Tất cả chuyên mục
Thứ Tư, 13/11/2024 18:28 (GMT +7)
Cựu Cục phó Trần Hùng bị tuyên y án 9 năm trong vụ sách giáo khoa giả
Thứ 3, 23/01/2024 | 22:06:33 [GMT +7] A A
Toà phúc thẩm cho rằng, có đủ cơ sở để xác định cựu Cục phó Cục Quản lý thị trường Trần Hùng nhận hối lộ 300 triệu đồng của Cao Thị Minh Thuận thông qua người môi giới trong vụ sách giáo khoa giả.
Tối 23.1, TAND Cấp cao tại Hà Nội đã tuyên y án 9 năm tù với Trần Hùng - cựu Cục Phó Cục Quản lý thị trường, cựu Tổ trưởng Tổ 304, Tổng cục Quản lý thị trường - về tội "Nhận hối lộ".
Toà phúc thẩm tuyên phạt Cao Thị Minh Thuận - Giám đốc Công ty Phú Hưng Phát - 8 năm tội "Sản xuất, buôn bán hàng giả" (án sơ thẩm là 10 năm tù).
Lê Việt Phương - cựu Đội phó Quản lý thị trường 17 - lĩnh 30 tháng tù cho hưởng án treo về tội "Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ" (án sơ thẩm 30 tháng tù giam).
Với các bị cáo phạm tội "Sản xuất, buôn bán hàng giả" còn lại, có 3 người được chấp nhận kháng cáo xin giảm nhẹ, 12 người bị bác đơn.
Theo cấp phúc thẩm, tại phiên toà, bị cáo Trần Hùng không thừa nhận cáo buộc về hành vi nhận hối lộ. Tuy nhiên, Hội đồng xét xử kết luận sai phạm của bị cáo Hùng dựa vào nhiều căn cứ.
Theo đó, toà phúc thẩm cho rằng, trong vụ án, bị cáo Hùng đã lợi dụng chức vụ quyền hạn, thông qua Nguyễn Duy Hải nhận 300 triệu đồng từ Cao Thị Minh Thuận, hướng dẫn nữ bị cáo này thay đổi lời khai. Bị cáo Trần Hùng còn chỉ đạo Lê Việt Phương xử lý nhẹ đối với hành vi của Thuận.
Tòa phúc thẩm nhận thấy, mức án cấp sơ thẩm tuyên phạt đối với Trần Hùng là tương xứng, không nặng.
Nội dung vụ án thể hiện, năm 2020, Công ty Phú Hưng Phát bị Đội Quản lý thị trường số 17 kiểm tra, thu hơn 27.300 quyển sách giáo khoa do không có hóa đơn, giấy tờ chứng minh nguồn gốc.
Giám đốc Công ty Phú Hưng Phát Cao Thị Minh Thuận biết bị cáo Hùng là người trực tiếp chỉ đạo việc kiểm tra nên liên hệ đề nghị giúp đỡ để chỉ xử lý nhẹ.
Bị cáo Hùng "đồng ý tha" nhưng yêu cầu Thuận phải chỉ ra một số cơ sở in lậu. Vẫn lo sợ sẽ bị xử lý, Thuận kết nối với Nguyễn Duy Hải để được gặp trực tiếp bị cáo Hùng, ngỏ ý sẽ chi 400 triệu đồng.
Cơ quan tố tụng cáo buộc, sau cuộc trao đổi với Hải, bị cáo Hùng đã "hướng dẫn thay đổi lời khai về nguồn gốc", chuyển thành sách do người khác mang đến ký gửi. Tiếp nhận ý kiến của bị cáo Trần Hùng, Hải thông qua một người khác trao đổi lại với Thuận.
Nhận 300 triệu đồng của Thuận thông qua trung gian, sáng 14.7.2020, Hải cầm 300 triệu đồng đựng trong túi nylon màu đen đến phòng làm việc của Trần Hùng. Tại đây, Hải gọi điện thoại cho Thuận để nói chuyện trực tiếp với bị cáo Hùng, nghe cụ thể hướng dẫn.
Do trong phòng có mấy người khác, Hải cầm túi tiền ra về. Chiều hôm sau, Hải cầm 300 triệu đồng quay lại phòng làm việc đưa cho bị cáo Hùng.
Theo lời khai của hai nhân chứng, khi Nguyễn Duy Hải cầm tiền lên phòng của Trần Hùng, họ thấy người này cầm túi màu đen. Sau đó, Hải gọi điện cho Thuận để trao đổi với Trần Hùng.
Cấp phúc thẩm cho rằng, lời khai của hai nhân chứng phù hợp với khai nhận của Thuận, phù hợp với kết quả thực nghiệm điều tra, diễn biến khách quan sự việc và kết quả trích xuất dữ liệu điện thoại của Hải.
Từ đó, tòa phúc thẩm khẳng định, Trần Hùng sau nhiều lần từ chối đã đồng ý giúp Cao Thị Minh Thuận thay đổi lời khai.
Ngoài việc hướng dẫn Thuận thay đổi lời khai về nguồn gốc số sách, bị cáo Hùng còn gọi điện thoại chỉ đạo Lê Việt Phương "tạo điều kiện giúp đỡ Thuận" theo hướng xử lý hành chính.
Thực tế sau đó, công ty của Thuận chỉ bị xử phạt hành chính 50 triệu đồng.
Theo cáo buộc, trong năm 2021, Thuận đã tổ chức sản xuất và thực tế đã nhập kho tổng cộng hơn 9,4 triệu quyển sách giáo khoa giả các loại của Nhà Xuất bản Giáo dục Việt Nam và các nhà xuất bản khác, với tổng trị giá sách theo bìa (hàng thật) là hơn 260 tỉ đồng. Thuận đã tiêu thụ tổng số hơn 6,3 triệu quyển sách giả, tổng giá trị sách theo giá bìa là hơn 164 tỉ đồng, với tổng giá trị theo hoá đơn bán lẻ sau khi trừ chiết khấu là hơn 73 tỉ đồng. |
Theo Laodong.vn
Liên kết website
Ý kiến ()