻ lại rất nhiều. Cụ kể chuyện cho tôi nghe mà như quên hẳn tuổi tác của mình. Nghe cụ Doãn kể, tôi ngỡ chuyện mới như của ngày hôm qua vậy.
Cụ Doãn quê gốc ở xã Trực Cát, huyện Trực Ninh, tỉnh Nam Định. Cha cụ bị bắt mộ phu ra làm mỏ, rồi lấy vợ sinh ra cụ ở đất mỏ. Tuổi thơ của cụ lăn lộn với hòn than, chứng kiến sự o ép của chủ mỏ với cha mẹ và bà con Vùng mỏ. Năm 1936, khi mới 16 tuổi, cụ Doãn đã phải đi làm ở Nhà máy cơ khí Hòn Gai.
Cụ kể: Thợ mỏ lúc đó được gọi là “cánh áo nâu” vì mặc áo đen, lẫn với bụi than chứ chưa có áo xanh như công nhân bây giờ. Làm việc cho các mỏ than của Pháp họ phải chịu cảnh đời sống phu phen cơ cực. “Vì quá cơ cực nên anh em thợ mỏ sẵn sàng vùng lên đấu tranh với khí thế hồ hởi lắm” - Cụ Doãn nhớ lại.
Một số hiện vật về cuộc đình công năm 1936 được lưu giữ tại Bảo tàng Quảng Ninh. |
Đêm ngày 12 rạng 13-11-1936, thợ mỏ ở Cẩm Phả bắt đầu cuộc bãi công. Hưởng ứng phong trào của thợ mỏ Cẩm Phả, anh em thợ mỏ Hòn Gai lúc đó chủ yếu ở mỏ than Hà Lầm, mỏ Hà Tu (lúc đó được gọi là Hà Sú), nhà sàng Ba Đèo, xưởng than luyện, ngay sau đó đã tập trung rất đông ở sân vận động trước cửa chùa Long Tiên (đoạn phố đó trước đây gọi là phố Thư Ký).
Phu mỏ đã đồng lòng nghỉ việc đến đây tập trung để đưa yêu sách cho chủ Tây. Ngày 23-11, công nhân Nhà máy cơ khí Hòn Gai chính thức đưa yêu sách lên bọn chủ mỏ. Hàng loạt xe chở than cũng đã được trưng dụng để đưa công nhân đến các mỏ Hà Tu, Hà Lầm và Nhà máy điện Cọc 5 để đấu tranh.
Cụ Doãn kể: Lúc đi vận động đình công, những phu mỏ người Việt gần như tất cả đều hưởng ứng nhiệt tình. Duy chỉ có một số thợ bậc cao người Hoa kiều lại vẫn nghe theo chủ Tây đi làm ở xưởng cơ khí gần khu Ba Đèo. Như vậy phải có một tốp tiếp cận cánh thợ Hoa kiều không đi làm nữa, đấu tranh chống bọn chủ mỏ. Cụ Doãn là một trong những người tham gia tổ vận động này.
Theo lời cụ Doãn, ngày đó đường lên khu Ba Đèo rất hoang vu, gần như chẳng có lối đi. Do cụ thông thạo vùng này như “thổ địa” nên được phân công dẫn mọi người tiến vào cửa sau nhà máy cơ khí. Vận động mãi mà tốp thợ gốc Hoa vẫn không nghe theo, nhóm của cụ Doãn lấy đá ném lên mái tôn nhà xưởng thị uy cũng không được. Họ bèn cử người vào Nhà máy điện Cột 5 yêu cầu cắt điện. Không còn điện để làm việc khi ấy cánh thợ Hoa kiều mới chịu rời nhà máy tham gia đình công.
Lúc bấy giờ tụi chủ mỏ, cai ký hoảng quá, sợ công nhân bạo động đập phá máy móc, giết người nên bỏ chạy hết và vội vàng gọi điện cho trại lính Pháp ở Bãi Cháy cầu cứu. Một lúc sau, có hai xe chở đầy lính lê dương sang bố trí đứng gác quanh nhà máy, bảo vệ chặt chẽ. Lính Pháp lăm le súng ống nhưng không làm cho công nhân mỏ run sợ một chút nào bởi khí thế đấu tranh lúc đó đang trào dâng như thuỷ triều lên.
Bọn lính chỉ dám bắn súng chỉ thiên đe doạ. Công nhân lao vào ào ào như vũ bão. Lính Pháp đông quá xô một công nhân ngã xuống cống gãy tay. Công nhân hò hét hô lớn đòi bọn chủ bồi thường cho người gẫy tay, đả đảo đàn áp khủng bố. Bọn Pháp buộc phải mở cửa các mỏ Hà Tu, Hà Lầm và Nhà máy điện Cột 5 để công nhân ùa ra xuống đường đấu tranh. Ngày 23-11-1936, toàn bộ hoạt động sản xuất than của Pháp ở khu vực Hòn Gai tê liệt.
Tuy nhiên, theo lời kể của cụ Doãn, không có xung đột đổ máu bởi vì mục đích đình công của thợ mỏ lúc đó là đòi tăng lương, giảm giờ làm, trang bị dụng cụ bảo hộ lao động, lập nhà thương để chữa bệnh, sửa lại lán trại dột nát và không được đánh đập đuổi việc công nhân một cách vô lý chứ không phá nhà máy, mỏ than, giết chủ mỏ.
