Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 22/11/2024 09:58 (GMT +7)
Cựu chiến sĩ Binh đoàn Than làm phù điêu Bác Hồ bằng than đá
Chủ nhật, 19/05/2024 | 11:27:09 [GMT +7] A A
Cựu chiến binh Nguyễn Tiến Hòe, hiện ở khu 8, phường Hà Tu (TP Hạ Long) không phải là nhà điêu khắc, nhưng bằng sự kính ngưỡng đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh và tình yêu với mỹ thuật đã sáng tác những bức phù điêu về Người.
Ông Nguyễn Tiến Hoè sinh năm 1942, quê gốc ở Thái Thuỵ (tỉnh Thái Bình), theo cha mẹ ra Vùng mỏ lập nghiệp. Ông hoạt động ở lĩnh vực nhiếp ảnh, là cán bộ thuộc Công ty Quốc doanh Mỹ thuật, Mỹ nghệ, Nhiếp ảnh, Vật phẩm thuộc Ty Văn hoá - Thông tin trước đây. Ông Hoè kể, những năm chiến tranh, ông trực chiến ở cửa hàng Cẩm Phả, được ở chung với mấy người bạn làm mỹ nghệ nên khá thích thú. Nhiều lúc ông cũng tham gia đục đẽo cùng với Nghệ sĩ điêu khắc Nguyễn Tuấn Lợi. Ông đục đẽo vì niềm đam mê và cũng vì muốn hỗ trợ bạn bè, đồng nghiệp cùng công ty.
Những năm này, ông Hoè còn được tiếp xúc với các nhà điêu khắc Lê Văn Minh và Nguyễn Văn Quế là những người sau này trực tiếp tham gia làm tượng Bác Hồ trên đảo Cô Tô vào năm 1968. Những năm tuổi trẻ như bao thanh niên Vùng mỏ khác, ông Hoè khao khát được gặp Bác Hồ. Tuy nhiên, những lần Người về Quảng Ninh, ông Hoè đều không có cơ hội được gặp Bác dù chỉ là đứng từ xa để ngưỡng vọng.
Năm 1967, theo tiếng gọi non sông, ông Hoè viết đơn tình nguyện lên đường nhập ngũ, được biên chế vào Tiểu đoàn 9, gọi chung là Binh đoàn Than. Vào chiến trường, mang theo niềm tự hào của người chiến sĩ quê than rực lửa, ông Nguyễn Tiến Hoè hình dung Bác Hồ đang dõi theo con đường hành quân ra trận của Binh đoàn Than. Ông đã cùng đồng đội trong Binh đoàn Than anh dũng chiến đấu, lập nên nhiều chiến công xuất sắc. Đến năm 1970, do bị thương nặng, ông Hoè được đưa ra miền Bắc điều trị.
Nặng lòng với những đồng đội trong Binh đoàn Than, ông Hoè đã thực hiện 7 chuyến đi thăm lại chiến trường xưa, tìm kiếm quy tập và cất bốc được hài cốt 25 liệt sĩ đưa về quê hương Quảng Ninh. Sau chiến tranh, ông Hoè không quay lại ngành văn hoá làm việc mà tiếp tục con đường binh nghiệp, làm cán bộ tuyên huấn của Bộ CHQS tỉnh Quảng Ninh. Kể từ lúc nghỉ hưu, ông Hoè mới chuyên tâm cho công việc sáng tác.
Ông Hoè kể, ông tuy không được gặp Bác Hồ nhưng lúc nào cũng kính trọng và yêu mến Bác. Sáng tác tượng về Bác, ông chỉ có thể hình dung về Người qua phim ảnh nhưng ông làm bằng cả trái tim mình. Ông cũng không được đào tạo về điêu khắc nên chỉ mày mò học hỏi bạn bè rồi tự học qua sách vở báo chí. Vào năm 2017, nhân kỷ niệm 50 năm Binh đoàn Than ra trận, ông Hoè đã sáng tác một bức phù điêu lớn với tên gọi là “Bác vẫn cùng chúng cháu hành quân”.
Ông Hoè chia sẻ, khi làm tượng Bác Hồ bằng than đá phải thật cẩn thận, làm chậm thôi, từ từ mà làm, mà tỉa dần từng chi tiết một. Than đá là chất liệu rất giòn, dễ vỡ, phải đi từ việc làm khối lớn rồi đi vào chi tiết từng chút một, nếu đi vào chi tiết ngay mà sai thì không còn để làm tiếp nữa.
Cùng với tượng Bác Hồ, ông Nguyễn Tiến Hoè còn sáng tác tượng Đại tướng Võ Nguyên Giáp, người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh và nhiều nhân vật quần chúng khác. Ông cũng từng thử sức trên các chất liệu khác như đá, gỗ lũa. Nhiều tác phẩm của ông tuy chưa điêu luyện về nghề nhưng bù lại có cảm xúc chân thành, mộc mạc và sinh động.
Ông Hoè chia sẻ rằng, khi còn sức khoẻ và còn tìm được than kíp lê thì ông còn làm phù điêu Bác Hồ. Ông cũng mong kiếm được một hòn than nguyên khối lớn để làm hẳn tượng Bác Hồ to mà không cần phải ghép các mảnh vào với nhau thể hiện tầm vóc vĩ đại của Người cũng như sự kính ngưỡng của mỗi công dân Vùng mỏ Quảng Ninh như ông với vị cha già dân tộc...
Nói về ông Nguyễn Tiến Hoè, nhà điêu khắc Kiều Sỹ Khuê, hội viên Hội Mỹ thuật Việt Nam, nhận định: Khi gần 70 tuổi, ông Hoè mới chuyển sang sáng tác hình tượng Bác Hồ, Đại tướng Võ Nguyên Giáp, tự vệ công nhân mỏ, hình tượng mẹ bồng con trên chất liệu than đá. Nhiều tác phẩm thực chất là sự chuyển thể sang chất liệu than đá. Nhưng ở vào tuổi ngoài 80 rồi mà vẫn còn chịu khó và có nhiều cố gắng như vậy thì cũng xứng đáng được động viên.
Huỳnh Đăng
Liên kết website
Ý kiến ()