Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 22/11/2024 15:23 (GMT +7)
Cựu Đại sứ và cựu Tổng lãnh sự hối hận vì nhận nhiều tỷ đồng trong vụ "chuyến bay giải cứu"
Thứ 5, 13/07/2023 | 08:00:00 [GMT +7] A A
Bị cáo Vũ Hồng Nam (cựu Đại sứ Việt Nam tại Nhật Bản) khai, bị cáo có liên hệ để trả lại tiền nhưng đã không kiên quyết. Và đây là lỗi lầm mà bị cáo phải trả cho sai phạm của mình.
Cựu Đại sứ Việt Nam tại Nhật Bản nhận hối lộ như thế nào?
Chiều 12/7, trong phần xét hỏi tại phiên xử vụ “chuyến bay giải cứu”, Hội đồng xét xử thẩm vấn bị cáo Vũ Hồng Nam (cựu Đại sứ Việt Nam tại Nhật Bản) và bị cáo Nguyễn Hồng Hà (cựu Tổng lãnh sự Việt Nam tại Osaka, Nhật Bản) về hành vi nhận hối lộ.
Cáo trạng xác định, trong vụ “chuyến bay giải cứu”, bị cáo Vũ Hồng Nam đã nhận hối lộ số tiền hơn 1,8 tỷ đồng. Trước đó, năm 2018, bị cáo Nam được bổ nhiệm làm Đại sứ đặc mệnh toàn quyền nước CHXHCN Việt Nam tại Nhật Bản, có trách nhiệm chỉ đạo, thực hiện chức năng, nhiệm vụ của Đại sứ quán, trong đó có việc bảo hộ công dân.
Thời điểm diễn ra đại dịch COVID - 19, Đại sứ quán Việt Nam tại Nhật Bản đã tổ chức 57 chuyến bay giải cứu đưa công dân Việt Nam về nước. Do số lượng công dân Việt Nam tại Nhật Bản có nhu cầu về nước rất lớn, nên bị cáo Nam đã gửi nhiều công điện, điện mật về nước đề nghị Chính phủ tăng cường các chuyến bay đưa công dân về nước.
Sau đó, bị cáo Nam đã ký các công điện gửi về UBND các tỉnh: Khánh Hòa, Thanh Hóa, Thái Nguyên xin cách ly cho công dân và gửi Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng chống COVID - 19, Bộ Y tế, Cục Lãnh sự - Bộ Ngoại giao... để xin phê duyệt chuyến bay do Đại sứ quán Việt Nam tại Nhật Bản tổ chức.
Từ tháng 11/2020 đến cuối tháng 9/2021, bị cáo Nam đã xin phê duyệt được 6 chuyến bay combo, đưa khoảng 1.490 công dân từ Nhật Bản về nước, giao cho Công ty Nhật Minh do ông Lê Văn Nghĩa làm Giám đốc tổ chức thực hiện.
Tại tòa, bị cáo Nam khai, đã được ông Lê Văn Nghĩa liên hệ, đặt vấn đề. Bị cáo đồng ý giúp cho Công ty Nhật Minh bán vé máy bay và đưa công dân Việt Nam từ Nhật Bản về nước cách ly tại khách sạn của ông Lê Văn Nghĩa tại tỉnh Khánh Hòa.
Theo lời khai của bị cáo Nam, Công ty Nhật Minh xuất hiện đúng thời điểm mà Đại sứ quán đang xin cấp phép chuyến bay để đưa công dân về nước, nên đã chấp nhận hợp tác với công ty này để đưa công dân về tỉnh Khánh Hòa.
Bị cáo Nam thừa nhận, đã hai lần được ông Nghĩa đưa quà biếu ở chỗ hẹn gặp. Khi về nhà, bị cáo Nam mở quà ra mới biết đó là tiền. Bị cáo Nam thừa nhận, đã cầm của doanh nghiệp 60.000USD và 450 triệu đồng.
“Bị cáo sau đó có liên hệ để trả lại tiền cho doanh nghiệp, nhưng không kiên quyết. Và đây là lỗi lầm mà bị cáo phải trả cho sai phạm của mình”, bị cáo Nam khai rõ.
Đối với bị cáo Nguyễn Hồng Hà, cơ quan tố tụng xác định, liên quan đến vụ “chuyến bay giải cứu”, bị cáo Hà đã nhận hối lộ hơn 2 tỷ đồng.
Tại tòa, bị cáo Hà thừa nhận, quá trình tổ chức các “chuyến bay giải cứu”, đầu tháng 3/2021, bị cáo Nguyễn Thị Thanh Hằng (Phó Tổng Giám đốc Công ty Blue Sky, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Travelsky) bàn với bị cáo Hà về việc tổ chức chuyến bay đưa công dân Việt Nam từ Osaka, Nhật Bản về nước.
Sau đó, bị cáo Hà Hà đã ký các công văn gửi lãnh đạo Bộ Ngoại giao, Cục Lãnh sự - Bộ Ngoại giao kiến nghị được tổ chức chuyến bay đưa công dân về nước.
Quá trình tổ chức thực hiện các chuyến bay đưa công dân về nước, từ tháng 6/2021 đến tháng 11/2021, bị cáo Hà đã nhận hối lộ 2 lần, với tổng số tiền hơn 2 tỷ đồng của bị cáo Hằng.
