Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 22/11/2024 08:58 (GMT +7)
Đa dạng hóa công tác tuyên truyền về phòng, chống mua bán người
Thứ 5, 07/12/2023 | 15:43:55 [GMT +7] A A
Thời gian qua, cấp ủy, chính quyền, lực lượng chức năng trên địa bàn tỉnh đã đẩy mạnh công tác truyền thông nâng cao nhận thức cộng đồng về công tác phòng, chống tội phạm mua bán người, nhất là ở các địa bàn vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, biên giới.
Với đặc thù là tỉnh có chung đường biên giới cả trên bộ, trên biển với Trung Quốc, Quảng Ninh tiềm ẩn nhiều nguy cơ để tội phạm buôn bán người chọn làm điểm trung chuyển, lừa dẫn, chuyển giao người qua biên giới. Vì vậy, những năm qua, công tác đấu tranh, phòng chống tội phạm mua bán người được các lực lượng chức năng liên quan của tỉnh triển khai nhiều giải pháp quyết liệt đạt những kết quả tích cực.
Tuy nhiên, tình trạng mua bán người trên địa bàn tỉnh vẫn diễn ra với phương thức thủ đoạn mới và ngày càng tinh vi hơn. Các đối tượng đã lợi dụng triệt để không gian mạng, các trang mạng xã hội để thay đổi phương thức, thủ đoạn, gia tăng hoạt động phạm tội.
Để phòng ngừa, đấu tranh với các loại tội phạm mua bán người, UBND tỉnh đã ban hành các kế hoạch, chương trình về phòng, chống mua bán người giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh; Nghị quyết số 314/2020/NQ-HĐND về một số nhiệm vụ, giải pháp nâng cao chất lượng công tác phòng, chống tội phạm, TNXH, giai đoạn 2021-2025. Trong đó chú trọng việc đa dạng hóa các hình thức truyền thông giúp người dân nhận biết những nguy cơ, hậu quả nghiêm trọng của tội phạm mua bán người, đặc biệt những thủ đoạn lừa đảo qua mạng xã hội.
Để triển khai hiệu quả kế hoạch của UBND tỉnh, công tác tuyên truyền, phổ biến, quán triệt các văn bản liên quan đến mua bán người và hỗ trợ nạn nhân bị mua bán người trở về được Sở LĐ-TB&XH triển khai kịp thời đến các cấp, ngành, cộng đồng dân cư trong tỉnh. Giai đoạn 2021-2023, Sở LĐ-TB&XH tỉnh đã in ấn, cấp phát 80.000 tờ rơi tuyên truyền về phòng, chống mua bán người; thiết kế hàng chục pano đặt dọc trục đường quốc lộ; pano giới thiệu dịch vụ hỗ trợ cho nạn nhân bị mua bán trở về tại cộng đồng treo ở tất cả trụ sở các xã, phường, thị trấn trong tỉnh.
Từ đầu năm 2021 đến nay, Sở LĐ-TB&XH tỉnh đã tổ chức 58 lớp tập huấn kỹ năng tư vấn, tuyên truyền về công tác phòng chống mua bán người và quy trình hỗ trợ nạn nhân bị mua bán trở về cho 4.930 cán bộ làm công tác phòng chống TNXH thuộc các Phòng LĐ-TB&XH cấp huyện cùng các xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh; mở 18 lớp tập huấn nâng cao năng lực công tác tiếp cận cộng đồng; tập huấn cho 1.530 trưởng thôn, khu, cộng tác viên công tác xã hội, người có uy tín về kiến thức kỹ năng hỗ trợ cho nạn nhân bị mua bán người trở về. Thành lập thí điểm 5 CLB phòng, chống mua bán người và hỗ trợ nạn nhân trên địa bàn các phường của TP Hạ Long.
Nhằm giáo dục cho các học sinh nêu cao tinh thần cảnh giác, Sở GD&ĐT tỉnh chủ động phối hợp với các sở, ngành đẩy mạnh công tác tuyên truyền về phòng, chống mua bán người trong các trường học. Tổ chức phiên tòa giả định tại nhiều trường học trên địa bàn tỉnh bằng hình thức sân khấu hóa có kịch bản dựa trên những vụ án có thật được dựng lại đúng quy trình tố tụng. Đây là một hình thức truyền thông rất thực tiễn cung cấp thêm kiến thức, nhận biết những nguy cơ, hậu quả nghiêm trọng của tội phạm mua bán người, đặc biệt là những thủ đoạn tinh vi lừa đảo qua mạng xã hội.
Em Trần Thanh Thảo, học sinh lớp 11A5, Trường THPT Ngô Quyền (TP Hạ Long) cho biết: “Tình tiết diễn biến và vụ việc xảy ra được sân khấu hóa đã trang bị cho chúng em những kỹ năng bảo vệ bản thân và những người xung quanh trước các hành vi mua bán người, từ đó góp phần chung tay đấu tranh, phòng, chống hiệu quả loại tội phạm này”.
Là lực lượng chuyên trách trong quản lý bảo vệ biên giới, Bộ đội Biên phòng tỉnh đã tích cực, chủ động tham mưu phối hợp cùng cấp ủy, chính quyền địa phương và các lực lượng chức năng đấu tranh có hiệu quả các loại tội phạm, trong đó có tội phạm mua bán người.
Từ năm 2021 đến tháng 6/2023, lực lượng Bộ đội Biên phòng tỉnh tổ chức 30 buổi tuyên truyền cho 2.500 lượt người dân khu vực biên giới tham gia. Đồng thời, duy trì và phát huy hiệu quả các hộp thư tố giác tội phạm, vi phạm pháp luật tại các thôn, xã trên địa bàn khu vực biên giới, thông báo rộng rãi số điện thoại đường dây nóng để kịp thời tiếp nhận, xử lý các vụ việc liên quan đến tội phạm mua bán người, xuất nhập cảnh trái phép.
Với sự vào cuộc của cấp ủy, chính quyền địa phương, trong đó chú trọng đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức cho người dân trên địa bàn về tội phạm mua bán người. Điều này đã từng bước kiềm chế, giảm thiểu các vụ án về mua bán người qua từng năm. Những phương thức, thủ đoạn của tội phạm này đã được nhân dân chủ động nhận diện, góp phần chung tay hành động vì sự an toàn của mỗi người, mỗi gia đình, vì cuộc sống bình yên của nhân dân.
Thu Uyên
Liên kết website
Ý kiến ()