Pháp thoả mãn yêu sách nhưng nhanh chóng cài mật thám mặc quần áo công nhân trà trộn vào đoàn biểu tình để dò la thông tin. “Chúng truy xem ai là người cầm đầu. Tất cả đều nói không ai cầm đầu cả. Chúng tôi cùng nhau đứng lên thôi. Không truy ra được, cuối cùng chủ Tây phải nhượng bộ có tăng lương, giảm giờ làm thì chúng tôi lại đi làm như thường” - Cụ Doãn nhớ lại.
Cụ Doãn kể, thực ra có người ở Hội Ái Hữu chỉ huy cả đấy nhưng vì bí mật quá nên những công nhân bình thường như cụ không biết được. Chỉ biết rằng, một số công nhân bị mật thám bắt lên tra khảo. Vì anh em thợ mỏ tiếp tục kéo lên sở mật thám đấu tranh gây sức ép nên chúng phải thả ra. Thả thì vẫn thả nhưng rồi sau này, các nhà máy tìm mọi cách để sa thải những người này, cấm không được về làm việc ở xứ Hòn Gai này nữa.
Dưới làn sóng của phong trào đình công ở Hòn Gai mà cụ Doãn tham gia, ngày 24-11, công nhân các mỏ ở Đồng Đăng, Yên Lập cũng đồng loạt bãi công, nghỉ việc làm cho hoạt động sản xuất than tê liệt ở một vùng rộng lớn buộc chủ mỏ phải nhượng bộ những yêu sách của công nhân.
Cụ Phạm Văn Doãn kể lại câu chuyện đình công diễn ra về 80 năm trước. |
Người vắt mình qua 2 thế kỷ
Sau năm 1936 đến năm 1945, cụ Doãn tiếp tục làm công nhân cơ khí. Năm 1946, toàn quốc kháng chiến, cụ tham gia Việt Minh chống Pháp. Năm 1947, cụ Doãn vinh dự được kết nạp Đảng. Cụ còn được cử đi học ở Trường Sĩ quan Lục quân. Cụ Doãn chiến đấu ở nhiều chiến trường, đi nhiều nơi từ Hà Nam, Thái Bình, Hải Dương rồi về tiếp quản Hải Phòng năm 1955. Vài năm sau, cụ ra quân về lại Nhà máy điện Cột 5 làm công nhân cho đến ngày về hưu.
Tôi hỏi cụ Doãn xem cụ thấy bây giờ so với thời cụ đình công thế nào; cụ bảo: “Một trời một vực. Tôi ra đường thấy nhà cửa phố phường sầm uất quá. Đời sống công nhân cũng đầy đủ hơn nhiều. Năm 1936, chúng tôi đình công mà không ai tưởng tượng được 80 năm sau cuộc sống công nhân sẽ thế này. Mồ hôi, nước mắt và cả sự hy sinh của bao lớp thợ mỏ đổ xuống để có ngày hôm nay quả là đã không hề uổng phí”.
Qua câu chuyện kể của cô con gái cụ Doãn, tôi biết người đàn ông sắp chạm ngưỡng bách niên, vắt mình qua hai thế kỷ ấy, sống đơn giản lắm. Thấy đời sống công nhân bị chèn ép quá sức, cụ cùng anh em đứng dậy đấu tranh. Khi Tổ quốc bị xâm lăng, cụ lên đường nhập ngũ. Lúc hết giặc, cụ quay lại với nhà máy làm việc. Lấy vợ sinh con đẻ cái, cụ dạy dỗ con cháu nên người. Nhiều người là con cháu cụ lại công tác, gắn bó với ngành than như cha, ông mình thời trai trẻ. Sau khi nghỉ hưu, cụ sống an nhàn với tuổi già bằng lương hưu, nhờ sự chăm sóc của con cháu. Cả đời cụ chẳng có tham vọng, mưu cầu gì cao sang.
Cụ Doãn ngồi bấm đốt ngón tay nhớ lại những người cùng tham gia đình công năm 1936. Cụ thở dài bảo họ đã lần lượt rủ nhau ra đi hết rồi. Nào là cụ Hoá, công nhân tiện ở Nhà máy cơ khí Hòn Gai, cụ Giá ở dốc Hà Tu, cụ ký Trần Văn Thông ở Mông Dương, cụ Dần ở đồi Sa Tô, cụ Tý ở Cửa Ông, cụ Tài Tích lái xe hoả nhà ở Ba Đèo, cụ Hào làm thợ điện ở Cột 5, cụ Mộc nhà sàng mất ở trên Ba Đèo, cụ Đang ở nhà dưỡng lão, cụ Lê Bình ở Hà Nội v.v.. Cụ Doãn bảo mình may mắn hơn họ rất nhiều khi được trời cho sống đến tuổi này, lại có con đàn cháu đống thành đạt, sum vầy quanh mình.
Chia tay cụ Doãn ra về, tôi nắm chặt bàn tay khô gầy của cụ, kính cẩn thưa: “Con chúc cụ trường thọ”. Cụ cười hiền bảo: “Ông đã 69 năm tuổi Đảng rồi, sẽ cố sống đến 70 năm. Nói vậy chứ trời mà cho sống cứ sống để mà chứng kiến thành quả của sự đổi thay trên quê hương mình, con ạ”.
Huỳnh Đăng
Liên kết website
Ý kiến ()