Theo lời khai của bị cáo Hà, khi đưa tiền, bị cáo Hằng nói đây là quà của công ty. Khi làm việc với cơ quan điều tra, bị cáo mới biết, đây là 5% lợi nhuận của “chuyến bay giải cứu” đầu tiên.
Đến “chuyến bay giải cứu” thứ 2, bị cáo Hằng đề nghị giúp nhưng không đặt vấn đề tiền bạc. Sau đó, bị cáo Hằng gọi điện cho bị cáo và đưa cho một gói quà. Khi về, bị cáo mở ra và thấy có 600 triệu đồng tiền mặt.
“Bị cáo cảm thấy ăn năn, không ổn khi nhận tiền nên đã chuyển trả tiền cho bị cáo Hằng. Bị cáo cũng đã chủ động nộp lại tiền rồi. Việc truy tố bị cáo là đúng, bị cáo rất hối hận về việc này”, bị cáo Hà nhận tội.
Cựu Thư ký Thứ trưởng Bộ Y tế nhận hối lộ 253 lần, mang mua đất
Tiếp tục phiên tòa sơ thẩm, Hội đồng xét xử thẩm vấn bị cáo Phạm Trung Kiên (cựu Thư ký Thứ trưởng Bộ Y tế) về hành vi nhận hối lộ.
Kết quả điều tra xác định, dù không có thẩm quyền duyệt các chuyến bay giải cứu, nhưng bị cáo Kiên lợi dụng vị trí thư ký của mình trong việc trình hồ sơ lên Thứ trưởng Bộ Y tế, qua đó ép buộc các doanh nghiệp và các đoàn khách đưa hối lộ tổng số tiền hơn 42,6 tỷ đồng. Số tiền hưởng lợi bất hợp pháp mà có, bị cáo Kiên sử dụng vào việc cho vay, đầu tư đất ở huyện Ba Vì (Hà Nội) và Khu du lịch Mũi Né (TP Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận).
Quá trình xét hỏi tại phiên tòa, nhiều bị cáo trong nhóm đưa hối lộ khai, họ bị Kiên đe dọa, quát tháo, ép đưa tiền nếu không sẽ không được cấp phép các “chuyến bay giải cứu”...
Trước bục khai báo, bị cáo Kiên bác bỏ các lời khai trên. Kiên cho biết, bị cáo làm Thư ký Thứ trưởng Bộ Y tế từ tháng 12/2019 đến đầu năm 2022.
Với các “chuyến bay giải cứu”, Kiên thừa nhận, bị cáo không có quyền hạn phê duyệt, chỉ có nhiệm vụ đưa hồ sơ lên cho Thứ trưởng Bộ Y tế xét duyệt rồi nhận lại và chuyển về Văn phòng Bộ Y tế, và không có trường hợp nào bị từ chối.
Bị cáo Kiên thừa nhận, có cầm tiền của đại diện các doanh nghiệp gồm 27 tỷ đồng của các chuyến bay combo và 15 tỷ đồng của các chuyến bay lẻ. Lý giải cho hành vi nhận tiền, Kiên cho rằng, bị cáo không yêu cầu phải đưa tiền. Việc đưa, mức chi, hình thức chi là do doanh nghiệp chủ động đề xuất.
Việc sử dụng số tiền nhận hối lộ, Kiên khai, bị cáo cho một người chú ở tỉnh Thái Bình vay. Số tiền còn lại, bị cáo đầu tư đất ở huyện Ba Vì (Hà Nội) và Khu du lịch Mũi Né (TP Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận). Kiên cam đoan, bị cáo không đưa tiền cho ai, cũng không bị ai tác động phải khai như vậy.
Về lời khai của Kiên cho rằng, “không ép buộc các doanh nghiệp phải đưa tiền cho mình”, chủ tọa phiên tòa cho một số bị cáo là chủ doanh nghiệp trong nhóm đưa hối lộ lên đối chất.
Bị cáo Đào Minh Dương (Chủ tịch HĐQT Công ty Vijasun) khai: Bị cáo Kiên quát và nói, các anh làm ăn phải nộp mấy triệu một khách. Mọi người sau đó phản ứng, bảo thế nộp đến chục tỷ một chuyến thì không ai chịu được.
“Khi đó, bị cáo Kiên nói dịu giọng, tôi biết các anh nộp cho anh Tuấn (bị cáo Vũ Anh Tuấn, cựu cán bộ Cục Quản lý xuất nhập cảnh) 150 triệu chuyến thì cũng nộp cho tôi như vậy”, bị cáo Dương khai rõ.
Đối chất trước tòa, một số bị cáo khác cũng khai rõ về việc bị cáo Kiên ép buộc họ phải đưa tiền “theo barem” của bị cáo thì mới trình đề xuất cấp phép các “chuyến bay giải cứu”. Nếu không đưa tiền thì bị cáo Kiên tuyên bố, sẽ không được cấp phép “chuyến bay giải cứu”.
Bị cáo Lê Hồng Sơn, lãnh đạo Công ty Bluesky khẳng định: “Bị cáo từng xin bị cáo Kiên giảm giá từ 150 triệu đồng một chuyến xuống còn 100 triệu đồng một chuyến, nhưng Kiên không đồng ý và nói đã có barem”.
Theo CAND
Liên kết website
Ý kiến ()